Trẻ tự kỷ bẩm sinh: Nguyên nhân và hướng can thiệp

Rất khó để phát hiện trẻ tự kỷ bẩm sinh ngay từ những giai đoạn đầu đời, bởi các dấu hiệu thường chưa bộc lộ rõ ràng. Hiện tại vẫn chưa thể xác định về cơ chế bệnh sinh và cũng chưa thể điều trị hoàn toàn tự kỷ. Phát hiện và can thiệp sớm tự kỷ sẽ giúp trẻ có những thay đổi tích cực về những khía cạnh bị khiếm khuyết.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh là gì?

Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một hội chứng bẩm sinh ở trẻ nhỏ, có tên khoa học là Autism Spectrum Disorders (ASD). Đây là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa với các khiếm khuyết trên 3 khía cạnh ngôn ngữ, hành vi rập khuôn;  giao tiếp và tương tác xã hội kéo dài đến suốt cuộc đời của trẻ. Trẻ tự kỷ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Trẻ tự kỷ bẩm sinh đã bộc lộ các dấu hiệu từ trước 3 tuổi, tuy nhiên vẫn còn mơ hồ nên khó phát hiện

Trẻ tự kỷ bẩm sinh hay tự kỷ điển hình đã có các những triệu chứng xuất hiện trước 3 tuổi, dù khá mơ hồ bởi vốn dĩ nhận thức hay các kỹ năng của trẻ ở giai đoạn này chưa rõ ràng. Một dạng khác là tự kỷ không điển hình, các dấu hiệu sẽ bộc lộ sau 3 tuổi khiến các kỹ năng con học được trước đó suy thoái dần ( tuy nhiên vẫn liên quan đến các yếu tố rối loạn bẩm sinh)

Mặc dù tự kỷ đã được nghiên cứu trong suốt nhiều thập kỷ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn đọng chưa thể xác minh rõ. Trẻ tự kỷ bẩm sinh thực tế đã bộc lộ những dấu hiệu ngay từ những năm tháng đầu đời, tuy nhiên thường rất khó để phát hiện sớm bởi khá mô hồ, không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các đặc điểm tính cách hay tình trạng sức khỏe khác.

Hầu hết trẻ tự kỷ khi trưởng thành vẫn phải phụ thuộc vào sự chăm sóc và hỗ trợ từ gia đình; chỉ một số lượng nhỏ có thể làm việc kiếm sống nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ từ người khác. Chỉ từ 1- 2% người mắc hội chứng tự kỷ có thể sống độc lập hoàn toàn.

Một thống kê cho thấy, tỷ số số trẻ tự kỷ bẩm sinh gần đây có xu hướng gia tăng một cách bất ngờ, cứ 1000 trẻ thì có đến 2-5 trường hợp. Theo các chuyên gia, can thiệp tự kỷ càng sớm càng có tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp đều được phát hiện và thăm khám khá muộn làm ảnh hưởng đến kết quả can thiệp điều trị đáng kể.

Nguyên nhân trẻ tự kỷ bẩm sinh

Thực tế, nguyên nhân chính xác hay cơ chế bệnh sinh của tự kỷ vẫn chưa được xác định chính xác, vẫn còn rất nhiều vấn đề đang được nghiên cứu. Các nhà khoa học mới chỉ tìm ra được các yếu tố làm tăng nguy cơ làm tăng nguy cơ tự kỷ bẩm sinh ở trẻ, chẳng hạn yếu tố di truyền, gen; môi trường hay các yếu tố tổn thương đến não bộ khác.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Cơ chế gây tự kỷ bẩm sinh vẫn còn rất phức tạo và chưa thể khẳng định rõ ràng

Cụ thể, một số yếu tố làm tăng nguy cơ tự kỷ bẩm sinh ở trẻ bao gồm:

