Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt & biện pháp hỗ trợ
Phần lớn trẻ tự kỷ được can thiệp sớm, toàn diện và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ gia đình đều có tiên lượng tốt. Vì vậy, bố mẹ cần thấu hiểu những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt gia đình cần thấu hiểu
Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh có biểu hiện khởi phát sớm ngay từ những năm đầu đời. Rối loạn này có triệu chứng vô cùng đa dạng và mức độ có sự khác biệt ở từng trẻ. Tuy nhiên nhìn chung, trẻ tự kỷ sẽ có những khiếm khuyết về giao tiếp/ ngôn ngữ, hành vi định hình, rập khuôn và thiếu tương tác xã hội.
Tự kỷ có liên quan đến rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh trung ương. Điều này có nghĩa là cách thức hoạt động của não bộ ở trẻ tự kỷ khác hoàn toàn so với trẻ bình thường. Những khác biệt này gây ra rào cản khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt và học tập.
Nếu giáo dục và chăm sóc theo cách bình thường, trẻ tự kỷ gần như không thể tiếp thu hoặc tiếp thu rất chậm. Trẻ thiếu hụt trầm trọng các kỹ năng sống, đặc biệt là những kỹ năng cơ bản để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Để có thể hỗ trợ con, bố mẹ cần phải tìm hiểu về những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt.
Theo các chuyên gia, khiếm khuyết về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi rập khuôn và tương tác xã hội kém sẽ khiến trẻ tự kỷ phải đối mặt với những khó khăn sau:
1. Cứng nhắc trong các hoạt động hằng ngày
Hành vi định hình, rập khuôn là đặc điểm nổi bật ở trẻ tự kỷ và trẻ có các rối loạn phát triển thần kinh khác. Biểu hiện này xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là dưới 3 tuổi. Dễ thấy nhất là trẻ có xu hướng chơi với một vài món đồ chơi cố định, cách thức chơi có tính chất nghi thức, thiếu linh hoạt và sáng tạo.
Bên cạnh đó, các hoạt động hằng ngày cũng được thực hiện vô cùng cứng nhắc. Nhiều người nhầm lẫn tình trạng này với lối sống nề nếp, khuôn khổ. Tuy nhiên ở độ tuổi của trẻ, việc cứng nhắc trong sinh hoạt hằng ngày cho thấy sự bất thường trong quá trình phát triển não bộ.
Trẻ có thói quen ăn uống, vui chơi, vệ sinh cá nhân theo giờ giấc cố định. Việc này nghe có vẻ tích cực nhưng lại tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ. Cứng nhắc quá mức trong hoạt động hằng ngày khiến trẻ không tìm tòi, học hỏi thêm những cái mới. Trẻ không chấp nhận bất cứ hoạt động mới mẻ nào mà chỉ thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ một cách cứng nhắc.
2. Không thể thích nghi với những thay đổi mới
Hành vi rập khuôn, cứng nhắc sẽ đi kèm với tình trạng khó thích nghi với những thay đổi mới. Trẻ tự kỷ thường sẽ có phản ứng sợ hãi, tức giận trước những thay đổi nhỏ từ kiểu tóc, quần áo, bữa ăn, đường đi đến trường hay thậm chí là khi đồ vật bị thay đổi vị trí.
Rối loạn phát triển thần kinh khiến trẻ có cảm giác khó chịu và gần như không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống. Việc duy trì mọi thứ như cũ, giới hạn các hoạt động trong khuôn khổ là điều mà trẻ tự kỷ mong muốn. Tuy nhiên, thiếu khả năng thích nghi sẽ khiến trẻ khó có thể hòa nhập khi đến trường. Đồng thời việc duy trì một môi trường sống trong thời gian dài là điều đôi khi không thể thực hiện.
Trước những thay đổi trong cuộc sống, trẻ sẽ có phản ứng vô cùng gay gắt. Tuy nhiên thay vì bộc lộ cảm xúc bằng biểu cảm và những hành vi thông thường (khóc lóc, quấy nhiễu, la hét), trẻ tự kỷ có xu hướng tự làm đau bản thân. Trẻ dùng hành động tự bứt tóc, cào cấu, đập đầu,… để thể hiện sự phẫn nộ và tức giận trước những thay đổi rất nhỏ.
Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt đa phần đều bắt nguồn từ sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt và không chấp nhận được những thay đổi mới. Không chỉ riêng trong sinh hoạt hằng ngày, trẻ tự kỷ cũng gặp khó khăn trong quá trình học tập và kết bạn do đặc điểm này.
