Trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói: Nguyên nhân và giải pháp can thiệp

Trẻ 3 – 5 tuổi là giai đoạn ham thích khám phá thế giới và có nhu cầu giao tiếp rất cao. Vì thế nếu trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói thì chắc chắn quá trình phát triển của trẻ đang gặp vấn đề. Cha mẹ nếu thấy trẻ có biểu hiện khác thường trong vấn đề giao tiếp thì cần liên hệ ngay bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý để trẻ được thăm khám và can thiệp kịp thời, tranh những ảnh hưởng xấu về sau. 

Vì sao trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói?

Vấn đề chậm nói ở trẻ hiện nay không phải là một vấn đề hiếm gặp, và mỗi trường hợp trẻ chậm nói đều xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Có những trẻ chậm nói đơn thuần, tức là khả năng nói của trẻ chỉ tạm thời chững lại, và có thể khôi phục như bình thường khi trẻ bắt đầu đi học. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ chậm nói do các khiếm khuyết thần kinh, hoặc do một số bệnh lý khác ảnh hưởng.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói của trẻ cần được xác định chính xác để có phương pháp can thiệp thích hợp.

Trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói nếu kéo dài và không được can thiệp sớm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ về sau. Do đó khi phát hiện con có những dấu hiệu bất ổn, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gây chậm nói của trẻ để có hướng khắc phục hợp lý, và đưa ra những phương pháp hỗ trợ phù hợp.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ có thể kể đến như: chậm phát triển trí tuệ, bệnh lý liên quan đến bộ phận phát âm, tự kỷ, bệnh khó đọc, vấn đề thính giác và một số yếu tố môi trường khác tác động.

1. Chậm phát triển trí tuệ

Chậm phát triển trí tuệ là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng chậm nói ở trẻ. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ có thể kể đến như gien di truyền, nhiễm trùng do virus, tiếp xúc với chất độc từ thuốc hay chất kích thích, thai nhi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong thai kỳ, hoặc một số yếu tố chu sinh và sau sinh khác.

Trẻ chậm nói do chậm phát triển trí tuệ có thể kèm theo những rối loạn dễ nhận biết khác như tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, lo âu, bại não, giảm hoạt động, điếc,… Nếu trẻ chậm nói, khả năng giao tiếp và vận động kém, và kèm theo những dấu hiện của các chứng rối loạn trên thì rất có thể trẻ đang gặp vấn đề về phát triển trí tuệ, cha mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để có hướng giải quyết thích hợp.

2. Trẻ chậm nói đơn thuần

Trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói cũng có thể do vấn đề chậm nói đơn thuần. Chúng ta đều biết mỗi trẻ có tốc độ phát triển không hề giống nhau. Có những trẻ biết nói từ rất sớm, cũng có những trẻ biết đi nhanh hơn những trẻ khác, ngoài ra còn có những trẻ bộc lộ những tài năng thiên bẩm từ khi còn rất nhỏ. Vì thế có những trẻ phát triển chậm hơn một chút so với bình thường cũng là chuyện dễ hiểu.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Tình trạng trẻ chậm nói đơn thuần có thể tự biến mất, hoặc thông qua sự can thiệp hợp lý của phụ huynh.

Tuy rằng các nhà nghiên cứu có đưa ra những mốc phát triển, và những hoạt động trẻ có thể làm trong từng độ tuổi nhất định, nhưng những cột mốc này không chính xác trong mọi trường hợp. Tiêu biểu như trẻ chậm nói đơn thuần, có không ít trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói, nhưng tốc độ phát triển và khả năng ngôn ngữ của trẻ nhanh chóng trở lại bình thường khi bắt đầu đến trường. Trường hợp này cha mẹ không cần can thiệp gì vì trẻ có thể tự điều chỉnh.

Một số trường hợp khác thì cần sự can thiệp nhẹ nhàng của phụ huynh. Nhưng xét về tổng thể, trẻ chậm nói đơn thuần không phải là nguyên nhân quá nghiêm trọng. Cha mẹ chỉ cần can thiệp hợp lý là trẻ có thể nhanh chóng hòa nhập, cũng như phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

3. Rối loạn phổ tự kỷ

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, trẻ chậm nói do rối loạn phổ tự kỷ cũng là một nguyên nhân thường gặp, nhất là khi tỉ lệ trẻ tự kỷ không ngừng giai tăng trong những năm gần đây. Tự kỷ ở trẻ là do sự rối loạn phát triển thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ. Trẻ tự kỷ có xu hướng từ chối giao tiếp, không có nhu cầu nói chuyện với những người xung quanh, từ đó gây ra hiện tượng trẻ chậm nói.