  • Di truyền: Các triệu chứng bất thường của tự kỷ được cho là gây ra bởi các bộ gen, NST tương tự nhau, tuy nhiên chỉ khoảng 25% trường hợp có liên quan đến các yếu tố di truyền trực tiếp. Các nhà khoa cũng cũng cho rằng tính chất di truyền của tự kỷ không theo mô hình kiểu Menden, tuy nhiên nếu trong gia đình có người mắc hội chứng này thì tỷ lệ đời sau bị tự kỷ vẫn cao hơn rất nhiều.
  • Yếu tố môi trường: Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ trong những năm tháng đầu đời nếu sống trong các môi trường nhiều hóa chất độc hại, kim loại nặng có thể chính là yếu tố làm bùng phát tự kỷ sớm. Mặt khác người mẹ nếu trong thời gian mang thai sinh sống các môi trường này cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị tự kỷ bẩm sinh.
  • Các tổn thương não bộ: trẻ bị sinh non dưới 37 tuần, thiếu oxy khi sinh, chấn thương não do các dụng cụ y khoa tác động, tổn thương não bộ do té ngã.. cũng làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh và dẫn tới tự kỷ bẩm sinh. Một số nguyên nhân khác có liên quan đến những tổn thương não bộ trẻ sơ sinh ngay từ những giai đoạn đầu đời như viêm màng não, viêm não, nhiễm độc thủy ngân..
  • Các vấn đề sức khỏe của mẹ bầu: người mẹ khi mang thai nếu có sức khỏe yếu, thường dùng các loại thuốc tây y điều trị bệnh; trầm cảm và dùng thuốc trầm cảm; hút thuốc và sử dụng chất kích thích; các các chấn thương trực tiếp đến thai nhu cùng một số tình trạng sức khỏe suy yếu khác khi mang thai cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ mắc tự kỷ bẩm sinh khi chào đời.

Một vấn đề cần làm rõ rằng, tự kỷ hay tự kỷ bẩm sinh đều có liên quan đến các cơ chế bẩm sinh đã hình thành ngay từ những giai đoạn đầu đời của trẻ. Việc trẻ bị thiếu sự quan tâm, cha mẹ bỏ bê con cái không phải là cơ chế gây bệnh trực tiếp, mà có thể trở thành yếu tố làm bùng phát các triệu chứng sớm và nghiêm trọng hơn mà thôi.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh biểu hiện như thế nào?

Như đã nói, các triệu chứng của trẻ tự kỷ bẩm sinh đã xuất hiện ngay từ những năm tháng đầu đời, ngay trước khi trẻ 3 tuổi đã bắt đầu bộc lộ các biểu hiện bất thường. Tuy nhiên như đã nói, 3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ mới chỉ bắt đầu hình thành nhận thức, tư duy, kỹ năng, ngôn ngữ nên các triệu chứng thường trở nên rất mơ hồ, khó nhận ra sự bất thường một cách rõ rệt.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Trẻ chậm nói, không quan tâm đến mọi người xung quanh, tăng động là những dấu hiểu điển hình của trẻ tự kỷ bẩm sinh

Các biểu hiện điển hình của trẻ tự kỷ bẩm sinh bao gồm

  • Trẻ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ là các dấu hiệu rõ ràng nhất giúp nhận biết tự kỷ. Trẻ tự kỷ bẩm sinh 7 tháng vẫn chưa phát ra âm thanh, 12 tháng tuổi chưa bập bẹ nói; 21 tháng tuổi mới chỉ nói được một vài từ đơn, 36 tháng tuổi vẫn chưa nói được từ ghép…
  • Trẻ hầu như không bao giờ chủ động nói chuyện hay tương tác có nghĩa với cha mẹ mà chỉ la hét khi có nhu cầu nào đó
  • Không biết thực hiện các hành vi đơn giản như vẫy tay, tạm biệt, cúi đầu chào dù đã được cha mẹ dạy nhiều lần
  • Rất hiếm hoặc hầu như không cười cũng là đặc điểm thường thấy ở trẻ tự kỷ bẩm sinh. Hoặc trẻ có trẻ tự cười một mình, cười với đồ vật chứ không gây cười trong các trường hợp mà mọi người xung quanh đang cười
  • Thích chơi một mình hơn là chơi với những người xung quanh, kể cả cha mẹ hay bạn bè đồng trang lứa
  • Có xu hướng lặp lại lời nói trên TV mà con nghe thấy, bao gồm cả các âm thanh từ hoạt hình, ngôn ngữ nước ngoài và sử dụng trong các tình huống không phù hợp
  • Không đáp ứng với âm thanh, không quay đầu tương tác dù được cha mẹ hỏi tên
  • Không có biểu cảm và cũng không hiểu biểu cảm trên khuôn mặt của người khác
  • Né tránh việc tương tác bằng ánh mắt với người khác
  • Trẻ tự kỷ bẩm sinh sẽ có các thói quen rập khuôn lặp đi lặp lại, chẳng hạn như mặc một bộ quần áo, chơi với 1 đồ chơi nhất định; ngủ ở một nơi cố định
  • Đi nhón chân, không đi bằng bàn chân
  • Bị thu hút bởi các đồ vật có dạng hình học, đặc biệt là hình tròn và các chuyển động xoay tròn
  • Có xu hướng gắn bó với đồ vật hơn là con người
  • Không biết cách thể hiện tình cảm và cũng không có xu hướng cần sự chăm sóc của cha mẹ
  • Trẻ tự kỷ bẩm sinh rất khó chịu với sự thay đổi, không thích đến những nơi đông người
  • Khó chịu với một số yếu tố, chẳng hạn ánh sáng đèn quá chói, màu sắc sặc sỡ, âm thanh từ các thiết bị do các giác quan của trẻ mẫn cảm quá mức
  • Có thể mắc đồng thời với các hội chứng tăng động giảm chú ý, thiểu năng trí tuệ khiến tính cách, tâm lý khó kiểm soát

