Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ – Những điều cần trang bị

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ được khuyến khích can thiệp trong giai đoạn từ 3 – 5 tuổi. Mục tiêu của chương trình này là dạy các kỹ năng cần thiết để trẻ có thể hòa nhập, học tập một cách thuận lợi. Thông qua đó, trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể đến trường như bạn bè đồng trang lứa.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ là gì?

Trước khi bước vào lớp 1, các bậc phụ huynh thường cho trẻ học viết chữ và văn hóa để tránh bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học đường. Việc được dạy chữ, viết chữ, tập làm toán, đánh vần,… đều thuộc về chương trình tiểu học. Khách quan mà nói, tiếp cận trước với chương trình sẽ giúp trẻ dạn dĩ và tiếp thu tốt hơn.

Tiền tiểu học khác với chương trình tiểu học. Chương trình này được xây dựng nhằm trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ có thể thích nghi, hòa nhập khi bước vào môi trường mới. Biết cách sử dụng kỹ năng để phục vụ cho quá trình học tập và một số hoạt động thường ngày.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ
Chương trình tiền tiểu học sẽ giúp trẻ tự kỷ trang bị những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho quá trình học tập

Hầu hết những kỹ năng này đều sẽ được gia đình trang bị cho bé từ giai đoạn 2 – 6 tuổi. Theo thời gian, những kỹ năng sống sẽ dần được hoàn thiện và củng cố, trẻ sẽ phát triển thuận lợi và không khó để làm quen với môi trường mới.

Tuy nhiên, những trẻ đặc biệt như trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ thường thiếu hụt trầm trọng các kỹ năng sống. Một số trẻ phát triển bình thường nhưng vì bố mẹ bận rộn, không dành thời gian cho con cũng phải đối mặt với tình trạng không có các kỹ năng thiết yếu.

Những đối tượng này được khuyến khích tham gia chương trình tiền học đường để dễ dàng hơn khi bước vào môi trường mới, hạn chế những khó khăn và vượt qua tâm lý bỡ ngỡ, lo lắng.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ không chú trọng việc trang bị kiến thức văn hóa. Thay vào đó, giáo viên sẽ giúp trẻ học những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thích nghi, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng đặt câu hỏi,…

Vì sao cần cho trẻ tự kỷ can thiệp chương trình tiền tiểu học?

Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến yếu tố di truyền. Rối loạn này gây ra khiếm khuyết về ngôn ngữ, giao tiếp xã hội kém, thiếu tương tác và hành vi giới hạn, rập khuôn. Những khiếm khuyết do tự kỷ gây ra khiến trẻ khó có thể tiếp thu kiến thức, gặp khó khăn trong việc hòa nhập, kết bạn và vui chơi.

Vì những lý do trên, gia đình nên tìm hiểu về chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ. Can thiệp chương trình này trong độ tuổi 3 – 5 tuổi mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau khi hoàn tất chương trình, trẻ sẽ có đầy đủ những kỹ năng cần thiết để tự phục vụ, chủ động trong sinh hoạt và học tập.

Những kỹ năng được dạy sẽ giúp trẻ tránh tâm lý bỡ ngỡ, lo lắng khi đến môi trường mới. Như đã biết, trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ không thích sự thay đổi, đôi khi có phản ứng gay gắt và cực đoan khi có những thay đổi nhỏ trong cuộc sống. Can thiệp chương trình tiền tiểu học sẽ giúp trẻ hạn chế các cảm xúc tiêu cực và dễ dàng hơn trong việc thích nghi.

Mục đích của can thiệp chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ là giúp bé hoàn thiện các kỹ năng cần thiết để tự tin hơn và dễ dàng hòa nhập với bạn bè. Khi việc hòa nhập được thuận lợi, trẻ sẽ có hứng thú khi đến trường, học tập tốt, tiếp thu nhanh và phát triển thuận lợi.

Hiện nay, chương trình tiền tiểu học không chỉ được can thiệp cho trẻ đặc biệt mà bất cứ trẻ trong giai đoạn 3 – 6 tuổi đều được khuyến khích can thiệp. Ngoài việc hỗ trợ trẻ, những kỹ năng này còn giúp giảm áp lực cho thầy cô và chính các bậc phụ huynh.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ gồm những kỹ năng nào?

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ bao gồm trang bị nhiều kỹ năng khác nhau. Rối loạn phổ tự kỷ gây ra nhiều khiếm khuyết về ngôn ngữ, hạn chế về giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi định hình. Do đó, phần lớn trẻ đều thiếu hụt những kỹ năng sống thiết yếu.

