Tìm hiểu hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm)

Hội chứng tự ngược đãi bản thân là một rối loạn tâm thần, xảy ra phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Theo thống kê, có 17% trẻ trong độ tuổi từ 12 – 18 có hành vi tự làm bị thương chính mình. Đây hoàn toàn không phải là trào lưu mà là một hội chứng nghiêm trọng, cần được can thiệp và điều trị. 

Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm) là gì?

Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm) là một rối loạn tâm lý với hành vi cố ý làm bị thương chính mình nhưng không có ý định tự tử. Người mắc hội chứng này thường tự gây thương tổn, gây hủy hoại cơ thể bằng các hành vi như cắt tay, đập đầu vào tường, cào cấu cơ thể… để đối phó với cảm xúc tiêu cực, giải tỏa cảm xúc.

Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường có hành vi tự làm đau chính mình
Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường có hành vi tự làm đau chính mình

Tự gây thương tích, tự ngược đãi bản thân là một cách giải tỏa áp lực không lành mạnh. Việc tự làm đau chính mình có thể mang đến cảm giác bĩnh tĩnh tạm thời, ngắn ngủi. Tuy nhiên, sau đó, cảm giác tội lỗi và những cảm xúc đau đớn nhanh chóng trở lại.

Self Harm còn gọi là hội chứng tự gây thương tích (Nonsuicidal self-injury, NSSI).  Mặc dù người mắc hội chứng Self Harm không có ý định tự tử, nhưng hành vi tự gây thương tích có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.

Bản chất của hội chứng self harm là khi cơ thể tổn thương, các đầu dây thần kinh gửi tín hiệu khẩn cấp đến não. Não gửi tín hiệu giải phóng beta-endorphin, kích hoạt hiệu ứng domino khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn trong ngắn hạn.

Mục đích khiến người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân khiến mình bị thương:

  • Đối phó với căng thẳng, áp lực: Việc tự làm đau chính mình khiến một người cảm thấy thoải mái, dễ chịu, làm giảm căng thẳng, áp lực, đau đớn về tinh thần tạm thời và giúp họ giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
  • Trừng phạt hoặc trút giận lên chính mình: Một số người mắc hội chứng này có hành vi tự hại với mục đích trừng phạt hoặc trút giận lên chính bản thân mình.
  • Là một cách giao tiếp với người khác: Tự ngược đãi bản thân có thể là cách để một người cho thấy họ đang gặp khó khăn và cách được hỗ trợ.

→Xem thêm: Bài test rối loạn lo âu – Kiểm tra và đánh giá mức độ tại nhà

Cách người mắc hội chứng Self Harm tự làm hại chính mình

Có rất nhiều hình thức mà người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân tự làm hại chính mình. Tất cả các hành vi tự ngược đãi bản thân đều gây ra rủi ro, sự tổn hại đến sức khỏe thể chất. Sau khi tự làm hại bản thân, bạn có thể cảm thấy giải thoát hoặc kiểm soát ngắn hạn, tuy nhiên, điều này khiến bạn dễ bị phụ thuộc vào hành vi này hơn.

Các hành vi mà người mắc hội chứng Self Harm thường gây ra với bản thân mình gồm:

  • Dùng vật sắc nhọn để làm tổn thương da (dùng dao, kéo để rạch, cắt da)
  • Đốt, làm bỏng mình bằng vật nóng như diêm, đầu thuốc lá, vật sắc nhọn đang nóng
  • Đập đầu hoặc đấm vào tường để làm đau bản thân có chủ đích
  • Kéo giật tóc hoặc cắt tóc
  • Đầu độc bản thân bằng thuốc hoặc hóa chất độc hại
  • Cố tình nhịn đói hoặc ăn uống vô độ
  • Tập thể dục nhiều quá mức
  • Lạm dụng rượu bia, chất kích thích hoặc ma túy…

Thực trạng tự ngược đãi bản thân ở người trẻ hiện nay

Hội chứng tự ngược đãi bản thân xảy ra phổ biến ở người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên, những người chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Theo Liên minh Tâm lý học Hoa Kỳ, tỷ lệ người trẻ mắc hội chứng self harm ngày càng có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Hội chứng tự gây thương tích ngày càng có xu hướng gia tăng ở trẻ em
Hội chứng tự gây thương tích ngày càng có xu hướng gia tăng ở trẻ em

Một thống kê cho thấy, tại Hoa Kỳ, có 4% dân số mắc phải hội chứng này. Trong khi đó, một khảo sát khác chỉ ra rằng, có khoảng 15% thanh thiếu niên và 20 – 35% sinh viên có biểu hiện tự ngược đãi bản thân.

Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu tâm lý học Anh Quốc, từ năm 1990 – 2015, có 17% trẻ từ 12 – 18 tuổi tuổi có xu hướng làm bị thương chính mình. Tỷ lệ bé gái tự làm hại bản thân cao hơn so với bé trai. Hành vi tự ngược đãi phổ biến nhất là rạch, cắt làm tổn thương da, chiếm đến 50% các trường hợp.

Tại Việt Nam, hội chứng tự ngược đãi bản thân đang ngày càng phổ biến, độ tuổi trung bình mắc hội chứng này là 13 tuổi. Tuy nhiên, việc nhận diện, can thiệp, điều trị, chữa lành cho trẻ còn hết sức hạn chế. Hầu hết các phụ huynh không nhận thức được vấn đề đang xảy ra với trẻ. Cho rằng trẻ có tính cách vặn vẹo, muốn thu hút sự chú ý, muốn trừng phạt cha mẹ.

Có rất nhiều trường hợp mắc hội chứng self harm không được phát hiện, có những em có hành vi tự hại suốt 14 năm liền, có em suýt bị đưa vào trại tâm thần. Tại các bệnh viện trung ương, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự hại, đa số là người trẻ, trong độ tuổi từ 13 – 21.

Tự hại có thể là biểu hiện của rối loạn sức khỏe tâm thần, không phải là trào lưu hay vấn đề về nhân cách. Cần sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra ở  trẻ mắc hội chứng này.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng tự ngược đãi bản thân

Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường cố gắng che giấu vết thương của bản thân. Họ không muốn người xung quanh biết đến những vết thương này và có xu hướng xấu hổ, tội lỗi. Họ thường dùng quần áo dài tay để che chắn ngay cả khi trời nóng, hoặc giải thích vết thương do tai nạn gây ra.

Có thể nhận biết một người mắc hội chứng Self Harm thông qua các dấu hiệu sau:

1. Có hành vi tự ngược đãi bản thân

Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân thường có hành vi tự làm đau, tự gây thương tích cho chính mình. Các hành vi này lặp đi lặp lại như một cách giải tỏa cảm xúc, giảm căng thẳng áp lực. Dấu hiệu hành vi của hội chứng tự ngược đãi bản thân:

  • Cắt, rạch da bằng mảnh sành, dao lam tại các vùng đùi, bụng, cổ tay, cánh tay
  • Tự đấm tay vào tường hoặc tự đập đầu vào tường gây bầm tím ở tay, đầu
  • Tự gây bỏng bằng que diêm, đầu thuốc lá hoặc vật kim loại nóng
  • Quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn
  • Uống chất tẩy, xà phòng hoặc các loại thuốc có hại
  • Dùng tay cào cấu vào da gây đau và chảy máu
  • Nhổ, giật tóc hoặc tự cắt tóc…

Các hành vi gây hại bản thân được thực hiện một cách âm thầm. Sau khi tự làm đau, người bệnh thường có cảm giác thư giãn, thoải mái ngắn hạn. Tuy nhiên, sau đó là cảm giác xấu hổ, dằn vặt và những đau đớn về thể xác. Các hành vi tự hại được thực hiện một cách có chủ đích để làm đau bản thân nhưng không kèm theo mục đích tự tử.

2. Rối loạn kiểm soát cảm xúc

Không chỉ có các hành vi tự gây hại, người mắc hội chứng Self harm còn có các biểu hiện bất thường về cảm xúc. Các biểu hiện thường gặp gồm:

  • Cảm giác chán nản, buồn bã kéo dài
  • Dễ bất an, lo lắng, bồn chồn, căng thẳng
  • Ức chế cảm xúc, cảm giác bức bối, không thể giải tỏa
  • Nhạy cảm, dễ cáu giận, dễ nổi nóng với người khác
  • Mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc không ngủ được
  • Khó kiềm chế và quản lý cảm xúc của bản thân…

3. Có triệu chứng thể chất bất thường

Các triệu chứng thể chất ở người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân:

  • Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực
  • Tăng huyết áp, nhịp thở nông, thở nhanh
  • Nghẹn cổ họng, buồn nôn, khó nuốt
  • Chóng mặt, đau đầu, mất ngủ
  • Bất an, bồn chồn, đổ mồ hôi, tay chân lạnh…

4. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc hội chứng Self Harm

Dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân:

  • Trên người có vết cắt, vết bầm hoặc vết bỏng không rõ nguyên nhân
  • Trẻ luôn mặc áo dài tay và quần dài ngay cả khi thời tiết nóng nực
  • Giảm cân hoặc tăng cân bất thường
  • Ghét bỏ chính mình, luôn nhận lỗi về mình và nghĩ rằng bản thân không đủ tốt
  • Thường xuyên có các vết trầy xước, bầm tím hoặc sưng tấy mới
  • Có nhiều vết bỏng cùng hình dạng hoặc cùng kích thước
  • Nét mặt buồn bã, mệt mỏi, uể oải…

Nguyên nhân gây ra hội chứng tự ngược đãi bản thân

Thật khó để lý giải tại sao một người lại mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân. Đây là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Thực tế, mỗi người là một cá thể riêng biệt, những căng thẳng, lo lắng mà họ gặp phải và cách họ đối phó với căng thẳng là không giống nhau.

Các nguyên nhân gây ra hội chứng này rất đa dạng thường liên quan đến căng thẳng, áp lực
Các nguyên nhân gây ra hội chứng này rất đa dạng thường liên quan đến căng thẳng, áp lực

Bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng self harm, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi vị thành niên. Nguyên nhân gây ra hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể do stress, thiếu kỹ năng đối phó căng thẳng, thiếu kinh nghiệm sống, thay đổi tâm lý lứa tuổi, hành vi học được…

  • Stress: Căng thẳng, áp lực từ việc học tập, từ các mối quan hệ gây ức chế, dồn nén tâm lý, khiến một người có hành vi làm tổn thương chính mình.
  • Thiếu kỹ năng: Trẻ không được dạy cách giải tỏa cảm xúc, cách đối phó với căng thẳng. Việc phải làm một đứa trẻ ngoan, không khóc nháo, không đòi hỏi, gây tích tự cảm xúc, thôi thúc hành vi tự ngược đãi chính mình.
  • Sự thay đổi tâm lý lứa tuổi: Trẻ trong độ tuổi dậy thì với sự thay đổi mạnh mẽ của nội tiết tố ảnh hưởng đến sự cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não. Ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc, khiến trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương và chọn cách tự ngược đãi chính mình.
  • Sang chấn tâm lý: Cha mẹ ly hôn, trẻ thiếu tình yêu thương, bị lạm dụng, ngược đãi, chứng kiến bạo lực gây tổn thương và ức chế tâm lý.
  • Mắc rối loạn tâm lý: Trẻ mắc các vấn đề như rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn hành vi, rối loạn phân ly, rối loạn ăn uống, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế…
  • Nguyên nhân khác: Lạm dụng chất gây nghiện, di truyền, có dạng nhân cách nghệ sĩ yếu…

Hội chứng tự ngược đãi bản thân có nguy hiểm không?

Tự ngược đãi bản thân là một hội chứng nghiêm trọng và nguy hiểm. Người mắc hội chứng này có hành vi tự làm đau chính mình và không có ý định tự tử. Mặc dù không có ý định tự tử, tuy nhiên, hội chứng lại gây ra nhiều rủi ro, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

Các tác hại của của hội chứng này bao gồm:

  • Biến chứng y khoa: Có thể gây nhiễm trùng, sẹo, tổn thương thần kinh, gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.
  • Nguy cơ tự tử: Hành vi tự ngược đãi bản thân không liên quan đến ý định tự tử. Tuy nhiên, tình trạng này làm có thể là nguyên nhân dẫn đến hành vi cố gắng tự tử hoặc tử vong do chấn thương.
  • Gia tăng chấn thương: Khi liên tục thực hiện hành vi tự ngược đãi, cá nhân sẽ có xu hướng phụ thuộc vào hành vi này. Bạn sẽ thường xuyên nghĩ đến việc gây thương tích cho bản thân khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Làm trầm trọng vấn đề tâm lý: Sau khi tự làm đau chính mình, chúng ta thường có cảm xúc xấu hổ, tội lỗi, cố gắng che giấu vết thương hoặc vết sẹo. Điều này làm trầm trọng các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Chẩn đoán hội chứng tự ngược đãi bản thân