Một vài vấn đề bất thường ở trẻ tự kỷ bẩm sinh có thể dễ gây nhầm lẫn với các tình trạng khác. Chẳng hạn trẻ hoàn toàn có thể không tương tác với cha mẹ, không phản ứng với âm thanh do bị điếc; trẻ chậm phát triển ngôn ngữ do thiếu sự quan tâm, tương tác với cha mẹ hằng ngày; trẻ bị rối loạn ngôn ngữ do các vấn đề ở cơ miệng..

Gia đình ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ có liên quan đến tự kỷ tốt nhất nên sớm đưa con đến bệnh viện lớn, có chuyên môn về nhi khoa để đảm bảo được thăm khám chi tiết. Rất nhiều trường hợp vì thăm khám và kiểm tra không đầy đủ dẫn tới những chẩn đoán sai lệch và làm lỡ mất “thời điểm vàng” để can thiệp cho trẻ tự kỷ bẩm sinh.

Những khó khăn thường gặp của trẻ tự kỷ bẩm sinh

Các khía cạnh khiếm khuyết của trẻ tự kỷ bẩm sinh sẽ không hề được khắc phục hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện phần nào đó, ngay cả khi đã can thiệp điều trị trong “thời điểm vàng” ( trước 2 tuổi). Tuy nhiên càng can thiệp muộn, trẻ càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và những thay đổi cũng chậm hơn rất nhiều.

Hầu hết, về khía cạnh thể chất, trẻ tự kỷ bẩm sinh vẫn có thể phát triển bình thường, vẫn cao lớn và khỏe mạnh. Tuy nhiên nhóm trẻ này có thể gặp các vấn đề như không dung nạp lactose, gluten; dễ dị ứng với rất nhiều loại thực phẩm; hội chứng ruột kích thích… Nếu không có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp, nhóm trẻ này cũng có nguy cơ cao bị béo phì.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, đặc biệt là việc giao tiếp hay tương tác xã hội

Về khía cạnh trí não, trẻ tự kỷ có khả năng ghi nhớ đặc biệt về máy móc, âm thanh, tiết tấu, thời gian hay không gian.. Tuy nhiên do sự bất thường về các khía cạnh nhận thức và diễn đạt nên các khả năng này ở trẻ thường không được chú ý. Một số nhóm trẻ tự kỷ thiên tài còn có tài năng thiên bẩm về tính toán, hội họa, âm nhạc… Dù vậy, đa phần trẻ tự kỷ đều gặp nhiều khó khăn khi đến độ tuổi đi học.

Về mặt tâm lý, trẻ tự kỷ hầu như không có xu hướng trò chuyện, chia sẻ, khó biểu đạt nhu cầu nên thường cảm thấy bức bối, khó chịu, dễ nóng giận và kích động. Bản thân trẻ không đủ nhận thức nên nếu không có cha mẹ hỗ trợ có thể thực hiện rất nhiều hành vi nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh chẳng hạn cho tay vào nước sôi, nghịch dao hay củi lửa.

Những khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp và tương tác xã hội chính là rào cản lớn nhất trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Khi đến tuổi đi học, trẻ tự kỷ bẩm sinh có thể không hòa nhập được với trường học, thậm chí là bị bạn bè cô lập, bắt nạt bởi những khiếm khuyết của mình. Mặt khác sự “vô cảm” của trẻ tự kỷ nếu không được thấu hiểu cũng rất khó để kết nối với trẻ.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh hầu như phải sống phụ thuộc vào gia đình, ngay cả khi trưởng thành. Họ rất khó tìm được các công việc trong tương lai, trừ các trường hợp trẻ tự kỷ thiên tài (Savant Syndrome). Tất nhiên dù hiện nay, rất nhiều tổ chức và các cơ quan chính phủ đang cố gắng tạo điều kiện cho người tự kỷ có cơ hội làm việc, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn đang rất thấp.

