Sang chấn tuổi thơ (chấn thương thời thơ ấu): Điều cần biết
Sang chấn tuổi thơ là những sự kiện bất lợi hoặc đau buồn trong thời thơ ấu, gây tổn thương tâm lý, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cảm xúc, sức khỏe, hành vi của một người khi trường thành. Có nguy cơ gây ra chứng trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn căng thẳng sau chấn thương cao.
Sang chấn tuổi thơ (chấn thương thời thơ ấu) là gì?
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, sang chấn tuổi thơ hay chấn thương thời thơ ấu (Childhood Trauma) là những trải nghiệm tiêu cực của trẻ em về một sự kiện gây đau đớn hoặc đau khổ về mặt cảm xúc, dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài về mặt thể chất và tinh thần.
Sang chấn tuổi thơ là những chấn thương xảy ra trong khoảng thời gian từ khi sinh ra đến khi trẻ được 18 tuổi, trong đó các sự kiện diễn ra ở trẻ từ 0 – 6 tuổi là ảnh hưởng nặng nề nhất. Có rất nhiều sự kiện có thể ảnh hưởng tiêu cực, khiến trẻ choáng ngợp như bị bỏ bê, lạm dụng, tấn công, bị bạo lực, bóc lột, bắt nạt…
Ngoài ra, các vấn đề như thiên tai, tai nạn, chiến tranh, thủ thuật y tế, mất người thân, cha mẹ ly hôn, bị giam cầm, bị bắt cóc… cũng có thể là nguyên nhân gây ra chấn thương tâm lý ở trẻ.
Chấn thương thời thơ ấu không nhất thiết là những sự kiện xảy ra trực tiếp với trẻ. Việc trẻ chứng kiến người khác chịu đựng một vấn đề nghiêm trọng nào đó có thể tác động và gây tổn thương đến tâm lý của trẻ.
Sang chấn tuổi thơ đôi khi còn được gọi là những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu hoặc ACE (adverse childhood experiences). Theo thống kê, có 65% trẻ em trải qua sang chấn tuổi thơ tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Nguyên nhân gây sang chấn tuổi thơ ở trẻ
Sang chấn tuổi thơ có thể xảy ra khi trẻ chứng kiến hoặc trải qua một sự kiện bất lợi. Sự kiện bất lợi là những sự việc đáng sợ, nguy hiểm, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, đau khổ hoặc mất mát vì trẻ không có khả năng bảo vệ bản thân hoặc ngăn chặn sự việc ấy xảy ra.
Những trải nghiệm có thể ảnh hưởng và gây sang chấn tuổi thơ cho trẻ bao gồm:
- Bạo hành và lạm dụng: Bạo hành thể chất (bị đánh đập, trừng phạt về thể xác); bạo hành tinh thần (bị lăng mạ, chửi bới, đe dọa); lạm dụng tình dục (bị ép buộc tình dục).
- Bị bỏ rơi hoặc thiếu chăm sóc: Bỏ rơi về mặt vật chất (không được cung cấp thức ăn, quần áo, hoặc nơi ở); bỏ rơi về mặt tình cảm (không được yêu thương, an ủi).
- Mất mát và ly tán: Mất người thân yêu, cha mẹ ly hôn hoặc ly thân, bị bỏ rơi, nhận nuôi hoặc sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội.
- Chứng kiến bạo lực: Nhìn thấy cha mẹ hoặc người thân bị bạo hành, sống trong môi trường có nhiều tội phạm, băng đảng, hoặc xung đột vũ trang. Hoặc bị bắt nạt hoặc chứng kiến cảnh bạn bè bị bắt nạt ở môi trường học đường.
- Gia đình bất ổn: Nghiện ngập (cha mẹ hoặc người thân nghiện rượu, ma túy); sức khỏe tâm thần của cha mẹ (Cha mẹ bị trầm cảm, lo âu); thiếu an toàn kinh tế (gia đình sống trong cảnh nghèo đói).
- Yếu tố môi trường: Thiên tai (lũ lụt, động đất, thảm họa), chiến tranh, phân biệt đối xử (bị kỳ thị do da màu, giới tính, tôn giáo…)
Mức độ phổ biến của sang chấn tuổi thơ
Một nghiên cứu về trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (ACE) ở 17.000 người đã nhận thấy rằng, có 29.5% người bị sang chấn do cha mẹ sử dụng chất gây nghiện; 27% bị bạo hành thể xác, 24.7% bị lạm dụng tình dục; 24.5% do cha mẹ ly hôn hoặc ly thân…
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có khoảng 65% trẻ em trải qua ít nhất 1 sự kiện bất lợi trong thời thơ ấu. Có khoảng 40% trẻ em trải qua ít nhất 2 sự kiện bất lợi trở lên. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ năm 2015 cũng cho biết, trẻ càng có nhiều sự kiện bất lợi thì nguy cơ sang chấn tâm lý, dẫn đến mắc phải bệnh lý mãn tính càng cao.