Hội chứng tự ngược đãi bản thân được chẩn đoán dựa vào các tiêu chí trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn sức khỏe tâm thần DSM-5. Có  tiêu chí chính trong chẩn đoán hội chứng tự ngược đãi bản thân gồm:

  • Trong năm qua, có 5 lần hoặc nhiều hơn các hành vi cố ý tự gây thương tích cho bản thân nhưng không có ý định tự.
  • Hành vi tự gây thương tích được thực hiện với kỳ vọng thoát khỏi cảm giác tiêu cực, tạo ra trạng thái cảm xúc tích cực hoặc giải quyết khó khăn trong mối quan hệ. Cảm giác nhẹ nhõm xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tự làm đau bản thân, khiến cá nhân phụ thuộc vào hành vi ấy.
  • Hành vi tự làm đau chính mình liên quan đến cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, đau khổ, tự chỉ trích hoặc khó khăn trong quan hệ cá nhân. Trước khi tự làm đau mình, có một khoảng thời gian từng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều.
  • Hành vi này không được xã hội chấp nhận, ví dụ hành vi cắt rạch tay, đập đầu vào tường.

Phương pháp điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân

Người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân cần được phát hiện, can thiệp và điều trị càng sớm càng tốt. Tùy vào nguyên nhân, mức độ và tình trạng của mỗi cá nhân mà có biện pháp can thiệp phù hợp.

Self harm là một hội chứng nguy hiểm cần được can thiệp và điều trị
Self harm là một hội chứng nguy hiểm cần được can thiệp và điều trị

Các phương pháp điều trị hội chứng tự ngược đãi bản thân bao gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu hay liệu pháp trò chuyện là phương pháp điều trị các vấn đề về tâm lý được thực hiện bởi chuyên gia tâm lý. Liệu pháp này giúp não bộ bạn kiểm soát tốt hành vi, nhận thức và cảm xúc, phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng, stress. Từ đó loại bỏ các cảm xúc tiêu cực và hành vi tự gây hại bản thân.

Các liệu pháp thường được ứng dụng:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức CBT: Liệu pháp giúp cá nhân nhận diện được các mẫu hành vi tiêu cực, thay đổi chúng theo hướng tích cực. Đồng thời giúp cá nhân học được các kỹ năng đối phó với căng thẳng, biết cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc của chính mình.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng DBT: Là một loại của liệu pháp CBT, liệu pháp này dựa trên triết lý cân bằng, có thể giúp cá nhân chấp nhận và thay đổi.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Trong một số trường hợp, hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể được điều trị bằng thuốc. Các thuốc này được cân nhắc cho người có triệu chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu cùng với triệu chứng tự gây thương tích.

Các thuốc này giúp cân bằng chất dẫn truyền thần kinh, ổn định cảm xúc, kiểm soát tâm trạng thay vì điều trị trực tiếp chứng tự ngược đãi bản thân. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng, tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Làm gì khi mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân?

Cần phải thay đổi quan niệm về hội chứng self harm. Tự ngược đãi bản thân không phải là cách một người tìm kiếm sự chú ý, càng không phải là sự vặn vẹo trong nhân cách. Đây là một rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân gây ra.

Khi bản thân hoặc người thân mắc hội chứng này, chúng ta nên:

1. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia

Bất kỳ ai đang đấu tranh với hành vi tự gây hại bản thân cũng cần tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ. Bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó phát triển phương pháp đối phó phù hợp với căng thẳng, stress.

Thông thường, chuyên gia sẽ trao đổi với bạn thông qua các kỹ thuật trò chuyện và các liệu pháp chuyên sâu để nhận diện hành vi, nhận thức tiêu cực. Phát triển các kỹ năng giải quyết căng thẳng, giải quyết mâu thuẫn và cải thiện cảm xúc cá nhân.

2. Thay đổi lối sống

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp tạo ra môi trường tích cực cho cơ thể và tâm trí. Từ đó giúp bạn giảm thiểu các hành vi tự hại. Bạn có thể cải thiện bằng cách:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng nhiều nhóm chất dinh dưỡng
  • Ngủ đủ 7 – 8  tiếng mỗi ngày, đảm bảo chất lượng giấc ngủ
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sản sinh endorphin
  • Cân đối thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi
  • Thiết lập các mục tiêu nhỏ, khả thi để tạo động lực cố gắng, nỗ lực.

