Hội chứng ám ảnh cân nặng và thông tin cần biết

Hội chứng ám ảnh cân nặng là nỗi sợ hãi tăng cân dữ dội, nghiêm trọng, gây ra các hành động cực đoan như ăn ít, nhịn đói, tập thể dục quá sức ngay cả thân hình cân đối, cân nặng bình thường thậm chí suy dinh dưỡng. Loại rối loạn tâm lý này có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới, trong đó, phổ biến nhất là các bé gái trong độ tuổi dậy thì. 

Hội chứng ám ảnh cân nặng là gì?

Hội chứng ám ảnh cân nặng (Weight Obsession Syndrome) là một rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi cụ thể về việc tăng cân hoặc béo phì. Người mắc loại ám ảnh sợ hãi này luôn liên tục liên tục lo lắng, suy nghĩ và ám ảnh về cân nặng của mình, ngay cả khi họ có một vóc dáng bình thường hoặc thậm chí gầy.

Hội chứng ám ảnh cân nặng là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi nỗi sợ tăng cân nghiêm trọng, cực đoan
Hội chứng ám ảnh cân nặng là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi nỗi sợ tăng cân nghiêm trọng, cực đoan

Hội chứng ám ảnh cân nặng hay hội chứng sợ tăng cân (Obesophobia hoặc pocrescophobia) là nỗi sợ hãi tăng cân dữ dội. Họ thường có những hành động cực đoan để giảm cân hoặc ngăn ngừa tình trạng tăng cân. Các hành động này thường là:

  • Mang theo đồ ăn riêng để kiểm soát lượng thức ăn của bản thân
  • Chỉ trích, dằn vặt bản thân quá mức khi ăn nhiều
  • Ăn những phần thức ăn rất nhỏ, ít hơn rất nhiều so với người khác
  • Dành nhiều thời gian, tiền bạc để trông gầy hơn, bao gồm cả phẫu thuật…

Mức độ phổ biến của hội chứng ám ảnh cân nặng

Chưa có con số thống kê chính xác về tỷ lệ mắc hội chứng ám ảnh cân nặng hiện nay. Tại Mỹ, theo chuyên trang My Cleveland Clinic, cứ 10 người lớn thì có 1 người mắc chứng rối loạn sợ hãi cụ thể vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Tại Việt Nam, theo Báo điện tử VnExpress và Dân Trí, chưa có thống kê về về số người mắc hội chứng ám ảnh cân nặng. Tuy nhiên, hội chứng này hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Điển hình là có nhiều trường hợp đi khám vì sợ hãi tăng cân mà nhịn ăn, tập thể dục cường độ cao một cách cực đoan.

Hội chứng ám ảnh cân nặng có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới mọi độ tuổi. Trong đó, phổ biến nhất là các bé gái tuổi dậy thì, từ 10 – 18 tuổi. Trẻ thanh thiếu niên ở độ tuổi này thường quan tâm quá mức về ngoại hình, rất dễ mắc chứng ám ảnh cân nặng.

Sự khác biệt giữa quan tâm cân nặng và ám ảnh cân nặng

Nhiều người quan tâm đến cân nặng như một phần của lối sống lành mạnh, nhưng khi điều này trở thành nỗi ám ảnh, nó có thể gây ra tác động tiêu cực. Dưới đây là sự khác biệt giữa việc quan tâm đến cân nặng hợp lý và bị ám ảnh cân nặng quá mức:

Tiêu chí Quan tâm cân nặng lành mạnh Ám ảnh cân nặng quá mức
Mục tiêu Cải thiện sức khỏe tổng thể, duy trì thể chất tốt. Tập trung vào việc đạt một mức cân nặng lý tưởng theo tiêu chuẩn cá nhân hoặc xã hội.
Hành vi Ăn uống cân bằng, tập luyện hợp lý. Nhịn ăn, cắt giảm calo cực đoan, tập luyện quá sức.
Cảm xúc Thoải mái, tự tin với cơ thể của mình. Thoải mái, tự tin với cơ thể của mình.
Tác động Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, thể chất và các mối quan hệ.