3. Thiếu kỹ năng chăm sóc bản thân
Trẻ từ 2 – 3 tuổi đã được học một số kỹ năng để tự chăm sóc bản thân. Những kỹ năng này tiếp tục được bồi dưỡng, hoàn thiện theo thời gian giúp trẻ có thể chủ động trong cuộc sống. Tuy nhiên, đa phần trẻ tự kỷ đều thiếu hụt kỹ năng sống trầm trọng.
Bản thân trẻ tự kỷ có khả năng ngôn ngữ kém, trẻ chậm nói, đôi khi biết nói sớm nhưng không hiểu hết ý nghĩa của ngôn từ. Giới hạn về giao tiếp khiến trẻ không hiểu lời nói của bố mẹ và người chăm sóc. Hơn nữa, trẻ hầu như không có nhu cầu giao tiếp, không để tâm đến lời nói của người khác mà chỉ quan tâm đến thế giới riêng của mình.
Những đặc điểm này khiến cho trẻ tự kỷ không thể tiếp thu kỹ năng sống một cách thuận lợi. Nếu không được can thiệp, trẻ sẽ bị thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng và gần như không thể tự chăm sóc bản thân. Vì thế, rất nhiều trẻ tự kỷ phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người chăm sóc.
Thiếu kỹ năng chăm sóc bản thân là một trong những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt. Trẻ không thể chủ động vệ sinh cá nhân, mọi hoạt động từ tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống,… đều phụ thuộc vào gia đình. Tình trạng này cùng với những vấn đề thể chất (rối loạn cơ vòng, tiêu chảy, táo bón mãn tính) gây ra rất nhiều phiền toái cho chính trẻ và những người xung quanh.
4. Khó khăn trong việc bộc lộ suy nghĩ, mong muốn
Thoạt nhìn, trẻ tự kỷ có thể thờ ơ, không quan tâm đến bất cứ thứ gì. Song trẻ vẫn có những nhu cầu và mong muốn riêng. Vấn đề mà trẻ gặp phải là khó khăn trong bộc lộ mong muốn và suy nghĩ bởi khả năng ngôn ngữ kém, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội.
Rối loạn phổ tự kỷ khiến trẻ chậm nói, chậm tiếp thu từ vựng và ngữ pháp. Ngoài ngôn ngữ nói, trẻ cũng gần như không hiểu ngôn ngữ hình thể. Trẻ không biết dùng ánh mắt, cử chỉ để bày tỏ suy nghĩ và tình cảm.
Khó khăn trong việc thể hiện mong muốn, suy nghĩ khiến cho trẻ tự kỷ không được đáp ứng nhu cầu. Bản thân bố mẹ không thể giao tiếp với trẻ nên không hiểu được trẻ đang muốn gì, có nhu cầu như thế nào.
Ở giai đoạn chưa trưởng thành, trẻ sẽ cần đến sự hỗ trợ của gia đình trong sinh hoạt và học tập. Việc không thể bộc lộ suy nghĩ, mong muốn khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là nhu cầu không được đáp ứng, hỗ trợ kịp thời. Thứ hai là tinh thần của trẻ sẽ trở nên căng thẳng, bức bối. Trẻ dễ bị rối loạn cảm xúc, lo âu và thậm chí là trầm cảm.
5. Không hiểu được cảm xúc của người khác
Trẻ tự kỷ không chỉ có khiếm khuyết về ngôn ngữ nói mà còn cả ngôn ngữ hình thể. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có thể hiểu được cảm xúc của bố mẹ thông qua giọng nói, biểu cảm khuôn mặt,… Tuy nhiên, trẻ tự kỷ gần như không hiểu được cảm xúc của người khác.
Trẻ hoàn toàn không biết rằng, khuôn mặt cau mày, nhăn nhó thể hiện sự tức giận và không hài lòng. Trẻ cũng không hề nhận ra niềm vui hiện rõ qua nụ cười và ánh mắt lấp lánh.
Vì thiếu thấu hiểu cảm xúc của người khác, trẻ gần như không có kỹ năng đồng cảm và chia sẻ. Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ cũng không biết cách thể hiện cảm xúc thông qua biểu cảm khuôn mặt và ngữ điệu trong lời nói.
Không hiểu được cảm xúc của những người xung quanh khiến trẻ trở nên cô lập, tách biệt và khó hòa nhập. Vì cách biểu cảm không giống với bình thường nên bố mẹ cũng gần như không hiểu được trẻ. Rào cản này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho trẻ tự kỷ trong sinh hoạt, đồng thời trẻ cũng vô tình gây ra nhiều phiền toái cho gia đình và những người xung quanh.