3. Thay thế hành vi tự hại bằng hành vi lành mạnh

Bạn có thể thay thế các hành vi tự gây hại bằng các hoạt động nghệ thuật sáng tạo như vẽ tranh, làm gốm, chơi nhạc, viết nhật ký để giải tỏa cảm xúc. Ngoài ra, có thể thử các hoạt động thư giãn như tập yoga, khiêu vũ, đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn hoặc tham gia các lớp học nghệ thuật.

Viết nhật ký là cách giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng hiệu quả
Viết nhật ký là cách giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng hiệu quả

Bạn cũng cần hạn chế tiếp xúc với những nội dung tiêu cực, dễ kích động cảm xúc như phim, bài hát, thông tin tiêu cực, buồn bã. Chúng dễ khiến bạn có cảm xúc buồn bã, thôi thúc hành vi tự gây hại bản thân.

4. Trò chuyện với người thân, bạn bè

Các căng thẳng, áp lực là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ vị thành niên có nguy cơ mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân. Để cải thiện tình trạng này, bạn trẻ nên nghiêm túc trò chuyện với cha mẹ, người thân của mình. Hãy viết ra những gì muốn nói và chọn thời điểm thích hợp để nói ra suy nghĩ, vấn đề mà bản thân gặp phải.

Nếu cha mẹ không phải là đối tượng phù hợp để lắng nghe, bạn có thể chia sẻ với ông bà, cô chú hoặc bạn bè, những người gần gũi thân thuộc như một cách giải tỏa cảm xúc. Ngoài ra, để rời xa suy nghĩ tiêu cực, bạn trẻ có thể tham gia vào các hoạt động tình nguyện, từ thiện để tìm được sự kết nối tích cực với cộng đồng.

Biện pháp phòng ngừa hội chứng tự ngược đãi bản thân

Chúng ta có thể phòng ngừa hội chứng tự ngược đãi bản thân bằng các phương pháp sau:

  • Học cách kiểm soát căng thẳng, cách đối phó với stress
  • Phát triển kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả
  • Thường xuyên chia sẻ với bạn bè người thân suy nghĩ của bản thân
  • Yêu chính bản thân mình, dành thời gian cho các sở thích cá nhân
  • Nâng cao nhận thức, tìm hiểu về hội chứng self harm và các vấn đề tâm lý
  • Quan tâm, chia sẻ, trở thành người bạn đồng hành cùng trẻ
  • Kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường như vết thương, rối loạn cảm xúc ở trẻ…

Hội chứng tự ngược đãi bản thân là một rối loạn tâm lý thường gặp, phổ biến ở trẻ trong độ tuổi vị thành niên, từ 13 – 21 tuổi. Người mắc hội chứng này không có ý định tự tử nhưng có thể gây ra các chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Vì thế, nếu bản thân hoặc người thân có dấu hiệu mắc hội chứng này, cách tốt nhất là bạn nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12201-self-harm
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4244874/
  • https://www.psychologytoday.com/us/basics/self-harm

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Có 7% trẻ em và trẻ vị thanh niên trên thế giới mắc rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên: Điều cần biết

Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên rất phổ biến, đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, căng thẳng, thường xuyên...

Trầm cảm có thể xảy ra ở trẻ trong độ tuổi dậy thì
Các dấu hiệu trầm cảm ở tuổi dậy thì: Cách chữa & phòng tránh

Trầm cảm tuổi dậy thì là một dạng rối loạn tâm lý, xảy ra phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên, từ 10 -...

Trầm cảm trước sinh là một rối loạn cảm xúc nghiêm trọng xảy ra trong quá trình mang thai
Dấu hiệu bị trầm cảm trước sinh và cách giúp mẹ vượt qua

Trầm trước sinh là tình trạng trầm cảm xảy ra trong quá trình mang thai. Các nghiên cứu cho thấy có 10 - 20% phụ...

Trẻ chậm phát triển trí tuệ: Biểu hiện và hướng can thiệp

Trẻ chậm phát triển trí tuệ là một vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khiến cho nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo...