Trẻ chậm nói có phải kém thông minh?

Vấn đề chậm nói ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cơ quan phát âm có khiếm khuyết, hoặc trẻ có vấn đề về tâm lý. Những biểu hiện này có thể giảm dần và biến mất theo thời gian nếu trẻ được quan tâm và chỉ bảo đúng cách. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại đánh đồng chuyện trẻ chậm nói với việc trẻ kém thông minh. Trẻ kém thông minh thường chậm nói, nhưng trẻ chậm nói có phải kém thông minh? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói

Trẻ chậm nói là khi khả năng ngôn ngữ của trẻ có tốc độ phát triển chậm hơn bạn bè đồng trang lứa. Ví dụ ở tuổi của trẻ thì đã có thể phát âm những từ đơn giản một cách lưu loát, nhưng trẻ lại không thể hiện được điều đó như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Điều này gây ra nhiều lo lắng cho các bậc phụ huynh khi thấy con mình đã đến tuổi, nhưng không thể phát âm rõ ràng và rành mạch như bình thường.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Chậm nói là một biểu hiện của việc kém thông minh, nhưng chỉ dùng dấu hiệu này để đánh giá trí thông minh của trẻ là không xác đáng.

Một trong những biểu hiện của trẻ kém thông minh là việc chậm nói, nhưng không phải đứa trẻ chậm nói nào cũng kém thông minh. Trong số những yếu tố gây chậm nói, có những yếu tố nếu không quá nghiêm trọng hoàn toàn có thể được cải thiện nếu đưa trẻ đến gặp bác sĩ đúng lúc. Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói thường nằm trong số những nguyên nhân sau.

Tổn thương não

Não là cơ quan điều phối mọi hoạt động trong cơ thể, kể cả việc nói năng và phát âm. Do đó những tổn thương não khiến cơ quan này không thể hoạt động bình thường sẽ tác động đến khả năng nói chuyện của trẻ. Đặc biệt nếu tổn thương ấy nằm ở vùng thính giác, vùng hiểu ngôn ngữ, hoặc vùng vận động ngôn ngữ. Đây là những khu vực trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng nói, có thể khiến trẻ chậm nói hoặc gặp khó khăn khi phát âm.

Nguyên nhân gây tổn thương não có thể do đột biến gen, virus, chất độc thủy ngân, khói thuốc lá, hóa chất có hại,… Ngoài ra những chấn động mạnh khi mang thai hoặc việc dùng thuốc quá liều của mẹ cũng ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Trẻ sinh non cũng có xác xuất gặp vấn đề về ngôn ngữ cao, thường bị chậm nói do não trẻ chưa phát triển hoàn thiện trong bụng mẹ đã phải ra đời.

Ngoài ra chậm nói cũng là một trong những biểu hiện của bệnh tự kỷ, một chứng rối loạn phát triển não bộ ở trẻ. Tình trạng tự kỷ trong những năm gần đây đang có chiều hướng tăng cao, đặc biệt ở các bé trai. Hội chứng này chưa có phương pháp chữa trị tận gốc và diễn biến suốt đời, gây nhiều khó khăn cho trẻ trong quá trình giao tiếp.

Khiếm khuyết trong cơ quan cảm nhận âm và phát âm

Sự phối hợp nhịp nhàng và đồng điệu giữa các cơ quan phát âm giúp con người nói năng lưu loát, tròn vành rõ chữ và dễ nghe hơn. Tuy nhiên nếu một trong những cơ quan ấy bị dị tật hay khiếm khuyết, khả năng giao tiếp bằng lời nói của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhất là trong những năm đầu đời, trẻ có thể chậm nói do ảnh hưởng từ bộ máy phát âm.

Ví dụ những dị tật thường thấy ở trẻ như hở hàm ếch, dính thắng lưỡi, sứt môi, khớp cắn ngược, phanh lưỡi ngắn, hoặc một vài dị tật đặc biệt khác đều có thể cản trở khả năng phát âm của trẻ, khiến trẻ chậm nói hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa. Không chỉ chậm nói, trẻ còn khó phát âm, phát âm không rõ ràng hoặc nói ngọng.

Bên cạnh vấn đề về cơ quan phát âm, thính lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói. Chúng ta đều biết trẻ học hỏi qua cách bắt chước những âm thanh, hành động mà tai nghe mắt thấy. Do đó nếu không thể nghe, hoặc nghe không rõ thì khả năng phát âm và nói năng của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Việc trẻ nghe không rõ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển ngôn ngữ, gây chậm nói vì trẻ không tiếp thu đủ âm thanh để học hỏi và bắt chước.

