Lạm dụng tâm lý là gì? Những thông tin cần biết

Nhắc đến lạm dụng tâm lý, nhiều người cho rằng đó là hành vi ép buộc, thao túng, khinh miệt người khác. Tuy nhiên, kiểu lạm dụng này lại xảy ra dưới hình thức gây tổn thương tinh thần thông qua những lời nói, thái độ, ngăn cản quyền tự do cá nhân của người khác. Vậy chúng ta cần nhận diện nó như thế nào?

Lạm dụng tâm lý là gì?

Lạm dụng tâm lý là việc sử dụng ngôn từ và hành động phi vật lý để làm tổn thương tinh thần, kiểm soát, thao túng người khác. Nó diễn ra dưới hình thức lăng mạ, chỉ trích, thao túng cảm xúc để làm nạn nhân thấy tội lỗi, bất lực. Mặc dù không để lại dấu vết trên cơ thể, nhưng kiểu lạm dụng này lại gây ra tổn thương lớn đối với tâm trạng và sức khỏe tinh thần.

lạm dụng tâm lý
Lạm dụng tâm lý xảy ra khi có kẻ muốn kiểm soát, chỉ trích người khác

Lạm dụng tâm lý xảy ra trong các mối quan hệ lãng mạn, ở nơi làm việc, trong gia đình, với bạn bè. Nó kiểm soát hành vi, làm nhục, chế giễu người khác để đối phương thấy không còn tự tin vào bản thân. Nạn nhân của lạm dụng này hay thấy cô đơn và bối rối, không biết cách nhận diện hoặc thoát khỏi mối quan hệ độc hại này.

Việc nhận thức về kiểu lạm dụng này là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người bị hại. Các nghiên cứu cho thấy nạn nhân của lạm dụng tâm lý có tỷ lệ cao mắc lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Chính vì vậy, việc phát hiện và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời là điều cần thiết để ngừng chu kỳ tổn thương này.

Các loại lạm dụng tâm lý

Lạm dụng tâm lý có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nên chúng ta cần nhận diện sớm và bảo vệ bản thân khỏi tổn thương không thể thấy bằng mắt thường.

1. Lạm dụng trẻ em

Lạm dụng tâm lý đối với trẻ em không chỉ làm tổn hại về mặt cảm xúc mà còn có thể để lại dấu vết lâu dài trong sự phát triển của trẻ.

  • La mắng, chửi bới con trẻ
  • Thường xuyên chỉ trích, chì chiết các bé
  • Làm nhục và nói xấu trẻ
  • Đổ lỗi, tìm cách trừng phạt trẻ về những vấn đề của người lớn
  • Đe dọa làm tổn thương và bỏ rơi trẻ
  • Không tạo được môi trường lành mạnh, an toàn và ổn định cho các bé
  • Để trẻ chứng kiến các hành vi bạo lực, lạm dụng ở nhà
  • Không quan tâm đến trẻ và từ chối sự giúp đỡ của người khác đối với bé
  • Cư xử khinh thường, thiếu tôn trọng cảm xúc của trẻ
lạm dụng tâm lý là gì
Trẻ em cũng có thể là nạn nhân của hành vi lạm dụng tâm lý

Toàn bộ hành vi này gây ra những tổn thương lớn cho trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và cảm xúc của các bé, cụ thể:

  • Gặp nhiều khó khăn trong học tập và kết quả bị giảm sút
  • Khó ngủ, thường xuyên thức giấc, gặp ác mộng
  • Rối loạn ăn uống gồm chán ăn hoặc ngược lại ăn quá nhiều
  • Trầm cảm, lo âu và thiếu tự tin
  • Có hành vi tự hại, có xu hướng tránh né xã hội
  • Có các vấn đề về hành vi như gây hấn, hành động thái quá
  • Đau nhức cơ thể, có vấn đề về tiêu hóa và sức khỏe thể chất
  • Tham gia vào các hành vi nguy hiểm, thử nghiệm chất kích thích
  • Mất khả năng tin tưởng vào người khác và luôn thấy cô đơn

2. Lạm dụng người yêu, bạn đời

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), có tới 49,4% phụ nữ và 45,1% nam giới đã từng trải qua hành vi bị lạm dụng tâm lý từ nửa còn lại trong đời mình. Những dấu hiệu lạm dụng này diễn ra âm thầm như sau:

