Bệnh ái kỷ là gì? Biểu hiện của người ái kỷ và cách chữa
Bệnh ái kỷ là một rối loạn sức khỏe tâm thần không hiếm gặp, có 1 – 2% dân số thế giới mắc phải, thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Người mắc ái kỷ luôn đánh giá cao khả năng của mình, có nhu cầu được liên tục ngưỡng mộ, công nhận.
Bệnh ái kỷ là gì?
Bệnh ái kỷ (rối loạn nhân cách ái kỷ) là một rối loạn nhân cách khiến một người lý tưởng hóa, coi trọng, thổi phồng chính mình, luôn muốn được chú ý và thiếu sự đồng cảm với người khác. Ái kỷ còn được gọi là tự luyến, nghĩa là yêu bản thân mình quá mức hoặc ngưỡng mộ chính mình và chỉ nghĩ đến bản thân.
Người ái kỷ có 3 đặc điểm chính gồm sự tự phụ, luôn tìm kiếm sự chú ý và có khiếm khuyết đáng kể trong tính cách. Họ luôn trông chờ quá mức vào người khác để điều chỉnh lòng tự trọng, luôn coi mình đặc biệt, thiếu sự đồng cảm và hời hợt trong các mối quan hệ.
Ái kỷ trong tiếng anh là Narcissism. Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder – NPD) lấy tên từ Narcissus, một thợ săn trong thần thoại Hy Lạp. Narcissus bị ám ảnh bởi vẻ đẹp của chính mình, không làm gì khác ngoài việc nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình trong một hồ nước cho đến khi chết.
Tuy nhiên, bệnh ái kỷ có nghĩa rộng hơn, không chỉ liên quan đến ngoại hình, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như quyền lực, sự giàu có, sức hút, trí thông minh… Người mắc NPD được đánh giá là ích kỷ, kiêu ngạo, hay thao túng, thích hơn thua, có xu hướng đổ lỗi cho người khác, cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích.
Biểu hiện của người ái kỷ
Không khó để nhận biết một người mắc bệnh ái kỷ. Các biểu hiện của người ái kỷ thường là tự cao tự đại, thích khoe khoang, yêu bản thân quá mức, luôn muốn được chú ý, thích thao túng và sẵn sàng bóc lột người khác, thiếu sự đồng cảm. Họ thường ghen tị, coi thường, hạ thấp người khác, quá nhạy cảm hoặc phẫn nộ với sự từ chối, chỉ trích.
Các dấu hiệu nhận biết người ái kỷ như sau:
- Tự tôn, tự đề cao bản thân thái quá: Họ đánh giá cao chính mình một cách vô lý, hay khoe khoang, phóng đại bản thân.
- Ảo tưởng: Thường tưởng tượng bản thân thành công, thông minh, có quyền lực, có sắc đẹp hoặc được theo đuổi.
- Tin rằng mình đặc biệt: Luôn nghĩ bản thân đặc biệt, độc đáo và chỉ kết giao với những người xứng đáng, cùng tầng lớp.
- Luôn muốn được chú ý: Khát khao được người khác khen ngợi, ngưỡng mộ, chú ý. Thường xuyên tự nghi ngờ, bận tâm suy nghĩ của người khác về mình.
- Cho rằng bản thân có đặc quyền: Có niềm tin rằng mình đặc biệt, phải được ưu ái, tức giận khi không được chiều chuộng.
- Thao túng tâm lý, tình huống: Thường thao túng tâm lý hoặc tình huống để phục vụ cho lợi ích của mình mà không thấy tội lỗi.
- Phản ứng quá mức với sự chỉ trích: Nhạy cảm hoặc tức giận với lời chỉ trích, từ chối hoặc thất bại.
- Sẵn sàng lợi dụng, bóc lột người khác: Ích kỷ, có mối quan hệ hời hợt, có ý thức hoặc vô ý thức lợi dụng người khác. Luôn tìm kiếm các mối quan hệ có thể nâng lòng tự trọng, địa vị của bản thân.
- Thiếu sự đồng cảm: Bỏ qua cảm xúc hoặc làm tổn thương người khác, không đáp lại lòng tốt hoặc sự quan tâm của người khác.
- Thường xuyên ghen tị: Có cảm giác ghen tị (nhất là khi người khác thành công, được chú ý), tỏ ra coi thường, hạ thấp người khác.
- Kiêu ngạo: Cho rằng mình tài giỏi, xem thường, khinh rẻ người khác.
Nguyên nhân của bệnh ái kỷ
Nguyên nhân của bệnh ái kỷ đến nay vẫn được nghiên cứu. Hội chứng ái kỷ là một rối loạn sức khỏe tâm thần, vì thế, không có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận định, NPD có liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm bất thường cấu trúc não, di truyền, trải nghiệm tuổi thơ, cách được cha mẹ nuôi dạy…
Những yếu tố được cho là nguyên nhân của bệnh ái kỷ bao gồm:
- Di truyền: Bệnh thường xảy ra ở các gia đình có cha mẹ hoặc họ hàng từng mắc bệnh.
- Bất thường não bộ: Có sự khác biệt về cấu trúc, chức năng não bộ, nhất là vùng tự nhận thức và đồng cảm ở người mắc hội chứng ái kỷ.
- Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu: Liên quan đến các trải nghiệm như bị bỏ bê, bị từ chối, bị chấn thương, không được quan tâm, chú ý, hỗ trợ.
- Sự nuông chiều quá mức: Cha mẹ nuông chiều quá mức hoặc kiểm soát, theo dõi quá mức khiến trẻ trẻ dễ mắc bệnh ái kỷ. Khi lớn lên, trẻ phát triển sự mong đợi, đòi hỏi người khác tương tự như cách chúng nhận được từ cha mẹ.
- Thói quen học được: Trẻ em có thể bắt chước, học các hành vi đặc điểm từ người khác và phát triển thành chứng ái kỷ.
- Áp lực của xã hội: Xã hội đề cao danh vọng, vật chất, vẻ bề ngoài nuôi dưỡng và khuyến khích tính sự phát triển của cách ái kỷ.
- Ảnh hưởng của mạng xã hội: Văn hóa “tự sướng”, khát “like”, khát vọng sự công nhận, ngưỡng mộ của người khác khiến hội chứng ái kỷ ngày càng gia tăng.
Có một thực tế là xã hội hiện nay đang ngày càng gia tăng chủ nghĩa ái kỷ. Sự đề cao quyền lực, danh vọng, vẻ ngoài, sự khát khao thành công, được chú ý, ngưỡng mộ, trở thành doanh nhân thành đạt, thành chính trị gia, thành người nổi tiếng khuyến khích chủ nghĩa tự kỷ phát triển, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Đối tượng nguy cơ dễ bị ái kỷ
Theo thống kê, trên thế giới có 1% dân số mắc rối loạn nhân cách ái kỷ. Theo nghiên cứu của Weinberg & Ronningstam năm 2022, có 1 – 2% dân số Hoa Kỳ mắc loại rối loạn nhân cách này. Trong đó, chiếm 2/3 là nam giới và thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Những đối tượng có nguy cơ dễ bị ái kỷ gồm:
- Nam giới
- Người được nuông chiều từ nhỏ
- Người thiếu thốn sự yêu thương
- Từng bị bỏ rơi, lạm dụng, tổn thương tâm lý
- Gia đình có người từng mắc ái kỷ
- Người có lòng tự trọng cao
- Người thành công trong lĩnh vực đòi hỏi sự cạnh tranh cao (nghệ sĩ, doanh nhân, chính trị gia…)
Một số dẫn chứng về bệnh ái kỷ
Ái kỷ hay tự kỷ luyến ái ngày càng phổ biến và được quan tâm hơn. Một người có thể tự luyến, tuy nhiên họ chỉ được đánh giá là mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, khi các triệu chứng này kéo dài dai dẳng, gây đau khổ và gây suy giảm chức năng.
Các dẫn chứng về bệnh ái kỷ sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn về loại rối loạn tâm thần này:
1. Dẫn chứng về nhân vật lịch sử mắc bệnh ái kỷ
Ái kỷ là một rối loạn nhân cách, đã có nhiều nghiên cứu về người mắc NPD. Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mắc loại rối loạn tâm thần này là:
- Napoleon Bonaparte: Một số học giả nghiên cứu cho rằng Napoleon có thể là người đã mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Ông độc đoán, kiêu ngạo và tham vọng. Ông cũng cực kỳ nhạy cảm với sự chỉ trích, không thừa nhận sai lầm và đổ lỗi cho người khác.
- Adolf Hitler: Theo nhà phân tích học Alice Miller, Adolf Hitler có các đặc điểm ái kỷ. Ông coi mình là cứu tinh của nước Đức, khát khao quyền lực tuyệt đối, thiếu sự đồng cảm, khinh thường những người bị ông ta cho là yếu kém.
