Cách phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần
Biểu hiện chậm nói xuất hiện cả ở trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ. Trong cả hai trường hợp, trẻ đều gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp và phát âm. Vì thế không ít phụ huynh hoang mang không biết trẻ chậm nói đang rơi vào trường hợp nào trong hai trường hợp kể trên. Vậy làm sao phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần? Giữa hai trường hợp này có điểm gì giống và khác nhau? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có câu trả lời.
Thế nào là trẻ chậm nói đơn thuần?
Trong quá trình phát triển, trẻ sẽ có những cột mốc nhất định như 2 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 18 tháng, 24 tháng,… Khi đạt đến những cột mốc này, trẻ sẽ có khả năng thực hiện một số hành vi nhất định về giao tiếp, nhận thức, biểu lộ tình cảm và những sự phát triển về thể chất phù hợp. Những hành vi này xảy ra ở hầu hết các trẻ, và những trẻ phát triển bình thường có thể thực hiện hành vi một cách dễ dàng và tự nhiên.
Trẻ chậm nói đơn thuần là hiện tượng khả năng ngôn ngữ của trẻ không theo kịp so với cột mốc bình thường. Đồng nghĩa với việc quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm hơn so với những trẻ cùng trang lứa. Ví dụ trẻ 6 tháng đã có thể bắt đầu bập bẹ nguyên âm và phụ âm, 12 tháng có thể dùng những cử chỉ đơn giản như vẫy tay hay phát âm những từ đơn giản, 18 tháng có thể nói từ đơn, 24 tháng nói được những câu ngắn đơn giản từ 2-4 từ,…
Trẻ chậm nói đơn thuần gặp khó khăn vì vốn từ vựng ít ỏi, khả năng phát âm và giao tiếp gặp trở ngại nên không thể nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, trẻ hoàn toàn có thể nghe hiểu, làm theo hiệu lệnh của người lớn, dùng cử chỉ hoặc ánh mắt để thể hiện cảm xúc và nhu cầu.
Việc chậm nói của trẻ chỉ thể hiện qua việc phát âm, chứ không ảnh hưởng đến nhận thức và những hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ khác. Đây là một trong những điều khác biệt cơ bản giúp phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng chậm nói đơn thuần ở trẻ có thể do bệnh lý về tai, mũi, họng, chấn thương tâm lý, hoặc một số yếu tố môi trường khác tác động. Để xác định chính xác nguyên nhân khiến trẻ chậm nói thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được chẩn đoán chính xác và có hướng hỗ trợ phù hợp.
Đầu tiên là việc trẻ chậm nói đơn thuần do các bệnh lý về tai mũi họng và các cơ quan phát âm. Những bệnh lý thường gặp ở trẻ liên quan đến vấn đề này bao gồm giảm thính lực, điếc, thắng lưỡi ngắn, hở hàm ếch, gặp khó khăn trong việc điều khiển cơ miệng, tổn thương cơ quan phát âm và một số dị tật bẩm sinh khác. Nếu trẻ rơi vào trường hợp này, cách tốt nhất là can thiệp y tế để giúp trẻ có khả năng tiếp nhận thông tin và nói chuyện một cách bình thường.
Trẻ chậm nói cũng có thể xuất phát từ những chấn thương tâm lý như nhìn thấy hoặc nghe thấy những cảnh tượng kinh hoàng, bị bạo hành tinh thần và thể xác, bị cô lập và bắt nạt. Những tổn thương tâm lý khiến trẻ dần thu mình lại, sự hãi giao tiếp, mất đi năng lực ngôn ngữ, bị ám ảnh, tinh thần bất ổn và có thể có những hành vi bạo lực. Trẻ rơi vào tình huống này thường tách mình khỏi mọi người, không hòa nhập và có thể có những hành vi kích động.
Ngoài ra nếu trẻ không thường giao tiếp với cha mẹ trong những năm đầu đời, hoặc phụ huynh để trẻ tiếp xúc với điện thoại thông minh quá sớm thì có tỉ lệ cao trẻ bị chậm nói. Đó là do trẻ không có điều kiện giao tiếp hai chiều, không có cơ hội học hỏi và tư duy ngôn ngữ thông qua việc trò chuyện. Tình trạng cha mẹ bận rộn công việc nên bỏ bê trẻ cho người giúp việc, ít quan tâm và hỏi han làm tăng tỉ lệ trẻ chậm nói đơn thuần.