  • Luôn muốn biết đối phương đang làm gì, ở đâu và ở cùng ai
  • Mong đợi liên lạc thường xuyên, kiểm tra nơi ở của đối phương
  • Muốn có mật khẩu điện thoại, địa chỉ email, tài khoản mạng xã hội để theo dõi hoạt động của đối phương
  • Theo dõi thói quen chi tiêu và kiểm soát tài chính của đối phương
  • Ghen tị và thường xuyên buộc tội đối phương lừa dối/ngoại tình
  • Đưa ra quyết định thay cho người kia mà không hỏi ý kiến
  • Cố ngăn cản bạn đời gặp gỡ bạn bè và gia đình
  • Ngăn cản người kia đi làm, đi học, tham gia các sự kiện xã hội
  • Ngăn cản đối phương nhận trợ giúp, tư vấn y tế
  • Nổi giận và ngược đãi theo những cách khiến đối phương phải sợ hãi
  • Chửi bới, gọi tên hoặc đối xử với người yêu/bạn đời như một đứa trẻ
  • Chế nhạo, làm nhục nửa kia trước mặt người khác
  • Đe dọa làm tổn thương đối phương bằng hành động pháp lý vì những lý do bịa đặt
  • Đe dọa tự làm tổn thương bản thân khi khó chịu như một cách để thao túng và kiểm soát hành vi của đối phương
  • Nói những câu như “Nếu anh không có được em thì không ai có được em”
  • Liên tục so sánh đối phương với người khác để làm giảm giá trị bản thân họ
dấu hiệu lạm dụng tâm lý
Nạn nhân của lạm dụng tâm lý thường là bạn đời hoặc người yêu của kẻ lạm dụng

Trải qua hành vi lạm dụng này, người bị hại có thể phải chịu đựng những hậu quả nghiêm trọng về mặt tinh thần, cụ thể:

  • Cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương
  • Cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, tội lỗi, xấu hổ
  • Cảm thấy mình luôn bị kiểm soát và thao túng trong mỗi hành động
  • Cảm thấy choáng ngợp và căng thẳng
  • Sống trong nỗi sợ hãi về việc làm phật lòng kẻ ngược đãi
  • Hành động khác đi để tránh làm kẻ lạm dụng buồn lòng
  • Nghi ngờ và đặt câu hỏi về sự thật của bản thân
  • Khó tập trung, khó ngủ và tận hưởng cuộc sống
  • Phát triển rối loạn tâm lý như trầm cảm và các vấn đề về lòng tự trọng

Đặc điểm của kẻ lạm dụng

Những kẻ lạm dụng tâm lý có hàng loạt đặc điểm khiến họ dễ dàng kiểm soát và tổn thương người khác.

  • Thiếu sự đồng cảm: Kẻ lạm dụng không quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của người khác. Họ coi cảm xúc đau khổ của nạn nhân như một phần “bình thường” trong mối quan hệ, dẫn đến hành vi ngược đãi lặp đi lặp lại.
  • Cảm giác được hưởng quyền lợi: Họ luôn cho rằng mình xứng đáng được phục tùng, ưu tiên. Nếu không đạt được mong muốn sẽ trở nên hung hăng, dùng chiến thuật kiểm soát để đạt mục đích.
  • Phong cách thao túng: Kẻ lạm dụng rất khéo léo thao túng cảm xúc của người khác. Họ đóng vai nạn nhân, dùng những lời lẽ đầy thuyết phục để che giấu bản chất thật của mình.
  • Đổ lỗi, thiếu trách nhiệm: Đối tượng này không nhận trách nhiệm về hành động sai trái của mình mà đổ lỗi cho người khác, hoàn cảnh bên ngoài để biện minh cho hành vi lạm dụng.
  • Hành vi đẩy/kéo trong mối quan hệ: Kẻ lạm dụng thay đổi giữa việc gây tổn thương và tỏ ra ân cần để giữ chân đối phương. Nó khiến nạn nhân dễ rơi vào cảm giác mâu thuẫn, tự trách mình và khó rời bỏ mối quan hệ.
  • Các vấn đề tâm lý: Các kẻ lạm dụng tâm lý mang theo vết sẹo từ quá khứ như từng bị bạo lực, trải nghiệm đau thương khiến họ bình thường hóa hành vi gây tổn thương.
đặc điểm kẻ lạm dụng
Kẻ lạm dụng tâm lý rất khéo léo thao túng người khác để phục tùng mình

Dấu hiệu của lạm dụng tâm lý

Lạm dụng tâm lý không chỉ dùng lời nói cay nghiệt, mà là một cách kiểm soát khiến người khác cảm thấy bất lực và đau đớn. Những hành vi tinh vi này đã khiến nạn nhân khó nhận ra, nhưng tác động của chúng lên tâm lý lại rất lớn. Khi ai đó bị lạm dụng thì có dấu hiệu như:

  • Từ chối sự khen ngợi, quan tâm
  • Có vẻ bực bội, dễ kích động
  • Thu mình lại và tránh giao tiếp
  • Tránh xa những người nhất định hoặc sợ hãi khi ở gần họ
  • Cảm giác lo lắng, rụt rè khi phải đối mặt với người nào đó
  • Có hành vi lạ như lắc lư, cắn móng tay
  • Hủy bỏ các kế hoạch vào phút cuối mà không lý do rõ ràng
  • Bào chữa cho những hành động tổn thương từ người yêu, bạn đời
  • Trở nên im lặng khi có người lạm dụng bên cạnh
  • Luôn cảm thấy cần phải xin lỗi dù không có lỗi
  • Cảm thấy thiếu quyết đoán, luôn lo lắng mình không an toàn

Các hình thức lạm dụng tâm lý

Lạm dụng tâm lý mang nhiều hình thức kiểm soát tinh vi, âm thầm làm xói mòn lòng tự trọng và sự tự tin của nạn nhân.

1. Thao túng tâm lý

Thao túng tâm lý là chiến lược nguy hiểm kiểm soát tâm trí nạn nhân nhằm làm cho họ nghi ngờ chính mình. Những kẻ lạm dụng sử dụng lời nói dối, che giấu sự thật và thay đổi câu chuyện để gây rối loạn tinh thần khiến nạn nhân không còn tin tưởng vào trí nhớ, nhận thức hay quyết định của bản thân.

các loại lạm dụng tâm tý
Hình thức lạm dụng phổ biến là thao túng tâm lý

Hình thức lạm dụng này xuất hiện trong mối quan hệ cá nhân, phổ biến tại nơi làm việc, trường học. Thông qua chi phối suy nghĩ và hành động của nạn nhân, kẻ thao túng dần tạo nên sự phụ thuộc về tâm lý khiến người đó tổn thương nghiêm trọng, suy giảm lòng tự trọng và mắc vấn đề tâm lý lâu dài.

2. Bắt nạt tinh thần

Bắt nạt tinh thần là hành vi nhắm vào điểm yếu tâm lý của nạn nhân để gây tổn hại và kiểm soát. Các hình thức phổ biến gồm bắt nạt trực tiếp qua lời nói, cô lập xã hội, lan truyền tin đồn thất thiệt. Chính hành vi đó gây áp lực tức thì và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân.

Bắt nạt tinh thần xảy ra ở nhiều môi trường như trường học, nơi làm việc, trên mạng xã hội. Nạn nhân thấy mất phương hướng, sợ hãi và dần rút lui khỏi xã hội. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, những tổn thương đó gây ra lo âu, trầm cảm hoặc thậm chí suy nghĩ tự tử.

3. Chế nhạo, lăng mạ

Chế nhạo và lăng mạ được sử dụng để làm tổn thương và hạ thấp giá trị của nạn nhân. Những lời nói đầy ác ý, bình phẩm mang tính xúc phạm khiến người khác thấy xấu hổ và tự ti. Đây là một hình thức lạm dụng tinh vi, ẩn sau vẻ ngoài của “lời nói đùa”, “lời góp ý”.

Trong nhiều trường hợp, chế nhạo còn được kẻ lạm dụng sử dụng để thao túng xã hội. Nạn nhân bị cô lập và mất tiếng nói trong các mối quan hệ. Những tổn thương tinh thần này không dễ chữa lành, gây ảnh hưởng lớn đến lòng tự trọng và cảm giác an toàn của nạn nhân.

ngược đãi tâm lý
Nhiều người bị lăng mạ, chế nhạo bởi kẻ thích lạm dụng tâm lý

4. Phỉ báng nhân cách

Phỉ báng nhân cách là hành động bịa đặt, lan truyền thông tin sai lệch để làm tổn hại danh tiếng của nạn nhân. Kẻ lạm dụng tạo ra hình ảnh tiêu cực nhằm cô lập và hủy hoại lòng tin của xã hội đối với nạn nhân. Kết quả là người kia bị tổn thương về mặt tinh thần, gặp khó khăn trong cuộc sống cá nhân và sự nghiệp.

