Chán ăn tâm thần: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Ngày nay, khi chuẩn mực về cái đẹp dần bị tác động bởi mạng xã hội và áp lực ngoại hình thì càng có nhiều người mắc chứng chán ăn tâm thần. Họ bị ám ảnh với việc giảm cân, xem đó là cách để kiểm soát cuộc sống. Nhưng liệu sự kiểm soát ấy có thực sự mang lại hạnh phúc hay chỉ đẩy bản thân vào bệnh tật, suy nhược?

Chán ăn tâm thần là gì?

Không chỉ đơn giản là ăn ít hay nhịn ăn, chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống nghiêm trọng khiến người bệnh sợ tăng cân cực đoan. Nhiều người tự đặt ra giới hạn khắc nghiệt trong ăn uống, ngay cả khi cơ thể đã suy nhược. Tình trạng này gây ảnh hưởng nặng nề đến cả thể chất lẫn tinh thần, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

chán ăn tâm thần là gì
Chán ăn tâm thần là rối loạn ăn uống khiến người bệnh sợ tăng cân và hạn chế ăn uống

Hiện nay, tỷ lệ người mắc chán ăn tâm thần ngày càng tăng, đặc biệt ở nữ giới trẻ tuổi. Theo thống kê, khoảng 85% bệnh nhân nằm trong độ tuổi 13 – 18 dễ bị ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn ngoại hình. Ngày càng nhiều người dưới 15 tuổi mắc bệnh và điều đáng lo ngại hơn là tiên lượng bệnh xấu hơn khi khởi phát quá sớm.

Có 2 loại chán ăn tâm thần:

  • Chán ăn kiểu hạn chế: Người bệnh giới hạn lượng thức ăn ở mức tối thiểu, ăn rất ít, tập luyện quá mức để kiểm soát cân nặng, lo sợ tăng cân dù cơ thể đã suy kiệt.
  • Chán ăn do ăn vô độ: Người bệnh ăn rất nhiều trong thời gian ngắn nhưng sau đó tìm cách loại bỏ thức ăn như cố tình nôn, dùng thuốc nhuận tràng để tránh tăng cân.

Dấu hiệu chán ăn tâm thần

Khi nỗi ám ảnh về cân nặng và thực phẩm trở nên cực đoan kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường về thể chất, tâm lý và hành vi thì đó lại là một vấn đề nghiêm trọng.

Dấu hiệu tâm lý:

  • Ám ảnh về cân nặng và vóc dáng
  • Sợ hãi tột độ khi tăng cân
  • Nhạy cảm quá mức với việc ăn uống
  • Luôn tự phê bình, tự trừng phạt bản thân
  • Cảm thấy cần kiểm soát mọi thứ
  • Trầm cảm, lo âu, dễ cáu kỉnh
  • Không quan tâm đến tình dục
dấu hiệu chán ăn tâm thần
Người bệnh sụt cân quá mức, ám ảnh về cân nặng và có thói quen ăn uống bất thường

Dấu hiệu thể chất:

  • Giảm cân nhanh chóng hoặc không tăng cân theo độ tuổi
  • Chóng mặt, ngất xỉu, mệt mỏi kéo dài
  • Nhịp tim chậm, huyết áp thấp, hạ thân nhiệt
  • Luôn cảm thấy lạnh dù thời tiết ấm
  • Suy mòn cơ thể, yếu cơ, đau bụng, táo bón
  • Xuất hiện lông tơ trên cơ thể
  • Nữ giới rối loạn kinh nguyệt, mất chu kỳ kinh nguyệt

Dấu hiệu hành vi:

  • Ăn kiêng cực đoan, nhịn ăn, ăn uống kín đáo
  • Tập thể dục quá mức, ép buộc bản thân vận động liên tục
  • Cuồng ăn rồi tìm cách đào thải thức ăn bằng cách gây nôn, dùng thuốc nhuận tràng
  • Sắp xếp lại thức ăn trên đĩa, thay đổi đột ngột sở thích ăn uống
  • Mặc quần áo rộng để che giấu cơ thể gầy gò
  • Tránh giao tiếp xã hội, thu mình, xa lánh người thân

Nguyên nhân gây chán ăn tâm thần

Đằng sau sự ám ảnh về vóc dáng do chán ăn tâm thần là nhiều nguyên nhân phức tạp từ di truyền đến tác động xã hội.