Vấn đề thính lực có thể do bẩm sinh, hoặc những yếu tố bên ngoài tác động như virus, chấn thương, ảnh hưởng bởi thuốc hoặc các hóa chất độc hại trong thai kỳ.

Sang chấn tâm lý

Nhiều người cho rằng sang chấn tâm lý chỉ gặp ở người lớn, nhưng trên thực tế trẻ em vẫn có thể bị sang chấn tâm lý như thường. Trẻ vốn là đối tượng nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, thêm vào khả năng giao tiếp bị hạn chế khi còn nhỏ tuổi, nên có những điều khiến trẻ sợ hãi và gây sang chấn nặng nề mà bố mẹ không thể biết được. Những chấn động tâm lý này có thể in sâu vào tiềm thức của trẻ, khiến khả năng giao tiếp bị cảm trở gây ra hiện tượng chậm nói.

Tình hình chậm nói sẽ diễn biến ngày càng nghiêm trọng, thậm chí trẻ có thể hoàn toàn từ chối giao tiếp nếu cha me không có biện pháp can thiệp thích hợp. Do đó khi thấy trẻ chậm nói, cha mẹ cần phải quan tâm và trò chuyện với trẻ nhiều hơn để tìm ra khúc mắc trong lòng trẻ và giải quyết nó. Nếu không được quan tâm đúng cách, trẻ có thể thu mình, tư cô lập bản thân, có thái độ chống đối khi được yêu cầu nói chuyện.

Ảnh hưởng của thiết bị thông minh

Điện thoại, tablet, tivi là những công cụ cha mẹ dùng để dỗ dành trẻ. Phụ huynh thường đưa cho trẻ những thiết bị điện tử để trẻ ngồi im chơi game, xem video clip nhằm giúp bản thân có thời gian rảnh đi làm việc khác. Đây là một con dao hai lưỡi đối với sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ ở trẻ. Hành động này về lâu dài có thể khiến trẻ chậm nói, tư duy kém, cận thị và nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác đến sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những trẻ tiếp xúc quá nhiều với điện thoại thông minh, ít giao tiếp và chơi đùa với cha mẹ và những người xung quanh có xác suất chậm nói cao hơn những trẻ khác. Lý do là vì trẻ tiếp thu thông tin thụ động, không có sự tương tác khiến não không hoạt động nhiều, lâu dần khiến trẻ ngại giao tiếp và không có nhu cầu nói chuyện.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh?

Như đã nói ở trên, chậm nói chỉ là một trong những biểu hiện thường gặp của việc kém thông minh, chứ chúng ta không đánh đồng mọi trẻ chậm nói đều có vấn đề về trí tuệ. Trẻ chậm nói không phải là hiện tượng hiếm gặp vì mỗi trẻ sẽ có khả năng tiếp thu và phát triển ngôn ngữ khác nhau. Có những trẻ biết nói chậm hơn bạn đồng trang lứa, nhưng khi đến tuổi đi học, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ trở lại bình thường.

Việc chậm nói không ảnh hưởng đến chỉ số thông minh mà ngược lại, chỉ số thông minh cao có thể gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ. Một số nhà nghiên cứu tin rằng do các phần não của những đứa trẻ thông minh phát triển nhanh hơn nhiều so với độ tuổi, dẫn đến sự phát triển ngôn ngữ tạm thời chững lại, nhường chỗ cho những khả năng khác phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp hi hữu chứ không phải mọi trẻ chậm nói đều thông minh.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Có nhiều nguyên nhân gây chậm nói ở trẻ, do đó chúng ta cần phân tich và tìm hiểu kỹ.

Cha mẹ không cần quá lo lắng về việc trẻ chậm nói có phải kém thông minh. Bởi vì chậm nói do kém thông minh thường đi kèm với những vấn đề khác về chức năng vận động như chậm lật, chậm bò và chậm biết đi. Nếu trẻ chỉ chậm nói mà không có thêm những biểu hiện trên thì khả năng kém thông minh là rất thấp.

Trẻ chậm nói, dù với bất cứ lý do gì, cũng cần nhận được sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ. Tình trạng chậm nói kéo dài nếu không được can thiệp có thể chuyển biến xấu, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Nhất là khi trẻ đang trong độ tuổi tiếp thu kiến thức tốt nhất. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chuẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời.