Hành vi này rất hay đi kèm với sự thao túng và lạm dụng quyền lực trong các mối quan hệ. Nạn nhân trở nên bất lực khi đối mặt với sự thù địch và cô lập từ cộng đồng. Về lâu dài, phỉ báng nhân cách gây ra hậu quả nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu,…..

Tác động của lạm dụng tâm lý

Lạm dụng tâm lý không chỉ khiến người bị hại cảm thấy tổn thương về mặt tinh thần mà còn gây ra những chấn thương tinh thần khó chữa lành, thậm chí có thể kéo dài suốt cả đời.

  • Tổn thương tinh thần lâu dài:

Lạm dụng tâm lý làm tổn thương nặng nề đến sự tự tin và lòng tự trọng của nạn nhân. Những người bị lạm dụng thấy mình không xứng đáng với tình yêu và sự tôn trọng.

  • Rối loạn ăn uống:

Khi không thể biểu lộ cảm xúc, một số nạn nhân chọn cách kìm nén và chối bỏ nhu cầu này. Điều này dẫn đến các vấn đề ăn uống như chứng chán ăn hoặc ăn uống không kiểm soát.

  • Khó xây dựng mối quan hệ:

Được nuôi dưỡng trong môi trường bạo hành tinh thần khiến nhiều người không hiểu thế nào là một mối quan hệ lành mạnh. Họ khó giao tiếp và tạo dựng các kết nối xã hội lâu dài.

  • Trầm cảm và lo âu:

Căng thẳng kéo dài làm nạn nhân bị lạm dụng rơi vào trạng thái trầm cảm và lo âu với triệu chứng buồn bã, thiếu động lực và khó duy trì được các thói quen bình thường.

tác động của lạm dụng tâm lý
Nạn nhân của lạm dụng tâm lý bị ảnh hưởng tinh thần vô cùng nghiêm trọng
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD):

Sống trong sợ hãi và lo lắng làm nạn nhân phát triển rối loạn căng thẳng sau chấn thương với các triệu chứng như lo âu mãn tính, khó ngủ hoặc luôn cảm thấy bất an.

  • Giảm khả năng tập trung:

Tác động của lạm dụng tâm lý khiến người bị hại khó tập trung vào công việc cùng hoạt động yêu thích. Hơn nữa, lo âu thường xuyên sẽ làm giảm hiệu suất và sự sáng tạo trong công việc.

  • Vấn đề về sức khỏe thể chất:

Bên cạnh tổn thương tinh thần, lạm dụng tâm lý cũng gây ra vấn đề thể chất như đau đầu, vấn đề tiêu hóa, các bệnh lý mãn tính do stress kéo dài.

Cách đối phó với lạm dụng tâm lý

Lạm dụng tâm lý có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ mình nếu nhận diện được sớm và hiểu rõ những tác động của nó. Đồng thời tìm ra cách để ngăn ngừa như sau:

1. Học cách tự bảo vệ bản thân

Việc trang bị cho bản thân những kỹ năng tự bảo vệ là cách tốt nhất để đối phó với tình huống gặp phải kẻ lạm dụng và củng cố tinh thần cho mình.

  • Quan sát và nhận diện hành vi kiểm soát, bị chỉ trích từ người khác
  • Luôn nhắc nhở bản thân rằng mình xứng đáng được tôn trọng và yêu thương
  • Tập trung chăm sóc bản thân qua giấc ngủ đủ, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn
  • Học cách đặt ranh giới rõ ràng và kiên quyết từ chối khi không thoải mái
  • Đặt ra mục tiêu nhỏ và hoàn thành để cảm thấy tự tin hơn mỗi ngày
  • Chuẩn bị sẵn một nơi trú ẩn an toàn nếu rơi vào tình huống nguy hiểm
  • Ghi nhớ số điện thoại khẩn cấp, tài liệu cá nhân cần thiết
bạo hành tinh thần
Tự trang bị cho mình kỹ năng đối phó với kẻ lạm dụng luôn là cách hiệu quả nhất

2. Liên lạc với người đáng tin cậy

Thành viên gia đình, bạn thân, thầy cô đều là những người đáng tin cậy để chia sẻ. Hãy chọn một người mà bạn cảm thấy thoải mái nhất rồi bắt đầu mô tả rõ hoàn cảnh để họ có thể thấu hiểu và giúp đỡ bạn.

Xây dựng niềm tin không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là bước quan trọng để thoát khỏi tiêu cực. Vì vậy, hãy dành thời gian chuẩn bị tâm lý, chọn không gian yên tĩnh và bộc lộ cảm xúc của mình thật chân thành. Đừng quên lắng nghe những lời khuyên và sự động viên từ người mình tin tưởng để có thể thay đổi mọi thứ.

3. Nhờ sự giúp đỡ chuyên nghiệp

Trị liệu tâm lý là cách hiệu quả để nạn nhân xử lý cảm xúc, phát triển kỹ năng đối phó và xây dựng lại lòng tự trọng. Đừng ngại tìm kiếm các trung tâm tâm lý uy tín, nơi luôn sẵn sàng giúp bạn chữa lành những vết thương tinh thần.

Nếu cảm thấy không thể tự mình đối mặt với nỗi đau, hãy tìm đến các nhóm hỗ trợ. Ở đó, bạn có thể chia sẻ câu chuyện của mình với người có trải nghiệm tương tự và nhận được sự cảm thông, lời khuyên hữu ích. Những mối quan hệ mới này sẽ trở thành nguồn động lực quý giá để bản thân tiến về phía trước.

Các tổ chức hỗ trợ nạn nhân lạm dụng cũng cung cấp đường dây nóng để tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Đừng chần chừ khi mình đang cần một hướng đi mới để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân.

Sự hỗ trợ chuyên nghiệp giúp ích cho việc đối phó với kẻ lạm dụng tâm lý

4. Không giao tiếp với kẻ lạm dụng

Cắt đứt liên lạc với kẻ lạm dụng là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình. Hãy cố gắng đặt ra ranh giới rõ ràng và chặn mọi phương thức liên lạc như điện thoại, email, mạng xã hội. Nếu cần, hãy nhờ sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý để thực hiện điều này thêm an toàn và hiệu quả.

Quyết định rời xa mang đến cảm giác tội lỗi, cô đơn nhưng đó hoàn toàn là điều đúng đắn. Bạn phải luôn nhắc nhở mình rằng việc này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của bản thân. Đồng thời, chia sẻ cảm xúc với những người đáng tin cậy và chăm sóc chính mình sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chúng ta cần nâng cao nhận thức về lạm dụng tâm lý để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Nếu cảm thấy mình đang trong một mối quan hệ có dấu hiệu lạm dụng, hãy tìm sự trợ giúp từ người bản thân tin tưởng cùng với chuyên gia để không phải chịu đựng thêm những tổn thương vô hình.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://www.verywellmind.com/psychological-abuse-types-impact-and-coping-strategies-5323175
  • https://safelives.org.uk/about-domestic-abuse/what-is-domestic-abuse/psychological-abuse/
  • https://www.counseling.org/publications/counseling-today-magazine/article-archive/article/legacy/identifying-psychological-abuse

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tự khen mình đẹp có thể là dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ
Tự khen mình đẹp là bị gì? Có phải tự luyến?

Tự khen mình đẹp là một lời động viên tinh thần, giúp bản thân tự tin và vui vẻ hơn. Tuy nhiên, tự khen mình...

Trẻ mới biết đi trong độ tuổi từ 16 - 30 tháng tuổi nên được sàng lọc nguy cơ tự kỷ
Bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ dành cho trẻ mới biết đi (M-CHAT)

Bảng kiểm tra sàng lọc tự kỷ M-CHAT là bộ công cụ được thiết kế để phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn phổ...

Trẻ không có bố thường có xu hướng xem nhẹ giá trị của bản thân
Hiểu tâm lý trẻ không có bố và cách ứng xử phù hợp

Sự vắng mặt của người bố ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ. Tâm lý trẻ không có bố rất phức tạp, trẻ...

Sự thay đổi tâm sinh lý đặc biệt là độ tuổi dậy thì có thể là nguyên nhân gây bạo lực học đường
8 nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường gặp hiện nay

Bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, xảy ra phổ biến, đa dạng hình thức và có xu hướng...