Tìm hiểu rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn (ADHD)
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là loại rối loạn sức khỏe tâm thần đặc trưng bởi các vấn đề như hiếu động quá mức, thiếu chú ý, có hành vi bốc đồng. Tình trạng này đã xuất hiện từ thời thơ ấu, do không được chẩn đoán can thiệp điều trị nên kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn là gì?
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành (Adult attention-deficit/hyperactivity disorder, Adult ADHD) là một rối loạn sinh học thần kinh gây khó khăn trong việc tập trung, chú ý, dư thừa năng lượng quá mức và có hành vi bốc đồng. Mặc dù được gọi là Adult ADHD nhưng các triệu chứng tăng động giảm chú ý đã xuất hiện từ thời thơ ấu và tiếp tục phát triển đến tuổi trưởng thành.
Các triệu chứng ADHD ở người lớn khó nhận biết, không quá rõ ràng như ở trẻ em. Tình trạng tăng động có thể giảm nhưng người bệnh có thể phải đối diện với các cơn bốc đồng, khó kiểm soát hành vi và gặp khó khăn trong việc chú ý. Rối loạn tăng động giảm chú ý của người lớn gồm 3 vấn đề:
- Giảm chú ý: Gặp khó khăn trong việc tập trung
- Tăng động: Thừa năng lượng, bồn chồn khó ngồi yên
- Bốc đồng: Nói và làm những thứ không cân nhắc đến hậu quả.
Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Rối loạn tăng động giảm chú ý không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn có xu hướng gia tăng ở người trưởng thành. Các dấu hiệu và triệu chứng của ADHD ở người trưởng thành khó phát hiện hơn trẻ em. Tuy nhiên, các triệu chứng cốt lõi có thể bắt đầu từ sớm, trước 12 tuổi, và tiếp tục phát triển đến tuổi trưởng thành.
Người trưởng thành mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường có các triệu chứng như:
+Triệu chứng thiếu chú ý:
- Gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý, dễ bị phân tâm
- Quản lý thời gian kém, thường xuyên trễ hoặc quên các cuộc hẹn
- Gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ
- Thiếu ngăn nắp, thiếu tổ chức, không gian sống bừa bộn
- Có thói quen trì hoãn như nhấn báo thức nhiều lần, trì hoãn trả lời tin nhắn…
- Thường xuyên làm mất đồ dùng cần thiết như chìa khóa, kính, ví tiền…
- Thiếu chú ý đến chi tiết, hay bỏ qua những chi tiết cụ thể, thiếu theo dõi ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật, các sự kiện quan trọng.
+Hành vi bốc đồng:
- Thường hành động mà không cân nhắc hậu quả
- Trả lời vội vàng trước khi nghe hết câu hỏi
- Thường ngắt lời người khác, không thể đợi đến lượt mình trong các tình huống xã hội
- Hành động liều lĩnh, bộc phát
- Kém tự chủ, có xu hướng nghiện ngập
+Triệu chứng tăng động:
- Bồn chồn, lo lắng, không thể ngồi yên được trong thời gian dài
- Nói nhiều, thường xuyên mà không có sự ngắt quãng
- Không thể thực hiện các công việc, nhiệm vụ một cách yên tĩnh.
+Triệu chứng cảm xúc:
- Hay bồn chồn, lo lắng, dễ bối rối, căng thẳng
- Dễ cáu kỉnh, nóng tính, thường xuyên bùng nổ
- Quá nhạy cảm, hay bất an
- Lòng tự trọng thấp, cảm giác bản thân kém cỏi..
Nguyên nhân gây rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn
Cũng giống như ADHD ở trẻ em, nguyên nhân gây rối loạn tăng động chú ý ở người lớn vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy rằng, tình trạng này có liên quan đến các yếu tố như di truyền, môi trường sống, các sang chấn tâm lý, sự tác động của các yếu tố xã hội.
Nguyên nhân, yếu tố gây rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn:
- Rối loạn phát triển não bộ: Có sự khác biệt trong các vùng não liên quan đến sự chú ý, khả năng kiểm soát hành vi ở người mắc ADHD và người bình thường.
- Di truyền: Nếu gia đình có người mắc ADHD thì các thành viên khác trong gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao.