So với trẻ phát triển bình thường, trẻ tự kỷ cần được trang bị nhiều kỹ năng hơn. Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ bao gồm những kỹ năng sau đây:

1. Kỹ năng thích nghi

Thích nghi được xem là kỹ năng quan trọng cần được trang bị cho trẻ trước khi vào lớp 1. Đây cũng là kỹ năng sống cho trẻ mầm non mà gia đình và giáo viên cần phải trang bị cho bé. Khi bước vào một môi trường mới với nhiều thay đổi, trẻ không tránh khỏi bỡ ngỡ và lo lắng. Ngay cả với trẻ bình thường, bản thân các em cũng phải mất một thời gian mới có thể thích nghi.

Trẻ tự kỷ không có khả năng thích nghi, trẻ chỉ cảm thấy thoải mái và an toàn khi ở những môi trường quen thuộc. Bất cứ thay đổi nào, dù nhỏ nhất cũng đều gây ra cảm giác khó chịu. Vì vậy, chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ tập trung vào việc trang bị kỹ năng thích nghi.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ
Kỹ năng thích nghi là một trong những phần quan trọng của chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ

Khi dạy kỹ năng này, giáo viên sẽ giúp trẻ gạt bỏ trở ngại tâm lý để có thể xây dựng các mối quan hệ, dễ dàng làm quen với thầy cô và bạn bè. Bản thân trẻ tự kỷ không biết cách bộc lộ cảm xúc, nhấn nhá ngữ điệu khi nói. Giáo viên cũng sẽ giúp trẻ giải quyết những vấn đề này để có thể xây dựng sự thân thiện với bạn bè, tạo tiền đề để phát triển mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.

Trẻ cũng sẽ được dạy về khái niệm trường học, cách kê bàn ghế, lựa chọn chỗ ngồi,… để có thể thích ứng với môi trường học đường. Những kỹ năng này không quá phức tạp nhưng để trang bị cho trẻ tự kỷ cần rất nhiều thời gian. Ngoài việc can thiệp ở trung tâm, gia đình cũng có thể giáo dục trẻ tại nhà để gia tăng khả năng tiếp thu.

2. Kỹ năng tự phục vụ

Khác với khi ở nhà, trẻ sẽ phải tự phục vụ khi bước vào lớp 1. Vì thế, chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ cũng sẽ bao gồm kỹ năng tự phục vụ. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ chủ động khi học tập, không làm phiền đến thầy cô giáo và bạn bè. Khi có thể chủ động chăm sóc bản thân, trẻ sẽ gia tăng sự tự tin và hạn chế được tối đa những trở ngại khi bước vào môi trường mới.

Kỹ năng tự phục vụ bao gồm:

  • Tự ăn cơm, lấy nước uống
  • Tự biết mặc quần áo
  • Tự biết đi giày dép, để giày dép đúng nơi quy định
  • Tự chuẩn bị, sắp xếp đồ dùng học tập
  • Tự biết chỉnh lại trang phục, giữ đầu tóc gọn gàng
  • Tự biết vệ sinh cá nhân

Thực tế, các kỹ năng tự phục vụ sẽ được giáo viên mầm non trang bị cho trẻ. Tuy nhiên, vì khả năng tiếp thu kém, trẻ tự kỷ nên được can thiệp thêm chương trình tiền tiểu học để củng cố và phát triển những kỹ năng đã học được.

3. Kỹ năng giao tiếp

Khiếm khuyết về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp chính là rào cản khiến trẻ tự kỷ khó hòa nhập. Rối loạn phát triển thần kinh gây ra nhiều khó khăn trong việc tiếp thu từ vựng, ngữ pháp, phát âm. Trẻ bị tự kỷ thường phát triển ngôn ngữ rất chậm, khả năng giao tiếp vô cùng hạn chế và ngữ điệu cũng rất kỳ lạ.

Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng sống quan trọng. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ. Hơn hết, cải thiện khả năng ngôn ngữ sẽ giúp trẻ hiểu bài, tiếp thu kiến thức nhanh chóng. Khi xóa bỏ được rào cản ngôn ngữ, trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể phát triển một cách lành mạnh và toàn diện.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ
Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp trẻ tự kỷ mạnh dạn hơn trong quá trình học tập và gia tăng khả năng tiếp thu kiến thức

Mục tiêu khi can thiệp chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ thấp hơn so với những trẻ bình thường. Trong đó, kỹ năng giao tiếp sẽ gồm có những mục tiêu nhỏ sau:

  • Giúp trẻ cải thiện khả năng chú ý, tập trung, gia tăng kỹ năng hiểu lời nói và ngôn từ
  • Trang bị cho trẻ kỹ năng giới thiệu bản thân với bạn bè, thầy cô.
  • Khả năng chia sẻ, lắng nghe.
  • Khả năng bắt đầu, xây dựng và duy trì cuộc đối thoại.
  • Kỹ năng rủ bạn chơi cùng.
  • Kỹ năng giao tiếp khi thua cuộc hoặc khi có mâu thuẫn. Đây là một trong những kỹ năng cần phải trang bị cho trẻ tự kỷ vì trẻ có xu hướng bạo lực, hung tính khi nóng nảy.
  • Kỹ năng giao tiếp, cư xử khi thắng cuộc.
  • Kỹ năng yêu cầu sự hỗ trợ, giúp đỡ từ thầy cô và bạn bè.
  • Kỹ năng nói luân phiên, tránh trường hợp trẻ giao tiếp một chiều.

