Trầm cảm sau sinh: Biểu hiện, cách khắc phục và phòng ngừa
Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn tâm thần xảy ra ở phụ nữ sau sinh xảy ra khi tình trạng chán nản, buồn bã, tuyệt vọng, mệt mỏi thường xuất hiện và kéo dài trên hai tuần. Tại Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh chiếm đếm 33%, trong đó, có đến 50% các trường hợp không được chẩn đoán và can thiệp trị liệu.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, trống rỗng, tuyệt vọng, lo lắng, buồn bực, lo sợ con mình bị hại hoặc bản thân không đủ tốt khi chăm sóc cho con. Trong một vài trường hợp, trầm cảm sau sinh cũng có thể xảy ra ở một số ít nam giới sau khi con chào đời.
Theo thống kê, có khoảng 15 – 20% chị em mắc trầm cảm cảm. Tuy nhiên, có rất nhiều mẹ có các dấu hiệu trầm cảm nhưng chưa đủ đáp ứng tiêu chí chẩn đoán, tỷ lệ này chiếm khoảng 70 – 80%, được gọi là trầm buồn sau sinh. Nếu không được hỗ trợ đúng cách có thể dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. Theo một số nghiên cứu sàng lọc, tỷ lệ trầm cảm sau sinh ở Việt Nam có thể lên đến 33%. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ rơi vào trầm cảm sau sinh. Nhất là những sản phụ từng bị trầm cảm, áp lực cuộc sống nặng nề, tâm lý bất ổn, gia đình có người từng bị trầm cảm…
Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh được chia thành nhiều mức độ khác nhau. Tình trạng trầm cảm ở phụ nữ sau sinh gắn liền với các suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như mệt mỏi, buồn chán, tuyệt vọng, bi phẫn, bực bội, cáu kỉnh. Người bị trầm cảm thường rơi vào trạng thái con mình bị hại, bản thân là người bất hạnh hoặc có xu hướng đổ lỗi, cảm thấy con chính là nguồn cơn cho sự bất hạnh của chính mình.
Hiện nay, vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh. Tình trạng này có liên quan đến thể chất, tinh thần và hoàn cảnh của sản phụ. Theo nghiên cứu, trầm cảm sau sinh có thể liên quan đến các vấn đề như:
1. Thay đổi nội tiết tố sau sinh
Thay đổi nội tiết tố là tình trạng phổ biến, thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố, đặc biệt là estrogen và progestorone, dễ ảnh hưởng đến tâm trạng. Khi kết hợp cùng các yếu tố như mất ngủ do chăm em bé, không được chăm sóc tốt sau sinh khiến chị em dễ rơi vào tình trạng trầm cảm.
2. Mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh
Chất dẫn truyền thần kinh có vai trò tạo điều kiện giao tiếp giữa các tế bào thần kinh. Sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là serotonin và norepinephrine có thể dẫn đến rối các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt do thông tin được dẫn truyền sai lệch.
Tình trạng mất cân bằng hóa học trong não chỉ là một yếu tố thúc đẩy sự xuất hiện của tình trạng trầm cảm sau sinh. Đây là một giải thuyết bệnh sinh của trầm cảm. Vẫn còn có nhiều tranh cãi quanh giả thuyết này.
3. Mang thai ngoài ý muốn
Tình trạng mang thai ngoài ý muốn, không đúng với kế hoạch ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của người mẹ có thể là nguyên nhân gây trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Việc chưa chuẩn bị tốt tâm lý, không có điều kiện kinh tế khiến nhiều phụ nữ chưa sẵn sàng làm mẹ và xuất hiện tâm lý không mong chờ sự xuất hiện của đứa trẻ.
Những điều kiện không thuận lợi ảnh hưởng đến tinh thần, tâm lý, dẫn đến lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, mang thai ngoài ý muốn dễ gây trầm cảm với người bị người yêu phản bội, không thừa nhận trách nhiệm, người xung quanh tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý người mẹ.
4. Trầm cảm do con quấy khóc thường xuyên
Có 122 nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tình trạng con quấy khóc đêm có liên quan mật thiết đến tình trạng trầm cảm của người mẹ. Trẻ quấy khóc đêm nhiều khiến người mẹ không được nghỉ ngơi, sự thay đổi đột ngột của estrogen và progesterone và sự thay đổi sức khỏe, ngoại hình sau sinh khiến nhiều chị em trầm cảm.
