Tâm thần phân liệt: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nghiêm trọng, thuộc nhóm rối loạn mãn tính và thường kéo dài suốt đời. Căn bệnh này ảnh hưởng sâu sắc đến cách mà người bệnh suy nghĩ, cảm nhận và hành xử, gây ra sự mất kết nối với thực tế, do rối loạn hoạt động của não bộ. Việc điều trị kịp thời, đúng cách là cần thiết để giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh tâm thần phân liệt là gì?
Tâm thần phân liệt (Schizophrenia) là một bệnh lý rối loạn não mãn tính nghiêm trọng, phá vỡ cách thức hoạt động thông thường của não bộ, làm thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, trí nhớ, giác quan và hành vi của một người. Bệnh đặc trưng bởi sự kết hợp giữa ảo giác và hoang tưởng, gây rối loạn trong suy nghĩ và hành vi.
Tâm thần phân liệt thường được mọi người gọi là bệnh tâm thần. Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường có những những lời nói hành động kỳ dị, lạ lùng, khác xa với con người trước đây của họ. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh sẽ tiến triển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Theo Hiệp hội Tâm Thần Hoa Kỳ (APA), tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mãn tính, biểu hiện qua sự rối loạn trong nhận thức, ảo giác, hoang tưởng, tách biệt cảm xúc và sự suy giảm khả năng tư duy logic. Bệnh thường bắt đầu trong độ tuổi thanh niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, và có thể diễn biến nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đặc điểm của tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là sự gián đoạn trong cách não bộ xử lý thông tin, khiến người bệnh mất liên lạc với thực tế. Sau khi trải qua một cơn loạn thần, suy nghĩ và nhận thức của người bệnh bị đảo lộn, dẫn đến việc họ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa hiện thực và ảo giác, hoang tưởng.
Các đặc điểm của tâm thần phân liệt như sau:
- Ảo tưởng: Có niềm tin sai lầm cố định vào một điều gì đó không hợp lý, không có bằng chứng rõ ràng. Trong đó, ảo tưởng bị ngược đãi, quấy rối, làm hại là phổ biến nhất.
- Ảo giác: Trải nghiệm nghe, nhìn, ngửi, nếm hoặc cảm nhận những thứ không có thật, do bản thân người đó tự tưởng tượng ra. Ảo giác thính giác (nghe thấy giọng nói) là phổ biến nhất.
- Suy nghĩ và hành động không có tổ chức: Lời nói, hành vi lộn xộn, không có ý nghĩa. Chẳng hạn, có thể nói liên tục từ chủ đề này sang chủ đề khác hoặc trả lời những vấn đề không liên quan trong cuộc trò chuyện.
- Hành vi bất thường, mất tổ chức: Hành động ngớ ngẩn, nguy hiểm hoặc lặp đi lặp lại mà không có mục đích.
Các dạng tâm thần phân liệt
Trước đây, theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-4), tâm thần phân liệt được phân thành 5 nhóm gồm:
- Rối loạn hoang tưởng
- Rối loạn nhân cách phân liệt
- Rối loạn tâm thần phân liệt
- Rối loạn tâm thần dạng phân liệt
- Rối loạn tâm thần ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo DSM-5-TR bản mới nhất, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) đã loại bỏ cách phân loại này và cho rằng, rối loạn tâm thần phân liệt nằm trên một phổ. Việc phân nhóm là không đáng tin cậy và cản trở việc đưa ra chẩn đoán chính xác.
Hiện nay, tâm thần phân liệt không còn được phân chia thành các loại riêng mà là một phổ chung. Các triệu chứng của các nhóm phân loại thường chồng chéo lên nhau, khiến độ chính xác chẩn đoán thấp nên chúng không còn được sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu thấy hữu ích, bác sĩ có thể đề cập đến cách phân loại này.