2. Dẫn chứng về bệnh ái kỷ trong văn học
Không ít nhân vật văn học được xây dựng với hình tượng của tính cách ái kỷ. Có thể kể đến như:
- Thợ săn Narcissus (thần thoại Hy Lạp): Narcissus quá yêu chính mình, anh ta nhìn hình ảnh phản chiếu của mình dưới dòng nước. Không thể ngừng việc ngắm chính mình, cuối cùng chết trong cô độc.
- Tom Buchanan (The Great Gatsby): Một nhân vật trong tiểu thuyết “The Great Gatsby”, xếp thứ 2 trong 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20. Tom Buchanan là một người có đặc điểm của ái kỷ, anh ta kiêu ngạo, tự tôn, coi mình vượt trội hơn người khác, lợi dụng người khác để thỏa mãn bản thân, thiếu sự đồng cảm, luôn tìm cách khẳng định bản thân trong các mối quan hệ.
3. Dẫn chứng về người nổi tiếng mắc ái kỷ hiện nay
Các nhân vật này chưa được chẩn đoán y khoa chính thức. Tuy nhiên, họ được cho là có các đặc điểm của rối loạn nhân cách ái kỷ. Họ được sử dụng làm ví dụ dẫn chứng cho bệnh ái kỷ. Thế nhưng, không thể kết luận rằng họ mắc hội chứng này.
Ví dụ minh họa dưới đây chỉ phần nào giúp bạn hiểu rõ về rối loạn nhân cách ái kỷ. Một số người nổi tiếng vướng vào tranh cãi mắc bệnh ái kỷ gồm:
- Donald Trump: Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thường khoe khoang thành tựu cá nhân, nhấn mạnh mình tài giỏi, không ngừng gây chú ý với các phát ngôn gây sốc, gây tranh cãi. Ông cũng thường phủ nhận sai lầm của mình và bị chỉ trích là thiếu sự đồng cảm.
- Elon Musk: Tỷ phú Elon Musk là người tự tôn quá mức, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông, cực kỳ nhạy cảm với sự chỉ trích. Ông tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, rất khắt khe và thiếu sự đồng cảm.
4. Dẫn chứng về bệnh ái kỷ trong xã hội
Hội chứng narcissism ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay. Thực tế, ngày càng có nhiều người có các đặc điểm tính cách của ái kỷ. Một số dẫn chứng về bệnh ái kỷ hiện nay gồm:
Con trai ái kỷ
Một nam sinh lớp 10 tại TP.HCM được chẩn đoán là mắc chứng ái kỷ. Cậu không hòa đồng, suốt ngày ở trong phòng. Trên mạng xã hội hễ bạn hỏi han, rủ đi chơi đều bị chặn, rất nhiều lời kết bạn trong trạng thái chờ.
Chàng trai này không chơi với người kém cỏi, yếu thế, không bao giờ chỉ bài cho em, luôn tỏ ra coi thường em gái mình. Khi được nhờ giúp đỡ, cậu thường trả lời “con bận lắm”. Cậu cũng luôn hờ hững với cha mẹ, không bao giờ nhận sai, phản ứng dữ dội khi bị góp ý.
Sếp ái kỷ
Một nhân viên ở Hà Nội đã được chuyên gia tâm lý xác định mắc trầm cảm, nguyên nhân là vì sếp ái kỷ. Sếp của bạn này luôn thúc giục nhân viên bằng cách gọi điện, nhắn tin bất kể ngày đêm, liên tục yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ. Thường chỉ trích nhân viên bằng từ ngữ nặng nề như vô tích sự, nông cạn, ù lì.
Người sếp này có các dấu hiệu của ái kỷ như kiêu ngạo, thiếu sự đồng cảm, khinh thường nhân viên, tự tin thái quá về năng lực của bản thân, luôn nghĩ mình quan trọng, muốn nhân viên đối xử đặc biệt. Khi được góp ý thì lập tức phản bác, chỉ trích nhân viên nặng nề.
Ái kỷ trên mạng xã hội
Một chàng trai 19 tuổi ở Anh, tên Danny Bowman bị nghiện selfie. Có hôm cậu dành đến 10 tiếng và chụp đến 200 tấm ảnh chính mình. Cậu luôn giữ điện thoại trong tay để chụp ảnh và đăng lên Facebook để nhận được lời khen từ bạn bè. Chỉ vì một số phản hồi chê bai, cậu đã tuyệt vọng và tự tử, may mắn mẹ cậu đã kịp thời cứu được.