Dấu hiệu và triệu chứng sang chấn tuổi thơ
Dấu hiệu và triệu chứng sang chấn tuổi thơ có thể xuất hiện ở một người ngay sau khi trải qua chấn thương tâm lý. Đồng thời, khi người đó trưởng thành, cũng có thể gặp phải các tác động tiêu cực tiềm ẩn của tình trạng này.
Triệu chứng sang chấn tuổi thơ ở trẻ em
Trẻ bị sang chấn tâm lý sau một sự kiện nào đó thường có các biểu hiện sau:
- Thể chất: Mất ngủ, ác mộng, tỉnh giấc nửa đêm, đau đầu, đau bụng không rõ nguyên nhân
- Cảm xúc: Sợ hãi, lo âu, buồn bã, thu mình, ít nói, dễ cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc hoặc không muốn tiếp xúc với người khác.
- Hành vi: Thẫn thờ, khó tập trung, tái hiện hành vi thơ ấu như mút tay, tè dầm, nổi loạn, chống đối, thành tích học tập giảm sút.
- Tâm lý: Mất niềm tin vào người khác, tránh một sự kiện nào đó, có dấu hiệu trầm cảm (buồn bã chán nản, không có hứng thú…), gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ.
Triệu chứng sang chấn tuổi thơ ở người lớn
Các dấu hiệu và triệu chứng sang chấn tuổi thơ ở tuổi trưởng thành như sau:
- Thể chất: Rối loạn giấc ngủ, mắc bệnh lý tim mạch, gan, rối loạn miễn dịch, ung thư
- Tâm thần: Trầm cảm, vấn đề tức giận, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)…
- Mối quan hệ: Khó khăn trong việc hình thành mối quan hệ lành mạnh, ổn định, khó hài lòng với các mối quan hệ, ngay cả khi cưới
- Lạm dụng chất gây nghiện: Sử dụng rượu bia, ma túy như một phương pháp đối phó với căng thẳng, dẫn đến rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
Sang chấn tuổi thơ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Sang chấn tuổi thơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ bị chấn thương do ngược đãi, lạm dụng có thể tích não về tiểu não nhỏ hơn so với trẻ không bị ngược đãi.
Các tác hại của sang chấn tuổi thơ đến trẻ như sau:
1. Làm giảm sức khỏe thể chất
Theo nghiên cứu trên Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, chấn thương thời thơ ấu làm rối loạn hệ thống miễn dịch, gia tăng hoạt động của các cytokine tiền viêm. Điều này khiến những trẻ tiếp xúc với các bất lợi thời thơ ấu có nguy cơ mắc bệnh khi lớn cao hơn các trẻ khác.
Những người có tiền sử chấn thương thời thơ ấu dễ bị tăng huyết áp, suy giảm tăng trưởng, xơ vữa động mạch, mắc các hội chứng chuyển hóa, ức chế hệ thống miễn dịch và có sức khỏe kém hơn người khác.
Một nghiên cứu năm 2015 trên Tạp Chí Y học Dự phòng Hoa Kỳ cho biết, trẻ bị sang chấn tuổi thơ có nguy cơ mắc các bệnh như:
- Hen suyễn
- Tiểu đường
- Bệnh tim mạch vành
- Đột quỵ…
2. Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần
Sang chấn tuổi thơ tác động đến hệ thống serotonin, hệ thần kinh giao cảm, hệ thống căng thẳng sinh học, hệ thống oxytocin… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, có nguy cơ gây ra hàng loạt vấn đề về tâm lý ở trẻ sau chấn thương và khi lớn lên.
Sang chấn tuổi thơ khiến trẻ dễ giận dữ, khó kiểm soát cảm xúc, mức độ căng thẳng cao, có nguy cơ rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), rối loạn lo âu, trầm cảm cao hơn các đối tượng khác.
Người lớn bị ngược đãi khi còn nhỏ có tỷ lệ tự tử cao. Một nghiên cứu trên Psychiatric Times cảnh báo rằng, tỷ lệ cố gắng tự tử ở người lớn từng trải qua chấn thương thời thơ ấu đặc biệt là khi bị lạm dụng tình dục, trải qua bạo lực gia đình hoặc bị bạo hành thể xác cao đáng kể.