Trẻ chậm nói do tự kỷ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, không dùng lời nói hoặc cử chỉ để thể hiện nhu cầu bản thân. Trẻ thường ê a những từ vô nghĩa, hành động lặp đi lặp lại, không thể nhớ được từ vựng, khó ghép từ hay ghép câu hoàn chỉnh, âm sắc và giọng nói có nhiều điểm kỳ lạ,… Trẻ cũng gặp rắc rối trong việc nghe hiểu và đối đáp với những người xung quanh khi được yêu cầu giao tiếp.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những nguyên nhân thường thấy gây nên tình trạng chậm nói ở trẻ.

Trong trường hợp này, trẻ cần được các chuyên gia đánh giá tình trạng để có hướng xử lý phù hợp. Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp chuyên gia để nhận được lời khuyên hợp lý và có phương pháp can thiệp kịp thời. Tự kỷ diễn biến suốt đời và hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên nếu mức độ tự kỷ của trẻ không quá nghiêm trọng và được can thiệp sớm, tình trạng của trẻ có thể nhanh chóng chuyển biến tích cực.

4. Khiếm khuyết trong bộ phận thu và phát âm

Ngoài những vấn đề liên quan đến trí não, những khiếm khuyết của bộ phận phát âm cũng là nguyên nhân khiến trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói. Những bệnh lý thực thể dễ thấy như hở hàm ếch hay thắng lưỡi ngắn có thể hạn chế hoạt động của răng, môi, lưỡi, trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ. Thông thường những vấn đề này sẽ được phát hiện và can thiệp từ sớm, nhưng không tránh khỏi có một số trường hợp bị xem nhẹ và bỏ qua.

Một số trẻ gặp vấn đề trong việc điều khiển cơ miệng, hàm, môi và lưỡi, hoặc do rối loạn xử lý âm thanh khiến khả năng tiếp nhận và phát âm gặp nhiều khó khăn. Từ đó trẻ hạn chế nói chuyện và phát âm do không thể phát âm rõ ràng, dẫn đến tình trạng chậm nói kéo dài. Thông thường những trẻ rơi vào trường hợp này sẽ được thăm khám và can thiệp bằng nhiều phương pháp tùy vào tình hình cụ thể, thường là qua phương pháp trị liệu ngôn ngữ.

Bên cạnh những khiếm khuyết trong bộ phận phát âm, những bệnh lý về thính giác như điếc, viêm tai, khiếm thính,… sẽ ngăn cản khả năng tiếp nhận thông tin của trẻ và dẫn đến tình trạng chậm nói. Chúng ta đều biết trong những năm đầu đời, trẻ học hỏi thông qua bắt chước những điều mắt thấy tai nghe. Vì thế nếu bộ phận tiếp nhận âm thanh có vấn đề, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nói năng.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Khiếm thính ảnh hưởng đến việc trẻ tiếp nhận và phản hồi thông tin, từ đó gây nên tình trạng chậm nói ở trẻ.

Bệnh lý về thính giác bẩm sinh luôn được phát hiện rất sớm, vì trẻ sẽ bộc lộ những bất ổn trong việc lắng nghe như không phản ứng với âm thanh, hoặc không quay đầu khi bố mẹ vỗ tay, tạo tiếng động trong những tháng đầu đời. Nhưng nếu thính giác của trẻ bị ảnh hưởng do những nguyên nhân khác như va đập, chấn thương, viêm tai,… trong quá trình phát triển thì khó nhận biết hơn. Vì thế cha mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra thính lực nếu có biểu hiện chậm nói.

Trong các bệnh lý về thính giác thì nhiễm trùng tai và viêm tai giữa mãn tính là những bệnh lý thường gặp. Nhiễm trùng tai thường gặp khi trẻ được 3 tuổi, và nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì không ảnh hưởng đến khả năng nghe về sau. Viêm tai giữa mạn tính thì nguy hiểm hơn vì ảnh hưởng nặng nề tới khả năng ngôn ngữ ở trẻ. Trẻ cần được thường xuyên kiểm tra bởi các bác sĩ tai mũi họng để đảm bảo tình trạng ổn định.