Hướng can thiệp với trẻ tự kỷ bẩm sinh

Hiện nay các tiêu chuẩn chuyên môn dùng trong chẩn đoán trẻ tự kỷ bẩm sinh đã được quy định rõ ràng nên việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ thường có độ chính xác cao hơn. Thông thường trẻ sẽ được yêu cầu kiểm tra về thính giác đầu tiên, sau đó mới chỉ định các kiểm tra về não bộ, các bài test chuẩn đoán chuyên môn nhằm tránh nhầm lẫn với các hội chứng khác có biểu hiện tương tự.

Cần hiểu răng, can thiệp điều trị cho trẻ tự kỷ bẩm sinh là một hành trình dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời nhưng không phải bất cứ lúc nào cũng thuận lợi hay có kết quả tốt. Mặt khác, mỗi trẻ tự kỷ cần được xây dựng lộ trình can thiệp khác nhau và cần được thực hiện một cách lâu dài, có hệ thống mới đem lại những thay đổi tích cực nhất.

Các biện pháp sinh học

Không có bất cứ loại thuốc lưu hành nào trên thị trường được công nhận là thuốc đặc trị cho trẻ tự kỷ bẩm sinh. Tuy nhiên trong một vào trường hợp, bác sĩ cần chỉ định một số loại hóa dược nhằm xoa dịu tinh thần, cảm xúc, tâm trí cho trẻ tự kỷ, đặc biệt nếu con có xu hướng rối loạn hành vi, tâm lý.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Vật lý trị liệu có thể mang đến rất nhiều cải thiện tích cực về vận động, cảm giác cho trẻ tự kỷ

Tuy nhiên việc dùng bất cứ loại thuốc hóa dược hay các biện pháp y tế nào trên trẻ tự kỷ cũng đảm bảo tuyệt đối có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. Cơ thể nhạy cảm cảm của trẻ có thể phản ứng lại bất cứ lúc nào nếu sử dụng các biện pháp không phù hợp.

Một số biện pháp y tế đang được sử dụng chủ yếu trong điều trị cho trẻ tự kỷ bẩm sinh bao gồm

  • Các loại hóa dược: chủ yếu là nhóm thuốc an thần, nhóm thuốc đối kháng opioid, nhóm chống loạn thần hay Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).. Thuốc không được chỉ định dùng lâu dài do có thể gây ra nhiều phản ứng phụ không tốt cho cả thể chất và hệ thần kinh của trẻ.
  • Vật lý trị liệu: Mục tiêu của vật lý trị liệu chính là cải thiện các kỹ năng vận động thô, vận động tinh, khả năng phối hợp các chi cũng như điều hòa các giác quan, tăng cường tuần hoàn máu để bé thư giãn hơn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách massage (xoa bóp), chườm đá, hoặc một số thiết bị chuyên dụng.
  • Một số biện pháp khác: hiện nay một số phương pháp y tế hiện đại hơn cũng được đề cử trong điều trị cho trẻ tự kỷ, chẳng hạn giải độc hệ thống, sử dụng tế bào gốc, oxy cao áp hay châm cứu bấm huyệt.. Tuy nhiên các phương pháp này cũng cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn, và cũng được chỉ định tùy theo từng tình trạng.

Chăm sóc tâm lý

Trẻ tự kỷ bẩm sinh ở giai đoạn lớn hơn có thể gặp nhiều khó khăn trong việc giải tỏa cảm xúc, dễ có tâm lý bức bối cùng một số vấn đề khác, do đó trị liệu tâm lý cũng là liệu pháp được các chuyên gia đề nghị. Mục tiêu chính của liệu pháp này là giúp trẻ thư giãn tinh thần, tự kiểm soát được cảm xúc, hành vi của bản thân đồng thời điều chỉnh về mặt nhân cách cho trẻ.