Một người có thể bắt đầu với mong muốn giảm cân lành mạnh nhưng nếu áp lực quá lớn, họ dễ rơi vào trạng thái kiểm soát cực đoan, dẫn đến rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Nguyên nhân của hội chứng ám ảnh cân nặng

Hội chứng ám ảnh cân nặng không chỉ xuất phát từ một nguyên nhân đơn lẻ mà là kết quả của nhiều yếu tố tác động đồng thời. Các yếu tố này có thể đến từ xã hội, tâm lý cá nhân, gia đình hoặc các rối loạn tâm lý liên quan.

Ảnh hưởng từ xã hội và truyền thông

Tác động từ môi trường xã hội, đặc biệt là tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế trong phim ảnh, mạng xã hội, ảnh hưởng từ người nổi tiếng, từ trào lưu body shaming khiến nhiều người ám ảnh về cân nặng. Các vấn đề bao gồm:

  • Sự tôn vinh những hình mẫu cơ thể hoàn hảo với vóc dáng mảnh mai hoặc săn chắc từ các bộ phim, chương trình truyền hình, quảng cáo
  • Hình ảnh được chỉnh sửa kỹ càng, sử dụng filter hoặc các app làm đẹp trên mạng xã hội.
  • Ảnh hưởng từ người nổi tiếng, đặc biệt là những người mẫu, diễn viên, ca sĩ thường xuyên quảng bá chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc hình thể không thực tế.
  • Trào lưu “body shaming”, định kiến xã hội, các bình luận tiêu cực ác ý trên mạng xã hội khiến nhiều người tự ti, tổn thương tâm lý.
Các hình mẫu lý tưởng, các trào lưu ăn kiêng góp phần gây ra hội chứng ám ảnh cân nặng
Các hình mẫu lý tưởng, các trào lưu ăn kiêng góp phần gây ra hội chứng ám ảnh cân nặng

Tâm lý cá nhân và sự tự ti về ngoại hình

Một phần nguyên nhân gây ra hội chứng ám ảnh cân nặng cũng xuất phát từ tâm lý cá nhân. Các vấn đề về tâm lý khiến một người dễ mắc hội chứng này thường là:

  • Tâm lý so sánh với các hình mẫu lý tưởng trên mạng xã hội. Việc thường xuyên nhìn thấy các “hình ảnh hoàn hảo” khiến họ đánh giá thấp chính mình.
  • Cảm giác hạnh phúc khi giảm cân thành công có thể biến thành nỗi ám ảnh. Gây ra tình trạng mất cảm xúc khi tăng hoặc giảm cân. Tức là, khi cân nặng lên dù chỉ một chút, cũng có thể gây ra lo âu, dằn vặt, tự trách.

Tác động từ gia đình và môi trường xung quanh

Nguyên nhân gây ra hội chứng ám ảnh cân nặng có thể đến từ ảnh hưởng của gia đình và môi trường xung quanh. Những vấn đề này bao gồm:

  • Áp lực khi gia đình thường nhắc nhở về cân nặng hoặc so sánh với con cái người khác
  • Ảnh hưởng từ lời đánh giá, nhận xét về ngoại hình từ bạn bè, người thân
  • Những lời bình phẩm tưởng chừng vô hại như “dạo này béo lên nhỉ”, “ăn ít lại đi”, “ốm quá trông không đẹp”

Rối loạn tâm lý liên quan

Một số rối loạn tâm lý có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng ám ảnh cân nặng, bao gồm:

  • Rối loạn hình ảnh cơ thể (Body Dysmorphic Disorder – BDD)
  • Rối loạn ăn uống (Eating Disorders)
  • Rối loạn lo âu về ngoại hình…

Nguyên nhân khác

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, một số yếu tố khác có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này là:

  • Di truyền: Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc chứng ám ảnh sợ hãi, rối loạn ăn uống hoặc các rối loạn lo âu khác.
  • Trải nghiệm đau thương: Một số trải nghiệm đau thương như bị bắt nạt, chế giễu về cân nặng trong quá khứ.