Việc hạn chế trong thính lực khiến trẻ không thể nghe, hoặc nghe không rõ những điều người xung quanh nói. Từ đó dẫn đến hạn chế trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin, cũng như khả năng hiểu và đối đáp của trẻ với những tác động từ bên ngoài. Khả năng bắt chước bị hạn chế khiến trẻ không thể phát âm trôi chảy, phát âm đúng từ vựng, không thể ghép câu và nghe hiểu những điều người xung quanh nói.

5. Thiếu sự tương tác với người xung quanh

Một nguyên nhân khiến trẻ chậm nói khác là do sự thiếu tương tác với cha mẹ và những người xung quanh. Muốn trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ thì sự tương tác hai chiều giữa trẻ và cha mẹ là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên một số phụ huynh xem nhẹ vấn đề giao tiếp với trẻ, thường xuyên để trẻ một mình, hoặc người trông trẻ cũng ít nói dẫn đến việc trẻ không có nhu cầu giao tiếp, lười nói, chậm nói.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Để trẻ một mình với thiết bị điện tử không giúp trẻ nói nhanh hơn, mà con ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp của trẻ.

Một trong những quan niệm sai lầm của cha mẹ là để trẻ học nói thông qua các thiết bị thông minh và các clip trên Youtube. Trên thực tế đây chỉ là những tương tác một chiều và không phù hợp cho trẻ nhỏ. Việc để trẻ một mình với tivi và điện thoại thông minh lâu ngày có thể khiến trẻ lười giao tiếp, lười nói dẫn đến tình trạng chậm nói. Nguyên nhân là do trẻ chỉ tiếp thu âm thanh mà không có hành động phản hồi.

Chưa kể mắt của trẻ có thẻ bị ảnh hưởng nếu tiếp xúc màn hình quá nhiều, bằng chứng là hiện nay nhiều trẻ cận thị sớm do cha mẹ bỏ mặc trẻ với tivi và điện thoại thông minh. Các thiết bị điện tử chỉ có khả năng hỗ trợ một phần, chứ không thể thay thế cha mẹ trong việc dạy trẻ tập nói. Muốn con phát triển bình thường và nhanh biết nói, cha mẹ cần dành thời gian nói chuyện, trao đổi và kích thích trẻ giao tiếp nhiều hơn.

Mỗi ngày phụ huynh nên dành ít nhất từ 1-2 tiếng để nói chuyện và dạy trẻ tập nói để kích thích khả năng ngôn ngữ. Trẻ rất cần sự tương tác 2 chiều để rèn luyện khả năng phản ứng, cách xử lý thông tin và đối đáp trong từng trường hợp. Nhiều nghiên cứu cho trẻ thường xuyên ở với người ít nói, hoặc không được cha mẹ quan tâm nhiêu có xu hướng chậm nói hơn những trẻ khác. Vì thế cha mẹ cần chú ý quan tâm và giáo dục trẻ nhiều hơn.

Những chú ý khi dạy trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói

Quá trình can thiệp và hỗ trợ trẻ chậm nói không phải là một quá trình đơn giản mà cần nhiều thời gian và công sức. Do đó cha mẹ cần nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, và lên kế hoạch cụ thể từng bước một để hỗ trợ trẻ tốt hơn. Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là đưa trẻ đến gặp bác sĩ và chuyên gia để xác định nguyên nhân và mức độ chậm nói của trẻ. Từ đó có phương hướng can thiệp chính xác. Trong quá trình dạy trẻ giao tiếp, cần chú ý một số vấn đề quan trọng dưới đây:

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Trước khi bắt đầu dạy trẻ tập nói, cha mẹ cần tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin để hiểu những điều nên và không nên làm để dạy trẻ hiệu quả hơn.
  • Khuyến khích trẻ nói chuyện tự nhiên, chứ không ép buộc, la mắng hay đe dọa. Hành động ép buộc chỉ khiến trẻ phản ứng dữ dội hơn và ngày càng chán ghét việc giao tiếp.
  • Chú ý, tập trung lắng nghe và dành thời gian cho trẻ khi thấy trẻ có nhu cầu giao tiếp. Việc trẻ chủ động giao tiếp cùng cha mẹ là một tín hiệu tốt, vì thế phụ huynh nên khuyến khích trẻ chủ động nhiều hơn.
  • Khi trẻ chủ động nói chuyện, hoặc có tiến bộ nhỏ, cha mẹ nên khen ngợi hoặc có phần thưởng nhỏ cho trẻ. Điều này có thể giúp trẻ cảm thấy giao tiếp là một điều thú vị, giúp trẻ chủ động nói chuyện nhiều hơn.
  • Tận dụng các hoạt động thường ngày để khuyến khích trẻ giao tiếp. Cha mẹ có thể thông qua các trò chơi, hoạt động giải trí, việc nhà đơn giản,… để khuyến khích trẻ học từ vựng, ghép câu và nói chuyện lưu loát hơn.
  • Dạy trẻ giao tiếp bằng những phương pháp khác nhau như lời nói và cử chỉ để mở rộng khả năng trao đổi thông tin ở trẻ.
  • Nếu trẻ có thái độ chống cự việc giao tiếp thì cần dỗ dành như ôm hôn, vỗ lưng hoặc cười với trẻ để giúp trẻ thoải mái và dịu lại. Tuy nhiên không nên chiều theo ý trẻ mà ngừng việc giao tiếp, vì như vậy chỉ khiến trẻ lười nói hơn. Hãy nhẹ nhàng hoặc thay đổi phương pháp để khích lệ trẻ bộc lộ suy nghĩ và nhu cầu thông qua lời nói.

Trẻ luôn có xu hướng bắt chước những điều cha mẹ làm, vì thế cha mẹ cần thể hiện thái độ đúng mực khi nói chuyện với những người xung quanh trước mặt trẻ. Chỉ có như vậy trẻ mới học hỏi được những điều tốt, và biết phân biệt thái độ nào phù hợp với những đối tượng nào. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ nói chuyện nhiều hơn dựa trên những điều trẻ thích, hoặc những chủ đề đơn giản xung quanh cách ứng xử với mọi người.

Trong quá trình dạy trẻ giao tiếp, cha mẹ cần dung hòa giữa sở thích của trẻ và yêu cầu của bản thân. Nếu cố bắt trẻ nói những chủ đề trẻ không thích, hoặc cha mẹ quá áp đặt việc giao tiếp lên trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, bức bối và càng kháng cự việc nói. Trẻ cần cảm nhận được hứng thú và sự vui thích trong quá trình học tập, vì thế cha mẹ nên tìm cách tạo dựng hứng thú cho trẻ với những chủ đề mới và cách tiếp cận mới.

Chậm nói ảnh hưởng đến trẻ ra sao?

Trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói, dù là do bất cứ nguyên nhân gì, cũng có thể ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển và các kỹ năng xã hội của trẻ về sau. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ có thể ngày càng lười nói, lười giao tiếp, dẫn đến việc cô lập bản thân với mọi người. Điều này rất có hại cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ trong giai đoạn trưởng thành. Do đó cha mẹ không thể coi nhẹ những vấn đề xoay quanh việc chậm nói của trẻ.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Vấn đề chậm nói gây nên nhiều hệ lụy không thể lường trước được, do đó cha mẹ cần chú ý nhiều trong việc hỗ trợ trẻ.

Trẻ chậm nói thường không hiểu và phản ứng với lời nói và hành động của người khác, gặp nhiều vấn đề trong sinh hoạt vì không thể bộc lộ suy nghĩ và nhu cầu của bản thân. Do đó, trẻ cũng thiếu khuyết những kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng kết bạn, kỹ năng xây dựng và giữ gìn mối quan hệ, kỹ năng tư duy, kỹ năng nhận biết và phòng tránh nguy hiểm, kỹ năng thông cảm và giúp đỡ người khác,…

Chính vì thiếu những kỹ năng xã hội, trẻ hoàn toàn không thể kết bạn, không thể phản ứng và xử lý tình huống xảy ra xung quanh. Từ đó trẻ chậm nói nếu không được phát hiện và can thiệp sớm dễ rơi vào trường hợp bị xa lánh, bắt nạt, không thể hòa nhập cùng cộng đồng. Trẻ sẽ cảm thấy cô đơn, bức bối và lâu dần có thể hình thành những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Chính vì thê vấn đề trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói cần được đặt biệt quan tâm.

Bên cạnh những vấn đề xã hội, trẻ chậm nói cũng phải đối mặt với những vấn đề của bản thân. Vì không thể nói ra nhu cầu và cảm xúc, trẻ chậm nói có xu hướng dễ kích động và nóng nảy, có những hành động bạo lực như la hét hoặc đánh cha mẹ. Đây là do sự bức bối trong lòng không có phương tiện phát tiết nên thay đổi thành hành động.

Những giải pháp can thiệp khi trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ, vì thế chúng ta cũng có nhiều cách can thiệp khác nhau tùy vào tình hình cụ thể. Trẻ chậm nói đơn thuần có thể tự điều chỉnh khi đến tuổi đi học, hoặc cha mẹ có thể can thiệp nhẹ nhàng để trẻ nhanh chóng đạt đến mức phát triển bình thường.

Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Cha mẹ là những người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp.

Còn với trẻ chậm nói do những nguyên nhân khác thì cần kết hợp với bác sĩ để có phương án can thiệp phù hợp, vì tình trạng chậm nói này cần nhiều thời gian và cố gắng cải thiện để thấy được kết quả. Ví dụ trẻ chậm nói do tự kỷ chỉ có thể giúp trẻ giảm bớt những rào cản trong giao tiếp, chứ không thể trị dứt hoàn toàn. Ngoài ra kết quả can thiệp còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng của từng trẻ.

Nếu tình trạng chậm nói của trẻ gây ra do viêm tai, khiếm thính, dính thắng lưỡi, hở hàm ếch,… thì cần sự can thiệp y tế để giúp trẻ cải thiện khả năng nghe và nói. Các bác sĩ có thể dùng cách phẫu thuật, hoặc một số công cụ hỗ trợ để trẻ nghe nói tốt hơn. Còn nếu việc chậm nói của trẻ là do những vấn đề rối loạn thần kinh, các bác sĩ cũng có thể chỉ định những loại thuốc bổ não, thuốc điều trị triệu chứng giúp trẻ bình tĩnh và dễ hòa nhập hơn.

Những liệu pháp trị liệu ngôn ngữ cũng được áp dụng rộng rãi để giúp trẻ cải thiện khả năng nói và giao tiếp. Những liệu pháp ngôn ngữ được ứng dụng rộng rãi hiện nay bao gồm: liệu pháp PROMPT (tái cấu trúc cơ miệng), liệu pháp PECS (hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh), AAC (tăng cường và thay thế phương tiện giao tiếp),…

Bên cạnh sự can thiệp của chuyên gia, cha mẹ cũng có thể tổ chức một số hoạt động để tăng cường khả năng phát âm và giao tiếp ở trẻ. Từ đó giúp cải thiện tình trạng trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói tốt hơn.

  • Tích cực giao tiếp với trẻ: Dành nhiều thời gian giao tiếp với trẻ là điều kiện bắt buộc để giúp trẻ cải thiện vốn từ ngữ, khả năng nghe hiểu, xử lý thông tin và phản ứng lại với những tác động bên ngoài. Cha mẹ có thể thay đổi nhiều cách giao tiếp với trẻ như cùng trẻ chơi trò chơi, đọc sách, ca hát, đóng kịch, xem tivi kết hợp với giải thích những điều đang xem với trẻ, hoặc cha mẹ có thể cùng trẻ tham gia hoạt động và tận dụng cơ hội giải thích cho trẻ những đồ vật xung quanh. Những hoạt động vừa học vừa chơi này cần được diễn biến đều đặn để giúp trẻ hình thành thói quen.
Trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian giao tiếp với trẻ để hiểu con hơn, cũng như trở thành người bạn thân thiết với con trong quá trình trưởng thành.
  • Bắt đầu từ những điều đơn giản: Khi bắt đầu dạy trẻ, cha mẹ cần khởi động bằng những kiến thức và từ vựng cơ bản nhất. Điều tối kị khi dạy trẻ là nôn nóng và nhồi nhét quá nhiều điều trong một thời gian ngắn. Cha mẹ nên bắt đầu từ bảng chữ cái, rồi đến những từ ngữ đơn giản, sau đó tăng dần độ khó khi trẻ bắt đầu làm quen và nhớ, phát âm được những từ được dạy. Ban đầu, hãy cho trẻ nhiều thời gian để ghi nhớ và làm quen, sau đó rút ngắn dần thời gian để bộ não trẻ tăng cường độ làm việc. Tốt nhất nên tìm những từ vựng liên quan đến chủ đề trẻ hứng thú để thu hút sự quan tâm.
  • Cùng trẻ tương tác và chơi đùa: Tất cả những hoạt động có tính tương tác qua lại giữa trẻ và cha mẹ đều có khả năng kích thích khả năng giao tiếp của trẻ. Đặc biệt những hoạt động như đóng kịch, ca hát, đọc sách, chơi đồ chơi là những cách không chỉ dạy trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói giao tiếp tốt hơn, mà còn kích thích khả năng sáng tạo, bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn, giúp trẻ cảm nhận và hiểu được những điều tốt, những đạo lý làm người một cách trực quan nhất. Trong quá trình khám phá, nếu trẻ có thắc mắc, cha mẹ nên tìm cách giải thích để kích thích trí tò mò. Điều này có thể khuyến khích trẻ liên tục đặt câu hỏi.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với thiết bị thông minh: Thay vì để trẻ suốt ngày ôm điện thoại hay tivi, cha mẹ nên khuyến khích trẻ ra ngoài hoạt động, kết bạn hoặc chuyển sự chú ý của trẻ sang những hoạt động yêu cầu sự tương tác nhiều hơn. Thiết bị thông minh là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ, có thể khiến trẻ giảm sự chú ý và ham thích khám phá. Trẻ cũng từ chối giao tiếp thì đã đổ dồn toàn bộ sự chú ý vào những video clip trên điện thoại. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến năng lực giao tiếp, mà còn là thị lực của trẻ.
  • Giúp trẻ kết bạn: Trẻ chậm nói cần nhiều cơ hội giao tiếp hơn, do đó hãy đưa trẻ đến những nơi đông người, hoặc nơi có nhiều những đứa trẻ đồng trang lứa để giúp trẻ có cơ hội kết bạn. Việc tiếp xúc với nhiều người có thể đẩy mạnh nhu cầu giao tiếp, giúp trẻ nhanh chóng học được những điều mới lạ. Một trong những điều tối kị của việc giáo dục trẻ chậm nói là ngăn cản trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Nếu cha mẹ lo lắng cho trẻ thì có thể chọn những trường mầm non chất lượng cho trẻ theo học, kết hợp với giáo viên để giúp trẻ hòa nhập, kết bạn với mọi người.
trẻ 3 - 5 tuổi chậm nói
Khuyến khích trẻ kết bạn để tăng cường môi trường và cơ hội giao tiếp có ảnh hưởn tích cực đến quá trình phục hồi của trẻ chậm nói.

Hiện nay vấn đề trẻ 3 – 5 tuổi chậm nói không hiếm gặp nên gây nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh. Tình trạng chậm nói của trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mức độ chậm nói và khả năng hồi phục cũng có sự khác biệt trong từng tình huống cụ thể. Do đó cha mẹ nên nhanh chóng chấp nhận và có cái nhìn lạc quan về tình trạng của trẻ. Trẻ con rất nhạy cảm, và trẻ có thể cảm nhận được những nguồn năng lượng tiêu cực nếu cha mẹ quá lo lắng và ưu tư về việc chậm nói của trẻ.

Những phương pháp trị liệu và can thiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhanh chóng hoàn thiện kỹ năng giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng. Nhưng việc cha mẹ dành thời gian làm bạn và chơi đùa cùng con lại có ảnh hưởng tích cực và mạnh mẽ hơn tới quá trình cải thiện khả năng nói chuyện của trẻ.

Hãy để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương và những cố gắng trong việc làm bạn với trẻ của cha mẹ. Đó là cách tốt nhất để trẻ nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Phụ huynh hãy nhớ rằng, không liều thuốc nào hữu ích hơn tình cảm cha mẹ dành cho con.

Có lẽ bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm không điển hình loại trầm cảm mà tâm trạng của cá nhân có thể tốt lên khi có các sự kiện tích cực
Trầm cảm không điển hình là gì? Các thông tin cần biết

Trầm cảm không điển hình là một rối loạn trầm cảm được phân loại trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn...

Trầm cảm và stress không phải là cùng một vấn đề
Trầm cảm và stress giống hay khác nhau? Mối liên hệ

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa trầm cảm và stress, cho rằng hai vấn đề này là một. Thế nhưng, trầm cảm và stress tuy...

Trầm cảm nội sinh là loại trầm cảm không liên quan đến các sự kiện hoặc yếu tố môi trường
Trầm cảm nội sinh là gì? Nguy hiểm không? Điều cần biết

Trầm cảm nội sinh nội sinh là một rối loạn trầm cảm nghiêm trọng, đặc trưng bởi cảm giác chán nản, buồn bã kéo dài...

Trầm cảm ở người cao tuổi ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi: Dấu hiệu và cách hỗ trợ

Trầm cảm ở người cao tuổi ngày càng gia tăng, có khoảng 15 - 45% người cao tuổi ở độ tuổi trên 55 tại Việt...