DSM-5-TR liệt kê tâm thần phân liệt vào nhóm “phổ tâm thần phân liệt và các rối loạn loạn thần khác”. Các rối loạn loạn thần trong phổ này gồm:
- Rối loạn hoang tưởng
- Rối loạn nhân cách phân liệt
- Rối loạn loạn thần ngắn hạn
- Rối loạn tâm thần phân liệt
- Rối loạn loạn thần do thuốc hoặc chất
- Rối loạn loạn thần do bệnh lý
Triệu chứng tâm thần phân liệt
Triệu chứng của tâm thần phân liệt gồm ảo giác, ảo tưởng, nói năng lộn xộn hoặc không mạch lạc, chuyển động không có tổ chức hoặc bất thường và có các triệu chứng tiêu cực như khả năng nói, thể hiện cảm xúc bị hạn chế, kích động quá mức hoặc chuyển động chậm chạp…
Các triệu chứng tâm thần phân liệt như sau:
Ảo tưởng
Ảo tưởng là triệu chứng đặc trưng của tâm thần phân liệt, hầu hết người mắc bệnh đều có triệu chứng ảo tưởng. Đây là tình trạng người bệnh tin vào những điều không đúng hoặc không có thật. Các trường hợp này bao gồm:
- Nghĩ rằng mình đang bị làm hại hoặc quấy rối nhưng không phải vậy
- Cho rằng mình là mục tiêu của một số bình luận, chỉ trích nhất định
- Nghĩ rằng mình rất nổi tiếng hoặc có khả năng tuyệt vời
- Cảm thấy sắp có một thảm họa lớn sắp xảy ra khi điều đó không đúng thực tế…
Ảo giác
Là tình trạng nhìn thấy, nghe thấy, ngửi hoặc chạm vào những thứ không có thật, do bản thân họ tự tưởng tượng ra, đối với họ, những thứ này có vẻ như là thật. Ảo giác có thể xảy ra ở bất kỳ giác quan nào, trong đó phổ biến nhất là tình trạng nghe thấy tiếng nói, còn gọi là ảo thanh.
Lời nói và suy nghĩ lộn xộn
Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn trong việc trò chuyện với người khác. Họ có thể nói liên tục, nói nhiều chủ đề khác nhau hoặc trầm tư, ít nói. Họ đưa ra những câu trả lời không liên quan đến nội dung, chủ đề được hỏi hoặc trả lời câu hỏi không đầy đủ.
Đôi khi, họ cũng gặp khó khăn trong việc ghép và sử dụng từ dẫn đến câu hỏi lộn xộn, khó hiểu. Lời nói lộn xộn là triệu chứng đặc trưng thường gặp ở người mắc tâm thần phân liệt.
Hành vi hỗn loạn hoặc bất thường
Người bị tâm thần phân liệt thường có hành vi hỗn loạn hoặc bất thường. Có thể được biểu hiện theo nhiều cách, từ sự ngớ ngẩn, ấu trĩ như trẻ con đến các hành vi bốc đồng, nguy hiểm, kích động vô cớ. Hành vi của họ thường không có mục tiêu hoặc mục đích gì cả.
Họ có thể di chuyển liên tục, không chủ đích, không giống với lẽ thường hoặc không phù hợp với bối cảnh xã hội. Họ di chuyển liên tục, không làm theo hướng dẫn hoặc không di chuyển, thậm chí không phản ứng gì cả.
Triệu chứng tiêu cực
Các triệu chứng tâm thần phân liệt phổ biến như không tắm, không giao tiếp bằng mắt, không thể hiện cảm xúc, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, xa lánh xã hội… Các triệu chứng của bệnh như sau:
- Ít hoặc không biểu lộ cảm xúc, khuôn mặt đờ đẫn
- Không còn hứng thú trong công việc, học tập hoặc các hoạt động thường ngày
- Có xu hướng cô lập bản thân, tránh giao tiếp
- Suy giảm trí nhớ, khó tập trung, khả năng tập trung giảm sút, khó khăn trong việc lập kế hoạch…
Triệu chứng tâm thần ở thanh thiếu niên
Triệu chứng tâm thần phân liệt ở thanh thiếu niên cũng tương tự người lớn, tuy nhiên khó nhận biết hơn. Các triệu chứng sớm dễ nhận biết nhất gồm:
- Xa lánh bạn bè và gia đình
- Thành tích học tập giảm sút
- Khó tập trung, khó đưa ra quyết định
- Gặp khó khăn khi ngủ
- Thiếu động lực, thiếu sức sống
- Dễ cáu kỉnh, nóng giận hoặc chán nản…
Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt
Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa được xác định hoàn toàn. Có 3 lý do chính gây ra bệnh lý này gồm mất kết nối giữa các vùng não, vấn đề về phát triển não bộ trước sinh và sự mất cân bằng trong tín hiệu hóa học khiến não bộ bị rối loạn hoạt động.