Biểu hiện của hội chứng ám ảnh cân nặng

Người mắc hội chứng ám ảnh cân nặng thường gặp phải triệu chứng lo lắng, hoảng loạn về mặt thể chất khi nghĩ đến việc tăng cân. Các triệu chứng của hội chứng Weight Obsession Syndrome khi nghĩ đến việc tăng cân bao gồm:

  • Hoảng loạn, lo sợ
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Rùng mình
  • Đổ mồ hôi quá nhiều
  • Tim đập nhanh
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Rung rẩy hoặc lắc lư
  • Đau dạ dày hoặc khó tiêu…

Các biểu hiện về hành vi, cảm xúc của người mắc hội chứng ám ảnh cân nặng:

  • Cân đo liên tục và lo lắng về từng gram thay đổi.
  • Cảm giác tội lỗi khi ăn uống dù chỉ một chút.
  • Cắt giảm calo cực đoan, nhịn ăn hoặc ăn kiêng quá mức.
  • Lạm dụng thuốc giảm cân, thuốc nhuận tràng.
  • Cảm giác bắt buộc phải tập thể dục dù cơ thể đã kiệt sức.
  • Hoảng sợ nếu bỏ lỡ một buổi tập.
  • Căng thẳng, lo âu khi tham gia các sự kiện có đồ ăn.
  • Tránh giao tiếp xã hội vì sợ bị đánh giá về ngoại hình…

Ảnh hưởng của hội chứng ám ảnh cân nặng

Hội chứng ám ảnh cân nặng không chỉ ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất, tâm lý và các mối quan hệ cá nhân. Nếu không được nhận diện và can thiệp kịp thời, người mắc hội chứng này có thể rơi vào vòng luẩn quẩn của căng thẳng, tự ti và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tác động đến sức khỏe thể chất

Ám ảnh cân nặng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể chất như:

  • Suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất gây mệt mỏi, suy giảm hệ miễn dịch
  • Viêm loét dạ dày, táo bón, rối loạn nhu động ruột do nhịn ăn cực đoan
  • Huyết áp thấp, nhịp tim chậm, thậm chí tăng nguy cơ suy tim do chế độ ăn nghèo dinh dưỡng
  • Thiếu canxi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, nguy cơ loãng xương, gãy xương.
  • Rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới, giảm nồng độ testosterone ở nam giới.
Sự ám ảnh, sợ hãi nghiêm trọng gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe thể chất
Sự ám ảnh, sợ hãi nghiêm trọng gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe thể chất

Tác động đến sức khỏe tâm lý

Hội chứng ám ảnh cân nặng không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe thể chất mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần phổ biến bao gồm:

  • Tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu: Cảm giác sợ hãi, lo lắng dễ gây rối loạn lo âu. Cảm giác thất vọng, tự trách, mất động lực sống dễ phát triển trầm cảm lâm sàng.
  • Dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc: Khi cân nặng trở thành nỗi ám ảnh, người mắc hội chứng này sẽ tránh né giao tiếp, tránh né xã hội dẫn đến mất kiểm soát tâm lý, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.

Các nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, hội chứng sợ tăng cân có thể dẫn đến các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu về ngoại hình, trầm cảm…

Tác động đến các mối quan hệ cá nhân

Ám ảnh cân nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ với người thân gia đình, bạn bè và các mối quan hệ tình cảm. Các vấn đề này bao gồm:

  • Né tránh các bữa ăn gia đình, từ chối ăn uống chung, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình
  • Nhạy cảm hơn với lời nhận xét, phản ứng tiêu cực với các lời khuyên có ích
  • Người thân có thể vô tình gây áp lực khiến người mắc hội chứng sợ hãi, lo lắng, xa cách, né tránh
  • Khó khăn trong việc mở lòng và bắt đầu mối quan hệ lãng mạn do tự ti về ngoại hình
  • Áp đặt chế độ ăn uống của bản thân lên đối phương do ám ảnh về cân nặng.

Chẩn đoán hội chứng ám ảnh cân nặng

Không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán chính xác hội chứng ám ảnh cân nặng. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào đánh giá tâm lý, hành vi và thể chất. Các bước chẩn đoán chính như sau:

Đánh giá tâm lý

Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ sử dụng các bảng câu hỏi và tiêu chí chẩn đoán để đánh giá mức độ ám ảnh về cân nặng. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Nỗi ám ảnh quá mức về việc tăng cân
  • Thường xuyên kiểm tra cân nặng
  • Ám ảnh về vóc dáng, luôn cảm thấy mình béo
  • Chế độ ăn uống thất thường
  • Tập thể dục quá mức
  • Sử dụng biện pháp giảm cân nguy hiểm như dùng thuốc, gây nôn…

Các hành vi kéo dài ít nhất 6 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Sử dụng các tiêu chí trong DSM-5

Có thể sử dụng tiêu chí chẩn đoán rối loạn ám ảnh cụ thể hoặc tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn ăn uống theo DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn tâm thần) để đánh giá.