Thực tế cho thấy, trẻ tự kỷ sau thời gian trị liệu tâm lý đã giảm đáng kể sự hung hăng, cáu kỉnh, nhận thức được các hành vi đúng sai và bắt đầu gắn bó nhiều hơn với cha mẹ. Một số liệu pháp tâm lý được khuyến khích cho trẻ tự kỷ bẩm sinh bao gồm

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: nhằm giúp trẻ định hình được các hành vi đúng đắn và sai lầm, từ đó dần thay thế các tư duy, cảm xúc tiêu cực bằng những nhận thức, hành vi phù hợp hơn. Bản thân trẻ cần tự nhận thức được những yếu tố để bảo vệ chính mình này bởi không phải bất cứ lúc nào cha mẹ cũng có thể quan tâm, đặt trẻ trong tầm mắt.
  • Liệu pháp thân chủ trọng tâm: nhằm nhấn mạnh vai trò của từng cá thể, ở đây chính là trẻ tự kỷ bẩm sinh, từ đó đưa ra các định hướng phù hợp để trẻ học cách chịu trách nhiệm với chính bản thân chứ không phải là phụ thuộc vào bất cứ ai.
  • Liệu pháp phân tâm: một vài nghiên cứu chỉ ra, trẻ tự kỷ được áp dụng liệu pháp phân tâm đúng cách thường có rất nhiều phản hồi tích cực. Liệu pháp này dần giúp trẻ giải tỏa stress, căng thẳng, hạn chế các hành vi kích động hay cáu kỉnh trong khi giao tiếp.

Gia đình cũng nên trò chuyện, làm việc với nhà trị liệu tâm lý để biết cách kiểm soát các trạng thái kích động, quá khích có thể dẫn tới các hành vi không phù hợp. Nắm bắt được tâm lý trẻ cũng là nền tảng quan trọng để phụ huynh có thể làm bạn với con cái, thay vì chỉ luôn áp dụng cách chăm sóc một cách rập khuôn mà bỏ qua cảm xúc của trẻ.

Giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ

Các chuyên gia khuyến khích, với nhóm trẻ tự kỷ bẩm sinh nên sớm tham gia các chương trình giáo dục chuyên biệt riêng thay vì các chương trình giáo dục tập trung. Bởi trẻ tự kỷ rất khó tập trung, năng lực nhận thức khác nhau, mức độ tư duy khác nhau nên nếu tham gia các môi trường giáo dục tập trung sẽ không thể nào có hiệu quả.

Trẻ tự kỷ bẩm sinh
Giáo dục đặc biệt giúp trẻ tự kỷ tăng cường về mặt ngôn ngữ, nhận thức, hành vi và các kỹ năng xã hội cần thiết khác

Giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ là một hệ thống các phương pháp, chương trình giảng dạy về nhiều khía cạnh như ngôn ngữ, hành vi, tri thức, các kỹ năng cá nhân cần thiết. Đặc biệt các chương trình giáo dục đặc biệt cũng hướng tới tạo điều kiện giúp trẻ phát huy năng lực cá nhân, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, đặc biệt là khả năng thích ứng với xã hội.

Các hoạt động trị liệu ngôn ngữ, bổ sung vốn từ, tăng cường giao tiếp đều được thực hiện trong khuôn khổ hệ thống giáo dục đặc biệt. Mỗi trẻ tự kỷ bẩm sinh thường được thiết kế lộ trình học tập riêng theo năng lực nhận thức của từng cá nhân. Các hoạt động giảng dạy xen kẽ giữa học tập trung và học riêng 1 giáo viên – 1 trẻ để đảm bảo cân bằng các yếu tố.

Một số phương pháp giáo dục cũng được đánh giá có lợi cho trẻ tự kỷ bao gồm

  • Phương pháp ABA (Phân tích hành vi ứng dụng)
  • Dạy trẻ bằng phương pháp TEACCH
  • Phương pháp dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh (PECS)
  • Phương pháp Floortime (DIR)
  • Trị liệu hòa nhập cảm giác
  • Hoạt động trị liệu (OT)

Thực tế đều cho thấy những trẻ được tham gia giáo dục đặc biệt đều có những thay đổi tích cực, biết chủ động giao tiếp, kết bạn, thể hiện tình cảm với bạn bè, có thể tự chăm sóc được bản thân. Điều này rất cần thiết cho tương lai. Trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ cũng hoàn toàn có thể tham gia giáo dục truyền thống sau đó nếu các khiếm khuyết đã được cải thiện đáng kể.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Thuốc, các biện pháp y tế hay cả trị liệu tâm lý, giáo dục đặc biệt cũng không thể đem lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ tự kỷ bẩm sinh nếu quá trình chăm sóc tại nhà kém khoa học. Các chuyên gia khuyến khích cha mẹ cần trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ, tham gia giáo dục trẻ mỗi ngày chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào bất cứ bác sĩ hay chuyên gia nào khác.