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tâm thần phân liệt có thể kể đến như:
- Yếu tố di truyền: Những người có người thân trong gia đình bị bệnh tâm thần phân liệt có nguy cơ cao hơn bị mắc bệnh. Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất, vì nhiều người không có tiền sử gia đình mắc bệnh vẫn có thể phát triển tâm thần phân liệt.
- Rối loạn hóa học trong não: Các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và glutamate có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các chức năng của não. Sự mất cân bằng hoặc rối loạn trong hoạt động của các chất này có thể dẫn đến các triệu chứng của tâm thần phân liệt, như ảo giác, hoang tưởng và suy giảm nhận thức.
- Tổn thương cấu trúc não: Có sự thay đổi trong cấu trúc não điển hình sự co lại của các khu vực trong não liên quan đến chức năng nhận thức và cảm xúc ở người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Các thay đổi này có thể xảy ra trong quá trình phát triển não bộ, đặc biệt trong giai đoạn thanh thiếu niên.
- Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường, bao gồm căng thẳng tâm lý, chất gây nghiện (như ma túy, đặc biệt là cần sa hoặc thuốc lắc), chấn thương tâm lý trong quá khứ hoặc các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm bệnh tâm thần phân liệt ở những người có nguy cơ di truyền.
- Yếu tố sinh học và nhiễm trùng trong thai kỳ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi người mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ hoặc có các yếu tố sinh học bất thường trong quá trình mang thai, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cho con sau này.
Mức độ phổ biến của bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt là một bệnh lý mãn tính không quá phổ biến. Theo thống kê, cứ 100.000 người thì có 221 người mắc bệnh. Bệnh thường gặp ở nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 25 và ở nữ giới ở độ tuổi 25 đến 35. Có khoảng 20% người trên 45 tuổi mới mắc xuất hiện căn bệnh này.
Tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt trên thế giới là 0.45%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên thế giới có khoảng 24 triệu người mắc bệnh. Những người bị tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.
Sự kỳ thị đối với người mắc bệnh này rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè của người bệnh. Dẫn đến rất nhiều người có xu hướng trốn tránh, giấu bệnh, không điều trị kịp thời, đúng cách.
Một thực trạng chung phổ biến hiện nay chính là người mắc tâm thần phân liệt thường được gọi là người điên, người bệnh tâm thần… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng hiện có. Họ dễ bị bỏ bê, bỏ rơi, ngược đãi, kì thị, loại trừ…
Ảnh hưởng của bệnh tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả cá nhân bệnh nhân và môi trường xung quanh họ. Những ảnh hưởng này có thể tác động đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ xã hội, công việc, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Các ảnh hưởng của bệnh tâm thần phân liệt như sau:
1. Làm giảm khả năng giao tiếp và quan hệ xã hội
Các triệu chứng như ảo giác và ảo tưởng có thể khiến người bệnh hiểu sai về thế giới xung quanh, từ đó gây khó khăn trong giao tiếp với người khác. Người bệnh có thể trở nên xa cách và cô lập mình.
Ngoài ra, bệnh còn làm giảm cảm xúc hoặc thiếu động lực, có thể làm suy yếu các mối quan hệ bạn bè, gia đình và tình cảm. Điều này có thể dẫn đến sự cô đơn và thiếu sự hỗ trợ xã hội.
2. Tác động xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất
Tâm thần phân liệt có thể tác động xấu đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người bệnh. Các tác động này bao gồm:
- Mất kiểm soát hành vi: Hành xử bất thường hoặc bạo lực do ảo tưởng, ảo giác, làm tổn thương đến bản thân hoặc người khác.
- Suy giảm sức khỏe thể chất: Thiếu động lực, không chăm sóc bản thân, không ăn uống đầy đủ, không duy trì các thói quen lành mạnh làm giảm sức khỏe.
- Suy giảm chất lượng cuộc sống: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, khiến người bệnh cảm thấy bất lực, không có khả năng thực hiện các hoạt động bình thường trong cuộc sống.
3. Tác động đến gia đình và cộng đồng
Việc chăm sóc người bệnh tâm thần phân liệt có thể tạo ra gánh nặng lớn cho gia đình. Người thân có thể phải đối mặt với cảm giác căng thẳng, lo lắng, và đôi khi là sự cô đơn vì không thể giúp đỡ người bệnh một cách hiệu quả.