  1. Sợ hãi hoặc lo âu rõ ràng về một đối tượng (sợ tăng cân hoặc béo phì)
  2. Đối tượng gần như luôn luôn tạo ra phản ứng lo âu ngay lập tức (sợ hãi, hoảng loạn, toát mồ hôi khi nghĩ đến việc tăng cân)
  3. Mức độ sợ hãi không tương xứng với tình huống thực tế (sợ tăng cân quá mức dù không hề tăng hoặc chỉ tăng vài gram).
  4. Nỗi sợ hãi hoặc lo âu kéo dài liên tục ít nhất 6 tháng
  5. Nỗi sợ hãi gây ảnh hưởng đáng kể và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
  6. Nỗi ám ảnh không thể giải thích tốt hơn bằng các rối loạn tâm thần khác.

Đánh giá sức khỏe thể chất

Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra xem người bệnh có đang bị suy dinh dưỡng hoặc mất cân bằng nội tiết do giảm cân không khoa học hay không. Các chỉ số quan trọng cần theo dõi gồm:

  • Chỉ số BMI <18.5
  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra nội tiết tố

Phỏng vấn tâm lý chuyên sâu

Trong một số trường hợp, bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý có thể sử dụng các bài kiểm tra và phỏng vấn để đánh giá mức độ rối loạn ám ảnh cân nặng như:

  • Eating Disorder Examination (EDE): Đánh giá mức độ ám ảnh về thực phẩm và cân nặng.
  • Body Dysmorphic Disorder Questionnaire (BDDQ): Đánh giá sự méo mó trong nhận thức về cơ thể.
  • Beck Depression Inventory (BDI): Xác định các triệu chứng trầm cảm liên quan đến ám ảnh cân nặng.

Khi nào cần tìm đến chuyên gia?

Nếu bạn hoặc ai đó có những dấu hiệu sau, nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý ngay:

  • Suy dinh dưỡng nghiêm trọng, giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân.
  • Cảm thấy tự ti cực đoan, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Rối loạn ăn uống kéo dài, không kiểm soát được việc ăn uống.
  • Sử dụng các biện pháp giảm cân nguy hiểm, như gây nôn hoặc dùng thuốc giảm cân không an toàn.

Phương pháp điều trị hội chứng ám ảnh cân nặng

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng ám ảnh cân nặng, bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được đánh giá và điều trị. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho hội chứng ám ảnh cân nặng. Các liệu pháp phổ biến như sau:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Liệu pháp giúp cá nhân nhận diện và kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực về cân nặng, hình thể và chế độ ăn uống. Đồng thời học cách chấp nhận cơ thể và xây dựng hình ảnh bản thân tích cực.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Đưa người bệnh vào tình huống khiến họ lo lắng, bắt đầu từ mức độ nhẹ. Sau đó hướng dẫn cách kiểm soát lo âu mà không sử dụng hành vi cưỡng chế.
  • Liệu pháp thôi miên: Đưa cá nhân vào trạng thái giống như xuất thần nhưng tập trung. Đưa ra các gợi ý và thay đổi để giúp người bị thôi miên bớt sợ tăng cân lành mạnh.
  • Liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT): Học cách sống chúng với sự lo âu về cân nặng mà không ép buộc bản thân, tập trung vào giá trị sống thay vì ngoại hình.
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị hội chứng ám ảnh cân nặng
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị hội chứng ám ảnh cân nặng

2. Sử dụng thuốc điều trị

Thuốc không phải là phương pháp điều trị chính nhưng có thể được sử dụng trong một số trường hợp có rối loạn tâm lý đi kèm. Một số thuốc có thể được chỉ định trong điều trị:

  • Thuốc chống trầm cảm (SSRIs – Selective Serotonin Reuptake Inhibitors): Giúp giảm lo âu và ám ảnh về cân nặng. (Ví dụ: Fluoxetine, Sertraline).
  • Thuốc chống lo âu: Nếu bệnh nhân có mức độ lo âu cao ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Thuốc chống rối loạn ăn uống: Một số thuốc như Lisdexamfetamine (Vyvanse) có thể được kê đơn cho bệnh nhân rối loạn ăn uống vô độ.

Lưu ý: Việc dùng thuốc cần có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng.