- Rối loạn khi mang thai và sinh nở: Ảnh hưởng của các biến chứng như mẹ stress trầm cảm, dinh dưỡng kém, tiền sản giật, nhiễm trùng, biến chứng khi sinh và sau sinh…
- Yếu tố khác: Thường là dinh dưỡng, căng thẳng, thiếu ngủ, môi trường sống thay đổi, thiếu quan tâm, lạm dụng thuốc, chất kích thích…
Yếu tố nguy cơ mắc ADHD ở người lớn:
- Chấn thương não
- Sinh non nhẹ cân
- Mẹ sử dụng ma túy, rượu bia, thuốc lá trong thời kỳ mang thai
- Tiếp xúc với chất độc hại trong bụng mẹ (nhiễm độc chì, thủy ngân) hoặc thời thơ ấu…
Ảnh hưởng của ADHD đối với người lớn
ADHD ở người trưởng thành có thể không rõ ràng và không ảnh hưởng nhiều như với trẻ em. Tuy nhiên, loại rối loạn tâm thần này vẫn có thể khiến cuộc sống của người bệnh trở nên khó khăn. Người bị ADHD thường bị căng thẳng liên tục do sự trì hoãn, khó tập trung, không hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ. Dễ bị người khác dán nhãn là “ngu ngốc”, “hậu đậu”, “vô trách nhiệm”, “lười biếng”.
ADHD nếu không được can thiệp điều trị có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống:
- Về công việc: Khó thành tựu trong sự nghiệp, hiệu suất làm việc không ổn định, dễ mất việc.
- Về tài chính: Khả năng quản lý tài chính kém, không có kế hoạch tài chính dài hạn, dễ chi tiêu bốc đồng.
- Về các mối quan hệ: Gặp khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh, không có nhiều người thân thiết.
- Về sức khỏe tinh thần và thể chất: Dễ gặp các vấn đề về sức khỏe do ăn uống vô độ, căng thẳng, stress mãn tính, lạm dụng chất gây nghiện. Có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu…
Ngoài ra, người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý còn có nguy cơ gặp tai nạn khi tham gia lái xe do thiếu tập trung, thiếu chú ý; dễ bị mất giấy tờ, đồ vật quan trọng… Đôi khi, ADHD còn khiến nhiều người rơi vào thất vọng, tuyệt vọng, bi quan, dễ có suy nghĩ về cái chết và có hành vi tự tử.
Theo thống kê, có khoảng 14% người trưởng thành mắc ADHD đã có ý định tự tử. Trong đó, những người mắc ADHD là phụ nữ thường có ý định tự tử cao hơn các đối tượng khác. ADHD ở người lớn có thể rất nghiêm trọng và nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Điều trị ADHD ở người lớn
Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán ADHD ở người lớn. Việc chẩn đoán thường được tiến hành thông qua khám sức khỏe, thu thập thông tin và sử dụng thang đánh giá ADHD hoặc các bài kiểm tra tâm lý.
Sau khi đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị có thể kể đến như:
1. Sử dụng thuốc
Thuốc điều trị có thể sử dụng để hỗ trợ làm giảm triệu chứng, kiểm soát tình trạng bệnh. Tuy nhiên, các thuốc này dễ gây ra tác dụng phụ, cần hết sức thận trọng trong quá trình sử dụng. Chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc điều trị ADHD ở người lớn:
- Thuốc kích thích: Có tác dụng tăng cường, cân bằng hóa chất trong não, cải thiện khả năng tập trung và kiểm soát hành vi. Thường dùng là methylphenidate, amphetamines…
- Thuốc không kích thích: Được đề nghị sử dụng riêng hoặc kèm theo thuốc kích thích. Thường dùng là Atomoxetine, Clonidine, Guanfacine…
2. Liệu pháp tâm lý
Các liệu pháp tâm lý được khuyến khích áp dụng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý. Phương pháp này được đánh giá cao về mức độ an toàn và hiệu quả. Có nhiều liệu pháp được sử dụng như:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
- Liệu pháp gia đình
- Huấn luyện thư giãn và quản lý căng thẳng
- Huấn luyện hoặc cố vấn nghề nghiệp…
3. Biện pháp hỗ trợ
Bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn của chuyên gia tâm lý, chúng ta có thể kiểm soát triệu chứng, giảm bớt sự ảnh hưởng của ADHD bằng cách:
- Lên kế hoạch những việc cần làm cho ngày hôm sau vào thời điểm yên tĩnh, thoải mái
- Tìm khung thời gian giúp bạn hoàn thành tốt nhất mọi việc
- Giảm bớt sự xao nhãng bằng cách tắt tivi, đi đến nơi yên tĩnh, dễ tập trung
- Thực hiện các kỹ thuật thư giãn để quản lý căng thẳng như thiền, yoga, kỹ thuật thở…
- Dọn dẹp những thứ lộn xộn, không cần thiết trong không gian của bạn
- Đốt cháy năng lượng dư thừa bằng cách tập thể dục như bơi lội, chạy bộ, đạp xe…
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người lớn không thể điều trị dứt điểm nhưng việc can thiệp, điều trị có thể giúp bạn kiểm soát tốt triệu chứng. Nếu bản thân hoặc người thân có dấu hiệu nghi ngờ mắc ADHD, nên sớm tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm:
- Thang đánh giá Vanderbilt kiểm tra ADHD ở trẻ dành cho cha mẹ
- Liệu pháp đi bộ và nói chuyện trong trị liệu tâm lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!