Người mắc bệnh tâm thần phân liệt có thể phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ xã hội. Điều này có thể làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và giảm khả năng tham gia vào cộng đồng.
4. Làm giảm hiệu suất học tập và công việc
Tâm thần phân liệt gây khó tập trung, giảm nhận thức, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc chú ý và xử lý thông tin, có thể làm giảm khả năng học tập và làm việc hiệu quả.
Bệnh cũng có thể làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp hoặc học tập, dẫn đến mất việc làm hoặc không thể tiếp tục học hành.
5. Nguy cơ tự sát hoặc tự hại
Bệnh tâm thần phân liệt, đặc biệt khi không được điều trị hoặc kiểm soát, có thể dẫn đến các suy nghĩ và hành vi tự sát. Những người mắc bệnh này có thể cảm thấy tuyệt vọng và không thể nhìn thấy một lối thoát.
Trong một số trường hợp, các triệu chứng ảo giác hoặc ảo tưởng có thể khiến người bệnh có hành vi bạo lực hoặc nguy hiểm đối với bản thân hoặc người khác.
Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt
Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt là một quá trình phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải kết hợp nhiều yếu tố, bao gồm triệu chứng lâm sàng, thăm khám tâm lý, và các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác.
Các phương pháp chẩn đoán chính bao gồm:
Đánh giá lâm sàng
Bệnh được chẩn đoán thông qua việc khám sức khỏe để loại trừ các triệu chứng tương tự. Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ đưa ra các câu hỏi và chẩn đoán thông qua triệu chứng mà cá nhân mô tả hoặc quan sát hành động của họ.
- Triệu chứng: Triệu chứng dương tính (ảo giác, ảo tưởng), triệu chứng âm tính (suy giảm năng lực giao tiếp, giảm động lực), và triệu chứng nhận thức (rối loạn tư duy, mất khả năng tổ chức suy nghĩ). Các triệu chứng này cần kéo dài ít nhất 6 tháng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
- Lịch sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ thảo luận về tiền sử gia đình, các yếu tố môi trường, và những thay đổi trong hành vi của bệnh nhân.
Sổ tay DSM-5
Việc chẩn đoán phần lớn dựa vào các tiêu chuẩn được đề cập trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần DSM-5. Tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt theo DSM-5 như sau:
- Có ít nhất 2 trong 5 triệu chứng chính
- Các triệu chứng xuất hiện ít nhất trong một tháng
- Các triệu chứng này ảnh hưởng đến công việc hoặc các mối quan hệ.
Chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt yêu cầu bác sĩ loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra triệu chứng tương tự, như rối loạn khí sắc (trầm cảm hoặc hưng cảm), rối loạn lạm dụng chất, hay các rối loạn thần kinh khác.
Xét nghiệm và công cụ hỗ trợ
Không có xét nghiệm nào có thể chẩn đoán được bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, các xét nghiệm có thể được thực hiện nhằm loại trừ các bệnh lý khác. Các xét nghiệm có thể được sử dụng gồm:
- Xét nghiệm máu và hình ảnh học: Dù không có xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh tâm thần phân liệt, các xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp loại trừ các nguyên nhân sinh lý khác (như u não, nhiễm trùng hoặc rối loạn chuyển hóa).
- Đánh giá tâm lý: Các công cụ đánh giá như các bài kiểm tra tâm lý hoặc bảng câu hỏi (ví dụ, Bảng câu hỏi Schizophrenia) có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt cần được điều trị kịp thời, đúng cách. Việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt thường bao gồm một sự kết hợp của thuốc và liệu pháp tâm lý, và điều trị này cần được cá nhân hóa để phù hợp với từng bệnh nhân.
Các phương pháp điều trị tâm thần phân liệt như sau:
Điều trị bằng thuốc
Tâm thần phân liệt không có cách chữa khỏi, phương pháp điều trị chủ yếu là dùng thuốc và liệu pháp tâm lý suốt đời. Ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm, người bệnh vẫn cần tiếp tục sử dụng thuốc để điều trị.
Thuốc chống loạn thần (antipsychotic) được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị tâm thần phân liệt. Tác dụng của thuốc là kiểm soát triệu chứng bằng cách tác động đến các thụ thể não, cụ thể là dopamine và serotonin. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, cần thận trọng sử dụng.