5. Bệnh ái kỷ trong tình yêu
Một cô gái xinh đẹp tên Ngọc Thy đã cưới một người họa sĩ Việt Kiều nổi tiếng, giàu có. Người chồng này luôn tự cho mình là trung tâm vũ trụ, tài hoa hơn người, chỉ giao tiếp với tầng lớp thượng lưu. Luôn có thái độ xem thường gia đình, bạn bè của vợ ở Việt Nam.
Người chồng luôn kiểm soát thái quá vợ, ngay cả cách ăn mặc cũng bị can thiệp. Không những thế, người chồng này còn ngoại tình, đáng nói là anh ta không hề hối cải, cho rằng đây là điều bình thường. Cô gái này muốn ly hôn, anh chồng tìm cách nếu kéo và đem con ra đe dọa.
Ái kỷ có thể xuất hiện trong tình yêu, ái kỷ trong tình yêu rất đáng sợ. Một người mắc bệnh ái kỷ trong tình yêu sẽ có các biểu hiện sau:
- Chỉ quan tâm đến bản thân
- Liên tục yêu cầu đối tác khen ngợi, ngưỡng mộ, ủng hộ mình
- Thiếu sự đồng cảm, phớt lờ cảm xúc của đối tác
- Cố gắng kiểm soát, thao túng khiến đối phương tuân theo ý muốn của mình
- Bỏ qua ranh giới của đối tác, xâm phạm quyền riêng tư của người khác
- Yêu cầu đối phương phải trả lời tin nhắn, nghe điện thoại của họ dù bận rộn
- Ghen tuông quá mức, cho rằng đối tác không chung thủy.
Hậu quả của bệnh ái kỷ
Bệnh ái kỷ không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh, mà còn tác động xấu đến những người xung quanh họ. Khi một người mắc chứng ái kỷ, họ được nhân xét là ích kỷ, độc đoán, kiêu ngạo. Cuộc sống thường không ổn định, có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
Hậu quả của bệnh ái kỷ:
- Khó khăn trong mối quan hệ
- Khiến người xung quanh ngột ngạt, khó chịu
- Gặp vấn đề trong trường học, công việc, cuộc sống
- Tâm lý không ổn định, dễ bị cô lập
- Chất lượng cuộc sống suy giảm, không cảm thấy hạnh phúc
- Có các vấn đề về sức khỏe thể chất
- Dễ bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn sử dụng chất
- Có thể bị trầm cảm cực độ, dẫn đến tự tử.
Cách chẩn đoán bệnh ái kỷ
Việc chẩn đoán bệnh ái kỷ được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Quá trình chẩn đoán được tiến hành như sau:
- Đánh giá lâm sàng
- Thực hiện bài test tâm lý
- Đối chiếu với tiêu chuẩn DSM-5 hoặc ICD-10
- Loại trừ các rối loạn tâm lý khác.
Thông thường, rối loạn nhân cách ái kỷ được nhận diện, chẩn đoán theo các tiêu chí trong Sổ tay Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần DSM-5, của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ. Trong DSM-5 phiên bản sửa đổi, bổ sung, rối loạn nhân cách ái kỷ được chẩn đoán như sau:
- Có 5 trong 9 triệu chứng gồm:
-
- Đánh giá cao bản thân, tự tôn thái quá
- Thường xuyên có ảo tưởng tốt đẹp về bản thân (thông minh, đẹp, quyền lực…)
- Tin rằng mình vượt trội, đặc biệt hoặc độc đáo
- Luôn có nhu cầu được ngưỡng mộ, chú ý
- Cho rằng bản thân được hưởng đặc quyền riêng
- Sẵn sàng bóc lột, lợi dụng người khác
- Thiếu sự đồng cảm
- Thường xuyên ghen tị, đố kỵ
- Kiêu ngạo, xem thường, hạ thấp người khác.
- Các triệu chứng này gây đau khổ hoặc suy giảm chức năng đáng kể cho người bệnh.
Ngoài ra, DSM-5-TR cũng lưu ý rằng, ở thanh thiếu niên, trẻ có thể xuất hiện một số đặc điểm tự luyến. Tuy nhiên, đây có thể là đặc điểm tâm lý lứa tuổi, không nhất thiết sẽ phát triển thành rối loạn nhân cách ái kỷ ở tuổi trưởng thành.
Cách chữa bệnh ái kỷ
Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ, thường vô cảm với người khác, dễ gặp các rắc rối liên quan đến pháp lý. Hội chứng narcissistic gây đau khổ và ảnh hưởng đến chức năng xã hội của người mắc bệnh. Vì thế, người mắc bệnh ái kỷ cần được can thiệp, điều trị.