Giai đoạn sơ sinh, trẻ dùng tiếng khóc để thể hiện nhu cầu. Do chưa quen với việc chăm sóc trẻ, mẹ có thể không hiểu được nhu cầu của con, khi không được giải quyết nhu cầu, trẻ sẽ quấy khóc nhiều và thường xuyên. Việc không hiểu con, kèm cảm giác mệt mỏi sau sinh, lo lắng trẻ gặp vấn đề và bất lực với tiếng khóc của trẻ rất dễ khiến mẹ bị trầm cảm.
5. Trầm cảm sau sinh do thiếu hỗ trợ, mâu thuẫn gia đình
Sự thờ ơ của chồng và sự mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm sau sinh ở nhiều chị em. Trong giai đoạn mang thai và sau sinh, tâm lý phụ nữ nhạy cảm rất nhiều, khi không có sự quan tâm hỗ trợ của chồng và gia đình, chị em dễ tủi thân, mệt mỏi quá mức dẫn đến trầm cảm.
Không ít trường hợp trầm cảm đến từ sự vô tâm của chồng, sự can thiệp quá mức hoặc thờ ơ của mẹ chồng hoặc những người xung quanh. Sự chỉ trích, chê bai trong tâm lý nhạy cảm, dễ tổn thương rất dễ gây trầm cảm, dẫn đến các hành vi nguy hiểm như gây gổ với gia đình, chối bỏ con, tự sát, giết con…
6. Tiền sử mắc bệnh trầm cảm
Tỷ lệ tái phát trầm cảm từ 25 – 68%, những chị em từng có tiền sử mắc trầm cảm trước hoặc trong quá trình mang thai có nguy cơ tái trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường. Trầm cảm dễ tái phát khi thay đổi hormone do mang thai và sinh con, thiếu sự quan tâm từ chồng và gia đình, trải qua sự kiện đau khổ (bị bạo lực, mất người thân, ly hôn), bỏ dở liệu trình trong lần điều trị khác.
7. Nguyên nhân khác
Trầm cảm sau sinh có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Ngoài những yếu tố đã đề cập, tình trạng này có thể xảy ra do:
- Biến chứng của quá trình mang thai và sinh đẻ
- Mắc các bệnh như thiếu máu, rối loạn chức năng tuyến giáp
- Có tiền sử rối loạn tâm thần, từng bị trầm cảm
- Điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu thốn, hoàn cảnh sống chật chội, đông đúc
- Thay đổi cuộc sống đột ngột, lo lắng, hoang mang khi lần đầu làm mẹ
- Quá bận rộn, vất vả trong việc chăm sóc con cái, không có thời gian nghỉ ngơi
- Sức khỏe giảm sút, lo ngại về ngoại hình, tăng cân hoặc sụt cân mất kiểm soát…
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh
Các dấu hiệu trầm cảm sau sinh thường hiện diện từ sớm và rất dễ nhận biết. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không quá rõ ràng, thường bị bản thân sản phụ và người thân xem nhẹ, bỏ qua. Thực tế, nếu tình trạng rối loạn trầm cảm kéo dài rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của em bé.
Các dấu hiệu giúp nhận biết trầm cảm sau sinh bao gồm:
- Trầm uất: Tâm trạng chán nản, uể oải, mệt mỏi, tuyệt vọng xảy ra thường xuyên
- Mất hứng thú, khóc nhiều: Mẹ khóc nhiều, khó kiểm soát, sa sút tinh thần, mất hứng thú với hoạt động thường ngày
- Kiệt sức, thiếu năng lượng: Luôn trong trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, thiếu năng lượng dù được nghỉ ngơi
- Bồn chồn, trống rỗng: Buồn rầu, chán nản không rõ lý do, luôn trong tình trạng trống rỗng, vô vọng
- Sợ hãi, cáu gắt: Thường xuyên thấy sợ hãi, hay cáu kỉnh, dễ dàng bực tức, nóng giận vô cớ
- Lơ đãng, thiếu tập trung: Giảm khả năng tập trung, suy giảm trí nhớ, hay quên
- Thay đổi khẩu vị: Ăn ít hoặc ăn rất nhiều, ngại tiếp xúc với người xung quanh
- Mất ngủ hoặc ngủ nhiều: Khó ngủ, mất ngủ, giấc ngủ ngắn hoặc ngủ nhiều quá mức
- Tự trách, tự đổi lỗi: Không có cảm giác vui vẻ, hay tự trách, tự đổi lỗi cho chính mình
- Lo lắng quá mức: Lo sợ con quá yếu, cân nặng không đủ, khóc quá nhiều hoặc quá im ắng…
- Cảm thấy bất hạnh, bất lực, khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý mọi việc
- Suy nghĩ tiêu cực: Có ý nghĩ tự hại, muốn gây tổn thương cho bản thân hoặc con thậm chí cả hai, cảm thấy mình không phải là người mẹ tốt hoặc thấy con không yêu mình bằng người khác.