Các thuốc chống loạn thần thường dùng bao gồm:
- Thuốc chống loạn thần thế hệ đầu: Clorpromazin, Fluphenazine, Haloperidol, Perphenazine…
- Thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai: Aripiprazole, Asenapin, Brexpiprazole, Cariprazine, Clozapin, Iloperidone…
- Thuốc chống loạn thần tiêm tác dụng kéo dài: Aripiprazole, Fluphenazine decanoate, Haloperidol decanoate, Paliperidone…
Tâm lý trị liệu
Các liệu pháp tâm lý được áp dụng trong điều trị tâm thần phân liệt thường là:
- Liệu pháp tương tác cá nhân (IPT): Liệu pháp này giúp bệnh nhân học cách đối phó với những triệu chứng và cảm giác khó chịu do bệnh gây ra. Tư vấn giúp bệnh nhân tăng cường khả năng nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT): Đây là một phương pháp giúp bệnh nhân nhận thức và thay đổi các suy nghĩ tiêu cực, đồng thời cải thiện các hành vi thích ứng để đối phó với bệnh.
- Liệu pháp gia đình: Liệu pháp này tập trung vào việc cung cấp thông tin và hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân, giúp họ hiểu và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Liệu pháp sốc điện (ECT)
Trường hợp các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý không hiệu quả, liệu pháp sốc điện (ECT) có thể được đề nghị thực hiện. Phương pháp này sử dụng dòng điện có định mức nhất định, tác động vào da đầu đề kích thích một số thành phần trong não bộ.
Sự kích thích gây ra cơn co giật ngắn gọn, giúp cải thiện chức năng não, làm giảm sự kích động quá mức, trầm cảm và một số vấn đề khác. Khi thực hiện liệu pháp ECT, người bệnh sẽ được gây mê để tránh gây ra cảm giác đau trong suốt quá trình thực hiện.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tâm thần phân liệt
Nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa được xác định chính xác, vì thế, không có biện pháp phòng ngừa cho bệnh lý này. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự tái phát bằng cách:
- Phát hiện sớm: Thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu như ảo giác, hoang tưởng.
- Quản lý tâm lý: Giảm căng thẳng bằng thiền, yoga; duy trì mối quan hệ tích cực.
- Tránh yếu tố rủi ro: Không lạm dụng rượu, ma túy; kiểm tra sức khỏe định kỳ.
- Lối sống lành mạnh: Ăn uống cân bằng, tập thể dục, ngủ đủ giấc.
- Nâng cao nhận thức: Tìm hiểu về bệnh, giảm kỳ thị để dễ dàng tiếp cận điều trị.
- Tuân thủ điều trị: Dùng thuốc, tái khám theo hướng dẫn nếu đã chẩn đoán.
Câu hỏi thường gặp về bệnh tâm thần phân liệt
1. Tâm thần phân liệt có chữa khỏi hoàn toàn được không?
Không, tâm thần phân liệt là bệnh không thể chữa khỏi. Việc điều trị nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng, cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất của người bệnh. Việc điều trị sẽ giúp bạn sống chung với bệnh và giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống.
2. Triển vọng của bệnh tâm thần phân liệt thế nào?
Tâm thần phân liệt không phải là bệnh gây tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra các hành vi nguy hiểm, có hại. Có khoảng 2/3 số người mắc bệnh có triệu chứng xấu đi theo thời gian, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
Khoảng 20 – 25% bệnh nhân có thể phục hồi gần như hoàn toàn nếu tuân thủ điều trị. Có 50% trường hợp tái phát do không tuân thủ điều trị, dừng thuốc hoặc gặp phải yếu tố kích thích như căng thẳng nghiêm trọng.
Tâm thần phân liệt là bệnh lý tâm thần nặng, hiếm gặp và có thể kéo dài suốt cả cuộc đời. Người mắc bệnh thường có những lời nói, ý nghĩ và hành động lạ lùng do hoang tưởng, ảo giác, cảm xúc nghèo nàn. Việc hiểu rõ và có cách ứng xử phù hợp với người mắc bệnh là cần thiết để tránh tình trạng kỳ thị, xa lánh khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh tâm thần là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?
- Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) và điều cần biết
- Trẻ chậm phát triển tâm thần: Biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Nguồn tham khảo:
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/schizophrenia
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4568-schizophrenia
- https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/schizophrenia
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/diagnosis-treatment/drc-20354449
- https://www.psychiatry.org/patients-families/schizophrenia/what-is-schizophrenia
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!