Các cách chữa bệnh ái kỷ:
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu hay liệu pháp trò chuyện là một trong những cách chữa bệnh ái kỷ hàng đầu. Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng bao gồm:
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Tập trung vào việc giúp cá nhân chấp nhận thực tế cuộc sống và hành vi của họ. Học cách tập trung vào hiện tại, quản lý cảm giác, đặt ranh giới cho bản thân và kiểm soát tốt cảm xúc của mình.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp cá nhân nhận diện được các mô hình cảm xúc, hành vi tiêu cực và thay đổi chúng theo hướng tích cực. Phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc, đối phó với tình huống.
- Liệu pháp dành cho cặp đôi hoặc gia đình: Giúp cặp đôi hoặc thành viên trong gia đình tăng cường sự đồng cảm, hiểu biết và cải thiện mối quan hệ.
2. Điều trị bằng thuốc
Không có thuốc đặc trị cho hội chứng narcissistic. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị có thể giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm có liên quan đến bệnh ái kỷ như:
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc giải lo âu
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống co giật…
Lối sống và cách phòng ngừa ái kỷ
Một lối sống phù hợp sẽ giúp người mắc ái kỷ thay đổi hành vi, cảm xúc, cải thiện được mối quan hệ của bản thân. Đồng thời, cũng giúp ngăn ngừa tình trạng con trẻ học được hành vi, đặc điểm của người lớn. Dưới đây là lối sống và cách phòng ngừa ái kỷ:
1. Lối sống cho người mắc ái kỷ
Người mắc ái kỷ thường hiếm khi phát hiện bản thân mắc bệnh. Họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chấp nhận kết quả chẩn đoán. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra và thay đổi để cải thiện cuộc sống của chính mình.
Chúng ta có thể giúp chính mình bằng cách:
- Chấp nhận kết quả chẩn đoán, nghĩ thoáng hơn
- Tích cực điều trị theo hướng dẫn của chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần
- Tránh lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện vì chúng rất nguy hiểm
- Tích cực lắng nghe thay vì chỉ trích đánh giá
- Cởi mở trong việc chia sẻ cảm xúc thật sự với người thân, bạn bè
- Xây dựng ranh giới và học cách tôn trọng ranh giới của người khác
- Cố gắng duy trì sự bình đẳng trong mối quan hệ, không thao túng, kiểm soát người khác
- Ghi chép lại những gì bạn thấy biết ơn và thể hiện sự biết ơn với người khác.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
2. Cách phòng ngừa bệnh ái kỷ
Nguyên nhân gây bệnh ái kỷ vẫn chưa được hiểu rõ nên rất khó để phòng ngừa. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh ái kỷ bằng lối sống và cách dạy trẻ. Có thể phòng ngừa bằng cách:
- Chú ý đến cách nuôi dạy con trẻ, không nuông chiều nhưng cũng tránh khắt khe, kiểm soát quá mức
- Giúp trẻ xây dựng sự tự tin, lòng tự trọng mà không cần dựa vào sự công nhận của người khác
- Trẻ cần được học về sự thất bại, hiểu rằng thất bại là một phần tự nhiên trong quá trình học hỏi
- Dạy trẻ cách nhận diện, chia sẻ cảm xúc và biết đồng cảm với người khác
- Dạy trẻ cách lắng nghe, phân tích, biết tiếp thu và phản biện ý kiến của người khác.
- Tạo môi trường bình đẳng, cởi mở, giúp trẻ nhận thức được sự khác biệt giữa mọi người.
- Theo dõi sức khỏe tâm thần của trẻ, kịp thời đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường.
Bệnh ái kỷ là một rối loạn sức khỏe tâm thần, thuộc nhóm rối loạn nhân cách. Người mắc bệnh thường có nhận thức sai lầm về bản thân và người xung quanh. Họ lý tưởng hóa, thổi phồng chính mình, liên tục muốn được quan tâm, chú ý và xem nhẹ cảm xúc của người khác.
Có thể bạn quan tâm:
- 15 cách đối phó với người ái kỷ đơn giản mà hiệu quả
- Bài test rối loạn nhân cách ái kỷ – Kiểm tra độ tự luyến
- Người ái kỷ sợ gì nhất? Những điều giúp bạn thấu hiểu họ
Nguồn tham khảo:
- https://www.psychiatry.org/news-room/apa-blogs/what-is-narcissistic-personality-disorder
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9742-narcissistic-personality-disorder
- https://www.webmd.com/mental-health/narcissism-symptoms-signs
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!