- Suy nghĩ tự tử: Tuyệt vọng, bế tắc, không muốn sống, có ý định và hành vi tự tử hoặc giết con.
Khi các dấu hiệu bất ổn kể trên kéo dài trên 2 tuần, sản phụ hoặc người thân nên đưa sản phụ đến gặp bác sĩ về tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của em bé. Đây là vấn đề tâm lý rất nguy hiểm, đã có trường hợp mẹ quá stress vì con quấy khóc đêm mà quăng mạnh con xuống giường hoặc đánh đứa trẻ nhiều lần. Có những người còn không buồn chăm sóc con hay cấu véo trên người con.
Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến người mẹ
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Các triệu chứng trầm cảm kéo dài khiến mẹ rơi vào khủng hoảng, áp lực cực độ, gia tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề tâm lý khác.
Mẹ có thể gặp phải các vấn đề như:
- Suy dinh dưỡng, sụt cân hoặc tăng cân mất kiểm soát
- Suy nhược thần kinh có suy nghĩ hoang tưởng
- Tăng nguy cơ sử dụng chất, lạm dụng rượu bia, thuốc lá
- Xuất hiện các vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau dạ dày
- Xuất hiện ý nghĩ tự tử và hành vi tự hại
- Xa lánh con thậm chí giết con rồi tự tử
Người mẹ bị trầm cảm thường không có đủ tâm trí để chăm sóc đứa trẻ sơ sinh và gia đình. Sức khỏe của người mẹ không đảm bảo dẫn đến việc đứa trẻ không được chăm sóc tốt, ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe cho đứa trẻ.
Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đến đứa trẻ
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ, trầm cảm sau sinh còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Có mối liên kết chặt chẽ giữa người mẹ và đứa trẻ sơ sinh. Nếu mẹ bị trầm cảm, sữa mẹ dần ít đi thậm chí ngưng hẳn, điều này khiến bé mất đi nguồn dinh dưỡng quý giá.
Các ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh đối với đứa trẻ có thể kể đến như:
- Trẻ không được bú sữa mẹ dẫn đến sức đề kháng kém
- Trẻ quấy khóc nhiều do cảm nhận được sự căng thẳng của mẹ
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chiều cao của trẻ sơ sinh
- Trẻ ít được mẹ cho bú, trò chuyện, chơi đùa dẫn đến ảnh hưởng đến sự phát triển về cảm xúc, ngôn ngữ, nhận thức
- Trẻ không được chăm sóc tốt, có thể bị mẹ bạo hành, bỏ bê không quan tâm
Ảnh hưởng của trầm cảm với hạnh phúc gia đình
Gia đình không hạnh phúc, sản phụ không được quan tâm đúng mực là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Đồng thời, trầm cảm cũng tác động tiêu cực đến hạnh phúc gia đình. Có rất nhiều gia đình đổ vỡ do trầm cảm sau sinh. Không khí gia đình nặng nề, ngột ngạt, thiếu sự gắn kết, thường xuyên mâu thuẫn do thiếu sự cảm thông thấu hiểu với người mắc trầm cảm.
Phương pháp chẩn đoán trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh được chẩn đoán bởi bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Không có xét nghiệm chuyên biệt nào giúp chẩn đoán được tình trạng này. Tuy nhiên, một số xét nghiệm có thể có ích trong việc hỗ trợ chẩn đoán như xét nghiệm nồng độ serotonin, đo điện não đồ, chụp MRI sọ não…
Việc chẩn đoán trầm cảm sau sinh chủ yếu được thực hiện thông qua các phương pháp sau:
- Sàng lọc lâm sàng qua trò chuyện trực tiếp để đánh giá triệu chứng
- Sử dụng bài test trầm cảm sau sinh EPDS
- Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 hoặc ICD-10
Trong đó, DSM-5 là Sổ tay tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần; ICD-10 là Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan. Hiện nay, đa số các chẩn đoán về trầm cảm hầu như đều dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5.