Giải pháp tự đối phó với hội chứng ám ảnh cân nặng

Chúng ta có thể đối phó với hội chứng ám ảnh cân nặng bằng cách tự điều chỉnh tâm lý, hành vi và cảm xúc của chính mình. Một số giải pháp giúp bạn đối phó hiệu quả với hội chứng này như sau:

Học cách yêu thương và chấp nhận bản thân

Để vượt qua những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể, bạn cần học cách yêu thương và chấp nhận bản thân. Việc chấp nhận rằng vẻ đẹp thực sự không chỉ nằm ở ngoại hình mà còn ở sự tự tin và khỏe mạnh sẽ giúp thay đổi nhận thức về cơ thể.

Cân nặng không quyết định giá trị con người, có rất nhiều điều mà bạn cần quan tâm. Bạn có thể tham khảo những điều chúng ta nên làm để yêu thương mình hơn:

  • Nhận thức lại về vẻ đẹp, không quá đặt nặng vẻ đẹp ngoại hình
  • Nhận diện suy nghĩ tiêu cực và thay thế chúng bằng suy nghĩ tích cực
  • Tạo những mục tiêu nhỏ và khen ngợi bản thân khi đạt được điều đó
  • Thực hành lòng biết ơn và hãy cảm ơn chính cơ thể của mình
  • Tự nhắc nhở chính mình về điểm mạnh và những điều tốt đẹp mình đã làm được
  • Dành thời gian để làm những điều mà bản thân yêu thích như đọc sách, nghe nhạc
  • Tha thứ cho chính mình, chấp nhận việc bản thân không hoàn hảo
  • Ngừng so sánh bản thân với người khác, tập trung vào sự tiến bộ của chính mình.

Chế độ dinh dưỡng và tập luyện lành mạnh

Việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tập luyện là cần thiết đối với người mắc hội chứng ám ảnh cân nặng. Cụ thể như sau:

  • Tư vấn dinh dưỡng với chuyên gia: Cá nhân cần hiểu rằng ăn uống lành mạnh không có nghĩa là ép cân, mà là đảm bảo cơ thể có đủ dưỡng chất.
  • Lên kế hoạch ăn uống hợp lý: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, không cắt giảm quá mức lượng calo, học cách ăn uống linh hoạt. Giải quyết nỗi sợ thực phẩm, nhất là các thực phẩm giàu chất béo hoặc carbohydrate.
  • Tập thể dục lành mạnh: Chuyển từ tập luyện ép buộc sang tập luyện để cảm thấy khỏe mạnh.

Áp dụng kỹ thuật chánh niệm (Mindfulness)

Kỹ thuật chánh niệm là một phương pháp hiệu quả giúp bạn tập trung vào hiện tại và giảm bớt lo âu. Việc áp dụng mindfulness giúp bạn nhận ra những suy nghĩ tiêu cực và thay đổi chúng bằng những suy nghĩ tích cực, từ đó tạo ra một tâm lý vững vàng và an lạc hơn.

Khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu, hãy dừng lại một chút và quan sát cảm giác này. Hãy chấp nhận nó thay vì tránh né hoặc cố gắng thay đổi ngay lập tức. Bạn có thể đặt tay lên ngực hoặc bụng để cảm nhận hơi thở, giúp cơ thể thư giãn và giảm căng thẳng.

Học cách kiểm soát nỗi lo lắng, sợ hãi

Một số kỹ thuật kiểm soát lo âu như bài tập thở, thư giãn cơ, thiền định, tập yoga có thể giúp bạn thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng. Có thể kể đến như:

Bài tập thở

Bài tập thở là một kỹ thuật đơn giản nhưng mạnh mẽ giúp giảm căng thẳng và lo âu ngay lập tức. Một trong những bài tập thở phổ biến là thở bụng (diaphragmatic breathing).

Học cách kiểm soát cảm xúc sẽ giúp chúng ta đối phó tốt với nỗi lo lắng, sợ hãi
Học cách kiểm soát cảm xúc sẽ giúp chúng ta đối phó tốt với nỗi lo lắng, sợ hãi

Cách thực hiện: 

  • Ngồi thoải mái và khép mắt lại.
  • Đặt một tay lên bụng và một tay lên ngực.
  • Hít vào sâu qua mũi, cảm nhận bụng căng lên khi không khí đi vào.
  • Thở ra từ từ qua miệng, cảm nhận bụng xẹp xuống.
  • Lặp lại khoảng 5-10 phút mỗi khi cảm thấy căng thẳng hoặc lo âu.