6. Rối loạn giấc ngủ
Về bản chất, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh. Các chuyên gia nhận thấy, não bộ của người bị tự kỷ có sự bất thường về nồng độ các chất sinh hóa như serotonin, catecholamine và dopamin. Các chất sinh hóa này giữ nhiều vai trò quan trọng như kiểm soát cảm xúc, chi phối hành vi, suy nghĩ, nhu cầu tình cảm và giấc ngủ.
Đa phần trẻ bị tự kỷ đều có các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, mộng mị, hay tỉnh giấc giữa đêm,… Nguyên nhân là do hệ thần kinh của trẻ dễ bị kích thích và nồng độ các chất sinh hóa không ổn định.
Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ. Đảm bảo chất lượng và thời gian ngủ giúp trẻ phát triển thể chất, gia tăng khả năng tập trung, ghi nhớ và ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số thông minh (IQ).
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ gây ra nhiều phiền toái cho chính trẻ và những người xung quanh. Giấc ngủ không được đảm bảo sẽ khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, hệ miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa.
Tình trạng hay thức giấc giữa đêm cũng khiến trẻ quấy nhiễu, làm phiền những người xung quanh. Bố mẹ và người chăm sóc trẻ tự kỷ sẽ khó có thể duy trì giấc ngủ ngon. Sức khỏe và chất lượng cuộc sống vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng, giảm sút theo thời gian.
7. Kén ăn, biếng ăn
Một vấn đề thường gặp ở trẻ tự kỷ là biếng ăn và chán ăn. Thực tế, tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, biếng ăn ở trẻ tự kỷ có xu hướng kéo dài, tiến triển mãn tính gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho bé.
Nguyên nhân gây ra các vấn đề ăn uống ở trẻ tự kỷ là do quá nhạy cảm với mùi, kết cấu và màu sắc của các món ăn. Trẻ không có hứng thú khi ăn uống, thường ưa chuộng các món ăn có kết cấu mềm như cháo, súp để tránh phải nhai kỹ.
Sự nhạy cảm quá mức về mùi vị, kết cấu và màu sắc khiến trẻ từ chối ăn rau xanh, trái cây, các loại thức ăn chưa được thái nhỏ hoặc có mùi nồng. Bản thân trẻ tự kỷ không thích sự thay đổi. Do đó, trẻ thường sẽ dùng những loại thực phẩm quen thuộc và từ chối thử những món ăn mới. Thậm chí trẻ có thể tức giận, phản ứng gay gắt khi bố mẹ tự ý đổi thực đơn.
Vấn đề ăn uống là một trong những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt hằng ngày. Thói quen ăn uống có phần cứng nhắc khiến trẻ dễ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, chậm tăng cân và phát triển chiều cao. Bên cạnh đó, tình trạng kén ăn cũng khiến trẻ gặp khó khăn khi đến trường và trở thành đối tượng bị bạn bè trêu chọc, tẩy chay.
8. Tiêu hóa kém
Rối loạn phát triển thần kinh không chỉ gây ra những bất thường về hành vi, suy nghĩ và cảm xúc mà còn tác động đến các cơ quan trong cơ thể. Hệ thần kinh não có mối liên hệ mật thiết với hệ thống thần kinh đường ruột.
Trẻ tự kỷ thường gặp phải một số vấn đề tiêu hóa như co bóp ruột kém, ợ hơi, trào ngược, táo bón, tiêu chảy,… Các vấn đề tiêu hóa mãn tính gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu không được cải thiện sớm, cả sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ đều bị ảnh hưởng.
Ngoài các vấn đề kể trên, trẻ tự kỷ cũng dễ bị dị ứng với một số loại thức ăn như thực phẩm chứa gluten, hải sản, không dung nạp lactose và dị ứng với casein. Dù không quá nghiêm trọng nhưng các vấn đề tiêu hóa thực sự gây ra nhiều khó khăn cho trẻ tự kỷ trong sinh hoạt nói riêng và cuộc sống nói chung.
9. Các hành vi tăng động
Phần lớn trẻ tự kỷ đều có biểu hiện tăng động. Tăng động được hiểu là tình trạng tăng hoạt động quá mức, trẻ chạy nhảy liên tục, nô đùa, nghịch ngợm không thể kiểm soát. Trẻ gần như không thể ngồi yên, tay chân đung đưa và táy máy liên tục.
Các hành vi tăng động khiến trẻ tự kỷ dễ bị té ngã, tai nạn khi vui chơi và tham gia giao thông. Ngoài ra, trẻ hoạt động, chạy nhảy quá mức cũng làm phiền đến gia đình và những người xung quanh.
Những trẻ có biểu hiện tăng động thường rất dễ bị kích thích. Trẻ dễ nổi nóng, phẫn nộ và có các hành vi tự làm đau bản thân để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Phải thừa nhận rằng, các hành vi tăng động không chỉ gây ra những khó khăn cho trẻ tự kỷ trong sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến gia đình, thầy cô và bạn bè.
10. Giác quan quá nhạy cảm
Cảm nhận của trẻ tự kỷ thường ở dưới ngưỡng hoặc trên ngưỡng. Tức là trẻ có thể giảm đáp ứng hoặc đáp ứng quá mức với những kích thích (cơn đau, ánh sáng, tiếng động, màu sắc).
Phổ biến nhất là trẻ nhạy cảm quá mức với những âm thanh lớn, chói tai, ánh sáng cường độ mạnh. Khi có những yếu tố kích thích này, trẻ có thể phản ứng lại bằng cách sợ sệt, lo lắng, thậm chí là kích động.
Trẻ tự kỷ thường đáp ứng thái quá với cơn đau. Chẳng hạn như khi té ngã, thay vì khóc lóc do bị đau, trẻ sẽ có những phản ứng kỳ lạ như la hét, rên rỉ, biểu cảm khuôn mặt kỳ lạ. Một số trẻ có ngưỡng chịu đau cao, trẻ có thể chịu được cơn đau rất tốt, tốt hơn so với trẻ đồng trang lứa và thậm chí là chịu đau giỏi hơn người lớn.
Rối loạn cảm giác khiến trẻ có những phản ứng bất thường trước những kích thích từ bên ngoài. Điều này cũng gây ra những khó khăn cho trẻ tự kỷ trong sinh hoạt và học tập.
Các biện pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ trong sinh hoạt
Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt đều bắt đầu từ khiếm khuyết về ngôn ngữ, hành vi bị giới hạn, rập khuôn và tương tác xã hội kém. Do đó, gia đình có thể hỗ trợ trẻ bằng cách can thiệp sớm để cải thiện phần nào những khiếm khuyết kể trên.
Hiện nay, điều trị tự kỷ còn nhiều thách thức do cơ chế bệnh sinh phức tạp và còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Tuy nhiên, can thiệp sớm và toàn diện sẽ giúp trẻ phát triển bản thân, cải thiện những khiếm khuyết và trang bị thêm kỹ năng sống để tự lập, chủ động hơn.
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong kế hoạch can thiệp trẻ tự kỷ. Trong đó, có thể chia thành 2 nhóm là can thiệp nội trú và ngoại trú.
1. Can thiệp nội trú
Can thiệp nội trú được thực hiện tại các bệnh viện hoặc trung tâm giáo dục chuyên biệt. Các bác sĩ, chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng và mức độ của từng trẻ để lập kế hoạch can thiệp cụ thể.
Để hỗ trợ trẻ tự kỷ vượt qua những khó khăn trong sinh hoạt, kế hoạch can thiệp thường bao gồm:
- Điều hòa cảm giác
- Chơi trị liệu nhóm
- Trị liệu ngôn ngữ
- Âm nhạc, thể dục trị liệu
- Hướng dẫn trẻ kỹ năng tự phục vụ (kỹ năng tự ăn, tự mặc quần áo, tự đi vệ sinh)
- Dạy trẻ vận động tinh và vận động thô
- Giáo dục trẻ tự kỷ thông qua hình ảnh (PECS)
Mỗi đợt can thiệp nội trú thường sẽ kéo dài 4 tuần. Trong quá trình trị liệu, gia đình cũng sẽ được hướng dẫn để có thể thực hiện thêm tại nhà. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và bác sĩ, chuyên gia sẽ giúp trẻ có những cải thiện rõ rệt trong thời gian sớm nhất.
2. Can thiệp ngoại trú
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa tiến triển mãn tính với mức độ đa dạng từ nhẹ đến nặng. Trẻ mắc rối loạn này sẽ phải sống chung với các khiếm khuyết suốt đời. Do đó, gia đình cần phải hỗ trợ để con trẻ có thể phát huy thế mạnh và cải thiện dần những hạn chế, thiếu sót.
Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ tự kỷ thành công nhờ được gia đình giáo dục đúng cách. Mặc dù có những khiếm khuyết về ngôn ngữ, hành vi rập khuôn nhưng trẻ vẫn có những thế mạnh riêng. Nếu biết cách tận dụng, trẻ tự kỷ vẫn có thể học tập, phát triển và thậm chí có thể đạt được nhiều thành công rực rỡ trong tương lai.
Ngoài can thiệp nội trú, gia đình cũng nên can thiệp ngoại trú để giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Dưới đây là một số hướng dẫn để bố mẹ có thể dễ dàng can thiệp trẻ tự kỷ tại nhà:
- Nên dành thời gian chơi và dạy trẻ tự kỷ, ít nhất là 3 giờ đồng hồ/ ngày. Nếu không nhận được sự quan tâm đúng mực từ gia đình, những khiếm khuyết của trẻ sẽ trở nên sâu sắc hơn. Trẻ ngày càng thu mình, không có nhu cầu tương tác với tất cả mọi người.
- Nhiều gia đình cho rằng, trẻ tự kỷ nên được bảo bọc, hạn chế đến trường để tránh bị cô lập. Tuy nhiên, suy nghĩ này càng khiến cho trẻ giảm tương tác và mất hoàn toàn liên hệ với những người xung quanh. Tốt nhất nên cho trẻ theo học tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt để được hỗ trợ.
- Hạn chế cho trẻ xem ti vi và tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Các thiết bị công nghệ tạo ra tương tác một chiều sẽ khiến trẻ ngày càng không có nhu cầu giao tiếp. Trẻ trở nên thờ ơ, không quan tâm đến mọi người và mất đi hứng thú với mọi thứ xung quanh.
- Thường xuyên gọi tên trẻ, sử dụng ánh mắt để diễn tả mong muốn và tình cảm để gây sự chú ý với trẻ. Việc này sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy gia đình cần kiên nhẫn thực hiện đều đặn để tạo cho trẻ nhu cầu giao tiếp và phản ứng lại khi ai đó gọi tên.
- Dạy trẻ ngôn ngữ hình thể như dùng tay để chỉ trỏ đồ vật, biết vẫy tay, bắt tay, hoan hô, khoanh tay,…
- Dạy trẻ các trò chơi phù hợp với độ tuổi, đặc biệt là những trò chơi phải tương tác với người khác như ù òa, trốn tìm, chi chi chành chành,…
- Bố mẹ nên bắt chước tiếng kêu, nét mặt của động vật. Hoặc cũng có thể bắt chước nét mặt, động tác miệng của các nhân vật trong phim để trẻ hiểu hơn về các trạng thái cảm xúc.
- Có thể dùng ngôn ngữ để giao tiếp với trẻ, tuy nhiên nên chọn các câu ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ý. Khi nói, nên kết hợp với biểu cảm và cử chỉ để trẻ tiếp thu cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể.
- Khen ngợi, khuyến khích khi trẻ có tiến bộ. Thường xuyên động viên để trẻ cảm thấy hứng thú và cố gắng hơn.
- Ngoài trị liệu cảm giác ở trung tâm, gia đình có thể kích thích cảm giác cho trẻ bằng cách xoa bóp, massage vào từng vùng da cho trẻ.
- Thường xuyên cho trẻ đến khu vui chơi để dễ dàng hòa nhập với những trẻ khác.
- Hướng dẫn trẻ các kỹ năng cơ bản như tự thay quần áo, đi vệ sinh, tự ăn, tự uống nước,…
- Rèn khả năng vận động tinh, vận động thô cho bé qua các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, đi bộ, đạp xe, chơi cầu trượt, xếp, ghép tranh ảnh, cắt dán giấy,…
- Khi trẻ có hành vi không đúng, nên dứt khoát để trẻ hình thành nhận thức và không tiếp tục lặp lại hành vi trên. Nếu trẻ ăn vạ, nên lờ đi để trẻ biết hành động này hoàn toàn không mang lại mục đích mà trẻ mong muốn.
Giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ cần rất nhiều thời gian và sự nhẫn nại. Ngoài những hướng dẫn từ bác sĩ, bố mẹ cũng cần chủ động tìm hiểu về tự kỷ để có thể nuôi dạy trẻ tốt hơn.
Những khó khăn của trẻ tự kỷ trong sinh hoạt là rất lớn, xảy ra ở mọi khía cạnh từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, giấc ngủ,… Tuy nhiên, nếu được can thiệp sớm và đúng cách, trẻ có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc bản thân và giảm sự phụ thuộc vào gia đình. Đây là tiền đề để trẻ có thể hòa nhập và tự lập trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!