  • Không quay mặt sang hướng có âm thanh, không phản ứng khi được gọi.
  • Ê a những tiếng vô nghĩa, không thể nói những từ đơn giản đầu đời như ba, mẹ, ông, bà,…
  • Không có những hành động chỉ tay, vỗ tay
  • Khó học từ mới, không nhớ từ
  • 18 tháng nhưng trẻ chỉ dùng cử chỉ tay chân, ít khi mở miệng
  • 24 tháng nhưng trẻ chưa nói được câu hoàn chỉnh, chưa thể tư duy trả lời câu hỏi
  • Phát âm và giọng nói bất thường

Việc trẻ chậm nói có phải kém thông minh không thể kết luận vội vàng mà cần nhiều biểu hiện chính xác và rõ ràng hơn. Còn những biểu hiện trên đây chứng tỏ trẻ đang có vấn đề về ngôn ngữ và cần được can thiệp kịp thời để cải thiện tình hình. Đầu tiên cha mẹ cần xác định được đâu là nguyên nhân gây chậm nói. Sau đó kết hợp với chuyên gia để tìm ra phương pháp thích hợp giúp trẻ có thể nói chuyện bình thường.

Những mốc phát triển ngôn ngữ của trẻ

Khả năng và tốc độ phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ là khác nhau, có trẻ biết nói sớm, có trẻ biết nói chậm. Tuy nhiên xét trên tổng thể ta có thể chia làm 7 giai đoạn, tương ứng với quá trình phát triển từ sơ sinh đến 6 tuổi của trẻ. Cha mẹ có thể dựa trên những mốc giai đoạn này để biết trẻ nên phát triển ngôn ngữ theo hướng nào, và bao nhiêu là phù hợp.

  • 1 – 3 tháng: Giai đoạn này trẻ chưa thể nói chuyện vì trí lực và các cơ quan phát âm chưa sẵn sàng cho việc giao tiếp. Cách giao tiếp duy nhất của trẻ với môi trường xung quanh trong độ tuổi này là gào khóc. Khóc là cách trẻ thể hiện cảm xúc và nhu cầu của mình với mọi người. Cũng trong giai đoạn này, trẻ nắm bắt được âm thanh, và thường quay về hướng có âm thanh phát ra. Nếu trẻ không phản ứng với âm thanh thì cần mang trẻ đi khám ngay.
  • 4 – 5 tháng: Lúc này trẻ đã cứng cáp hơn, bắt đầu biết cười và thể hiện những cảm xúc khác nhau qua nét mặt. Trẻ có thể ré lên hoặc ê a để thể hiện nhu cầu, sự sợ hãi hay vui mừng. Đây là giai đoạn chuyển giao vì sau 5 tháng thì trẻ có thể bắt đầu bập bẹ những âm tiết đầu tiên.
  • 6 – 9 tháng: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ bắt đầu rõ ràng hơn từ giai đoạn này. Trẻ có thể phát ra những âm tiết đầu tiên, thường là bắt chước âm điệu của cha mẹ. Giai đoạn 6-9 tháng trẻ bắt đầu có những nhận thứ rõ ràng hơn, cơ quan phát âm cũng dần cứng cáp và hỗ trợ tốt cho việc bập bẹ học nói của trẻ.
Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Từ những tháng đầu tiên, cha mẹ nên chú ý luyện phát âm cho trẻ để kích thích khả năng ngôn ngữ phát triển toàn diện.
  • 12 tháng: Khi được 1 tuổi, trẻ bắt đầu nói được những từ ngữ đầu tiên, thường là ba, mẹ, bà, và sau đó là những từ đơn ngắn, đơn giản và quen thuộc trẻ thường được nghe. Trẻ phát âm không có chủ đích, chỉ nói khi thích và thường cha mẹ rất khó dụ trẻ nói theo ý mình.
  • 18 – 24 tháng: Vốn từ đơn của trẻ được cải thiện với những từ ngữ xoay quanh đồ vật, hiện tượng quen thuộc thường ngày. Lúc này trẻ đã có khả năng nói những từ đôi ngắn và đơn giản như “con mèo”, “con cá”, “búp bê”,… Cha mẹ lúc này có thể chỉnh dần phát âm cho trẻ để trẻ nói rõ, to và tròn chữ hơn.
  • 2 – 3 tuổi: Từ 2 tuổi trở lên khả năng nói của trẻ đã gần như hoàn thiện, các cơ quan hỗ trợ phát âm cũng dần quen với việc hoạt động. Lúc này trẻ có thể nói những cụm từ dài hoặc những câu nói ngắn gọn, đơn giản và trực tiếp như “con đói bụng”, “con không thích”. Trẻ cũng nhận biết được màu sắc, âm thanh, hình dáng, gọi trên đồ vật và sử dụng những đại từ nhân xưng trong giao tiếp.
  • 3 – 5 tuổi: Đây là độ tuổi trẻ vô cùng hiếu động, tò mò, thích hỏi han và khám phá thế giới. Trẻ sẽ thường kéo cha mẹ đển gần để kể chuyện và ríu rít không ngừng. Trẻ cũng thích trò chuyện cùng mọi người và biết nghe, hiểu, trả lời câu hỏi người lớn đưa ra. Những câu nói và từ ngữ trẻ dùng đã phức tạp hơn nhiều, vì trẻ đã hấp thu được nhiều kiến thức mới. Khả năng tư duy logic trong giai đoạn này cũng thể hiện khá rõ.