nguyên nhân gây chán ăn tâm thần
Yếu tố tâm lý, áp lực xã hội có thể góp phần gây ra chứng chán ăn tâm thần
  • Di truyền: Vài người có nguy cơ mắc chán ăn tâm thần ngay từ khi sinh ra do trong gia đình có người bị rối loạn ăn uống, khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn gấp nhiều lần.
  • Áp lực xã hội: Khi thân hình mảnh mai trở thành tiêu chuẩn sắc đẹp, nhiều người bắt đầu ám ảnh về cân nặng dẫn đến ăn kiêng quá mức, nhịn ăn để duy trì vóc dáng.
  • Chấn thương tâm lý: Tổn thương trong quá khứ để lại vết thương tinh thần, ảnh hưởng đến hành vi ăn uống. Người từng bị lạm dụng, trải qua biến cố lớn có xu hướng kiểm soát thức ăn như một cách đối phó với cảm xúc.
  • Thay đổi trong não bộ: Hoạt động của não ảnh hưởng đến cảm xúc, quyết định cảm giác thèm ăn. Khi hệ thống dẫn truyền thần kinh bị rối loạn, con người có thể mất đi nhu cầu ăn uống bình thường.

Yếu tố nguy cơ bị chán ăn tâm thần

Một số người có nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần cao hơn do những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển sau:

  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân từng mắc chứng chán ăn tâm thần, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn đáng kể.
  • Tâm lý nhạy cảm: Những người có tính cách cầu toàn, dễ lo lắng, hay tự ti về bản thân có nguy cơ cao bị rối loạn ăn uống.
  • Ảnh hưởng từ truyền thông: Hình ảnh người mẫu gầy trên mạng xã hội, quảng cáo, phim ảnh tạo áp lực về ngoại hình, khiến nhiều người bị ám ảnh với việc giảm cân.
yếu tố nguy cơ của chán ăn tâm thần
Người có tâm lý nhạy cảm dễ ám ảnh với việc giảm cân
  • Áp lực xã hội: Việc bị trêu chọc về cân nặng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, có thể khiến một người hình thành suy nghĩ tiêu cực về cơ thể mình.
  • Biến cố trong cuộc sống: Chuyển trường, mất người thân, căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng chán ăn tâm thần.
  • Quan niệm sai lầm về giảm cân: Xã hội thường ca ngợi người giảm cân thành công, khiến nhiều người lầm tưởng rằng gầy là đồng nghĩa với đẹp và hạnh phúc.

Hệ lụy của chứng chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần là nỗi ám ảnh về cân nặng kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng. Căn bệnh này có thể hủy hoại thể chất lẫn tinh thần, đe dọa đến tính mạng của người mắc.

  • Cơ thể suy kiệt: Khi không được cung cấp đủ dinh dưỡng, cơ thể trở nên gầy gò, xanh xao, thiếu sức sống kèm theo tình trạng chóng mặt, mệt mỏi và mất ngủ thường xuyên.
  • Nguy cơ tim mạch: Rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp và mất cân bằng điện giải khiến người bệnh có nguy cơ ngừng tim đột ngột, dẫn đến tử vong.
  • Rối loạn tiêu hóa: Người mắc chứng chán ăn thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy, đau bụng kéo dài do hệ tiêu hóa hoạt động kém và thiếu hụt chất dinh dưỡng.
  • Ảnh hưởng nội tiết: Ở phụ nữ, rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh có thể xảy ra, trong khi thanh thiếu niên có nguy cơ chậm phát triển dậy thì và thiểu năng sinh dục.
hậu quả của chán ăn tâm thần
Bệnh có thể gây suy dinh dưỡng và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần
  • Loãng xương, suy yếu cơ bắp: Cơ thể thiếu hụt canxi và protein trong thời gian dài dẫn đến loãng xương, răng dễ gãy, teo cơ và giảm sức mạnh cơ bắp.
  • Rối loạn tâm lý: Người bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, có hành vi tự hủy hoại bản thân khi cảm thấy mất kiểm soát với cân nặng.
  • Tăng nguy cơ tử vong: Chán ăn tâm thần có tỷ lệ tử vong rất cao, đứng thứ 2 trong các bệnh tâm thần chỉ sau quá liều opioid và nguyên nhân chủ yếu là suy kiệt cơ thể hoặc tự tử.

Biện pháp chẩn đoán chán ăn tâm thần

Người mắc bệnh chán ăn tâm thần không nhận thức được mức độ nguy hiểm của tình trạng sụt cân của mình nên việc chẩn đoán chính xác là điều vô cùng quan trọng để can thiệp kịp thời và ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng.

Các bác sĩ dựa vào Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM – 5) để xác định chán ăn tâm thần dựa trên tiêu chí:

  • Hạn chế ăn uống nghiêm trọng: Cố tình cắt giảm lượng calo làm cân nặng thấp đáng kể so với mức bình thường theo độ tuổi, giới tính và giai đoạn phát triển.
  • Ám ảnh với cân nặng: Có nỗi sợ hãi mãnh liệt về việc tăng cân, dù thực tế đã rất gầy nhưng vẫn cảm thấy mình béo.
  • Nhận thức sai lệch về hình thể: Luôn thấy mình quá cân dù thân hình gầy gò, phủ nhận tình trạng sức khỏe của bản thân.

Nhiều trường hợp sụt cân không phải do chán ăn tâm thần, nên bác sĩ cần loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.

chẩn đoán chán ăn tâm thần
Bác sĩ dựa vào triệu chứng lâm sàng, chỉ số cơ thể và đánh giá tâm lý để chẩn đoán bệnh
  • Rối loạn tâm thần: Trầm cảm nặng, tâm thần phân liệt gây mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến giảm cân.
  • Bệnh lý thể chất: Một số bệnh như đái tháo đường type 1, suy tuyến thượng thận, hội chứng kém hấp thu, ung thư có thể làm sụt cân nghiêm trọng.
  • Lạm dụng chất kích thích: Việc sử dụng amphetamine, thuốc lợi tiểu quá mức có thể khiến người bệnh ăn uống thất thường và giảm cân đáng kể.

Để xác định chính xác chán ăn tâm thần, bác sĩ sẽ tiến hành nhiều bài kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm:

  • Khám tổng quát: Đo chiều cao, cân nặng, nhịp tim, huyết áp, kiểm tra tình trạng da, tóc, móng tay và bụng.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu toàn phần, chức năng gan, thận, tuyến giáp và mức độ chất điện giải để phát hiện sự mất cân bằng dinh dưỡng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm đánh giá chức năng cơ thể và phát hiện các dấu hiệu bất thường.
  • Đánh giá tâm lý: Bác sĩ tâm lý sẽ trò chuyện với người bệnh về suy nghĩ, cảm xúc, thói quen ăn uống và yêu cầu làm bài kiểm tra đánh giá tâm lý.
  • Chụp X-quang và điện tâm đồ: Dùng để kiểm tra mật độ xương, phát hiện loãng xương, tổn thương tim, biến chứng nghiêm trọng do suy dinh dưỡng.

Phương pháp điều trị chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng, đòi hỏi một phương pháp điều trị toàn diện. Qua đó giúp người bệnh phục hồi cân nặng, xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm và cơ thể của mình.

1. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc đặc trị nào có thể chữa hoàn toàn chứng chán ăn tâm thần, nhưng vài loại có thể hỗ trợ điều trị vấn đề tâm lý liên quan. Trong đó, Olanzapine là một loại thuốc chống loạn thần có khả năng tăng cân và giảm bớt nỗi ám ảnh về cân nặng.

điều trị chán ăn tâm thần
Một số thuốc hỗ trợ điều trị chán ăn tâm thần bằng cách giảm lo âu và cải thiện tâm trạng

Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm cũng được kê đơn để kiểm soát tình trạng lo âu và rối loạn cảm xúc. Bên cạnh thuốc, người bệnh cần được hướng dẫn quay lại thói quen ăn uống lành mạnh và sử dụng thêm vitamin D, chất bổ sung khác theo chỉ định của bác sĩ.

2. Trị liệu tâm lý

Tâm lý là yếu tố then chốt trong chứng chán ăn tâm thần, vì vậy điều trị vừa tập trung vào việc phục hồi cân nặng vừa phải thay đổi suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh. Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân nhận ra vấn đề, học cách đối diện với nỗi sợ hãi về cân nặng và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh.

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) giúp người bệnh thay đổi suy nghĩ sai lệch về cân nặng, hình dáng và tập trung điều chỉnh hành vi ăn uống.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết giúp bệnh nhân tập trung vào hành động thay đổi thay vì chỉ xoay quanh cảm xúc tiêu cực.
  • Liệu pháp phục hồi nhận thức hỗ trợ phát triển khả năng tập trung và nhìn nhận vấn đề linh hoạt hơn.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) giúp xây dựng chánh niệm, cải thiện mối quan hệ và kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
  • Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (IPT) cải thiện kỹ năng giao tiếp và mối quan hệ, giảm bớt căng thẳng ảnh hưởng đến rối loạn ăn uống.
  • Liệu pháp tâm lý động lực hỗ trợ người bệnh tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây chán ăn để có hướng điều trị phù hợp.
  • Liệu pháp gia đình (phương pháp Maudsley) hỗ trợ cha mẹ, người thân giúp bệnh nhân duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Liệu pháp nhóm mang lại môi trường an toàn để người bệnh chia sẻ, tìm kiếm sự đồng cảm và động viên lẫn nhau trong quá trình điều trị.

