Trầm cảm ở trẻ vị thành niên: Biểu hiện và cách hỗ trợ

Trầm cảm ở trẻ vị thành niên rất phổ biến, trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi dậy thì có nguy cơ trầm cảm cao. Có nhiều yếu tố khiến trẻ mắc trầm cảm như áp lực học tập, mâu thuẫn với gia đình bạn bè, sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách của người thân, sang chấn tâm lý, biến cố cuộc sống…

Gia tăng tình trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Theo nghiên cứu sàng lọc của các chuyên gia, tỷ lệ trẻ vị thành niên ở Việt Nam mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần (bao gồm cả trầm cảm) là từ 20 – 26%. Trong đó, có 6.3% trẻ suy nghĩ về cái chết, 4.6% trẻ có hành vi tự tử. Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em ở lứa tuổi thanh thiếu niên mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu ngày càng có xu hướng gia tăng.

Ngày càng gia tăng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Ngày càng gia tăng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Trầm cảm ở trẻ vị thành niên là một rối loạn sức khỏe tâm thần, được xếp vào nhóm rối loạn khí sắc. Đặc trưng bởi các biểu hiện như giảm khí sắc, giảm hoặc mất hứng thú, mất năng lượng. Ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, hành vi ứng xử và một số vấn đề về thể chất như đau đầu, đau bụng ở trẻ.

Tại Việt Nam, có khoảng 3 triệu thanh, thiếu niên mắc các rối loạn tâm thần. Trong khi đó, chỉ có 20% nhận được sự can thiệp, hỗ trợ và điều trị y tế. Trầm cảm ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay, đáng chú ý là độ tuổi mắc trầm cảm ngày càng có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện nhiều ở trẻ thanh thiếu niên từ 10 – 19 tuổi.

→Xem thêmTrầm cảm có phải bệnh tâm thần không?

Biểu hiện nhận biết trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên khó nhận biết, dễ bị nhầm lẫn với các thay đổi tâm sinh lý ở trẻ trong độ tuổi dậy thì. Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ có thể bị ẩn nấp bởi các hành vi chống đối, không chịu lắng nghe, không muốn tiếp thu ý kiến từ mọi người.

Các biểu hiện ở trẻ rất đa dạng khó phát hiện ở mức độ nhẹ
Các biểu hiện ở trẻ rất đa dạng khó phát hiện ở mức độ nhẹ

Các biểu hiện trầm cảm thường gặp ở trẻ vị thành niên:

  • Buồn bã, chán nản, bi quan, dễ cáu giận bởi các lý do vu vơ
  • Mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, không muốn bắt đầu bất kỳ việc gì
  • Mất quan tâm, mất hứng thú đối với những điều trước đây từng rất yêu thích
  • Tự ti, cảm thấy bản thân kém cỏi, không đáng được yêu thương
  • Cảm thấy mình là người vô dụng, tội lỗi, phụ kỳ vọng của ba mẹ
  • Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ nhiều quá mức
  • Chán ăn, ăn ít, ăn uống không ngon miệng hoặc ăn quá nhiều
  • Bi quan, tuyệt vọng, không có động lực, nhìn thấy tương lai ảm đạm
  • Thiếu tập trung, giảm trí nhớ, hay quên, kết quả học tập giảm sút
  • Có suy nghĩ về cái chết, nói về cái chết hoặc cố gắng tự tử
  • Có thể xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, đau lưng, đau bụng không rõ nguyên nhân…

Nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên mắc trầm cảm

Tuổi vị thành niên, đặc biệt là tuổi dậy thì có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Ở giai đoạn này, trẻ rất nhạy cảm, nếu không có phương pháp giáo dục phù hợp, đúng cách, rất dễ tạo ra mâu thuẫn, khoảng cách giữa ba mẹ và con cái. Trầm cảm ở tuổi vị thành niên có thể liên quan đến các yếu tố như di truyền, sang chấn tâm lý, mất ngủ…

Trẻ có thể bị trầm cảm do áp lực từ việc học tập hoặc bạo lực học đường
Trẻ có thể bị trầm cảm do áp lực từ việc học tập hoặc bạo lực học đường

Các nguyên nhân, yếu tố khiến trẻ có nguy cơ mắc trầm cảm thường là:

  • Yếu tố di truyền: Khi người thân gia đình có tiền sử mắc trầm cảm, tỷ lệ trẻ có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3 lần. Các nghiên cứu đã nhận thấy rằng, 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Mất cân bằng hóa học não: Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin có thể là nguyên nhân gây trầm cảm.
  • Yếu tố tâm lý: Trẻ không được xây dựng lòng tự tin đúng cách, thiếu kỹ năng đối phó với xung đột, bị sang chấn tâm lý cho biến cố lớn trong cuộc sống…
  • Yếu tố môi trường xã hội: Bạo lực học đường, lạm dụng tình dục, áp lực từ việc học tập, mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè, thiếu sự quan tâm từ gia đình, ảnh hưởng của mạng xã hội…
  • Yếu tố khác: Áp lực về chuẩn mực ngoại hình, trẻ mắc bệnh mãn tính, trẻ lạm dụng chất, ba mẹ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bạo lực gia đình sự thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, trẻ mất ngủ kéo dài, có lối sống không lành mạnh (thức khuya, nghiện game, sử dụng chất kích thích…).

Ảnh hưởng của trầm cảm đến trẻ vị thành niên

Trầm cảm rất khó tự khỏi nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời. Loạn rối loạn tâm thần này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ trong thời điểm hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai con. Không chỉ vậy, tình trạng căng thẳng quá mức, kéo dài làm hỏng một số tế bào, đặc biệt là tế bào hippocampus, khiến khả năng ghi nhớ suy giảm đáng kể.

Trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của trẻ
Trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của trẻ

Những ảnh hưởng của trầm cảm đối với trẻ vị thành niên:

  • Thành tích học tập kém: Khả năng tập trung, ghi nhớ giảm, trẻ không có động lực và hứng thú học tập. Tạo lỗ hổng trong kiến thức, khiến thành tích học tập của trẻ giảm sút, ảnh hưởng đến triển vọng tương lai.
  • Mối quan hệ bạn bè và gia đình: Trẻ có xu hướng tự cô lập, dễ cáu gắt vì những chuyện nhỏ nhặt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ bạn bè. Đồng thời dễ tạo khoảng cách giữa con cái với ba mẹ nếu ba mẹ không hiểu đúng về tình trạng của con.
  • Tăng nguy cơ lạm dụng chất: Trẻ trong độ tuổi vị thành niên rất dễ sa ngã nhất là khi bị các đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê. Trẻ có nguy cơ lạm dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy và nguy cơ phạm tội.
  • Ảnh hưởng xấu đến tương lai: Kết quả học tập kém, trẻ dễ bị trốn học, bỏ học, lạm dụng chất kích thích, có hành vi phạm tội… Thêm vào đó, trẻ cũng tự ti, ngại giao tiếp, gây trở ngại cho sự phát triển, triển vọng nghề nghiệp tương lai.
  • Nguy cơ tự hủy hoại tự sát: Trẻ trầm cảm có thể có hành động tự hại bản thân như đập đầu, cứa tay để giải tỏa căng thẳng. Không chỉ vậy, có đến 20% trẻ có ý định tự sát. Cũng đã có nhiều trường hợp trẻ thật sự có hành vi tự tử và đã chết vì trầm cảm.

Cách hỗ trợ trẻ vị thành niên bị trầm cảm

Có rất nhiều những lầm tưởng về trầm cảm, cho rằng đây không phải là bệnh, chẳng phải là vấn đề nghiêm trọng. Thế nhưng, sự thật là trầm cảm rất nguy hiểm, được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Mỗi năm tỷ lệ người chết vì trầm cảm cao hơn tai nạn giao thông đến 2.5 lần. Và ước tính, chỉ có khoảng 20% trẻ mắc trầm cảm được hỗ trợ y tế chuyên nghiệp.

Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc trầm cảm, tốt nhất ba mẹ nên:

1. Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp

Trầm cảm cũng được chẩn đoán và điều trị giống như các bệnh lý về thể chất khác. Rất ít trường hợp có thể tự khỏi trầm cảm mà không cần điều trị. Hơn nữa, có đến 70% các trường hợp tái phát trầm cảm sau cơn trầm cảm đầu tiên. Lần tái phát thứ 2 sẽ nghiêm trọng và khó điều trị hơn lần đầu.

Trẻ cần được hỗ trợ chuyên nghiệp bởi bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý
Trẻ cần được hỗ trợ chuyên nghiệp bởi bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý

Ba mẹ nên đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa tâm lý hoặc đến gặp bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý để được đánh giá và có biện pháp can thiệp phù hợp. Đối với trầm cảm ở trẻ em, sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý được đánh giá cao và là sự ưu tiên hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới.

2. Can thiệp, điều trị chuyên nghiệp

Trầm cảm cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị thường là:

  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc chống trầm cảm, thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc an thần…
  • Tâm lý trị liệu: Liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp tương tác cá nhân, liệu pháp phân tâm học
  • Liệu pháp sốc điện (ECT): Đối với trầm cảm nặng, có ý nghĩ và hành vi tự tử, kháng thuốc, có thể cân nhắc điều trị bằng liệu pháp này.

Việc điều trị cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn cao. Đặc biệt, việc dùng thuốc điều trị trầm cảm cần hết sức cẩn thận, chỉ sử dụng theo đơn và chỉ định của bác sĩ.

3. Phương pháp hỗ trợ khác

Có thể hỗ trợ cải thiện trầm cảm ở trẻ thanh thiếu niên bằng các phương pháp như:

  • Giáo dục sức khỏe tinh thần: Giúp trẻ tìm hiểu về các rối loạn tâm lý, dạy trẻ kỹ năng đối phó với căng thẳng.
  • Hợp tác với nhà trường: Trao đổi với giáo viên và nhà trưởng về tình trạng của trẻ. Nắm bắt tình hình trẻ ở trường học, tạo điều kiện để trẻ được học tập thoải mái, không bị kỳ thị bắt nạt.
  • Chăm sóc sức khỏe toàn diện: Điều chỉnh thói quen, lối sống và chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Đảm bảo trẻ ngủ đúng giờ, đủ giấc, có chế độ ăn uống cân đối.
  • Lắng nghe, tạo môi trường gia đình hỗ trợ: Lắng nghe trẻ chia sẻ, không phán xét, phê phán hay la mắng con. Hãy thể hiện sự đồng cảm, thấu hiếu với trẻ. Dành thời gian chất lượng cho con, bày tỏ tình yêu thương để trẻ cảm thấy không cô đơn.
  • Khuyến khích trẻ vận động: Trẻ nên tăng cường vận động, tham gia nhiều các hoạt động ngoài trời hoặc hoạt động trẻ yêu thích. Khuyến khích trẻ tự quyết định để giúp trẻ phát triển sự tự lập và có tinh thần trách nhiệm.

Chăm sóc và dự phòng

Trẻ bị trầm cảm cần được cảm thông, thấu hiểu và bảo vệ. Hãy mạnh mẽ bảo vệ con, giúp trẻ tránh xa các môi trường khiến con bị căng thẳng quá mức. Có thể chăm sóc trẻ và giúp trẻ phòng ngừa trầm cảm bằng cách:

  • Liên tục theo dõi triệu chứng và điều chỉnh kế hoạch hỗ trợ sao cho phù hợp
  • Trao đổi với người xung quanh để trẻ không bị kỳ thị, có môi trường phát triển phù hợp
  • Khuyến khích trẻ tích cực tham gia hoạt động thể chất, hoạt động xã hội
  • Tạo điều kiện để trẻ tham gia câu lạc bộ, nhóm bạn bè để mở rộng mối quan hệ
  • Chăm sóc, không kiểm soát trẻ quá mức, không có thái độ la mắng, phán xét trẻ
  • Dạy trẻ kỹ năng đối phó với căng thẳng, cách thư giãn tinh thần bằng các kỹ thuật như thiền, yoga, hít thở sâu…

Trầm cảm ở trẻ vị thành niên rất phổ biến, ngày càng có xu hướng gia tăng. Tình trạng này rất khó biến mất nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời. Ba mẹ nên nắm rõ các dấu hiệu trầm cảm để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý phù hợp khi con gặp phải vấn đề này.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần hành vi
Trầm cảm có phải là bệnh tâm thần không?

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, có mức độ nguy hiểm cao, ước tính tỷ lệ chết vì trầm cảm cao...

Tăng động giảm chú ý chữa được không là thắc mắc chung của nhiều người
Tăng động giảm chú ý ở trẻ có chữa được không?

Rối loạn tăng động giảm chú ý chữa được không là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sự...

Sự thay đổi tâm sinh lý đặc biệt là độ tuổi dậy thì có thể là nguyên nhân gây bạo lực học đường
8 nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường gặp hiện nay

Bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, xảy ra phổ biến, đa dạng hình thức và có xu hướng...

Trầm cảm nhẹ là giai đoạn mới chớm của trầm cảm, không có nhiều triệu chứng đặc trưng, rõ ràng
Trầm cảm nhẹ có tự khỏi không? Dấu hiệu và điều trị

Trầm cảm được chia thành 3 mức độ chính là nhẹ, vừa và nặng. Trầm cảm nhẹ là giai đoạn sớm, mới khởi phát trầm...