Trong một số trường hợp, tình trạng chậm nói đơn thuần có thể biến mất khi trẻ bước vào độ tuổi đi học. Khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường xã hội, có bạn bè và tiếp thu kiến thức mới, tình trạng chậm nói có thể được cải thiện và dần biến mất. Còn với những trường hợp còn lại, cha mẹ cần có hướng hỗ trợ phù hợp để giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, từ đó phát triển mạnh khỏe và toàn diện hơn.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên viên tâm lý để tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng chậm nói đơn thuần ở trẻ. Từ đó, cha mẹ có thể tìm cách giúp trẻ tháo gỡ vướng mắc, ổn định tinh thần, và áp dụng những phương pháp đúng đắn nhằm giúp trẻ thoát khỏi tình trạng chậm nói, đạt đến cột mốc phát triển bình thường.
Thế nào là trẻ chậm nói do tự kỷ?
Chậm nói là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất khi trẻ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em. Nguyên nhân là do những rối loạn trong quá trình phát triển não bộ và hệ thần kinh, dẫn đến việc trẻ thiếu hụt những kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh thông qua lời nói và cử chỉ. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất để phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần là qua giao tiếp bằng mắt và cử chỉ.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu, và chưa có kết luận chính xác về lý do tại sao trẻ bị tự kỷ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển não bộ của trẻ khi còn là bào thai có thể làm tăng nguy cơ tự kỷ.
Những yếu tố đó bao gồm gien di truyền, tổn thương não, nhiễm độc thủy ngân và các hóa chất độc hại, virus; do thai phụ sử dụng chất kích thích hoặc thuốc an thần, căng thẳng và trầm cảm kéo dài; thai nhi không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho quá trình phát triển, cùng một số yếu tố chu sinh và sau sinh khác. Những yếu tố này được chứng minh là có khả năng làm tăng nguy cơ tự kỷ bẩm sinh ở trẻ.
Biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ tự kỷ là việc thích ở một mình, né tránh sự tiếp xúc thông qua ánh mắt với mọi người, không phản ứng khi được gọi tên, và đặc biệt là tình trạng chậm nói. Tùy vào mức độ tự kỷ mà tình trạng chậm nói ở trẻ có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những biểu hiện chậm nói thể hiện rất rõ ở những năm đầu đời, nhất là trước khi trẻ được 36 tháng. Bên cạnh việc chậm nói, trẻ còn thể hiện nhiều hành vi kỳ lạ khác.
Trẻ tự kỷ có thể ê a hoặc bập bẹ một số từ đơn giản, nhưng ngữ điệu và giọng nói đều đều, không linh hoạt và rõ ràng như những trẻ khác. Trẻ thường lặp lại những từ ngữ vô nghĩa, không phản ứng khi được yêu cầu giao tiếp, không làm theo mệnh lệnh, không biết cách biểu đạt nhu cầu thông qua ánh mắt hay cử chỉ. Trẻ cũng thường la hét ăn vạ, thể hiện thái độ quá gắn bó với một đồ vật gì đó.
Phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần
Chậm nói là dấu hiệu điển hình ở trẻ tự kỷ và chậm nói đơn thuần, vì thế nhiều bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi thấy con chậm nói vì sợ trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, chúng ta cần xét những yếu tố khác bên cạnh việc chậm nói thì mới có cơ sở kết luận trẻ rơi vào trường hợp nào. Để phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần, phụ huynh có thể đối chiếu tình trạng của trẻ với những đặc điểm dưới đây.
- Quay đầu về hướng có âm thanh: Những đứa trẻ bình thường rất nhạy cảm với tiếng động, và có phản ứng khi nghe thấy âm thanh. Ví dụ khi nghe tiếng cha mẹ gọi, trẻ sẽ quay đầu và đưa mắt nhìn về cha mẹ. Trẻ chậm nói đơn thuần cũng sẽ có những phản ứng tương tự khi được gọi tên. Trẻ hoàn toàn có khả năng nghe hiểu và phản ứng với lời nói, hành động và yêu cầu giao tiếp từ người lớn, chỉ là trẻ không thể diễn đạt bằng lời nói. Trẻ chậm nói tự kỷ thì ngược lại. Trẻ thường thờ ơ và không phản ứng khi nghe gọi tên, không quay đầu về hướng tiếng động. Trẻ không phản ứng bằng cả lời nói và cử chỉ.