Trẻ tự kỷ được trang bị kỹ năng giao tiếp sẽ thuận lợi hơn khi bước vào môi trường mới. Trẻ không gặp quá nhiều trở ngại khi kết bạn, giao tiếp với thầy cô. Đặc biệt, kỹ năng này còn giúp trẻ cư xử đúng mực, xây dựng được cảm tình và sự thân thiện với bạn học.

4. Kỹ năng đặt câu hỏi

Kỹ năng đặt câu hỏi là một phần quan trọng trong chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ. Bản thân trẻ có các rối loạn phát triển thần kinh thường không tiếp thu nhanh, trẻ có thể không hiểu hết lời giảng và yêu cầu của thầy cô. Do đó, trẻ nên được trang bị kỹ năng đặt câu hỏi.

Kỹ năng này sẽ giúp trẻ mạnh dạn hỏi lại thầy cô những vấn đề chưa hiểu rõ. Ngoài ra, trong quá trình học, trẻ có thể sử dụng kỹ năng nghi vấn để hiểu sâu hơn về bài học. Trẻ tự kỷ thường sẽ có góc nhìn mới mẻ, độc đáo hơn về bài học.

Những câu hỏi được trẻ đặt ra không theo bất cứ lối mòn nào. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng đặt câu hỏi sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình học tập, khơi gợi cho trẻ hứng thú, đồng thời gia tăng khả năng sáng tạo, linh hoạt và nhạy bén.

5. Kỹ năng nghe – nói – đọc – viết

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ bao gồm cả kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Kỹ năng này khác với việc dạy trẻ đánh vần, tập đọc, viết và làm toán. Thành thạo nghe – nói – đọc – viết sẽ giúp cho quá trình học tập được hiệu quả và thuận lợi hơn.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ
Chương trình tiền tiểu học sẽ giúp trẻ rèn khả năng nghe – nói – đọc – viết

Kỹ năng nghe sẽ giúp nghe rõ và hiểu được hoàn toàn lời dặn của thầy cô. Nhờ đó, trẻ có thể thực hiện đúng theo yêu cầu được giao.

Kỹ năng nói sẽ phục vụ cho việc trả lời, đặt câu hỏi, bày tỏ mong muốn và quan điểm. Kỹ năng này giúp trẻ tự tin hơn khi đứng trước đám đông, không bị trêu chọc khi liên tục ấp úng.

Đọc cũng là kỹ năng quan trọng cần phải trang bị cho trẻ trước khi bước vào lớp 1. Kỹ năng này giúp trẻ phát âm tròn vành rõ chữ, biết cách biểu đạt, nhấn nhá lời nói và câu văn phù hợp với ngữ cảnh.

Cuối cùng là kỹ năng viết. Trẻ không chỉ được dạy cách viết chữ số, chữ cái mà còn được hướng dẫn tư thế viết phù hợp và những dụng cụ cần thiết phục vụ cho việc viết. Giáo viên cũng sẽ dạy trẻ cách xóa, gạch những chữ viết sai, hướng dẫn trẻ gọt bút chì, bơm mực, căn hàng, ô,…

6. Kỹ năng vận động

Một vài trung tâm chỉ dạy 5 kỹ năng trên trong chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ. Với những trẻ thiếu hụt nhiều kỹ năng, chương trình có thể bao gồm thêm kỹ năng vận động.

Trẻ bị tự kỷ thường vận động chậm chạp, phối hợp đầu và tay kém, một số trường hợp còn bị rối loạn trương lực cơ và giảm trương lực cơ toàn thân. Những vấn đề về vấn động sẽ làm cản trở quá trình học tập, vui chơi của trẻ.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ
Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ còn giúp trẻ trang bị kỹ năng vận động thô và vận động tinh

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ giúp cải thiện vận động thô (các hoạt động được thực hiện bởi các cơ lớn như chạy, nhảy, đi lại, đứng, đá, lăn, bò, xoay người) và vận động tinh (các kỹ năng được thực hiện bởi các cơ nhỏ bao gồm những hoạt động như cắt, viết, vẽ,…).

Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng phối hợp. Kỹ năng vận động sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn khi học tập, vui chơi và tự phục vụ bản thân. Đồng thời kỹ năng này còn hạn chế việc bị té ngã, gặp phải tai nạn khi đi lại, chơi đùa với bạn bè,…

7. Kỹ năng hoàn thành công việc theo yêu cầu

Khi lên lớp 1, trẻ sẽ được giao các yêu cầu và nhiệm vụ cần phải thực hiện. Do đó, chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ sẽ bao gồm kỹ năng hoàn thành công việc theo yêu cầu. Kỹ năng này giúp trẻ tiếp thu nhiệm vụ, sau đó xử lý thông tin và tìm cách giải quyết vấn đề.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ
Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ còn bao gồm kỹ năng hoàn thành công việc theo yêu cầu

Kỹ năng hoàn thành công việc theo yêu cầu cần thiết cho tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ và trẻ tăng động giảm chú ý. Khi được trang bị kỹ năng này, trẻ có thể học tập thuận lợi, không phải những tình huống khó khăn như lóng ngóng, không hiểu lời dặn của thầy cô, làm sai yêu cầu,…

Với trẻ tự kỷ mức độ nhẹ, tiếp thu nhanh những kỹ năng trên, giáo viên có thể cho trẻ học thêm một số kỹ năng tiểu học như khả năng làm toán, khả năng viết, khả năng đọc thành thạo,… Ngoài ra, kỹ năng nhận biết nguy hiểm, kỹ năng xử lý tình huống,… cũng vô cùng cần thiết với trẻ trong giai đoạn tiền học đường.

Lưu ý khi cho trẻ tự kỷ tham gia chương trình tiền tiểu học

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ ngày càng được các bậc phụ huynh quan tâm. Trẻ can thiệp chương trình này sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết, dễ dàng hòa nhập và thuận lợi hơn khi bước vào môi trường mới. Tuy nhiên trước khi cho trẻ tự kỷ can thiệp chương trình tiền tiểu học, cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Cần lựa chọn trung tâm uy tín trong lĩnh vực can thiệp trẻ đặc biệt. Bởi việc giáo dục trẻ tự kỷ đòi hỏi kiến thức, sự kiên nhẫn và nhiệt huyết. Nếu lựa chọn trung tâm không uy tín, hiệu quả mà chương trình mang lại sẽ không được như mong đợi.
  • Thời gian học ở trung tâm thường không quá dài. Do đó, gia đình nên dạy thêm cho trẻ tại nhà. Với sự hỗ trợ tích cực từ bố mẹ, trẻ tự kỷ sẽ nhanh chóng tiếp thu những kỹ năng cần thiết để tự phục vụ bản thân.
  • Nên cho trẻ can thiệp chương trình tiền tiểu học trong giai đoạn 3 – 5 tuổi là tốt nhất. Nếu can thiệp quá trễ, trẻ sẽ không kịp trang bị đủ kỹ năng khi bước vào lớp 1.
  • Trước khi can thiệp chương trình tiền tiểu học, nên cho bé thăm khám và can thiệp tự kỷ từ sớm. Can thiệp ngay từ 18 tháng tuổi có thể khắc phục nhiều khiếm khuyết, cải thiện khả năng ngôn ngữ và trẻ được trang bị một số kỹ năng cơ bản. Từ đó giúp cho chương trình tiền tiểu học mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.
  • Những kỹ năng trẻ tự kỷ học được có thể mất đi nếu không được củng cố. Sau khi hoàn thành chương trình tiền tiểu học, gia đình nên bồi dưỡng những kỹ năng này bằng cách giáo dục phù hợp.

Chương trình tiền tiểu học cho trẻ tự kỷ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hòa nhập. Can thiệp chương trình này sẽ giúp trẻ có đầy đủ kỹ năng, kiến thức để có thể học tập một cách thuận lợi. Dễ dàng kết bạn, duy trì các mối quan hệ và có khả năng tự phục vụ bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh. Với nhiều lợi ích mang lại, bố mẹ nên cân nhắc cho trẻ can thiệp chương trình này trong giai đoạn từ 3 – 5 tuổi.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non
Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non phát triển toàn diện

Các phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao khả năng vận động, sức...

Top 10 Trò chơi vận động cho trẻ mầm non giúp phát triển toàn diện

Tổ chức trò chơi vận động cho trẻ mầm non là hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển toàn diện....

Các tật về phát triển vận động ở trẻ và những thông tin cần biết

Đứng đi nhón gót, đi vòng kiềng, bàn chân dẹt, đầu méo, nói ngọng là các tật về phát triển vận động ở trẻ mà...

20 Kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần thiết nên trang bị từ sớm

Các bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm cho trẻ học chữ, trang bị kiến thức văn hóa mà bỏ qua những kỹ năng quan...