Thư giãn cơ

Thư giãn cơ là một phương pháp giúp giảm bớt căng thẳng vật lý trong cơ thể và giúp tinh thần thoải mái hơn.

Cách thực hiện:

  • Ngồi hoặc nằm ở một nơi thoải mái, nhắm mắt lại.
  • Tập trung vào một nhóm cơ, ví dụ như cơ vai hoặc tay.
  • Từ từ căng cơ trong 5-10 giây, sau đó thả lỏng hoàn toàn trong 20 giây.
  • Lặp lại với từng nhóm cơ khác nhau trên cơ thể (tay, chân, bụng, vai, mặt).
  • Kết hợp với thở sâu để đạt hiệu quả tối ưu.

Thiền định

Thiền định là một phương pháp tuyệt vời để luyện tập sự chú ý và chánh niệm, giúp giảm lo âu và cải thiện sức khỏe tâm thần.

Cách thực hiện: 

  • Tìm một không gian yên tĩnh, ngồi thẳng lưng và nhắm mắt lại.
  • Tập trung vào hơi thở, cảm nhận không khí đi vào và ra khỏi cơ thể.
  • Nếu những suy nghĩ tiêu cực về cân nặng xuất hiện, hãy quan sát chúng mà không phán xét. Bạn có thể hình dung chúng như những đám mây trôi qua, không dính chặt vào chúng.
  • Đưa sự chú ý trở lại với hơi thở mỗi khi tâm trí lang thang.

Tập Yoga

Việc thực hành yoga có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về cơ thể mình và giảm bớt lo âu về cân nặng.

Cách thực hiện:

  • Bắt đầu với những bài tập yoga nhẹ nhàng, như Tư thế cây cầu (Setu Bandhasana), Tư thế chó úp mặt (Adho Mukha Svanasana), hoặc Tư thế cây (Vrksasana).
  • Hít thở sâu và chậm khi thực hiện các động tác, tập trung vào cảm giác của cơ thể.
  • Thực hành yoga thường xuyên để giúp cơ thể linh hoạt và giảm căng thẳng.

Hội chứng ám ảnh cân nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Không có cách chữa khỏi hoàn toàn hội chứng này, nhưng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ tiêu cực và học cách đối phó với nỗi ám ảnh của chính mình. Hãy đến gặp chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt nếu các vấn đề về cân nặng khiến bạn ám ảnh, lo lắng, sợ hãi nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • Dân Trí, VnExpress
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22575-obesophobia-fear-of-gaining-weight
  • https://health.howstuffworks.com/mental-health/eating-disorder/5-signs-of-weight-obsession.htm
  • https://www.healthshots.com/mind/mental-health/obesophobia-weight-loss-obsession-is-a-thing-let-go-of-it-before-its-too-late/

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cảm xúc tích cực là gì
Cảm xúc tích cực là gì? Lợi ích và cách nuôi dưỡng, làm tăng

Cảm xúc tích cực chính là "liều thuốc tự nhiên" mang đến niềm vui, sự lạc quan và động lực cho mọi người. Chính cảm...

Theo Đông Y, nguyên nhân của trầm cảm là do chính khí uất trệ
Điều trị trầm cảm bằng đông y (y học cổ truyền)

Trầm cảm không chỉ được điều trị bằng Tây y mà còn có thể được điều trị bằng y học cổ truyền. Y học cổ...

Cai sữa quá sớm có thể khiến đề kháng của trẻ kém so với trẻ được bú mẹ trong thời gian dài
Hiểu tâm lý trẻ khi cai sữa để có cách chăm sóc phù hợp

Việc hiểu tâm lý trẻ khi cai sữa có thể giúp mẹ có kế hoạch cai sữa cho con cụ thể, chi tiết, giúp quá...

Rối loạn lo âu là tình trạng lo lắng, căng thẳng, sợ hãi kéo dài, quá mức, không tương xứng với tình huống thực tế
Rối loạn lo âu: Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Rối loạn lo âu là một loại rối loạn tâm thần, đặc trưng bởi cảm giác sợ hãi, lo lắng xuất hiện thường xuyên, quá...