3. Ảnh hưởng đến các mối quan hệ
Sang chấn tuổi thơ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng xây dựng mối quan hệ của trẻ. Trẻ trải qua chấn thương thời thơ ấu thường trở nên đa nghi, gặp khó khăn trong việc tin tưởng, dựa dầm hoặc thân thiết với ai đó.
Trẻ tin rằng thế giới xung quanh chúng rất đáng sợ và nguy hiểm. Suy nghĩ này được định hình sau khi trải qua sự kiện tiêu cực, ảnh hưởng xuyên suốt đến trẻ khi lớn lên. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm và cuộc sống hôn nhân của trẻ khi trưởng thành.
Trẻ trải qua sang chấn tuổi thơ thường có cuộc hôn nhân kém viên mãn, dễ đổ vỡ trong hôn nhân hoặc khó tìm được đối tượng kết hôn phù hợp. Các vấn đề có thể xảy ra trong mối quan hệ của người từng trải quan chấn thương thời thơ ấu bao gồm:
- Đa nghi, không thể tin tưởng ai khác ngoài bản thân
- Nhút nhát, sợ hãi, không dám đặt niềm tin vào người khác
- Luôn giữ khoảng cách, không thân thiết với bất kỳ ai
- Nhạy cảm, dễ tổn thương, sợ hãi bị bỏ rơi
- Kỹ năng giao tiếp hạn chế, gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm…
4. Tác động xấu đến tương lai
Về lâu dài, sang chấn tuổi thơ là nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm, rối loạn lo âu và các bệnh lý tâm thần ở trẻ khi lớn lên. Trẻ cũng dễ gặp trở ngại trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ cá nhân khi trưởng thành.
Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể là nạn nhân hoặc thủ phạm trong các mối quan hệ bạo hành. Gặp khó khăn trong đạt được thành công do thiếu tự tin, dễ bị căng thẳng hoặc mất tập trung.
5. Các tác hại khác
Sang chấn tuổi thơ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần mà còn tác động đến lòng tự trọng và khả năng nhận thức của trẻ. Trẻ trải qua sang chấn tuổi thơ có thể cảm thấy bản thân không có giá trị, có cảm giác xấu hổ, mặc cảm, tội lỗi, thường tự trách chính mình.
Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tranh luận và học tập thông tin. Trẻ khó điều hòa cảm xúc, dễ trở nên cực đoan, hoặc nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc hoặc nhạy cảm, dễ khó, luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng.
Ngoài ra, những tác động khác có thể kể đến như trẻ có nguy cơ thực hiện các hành vi nguy hiểm (đua xe, quan hệ tình dục không an toàn), giảm khả năng nuôi dạy con cái trong tương lai…
Sang chấn tuổi thơ và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
Sang chấn tuổi thơ không phải là rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Tuy nhiên, sang chấn tuổi thơ có thể là nguyên nhân gây ra PTSD. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một dạng rối loạn tâm lý xảy ra sau khi trẻ trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau thương, gây tổn thương mạnh mẽ về mặt tâm lý.
Trẻ có thể trải nghiệm lại chấn thương trong tâm trí của mình nhiều lần, khi chứng kiến bất cứ điều gì gợi nhớ đến chấn thương của mình. Trẻ mắc PTSD có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Trẻ thường xuyên nhớ lại sự kiện hoặc gặp ác mộng liên quan.
- Có thể tái hiện sự kiện thông qua trò chơi, hành vi hoặc lời nói.
- Trẻ tránh các tình huống, nơi chốn hoặc người liên quan đến sự kiện.
- Không muốn nói về hoặc nghĩ đến sự kiện đau thương.
- Hay giật mình, lo âu quá mức hoặc khó ngủ.
- Dễ cáu kỉnh hoặc tức giận vô cớ.
- Trẻ cảm thấy tội lỗi, xấu hổ, hoặc nghĩ rằng mình vô giá trị.
- Trở nên buồn bã, xa cách hoặc mất hứng thú với các hoạt động yêu thích.
Cách chữa lành và vượt qua chấn thương thời thơ ấu
Không có phương pháp cụ thể hoặc mốc thời gian cố định để giúp một người chữa lành và vượt qua sang chấn tuổi thơ. Chấn thương thời thơ ấu của mỗi người không giống nhau, vì thế hành trình chữa lành của một người là duy nhất.
Quá trình chữa lành tổn thương cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố và điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải tập trung chấp nhận rằng sự việc ấy đã xảy ra, cần phải thừa nhận sự tác động của nó, từ đó thực hiện các bước cụ thể nhằm vượt qua nỗi đau tuổi thơ.
Cách chữa lành sang chấn tuổi thơ như sau:
Hồi tưởng và chấp nhận
Khi gặp vấn đề, chúng ta thường lựa chọn việc trốn tránh, cố gắng làm cho bản thân quên đi. Điều này được áp dụng rất phổ biến ở nhiều bậc cha mẹ, khi con gặp sự cố nào đó, họ sẽ cố gắng đánh lạc hướng để xoa dịu đứa trẻ. Tuy nhiên, đây không phải là cách làm hay, nhất là khi sự kiện đó cực kỳ khủng khiếp.
Để bắt đầu quá trình chữa lành, hãy bắt đầu với một chấn thương nhỏ. Bạn hãy tìm một nơi yên tĩnh, nằm thoải mái trên mặt đất, hít thở sâu vài lần, siết và thả lỏng các cơ, cảm nhận từng hơi thở, cảm nhận sức nặng của tay, chân. Hãy tưởng tượng, có một luồng năng lượng từ từ đi lên từ xương cụt của bạn và lan toàn khắp cơ thể.
Sau đó, hãy nhớ lại sự kiện mà bạn buồn bực, muốn né tránh nhất trong thời gian gần đây. Tưởng tượng bạn trở lại thời điểm, địa điểm đó, hồi tưởng lại những gì xảy ra. Tiếp tục hít thở sâu và quét tinh thần để xem cảm giác của cơ thể bạn như thế nào.
Tiếp đó, hãy đặt tên cho cảm xúc của mình, nếu cảm thấy căng tức ở ngực, tức là bạn đang lo lắng; nếu thấy tim đập nhanh, tức là bạn đang hồi hộp; nếu thấy nóng bức, nghĩa là bạn đang tức giận; nếu thấy cơ thể run rẩy nghĩa là bạn đang sợ hãi.
Cảm nhận và trải nghiệm
Hãy để cảm xúc tuôn trào, thừa nhận cảm xúc của bạn, đừng cố gắng thay đổi và che giấu. Lúc này, bạn hãy là người quan sát chúng, bạn cần nhắc nhở bản thân rằng những cảm xúc này sẽ biến mất. Việc bạn che giấu sẽ khiến chúng tồn tại, ảnh hưởng sâu sắc đến bạn hơn.
Hãy cho cơ thể phản ứng theo cách nó muốn, nếu muốn hét hãy hét thật to, nếu muốn khóc, hãy khóc, nếu muốn đấm vào thứ gì đó, hãy đấm vào không khí. Thể hiện cảm xúc thay vì kìm nén là cách hiệu quả để bạn xử lý cảm xúc của bản thân.
Nếu bạn vẫn không hiểu điều gì khiến bạn luôn dằn vặt, ám ảnh bởi những tổn thương tâm lý thời thơ ấu, hãy viết chúng ra. Hãy ghi nhật ký cảm xúc hoặc chia sẻ suy nghĩ của mình với một người bạn thấy tin cậy. Nói hoặc viết về cảm xúc, trải nghiệm của bạn là một trong những bước quang trọng của quá trình tự chữa lành.
Giải tỏa và buông bỏ
Bạn có thể thực hành tự trắc ẩn với chính mình bằng cách đối xử tốt với bản thân mình hơn. Không nên tự phán xét hay ghét bỏ những cảm xúc của bản thân. Hãy đem nhật ký của bạn đốt đi, hay tưởng tượng chấn thương của bạn là một vật thể và đem ném chúng đi.
Bạn cần tái cấu trúc nhận thức của chính mình, cần hiểu rằng, không ai hoàn hoàn. Hãy thay thế cảm giác vô dụng, tội lỗi, vô giá trị bằng những quan điểm lành mạnh, tích cực.
Bạn có thể tham gia vào các hoạt động sáng tạo, hoạt động cộng đồng hay tập trung vào sở thích cá nhân để tạo ra cảm giác hoàn thành và kết nối. Những trải nghiệm tích cực sẽ tạo ra những ký ức mới, góp phần giúp bạn vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp
Bạn cần nhận ra những trải nghiệm thời thơ ấu ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bản thân. Việc hiểu rõ tác hại, ảnh hưởng của chúng sẽ khiến bạn có được hướng giải quyết đúng đắn, phù hợp.
Chữa lành và vượt qua chấn thương thời thơ ấu không hề dễ dàng. Mặc dù một số người sau chấn thương có thể trở nên cực kỳ độc lập, mạnh mẽ và không cần dựa dẫm vào ai hết. Tuy nhiên, hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ những tổn thương mà bản thân đang gánh chịu.
Tốt nhất bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hướng dẫn cách vượt qua sang chấn tuổi thơ. Một số liệu pháp tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào chấn thương sẽ giúp bạn hiểu rõ suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bản thân và học được cách đối phó với các sự kiện chấn thương.