3. Điều trị tại bệnh viện

Khi tình trạng chán ăn tâm thần trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ rơi vào nguy hiểm vì mất nước, suy dinh dưỡng, rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp này, nhập viện là điều cần thiết để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng.

cách khắc phục chán ăn tâm thần
Phác đồ điều trị của bác sĩ giúp bệnh nhân tránh biến chứng nghiêm trọng

Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra các chỉ số chất điện giải, mức độ hydrat hóa và tình trạng tim mạch để đảm bảo cơ thể người bệnh ổn định. Nếu cần thiết có thể được nuôi dưỡng bằng ống sonde để cung cấp đủ dinh dưỡng và phục hồi cân nặng nhanh chóng.

Ngoài điều trị nội trú, một số trung tâm chuyên về rối loạn ăn uống còn có chương trình điều trị ban ngày, dài hạn để hỗ trợ bệnh nhân thay đổi thói quen. Những chương trình này còn điều chỉnh suy nghĩ sai lệch về cân nặng và hình thể.

4. Phục hồi cân nặng

Việc phục hồi cân nặng đòi hỏi một quá trình khoa học và có sự hỗ trợ từ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và gia đình. Để giúp người bệnh lấy lại thể trạng khỏe mạnh, cần kết hợp nhiều phương pháp một cách hợp lý và kiên trì.

cách đối phó với chán ăn tâm thần
Người bệnh cần bổ sung đủ dinh dưỡng, ăn uống khoa học để nhanh phục hồi cân nặng
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày để hệ tiêu hóa hoạt động tốt và dễ hấp thu hơn
  • Đảm bảo mỗi bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng như protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất
  • Tăng dần lượng thức ăn thay vì ép ăn quá nhiều ngay từ đầu để tránh gây áp lực tâm lý
  • Ưu tiên món ăn mà người bệnh yêu thích để kích thích sự thèm ăn tự nhiên
  • Bổ sung kẽm vì nó giúp cải thiện cảm giác ngon miệng và hỗ trợ quá trình phục hồi
  • Sử dụng các acid béo DHA, EPA vì chúng có lợi cho sức khỏe tâm thần và hỗ trợ cân bằng dinh dưỡng
  • Nếu cần tiết bác sĩ có thể chỉ định thuốc kích thích sự thèm ăn để hỗ trợ quá trình điều trị
  • Dùng vitamin và khoáng chất bổ sung khi cơ thể chưa thể hấp thu đủ qua thực phẩm
  • Cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể với mức tăng calo hợp lý mỗi ngày để đảm bảo phục hồi dần dần
  • Sử dụng dịch truyền trong trường hợp người bệnh suy dinh dưỡng nặng, không thể ăn uống đầy đủ
  • Chuyên gia dinh dưỡng xây dựng kế hoạch ăn uống khoa học và hướng dẫn duy trì chế độ ăn lâu dài
  • Gia đình đồng hành, động viên và tạo môi trường thoải mái để người bệnh cảm thấy an toàn khi ăn uống trở lại

Người mắc chứng chán ăn tâm thần không tự nhận ra mức độ nguy hiểm của bệnh nên rất cần mọi người xung quanh quan tâm, giúp đỡ tiếp cận phương pháp điều trị phù hợp. Hãy để sức khỏe và tinh thần được đặt lên hàng đầu thay vì chạy theo chuẩn mực khắc nghiệt của ngoại hình.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đừng đánh giá, phán xét hay đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề mà người trầm cảm gặp phải
11 Cách nói chuyện với người trầm cảm giúp họ thoải mái hơn

Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần, để giúp người trầm cảm vượt qua tình trạng này, cần giúp họ mở lòng...

Trầm cảm nhẹ là giai đoạn mới chớm của trầm cảm, không có nhiều triệu chứng đặc trưng, rõ ràng
Trầm cảm nhẹ có tự khỏi không? Dấu hiệu và điều trị

Trầm cảm được chia thành 3 mức độ chính là nhẹ, vừa và nặng. Trầm cảm nhẹ là giai đoạn sớm, mới khởi phát trầm...

Theo Đông Y, nguyên nhân của trầm cảm là do chính khí uất trệ
Điều trị trầm cảm bằng đông y (y học cổ truyền)

Trầm cảm không chỉ được điều trị bằng Tây y mà còn có thể được điều trị bằng y học cổ truyền. Y học cổ...

rối loạn căng thẳng sau sang chấn
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Hội chứng PTSD) là gì?

Sau biến cố lớn trong đời, không ít người phải đối diện với rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Những cảm xúc tiêu cực,...