Trên đây là quy trình phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ. Trong trường hợp trẻ chậm nói, phụ huynh nên xác định tình trạng của trẻ, và bắt đầu từ những mức thấp hơn để trẻ có đầy đủ căn bản. Đừng tạo áp lực mà hãy để trẻ có quá trình làm quen dần với từ ngữ và cải thiện khả năng nói.

Cách để cải thiện khả năng nói của trẻ

Nếu cha mẹ đã hiểu rõ vấn đề trẻ chậm nói có phải kém thông minh hay không, thì điều kế tiếp cần quan tâm là làm sao giúp trẻ cải thiện khả năng nói. Nếu trẻ rơi vào tình trạng chậm nói quá lâu thì rất dễ ảnh hưởng đến khả năng nói sau này. Cho dù một số trẻ có thể phát âm bình thường sau một thời gian, nhưng không phải ai cũng vậy. Và việc can thiệp tâm lý cùng y tế là điều vô cùng cần thiết.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Cài thiện khả năng ngôn ngữ ở trẻ chậm nói không khó, nhưng yêu cầu sự yêu thương, bao dung, nhẫn nại rất lớn từ cha mẹ và gia đình.

Có rất nhiều cách giúp trẻ cái thiện khả năng nói mà cha mẹ có thể vận dụng tại nhà. Những phương pháp này nếu muốn phát huy tác dụng tốt nhất thì nên dựa trên tình trạng hiện tại của trẻ, cũng như kiến nghị của chuyên gia. Tuy nhiên dù dùng phương pháp nào thì việc cha mẹ đồng hành cùng trẻ vẫn là điều quan trọng nhất.

Thường xuyên trò chuyện với trẻ

Việc thường xuyên trò chuyện với trẻ nên bắt đầu từ giai đoạn mang thai, hay còn gọi là thai giáo. Trẻ từ khi ở trong bụng mẹ đã cảm nhận được tiếng nói của cha mẹ, và có thể phản ứng như đá chân khi nghe tiếng nói của người thân. Việc trò chuyện này rất tốt cho sự phát triển não của trẻ, giúp trẻ hình thành những ý niệm đầu tiên về ngôn ngữ từ khi còn là bào thai.

Cha mẹ có thể trò chuyện, kể chuyện cổ tích, cùng trẻ nghe nhạc, chơi đồ chơi hay bất cứ hành động gì để trẻ cảm nhận được nhiều loại âm thanh nhất có thể với cường độ phù hợp. Những hoạt động này nên kéo dài cả khi trẻ sinh ra và trong quá trình lớn lên.

Cha mẹ sẽ là người dẫn dắt trẻ khám phá thế giới, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp một cách toàn diện, từ đó hạn chế tình trạng chậm nói. Hãy dạy trẻ cách gọi tên những đồ vật xung quanh, giúp trẻ tận dụng mọi giác quan và cử chỉ trong quá trình giao tiếp để làm phong phú cảm giác và ngôn từ của trẻ

Ngoài ra trò chuyện thường xuyên sẽ giúp cha mẹ nhanh chóng phát hiện bất thường nơi trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện chậm nói, cha mẹ có thể đưa trẻ đi cải thiện sớm để ngăn chặn tình trạng ngày càng tồi tệ. Trẻ chậm nói có phải kém thông minh? Hoàn toàn không. Vì thế khi thấy trẻ có biểu hiện chậm nói thì cha mẹ phải hành động ngay để giúp đỡ trẻ.

Chỉnh lại cách trẻ phát âm

Trẻ chậm nói thường đi kèm với phát âm không rõ, không tròn vành rõ chữ do bị hạn chế về khả năng tiếp nhận ngôn ngữ. Lúc này điều cha mẹ cần làm là kiên nhẫn sửa đúng cách phát âm của trẻ. Bắt đầu từ những âm đơn giản, từ nguyên âm đến phụ âm. Hãy hướng dẫn trẻ tập phát âm đúng và yêu cầu trẻ lập đi lập lại nhiều lần. Chúng ta nên dạy trẻ ít và khuyến khích trẻ thực hành nhiều sẽ mang lại kết quả khả quan hơn.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Chỉnh phát âm đúng cho trẻ từ những năm đầu đời sẽ giúp trẻ không bị ngọng và hạn thấp tỉ lệ trẻ bị chậm nói.

Khi dạy trẻ phát âm, cha mẹ nên nói chậm, rõ và ngắt câu thành những cụm từ có nghĩa để trẻ học theo. Việc ngắt câu giúp trẻ dễ tiếp nhận thông tin, hiểu và phản hồi tốt hơn trong quá trình giao tiếp. Chú ý khi ngắt câu nên ngắt hợp lý, đừng chia nhỏ những từ đôi có nghĩa ra.

Nhìn thẳng vào mắt trẻ khi nói

Tương tác bằng mắt là một trong những yêu cầu quan trọng trong giao tiếp. Cha mẹ nên tập cho trẻ nhìn vào mắt ngươi đối diện khi được gọi tên và khi trò chuyện với mọi người. Hành động này giúp tăng cường sự tự tin, tạo cảm giác bình đẳng và khuyến khích trẻ không ngại ngùng khi trò chuyện.

Cha mẹ nên lập đi lập lại hành động này và yêu cầu trẻ nhìn theo khi trò chuyện, luyện nói hay luyện phát âm. Như vậy trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ và tạo thành thói quen về sau. Tính cách xấu hổ, ngại nói chuyện của trẻ có thể làm trầm trọng thêm việc chậm nói. Do đó cha mẹ nên biết cách tạo dựng lòng tin cho trẻ, giúp trẻ cảm thấy đối thoại là một hoạt động thú vị và khiến trẻ ham thích tham gia.

Dùng công cụ hỗ trợ

Tranh ảnh, mô hình, học cụ, thú bông, tượng đất, thẻ in hình… là những món đồ chơi cha mẹ có thể mua cho trẻ để dạy trẻ nói. Hình thức vừa học vừa chơi với tranh ảnh sặc sỡ, cùng những mô hình như thật sẽ kích thích khả năng tư duy, sự sáng tạo, trí nhớ và khả năng ngôn ngữ của trẻ.

Cha mẹ nên đưa cho trẻ những món đồ chơi nhỏ, hoặc chỉ vào hình ảnh minh họa trong sách và dạy trẻ gọitên đồ vật, con vật. Hình ảnh trực quan và sinh động sẽ tạo cho trẻ cảm giác muốn nói chuyện, muốn bộc lộ cảm xúc hơn là chỉ có những từ ngữ khô khan. Ngoài ra hình ảnh thực tế cũng giúp trẻ ghi nhớ lâu hơn, và dễ mường tượng về hình ảnh hơn khi nghe từ ngữ.

Cách học này luôn mang lại hiệu quả cao nhờ sự thú vị và khả năng tương tác cao với trẻ. Chính vì thế không ít phụ huynh chọn dùng cách này để cải thiện kỹ năng nói cho trẻ, vừa đơn giản lại vừa mang lại kết quả tuyệt vời. Nếu có cơ hội, cha mẹ có thể đưa trẻ ra ngoài và tiếp xúc với nhiều sự vật trong thực tế hơn để trẻ cảm nhận.

Hạn chế tối đa thiết bị điện tử

Những thiết bị điện tử thông minh như tivi, iPad, điện thoại di động vẫn có tác dụng hỗ trợ khả năng nói cho trẻ thông qua các video, hình ảnh, và phần mềm dạy học thú vị. Đặc biệt, những món đồ này có thể giúp trẻ yên tĩnh trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tác hại mà những món đồ công nghệ mang đến cũng không thể xem thường nếu cha mẹ lạm dụng quá đà.

Trẻ chậm nói có phải kém thông minh
Đừng cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bi điện tử nếu không muốn trẻ chậm nói, vì đây là con dao hai lưỡi, lợi thì ích mà hại thì nhiều.