Phương pháp hỗ trợ khác
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ khác như:
- Mở rộng mối quan hệ: Dành thời gian cho người thân, bạn bè hoặc các nhóm xã hội để bạn giảm bớt cảm giác cô đơn, cô lập và kiểm soát tốt những ảnh hưởng của chấn thương thời thơ ấu.
- Giải tỏa căng thẳng: Tập yoga, thiền chánh niệm, tập thể dục có thể giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và thúc đẩy khả năng điều hòa cảm xúc.
Phương pháp điều trị sang chấn tuổi thơ
Sang chấn tuổi thơ được chẩn đoán thông qua đánh giá toàn diện của các nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần và nhân viên xã hội. Việc đánh giá sang chấn tuổi thơ có thể dựa vào một số bài test như Childhood Trauma Questionnaire – CTQ, Post-Traumatic Stress Disorder Checklist – PCL, Child PTSD Reaction Index – CPRI….
Các phương pháp điều trị sang chấn tuổi thơ bao gồm:
Liệu pháp tâm lý
Các liệu pháp tâm lý là ưu tiên hàng đầu trong điều trị chấn thương thời thơ ấu, bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Giúp thay đổi suy nghĩ tiêu cực và học cách đối phó với cảm xúc.
- Liệu pháp EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing): Hiệu quả trong việc xử lý ký ức đau thương.
- Liệu pháp chơi (Play Therapy): Đặc biệt dành cho trẻ em, giúp trẻ thể hiện và giải tỏa cảm xúc thông qua trò chơi.
Can thiệp bằng thuốc
Sử dụng thuốc thường ít được cân nhắc và không phải là giải pháp điều trị chính. Tuy nhiên, có thể được cân nhắc đối với trường hợp trẻ em hoặc người trưởng thành mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), trầm cảm, rối loạn lo âu nặng hoặc mất ngủ kéo dài…
Các thuốc điều trị thường được sử dụng là thuốc chống trầm cảm (SSRIs), thuốc giảm lo âu hoặc hỗ trợ giấc ngủ. Những thuốc thuốc này có nhiều tác dụng phụ, cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và phải theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị.
Cách phòng ngừa sang chấn tuổi thơ ở trẻ em
Sang chấn tuổi thơ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Việc phòng ngừa đòi hỏi phải có sự tiếp cận đa chiều, kết hợp giữa nhiều yếu tố, bao gồm gia đình, nhà trường và xã hội. Cách phòng ngừa như sau:
- Tạo môi trường an toàn: Bảo vệ trẻ khỏi bạo hành và xây dựng không gian sống ổn định, yêu thương.
- Giáo dục kỹ năng bảo vệ bản thân: Dạy trẻ về quyền riêng tư và cách tự bảo vệ.
- Cung cấp sự hỗ trợ tâm lý: Khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia khi cần.
- Giảm thiểu nguy cơ từ sự kiện đau thương: Giới hạn thông tin đáng sợ và giảm căng thẳng trong môi trường sống.
- Dạy kỹ năng xã hội: Khuyến khích giao tiếp, giải quyết vấn đề và xây dựng lòng tự tin.
- Đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt: Cung cấp giáo dục và chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý cho trẻ.
- Xây dựng mối quan hệ gia đình mạnh mẽ: Tạo sự kết nối và hỗ trợ từ gia đình.
Nhìn chung, sang chấn tuổi thơ là vấn đề phổ biến, ảnh hưởng sâu sắc, nghiêm trọng và lâu dài đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý của trẻ. Bất cứ một sự kiện tiêu cực nào cũng có thể gây tổn thương tâm lý, tạo nên sang chấn tuổi thơ cho trẻ. Trẻ cần được phòng ngừa chấn thương thời thơ ấu và được hỗ trợ tâm lý khi đã trải qua chấn thương.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Hội chứng PTSD) là gì?
- Lạm dụng tâm lý là gì? Những thông tin cần biết
- 12 cách vượt qua nỗi đau trong cuộc sống, đứng lên sau biến cố
Nguồn tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/effects-of-childhood-trauma#contacting-a-doctor
- https://blueknot.org.au/resources/understanding-trauma-and-abuse/what-is-childhood-trauma/
- https://www.verywellmind.com/what-are-the-effects-of-childhood-trauma-4147640
- https://drdeepakaiims.com/childhood-trauma-types-causes-signs-and-treatments/
- https://www.psychologytoday.com/intl/blog/mindful-anger/201804/9-steps-healing-childhood-trauma-adult
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!