Cách khắc phục tình trạng trầm cảm sau sinh
Để khắc phục tình trạng trầm cảm sau sinh không chỉ cần có sự nỗ lực của bản thân sản phụ, mà còn cần sự hỗ trợ động viên từ chồng, người thân, bạn bè và sự hỗ trợ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Sau đây là cách khắc phục mà bạn có thể tham khảo:
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị trầm cảm, sản phụ nên tìm đến các bác sĩ về tâm thần hoặc chuyên gia chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ. Tùy vào tình trạng và mức độ trầm cảm mà có biện pháp hỗ trợ cải thiện phù hợp.
Các phương pháp này gồm:
- Trị liệu tâm lý: Đây là phương pháp được ưu tiên áp dụng, thông qua tư vấn tâm lý thông thường và các liệu pháp trị liệu chuyên sâu giúp sản phụ vượt qua rối loạn cảm xúc.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng lo âu, căng thẳng quá mức. Việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng để tránh tác dụng phụ.
Nỗ lực tự cải thiện từ chính bản thân
Trầm cảm xuất phát từ những suy nghĩ tiêu cực, sự lo âu quá mức của người mẹ. Không ai muốn giữ những suy nghĩ tiêu cực này trong đầu, không dễ để loại bỏ chúng nhưng hãy nỗ lực để cố gắng vượt qua. Cách để mẹ tự cải thiện như sau:
- Học cách thư giãn, suy nghĩ tích cực: Cố gắng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, giữ cho tâm trạng vui vẻ, thoải mái, yêu đời. Duy trì sở thích của bản thân, hạn chế thức khuya, vất vả quá mức.
- Giải tỏa tâm lý: Chia sẻ với bạn đồng hành hoặc người bạn tin tưởng để giảm bớt áp lực tâm lý.
- Tập thể dục: Vận động thể chất giúp cơ thể tiết ra hormone hưng phấn, cải thiện sức khỏe và tinh thần.
- Tin tưởng vào bản thân: Mẹ cần nhận thức rõ vai trò và tin tưởng vào năng lực của mình. Nếu chưa đủ tự tin, hãy tìm hiểu thêm kiến thức từ người xung quanh, sách vở và kênh thông tin.
- Đừng quá để tâm đến người khác: Không cần phải bận tâm đến những lời nói ác ý từ người khác, việc của bạn là hồi phục sức khỏe và chăm sóc em bé thật tốt mà thôi.
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người xung quanh
Sự quan tâm hỗ trợ từ người xung quanh cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc vượt qua trầm cảm ở phụ nữ sau sinh. Để khắc phục cần:
- Gia đình cần theo dõi dấu hiệu, triệu chứng của sản phụ, ngăn ngừa ý định tự tại, tự sát ở họ
- Cho họ điểm tựa tinh thần vững chắc, quan tâm đúng mực, đúng cách
- Đồng hành cùng sản phụ trong quá trình trị liệu, cố gắng bao dung và động viên hết mức
- Chủ động chăm sóc em bé, giúp sản phụ trông con vào buổi đêm
- Tôn trọng ý kiến của sản phụ, nhất là các vấn đề liên quan đến con cái
Biện pháp phòng ngừa trầm cảm
Mang thai và sinh con là một quá trình dài đầy mệt mỏi và áp lực. Trầm cảm sau sinh rất đáng sợ, hơn nữa, tỷ lệ tái trầm cảm là rất cao, lên đến 68%. Có thể phòng ngừa trầm cảm sau sinh bằng cách:
- Chia sẻ nỗi lòng của mình với người đáng tin cậy
- Chuẩn bị kỹ tinh thần làm mẹ để dễ điều tiết cảm xúc sau sinh
- Dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để thư giãn, có thể bơi, tập yoga, thiền, hít thở sâu đều được
- Nhờ người thân trông bé để bạn có thể an tâm ngủ đủ giấc
- Dành thời gian để tập thể dục, có thể đi bộ với tốc độ nhanh để cải thiện sức khỏe và tâm trạng
- Hãy cố gắng suy nghĩ tích cực, nghĩ rằng làm mẹ cũng giống như một sự thay đổi về công việc
- Đừng quá kỳ vọng rằng mình nhất định phải là một bà mẹ hoàn hảo
- Thả lỏng bản thân, tìm cách nhận được sự giúp đỡ càng nhiều càng tốt…
Sự thay đổi quá nhiều từ tâm sinh lý đến ngoại hình và vai trò khiến nhiều chị em rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc, thậm chí là trầm cảm sau sinh. Rất khó tránh khỏi tình trạng này, tuy nhiên, chúng ta không cần quá mức bi quan. Chị em hoàn toàn có thể vượt qua trầm cảm nếu kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp, trị liệu phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Bài Test trầm cảm sau sinh EPDS & Thang đánh giá chính xác
- Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!