Những thiết bị điện tử chỉ có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp hình ảnh, âm thanh trực quan để cha mẹ dạy con học nói. Ngoài ra ánh sáng và sóng điện thoại cũng không tốt cho não và mắt trẻ nếu tiếp xúc quá nhiều. Do đó cha mẹ cần hạn chế thấp nhất việc sử dụng công cụ điện tử khi dạy trẻ nói, tốt nhất nên dùng hình giấy hoặc đồ chơi trực quan.

Tương tác 1 chiều giữa trẻ và điện thoại có thể là nguyên nhân gây chậm nói vì khiến trẻ lười tư duy, lười nói chuyện, không muốn tiếp xúc với mọi người. Sự tương tác hai chiều giữa người nói và người nghe mới giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và vốn từ ngữ của mình.

Không chiều theo ý trẻ và khích lệ trẻ bày tỏ nhu cầu

Điều quan trọng khi dạy trẻ là không được chiều theo ý muốn của trẻ. Cha mẹ cần có sự cứng rắn nhất định, không vì trẻ khóc hay tỏ thái độ chống đối liền buông xuôi. Hành động này sẽ tạo thành một tiền lệ xấu, khiến trẻ ngày càng lười nói và cảm thấy chỉ cần khóc quấy là có thể khiến cha mẹ đầu hàng. Nếu trẻ đã quen với việc uy hiếp, trẻ sẽ tiếp tục hành động này.

Cha mẹ hãy khích lệ trẻ nói chuyện, thể hiện cảm xúc và nhu cầu. Ví dụ nếu trẻ muốn một thứ gì đó, trẻ buộc phải mở miệng nói lên ý muốn của mình, chứ không chỉ tay vào món đồ và yêu cầu cha mẹ phải tự hiểu. Hãy nói với trẻ rằng “Nếu con muốn cái đó, con phải nói cho cha mẹ biết thì cha mẹ mới cho con”. Cho dù trẻ có phản đối hay quấy khóc thì cha mẹ cũng không thể mềm lòng mà nhân nhượng.

Hãy nhớ, việc khích lệ trẻ nói lên nhu cầu cũng giúp rèn luyện thói quen tốt là thẳng thắn bộc lộ ý kiến cá nhân. Việc này không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng nói, mà còn cải thiện khả năng giao tiếp, giúp trẻ tự tin hơn khi đứng trước mọi người. Tự tin cũng là một yếu tố khiến trẻ thích nói chuyện, và có thể gia tăng tần suất trao đổi với mọi người.

Vấn đề trẻ chậm nói có phải kém thông minh thật sự làm nhiều phụ huynh phải khốn đốn. Việc những ông bố, bà mẹ hoảng loạn khi thấy con biết nói chậm hơn bạn bè, phát âm không rõ ràng, thậm chí là không muốn mở miệng không hề hiếm thấy. Nhất là khi những chứng tự kỷ ở trẻ em, hoặc những bệnh về não có chiều hướng tăng cao. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, trẻ chậm nói không nhất định là trẻ kém thông minh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường trong ngôn ngữ, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Ngoài ra, cha mẹ khi ở nhà cũng có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng ngôn ngữ bằng cách thường xuyên trò chuyện, giúp trẻ tập nói thông qua những đạo cụ trực quan, hoặc cùng trẻ vừa chơi vừa học bằng những trò chơi thông minh giúp phát triển kỹ năng nói.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giáo viên cần làm gì khi gặp trẻ tự kỷ để giúp trẻ hoà nhập

Bản thân trẻ tự kỷ có hành vi, cảm xúc khác biệt so với những trẻ bình thường. Do đó khi tiếp nhận trẻ, hầu...

Khi nào nên cho trẻ học tiếng Anh, mấy tuổi là tốt nhất?

Theo nhiều nghiên cứu thì việc cho trẻ làm quen sớm với ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh sẽ mang lại nhiều lợi ích...

vượt qua nỗi đau bị phản bội
10 cách vượt qua nỗi đau bị phản bội để vui vẻ, hạnh phúc hơn

Có khi nào bạn tự hỏi làm thế nào để vượt qua nỗi đau bị phản bội mà vẫn giữ được lòng tin vào cuộc...

phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần
Cách phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần

Biểu hiện chậm nói xuất hiện cả ở trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ. Trong cả hai trường hợp, trẻ đều gặp...