Nhiều phụ huynh có con mắc tự kỷ có xu hướng gửi con vào các trường nội trú về giáo dục chuyên biệt. Trẻ có thể tốt hơn về nhiều khía cạnh nhưng lại trở nên xa cách với cha mẹ, không muốn gần gũi với gia đình trong khi lại vô cùng thân thiết với các thầy cô giáo. Bởi thế, các chuyên gia luôn khuyến khích, muốn trẻ tự kỷ tốt hơn, cha mẹ phải luôn đồng hành.

Một số biện pháp chăm sóc, giáo dục tại nhà có thể giúp ích cho trẻ tự kỷ bẩm sinh bao gồm

  • Dành thời gian trò chuyện, tương tác, chú ý đến con nhiều hơn mỗi ngày. Do mức độ nhận thức kém nên trẻ tự kỷ có thể gây ra các hành vi nguy hiểm cho bản thân bất cứ lúc nào do đó hãy luôn cố gắng giữ trẻ trong tầm mắt
  • Tham khảo chuyên gia, bác sĩ để lên kế hoạch phù hợp về chế độ sinh hoạt, học tập phù hợp và cố gắng tuân thủ.  Với trẻ tự kỷ, đôi khi chỉ cần thay đổi thói quen 1 ngày cũng khiến toàn bộ sự cố gắng trước đó trở nên vô nghĩa.
  • Thiết kế không gian sinh hoạt phù hợp với tâm lý trẻ tự kỷ cả về ánh sáng, màu sắc, các sắp xếp đồ vật để tâm lý trẻ cảm thấy thoải mái, an toàn
  • Trẻ tự kỷ bẩm sinh cần được chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng hằng ngày để tránh nguy cơ dị ứng sẽ khiến con cực kỳ khó chịu. Chẳng hạn như các loại sữa bò, bánh mì nguyên hạt, các món ăn nhiều đường…Tham khảo thêm với chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp, tránh nguy cơ trẻ thiếu chất hay béo phì
  • Xây dựng thói quen vận động cho trẻ tự kỷ hằng ngày, không nên chỉ để trẻ trong nhà. Thiền hay yoga cũng giúp ích đáng kể trong việc tăng cường thể chất lẫn tâm trí cho trẻ đặc biệt
  • Tạo điều kiện cho phép trẻ tham gia các hoạt động tăng cường kết nối và tương tác với bạn bè, mọi người xung quanh, dạy con cách biết chia sẻ và giúp đỡ mọi người
  • Quan sát và phát hiện năng lực cá nhân để giúp trẻ phát huy tốt nhất các khía cạnh này nhằm bù đắp các khiếm khuyết khác
  • Trao đổi với nhà trường hay những nơi trẻ tham gia vui chơi, học tập để được hỗ trợ phù hợp

Để tỷ lệ trẻ tự kỷ bẩm sinh được giảm xuống, các cặp đôi đang chuẩn bị hoặc đang mang thai cần dành thời gian tìm hiểu rõ hơn về hội chứng này. Người phụ nữ nên quan tâm cả về thể chất lẫn tinh thần trong suốt thời gian mang thai, tầm soát thai kỳ đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh, lựa chọn các dịch vụ sản khoa chất lượng chính là cách tốt nhất để phòng tránh hội chứng này.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: Dấu hiệu và Cách hỗ trợ, can thiệp

Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển ngôn ngữ thường rõ ràng hơn khi con đạt đến giai đoạn 2-3 tuổi trở lên vì đây...

Áp dụng Phương pháp TEACCH trong dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ

Phương pháp TEACCH được phát triển dựa trên bằng chứng cho rằng người tự kỷ có xu hướng học tập bằng thị giác. Phương pháp...

Có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt?
Có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt?

Có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt không chắc chắn là nỗi lo lắng và băn khoăn của rất nhiều các bậc...

Các dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 6 tháng cha mẹ cần lưu ý

Không phản ứng lại với âm thanh, không bập bẹ tập nói, ít bắt chước, ít vận động, mắt phản ứng kém linh hoạt...là những...