- Giao tiếp bằng mắt: Trẻ chậm nói tự kỷ thường né tránh việc giao tiếp bằng mắt khi được yêu cầu giao tiếp. Nếu cha mẹ muốn nhìn vào mắt trẻ khi dạy trẻ nói, trẻ sẽ liên tục đưa mắt nhìn đi chỗ khác và cố gắng lãng tránh. Nếu phụ huynh cố gắng ép buộc trẻ giao tiếp, trẻ có thể phản ứng dữ dội như cào cấu và đánh người. Với trẻ chậm nói đơn thuần, trẻ hoàn toàn có khả năng giao tiếp bằng mắt một cách bình thường. Trẻ có thể tập trung và nhìn thẳng vào mắt cha mẹ khi nghe cha mẹ nói chuyện. Trẻ có thể nghe hiểu lời người lớn nói, có thể dùng cử chỉ để thể hiện nhu cầu và làm theo hiệu lệnh.
- Khả năng tập trung: Trẻ chậm nói đơn thuần thường chỉ gặp khó khăn trong việc biểu đạt bằng lời nói, còn những khả năng khác như sự tập trung, khả năng lắng nghe và nhận thức vấn đề vẫn phát triển bình thường. Chính vì thế trẻ có thể tuân theo hướng dẫn của cha mẹ, có khả năng tập trung trong thời gian dài, có khả năng học tập tốt hơn. Ngược lại, trẻ tự kỷ có khả năng tâp trung kém, dẫn đến việc trẻ không thể ngồi yên, không nghe theo hiệu lệnh, và không thể tập trung dù chỉ trong một thời gian ngắn. Trẻ cũng thường lặp lại những cụm từ hoặc những hành vi kỳ lạ.
- Kiểm soát cảm xúc: Rào cản ngôn ngữ khiến trẻ chậm nói tự kỷ và trẻ chậm nói đơn thuần khó biểu hiện cảm xúc và nhu cầu của bản thân. Từ đó dẫn đến việc trẻ có thể cảm thấy khó chịu và có xu hướng khó khống chế cảm xúc. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ chậm nói đơn thuần tốt hơn, và trẻ cũng ít khi có những cảm xúc kích động một cách đột ngột như trẻ tự kỷ.
- Kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh: Một trong những điều khác biệt rõ ràng nhất để phân biệt trẻ chậm nói tự kỷ và chậm nói đơn thuần là khi giao tiếp. Trẻ chậm nói đơn thuần có khả năng nghe hiểu, nên có thể phản ứng với những tác động từ cha mẹ và những người xung quanh. Ví dụ trẻ có thể cười khi được nựng nịu, tỏ thái độ thích hoặc không thích với một thứ gì đó xung quanh. Trẻ cũng thể hiện mong muốn với mọi người qua cử chỉ, hoặc hành động. Trong khi đó, trẻ tự kỷ lại thường không nghe hiểu lời nói, không phản ứng khi được tác động, không quan tâm đến những người xung quanh. Trẻ có thể đột nhiên cười to, hoặc đột ngột tức giận mà không có nguyên do.
Trên đây chỉ là những khác biệt cơ bản giữa trẻ tự kỷ chậm nói và trẻ chậm nói đơn thuần mà cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy. Thông qua những dấu hiệu này, cha mẹ có thể bước đầu xác định tình trạng của con để có phương án hỗ trợ thích hợp. Tốt nhất là nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên viên tâm lý. Những người có chuyên môn sẽ thông qua những bài kiểm tra và xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng chính xác của trẻ.
Dù tình trạng của trẻ rơi vào trường hợp nào, cha mẹ cũng cần bình tĩnh và nhìn thẳng vào sự thật để hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất. Sự yêu thương và quan tâm cảu cha mẹ có thể giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ. Đây là một hành trình rất dài và có thể gặp nhiều khó khăn mà cha mẹ và trẻ phải cùng nhau vượt qua. Nguồn năng lượng tích cực từ cha mẹ có thể ảnh hưởng đến trẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn.
Có lẽ bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!