Trầm cảm giai đoạn 3 (cấp độ 3): Dấu hiệu và hướng điều trị

Trầm cảm giai đoạn 3 là mức độ nghiêm trọng và phức tạp nhất của trầm cảm, một rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, gây ra cảm giác buồn bã, lo âu và các triệu chứng như mất hứng thú, mất năng lượng, rối loạn giấc ngủ. Trầm cảm mức độ 3 rất nghiêm trọng, đặc trưng bởi tình trạng suy nghĩ tự tử xuất hiện thường trực, dễ khiến người bệnh có hành vi tự tử. 

Trầm cảm giai đoạn 3 (cấp độ 3) là gì?

Trầm cảm giai đoạn 3 còn được gọi là trầm cảm cấp độ 3, trầm cảm nặng hay trầm cảm mãn tính. Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất của rối loạn trầm cảm, nổi bật với các triệu chứng được thể hiện rõ ràng, dễ nhận biết, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, công việc và tâm lý của người mắc trầm cảm.

Trầm cảm giai đoạn 3 là giai đoạn nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời
Trầm cảm giai đoạn 3 là giai đoạn nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị kịp thời

Trầm cảm giai đoạn 3 có mức độ nguy hiểm cao, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Người mắc trầm cảm cấp độ 3 có cảm giác trống rỗng, buồn bã, tuyệt vọng kéo dài. Họ hoàn toàn không tìm thấy niềm vui, hứng thú trong cuộc sống, luôn có cảm giác bản thân vô dụng, tội lỗi, không quá giá trị, thường tự dằn vặt mình vì những vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhặt, không đáng kể.

Đặc biệt, một đặc điểm dễ thấy ở người mắc trầm cảm giác đoạn 3 chính là hành vi vận động chậm chạp thấy rõ, họ cũng rất dễ kích động. Người mắc trầm cảm giai đoạn 3 thường có hành vi tự làm tổn thương bản thân như đập đầu, cứa tay, cào cấu chính mình để giải tỏa cảm xúc. Họ thường xuyên nói về cái chết, có suy nghĩ sẽ tự sát hoặc lập kế hoạch tự sát một cách âm thầm.

Triệu chứng của trầm cảm giai đoạn 3

Trầm cảm giai đoạn 3 là giai đoạn nghiêm trọng nhất của trầm cảm. Người mắc trầm cảm nặng có hầu hết các triệu chứng đặc trưng của trầm cảm. Đặc biệt, mức độ của các triệu chứng lúc này rất nghiêm trọng, xuất hiện thường trực, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí người mắc trầm cảm, khiến cuộc sống của họ đảo lộn hoàn toàn.

Có 4 triệu chứng đặc trưng nhất ở người trầm cảm giai đoạn 3 gồm:

  • Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, chán nản kéo dài cả ngày, gần như xuất hiện mỗi ngày
  • Mất hoàn toàn hứng thú với những hoạt động từng yêu thích, không có động lực làm bất kỳ việc gì, kể cả chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân
  • Mệt mỏi, uể oải, cảm giác kiệt sức, không có năng lượng, ngay cả những việc đơn giản như ra khỏi giường, ăn uống cũng trở nên khó khăn
  • Cảm thấy thoải mái hơn khi tự làm đau chính mình, thường suy nghĩ về cái chết và có kế hoạch tự tử

Ngoài ra, 7 triệu chứng khác có thể xuất hiện ở người mắc trầm cảm nặng gồm:

  •  Cảm thấy bản thân vô dụng, thất bại, không có giá trị, là gánh nặng của người khác
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ, không thể đưa ra quyết định
  • Khó ngủ, mất ngủ, trằn trọc thức giấc thường xuyên hoặc ngủ quá nhiều
  • Chán ăn, không có cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá nhiều dẫn đến giảm hoặc tăng cân quá mức
  • Hành vi chậm chạp từ lời nói đến hành động, người khác có thể dễ dàng quan sát và thấy rõ
  • Có các triệu chứng thể chất như đau đầu, đau bụng, đau cơ mà không rõ nguyên nhân
  • Dễ bị kích động, hay cáu gắt, tức giận, khóc nhiều hoặc không thể khóc, chết lặng cảm xúc…

Nguyên nhân của trầm cảm giai đoạn 3

Đến nay, nguyên nhân của trầm cảm vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trầm cảm có thể đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố như di truyền, mất cân bằng hóa học não, yếu tố tâm lý cá nhân, bệnh lý mãn tính hoặc nghiêm trọng, tác động từ yếu tố môi trường và xã hội.

Việc chủ quan, không điều trị trầm cảm ở giai đoạn sớm có thể khiến trầm cảm tiến triển và trầm trọng hơn
Việc chủ quan, không điều trị trầm cảm ở giai đoạn sớm có thể khiến trầm cảm tiến triển và trầm trọng hơn

Trầm cảm giai đoạn 3 là giai đoạn nặng, nghiêm trọng của trầm cảm. Trầm cảm có thể trở nên nặng hơn nhanh chóng khi cá nhân chịu ảnh hưởng nặng nề từ yếu tố tâm lý, môi trường; hoặc dần chuyển nặng khi không được điều trị kịp thời. Các nguyên nhân khiến trầm cảm chuyển từ mức độ nhẹ hoặc trung bình sang trầm cảm cấp độ 3 bao gồm:

1. Không điều trị kịp thời, đúng cách

Nhiều người mắc trầm cảm giai đoạn 1, trầm cảm giai đoạn 2 thường có xu hướng xem nhẹ trầm cảm, không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý. Hậu quả là các triệu chứng trầm cảm kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, trầm cảm chuyển nặng có thể có liên quan đến việc cá nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, không dùng thuốc đúng cách, đúng liều hoặc ngưng sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Thêm vào đó, trong một số trường hợp, cá nhân có thể mắc trầm cảm kháng trị, tức là cơ thể không đáp ứng với thuốc điều trị trầm cảm.

2. Thiếu sự hỗ trợ xã hội

Rất nhiều người trầm cảm không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội. Định kiến xã hội về trầm cảm vẫn chưa được thay đổi, nhiều người cho rằng trầm cảm là “giả vờ”, là bệnh tâm thần. Điều này khiến người trầm cảm không được cảm thông, thấu hiểu, khiến triệu chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, người trầm cảm thường có xu hướng thu mình, tự cách ly khỏi gia đình và xã hội. Điều này khiến người bên cạnh không rõ tình huống và vấn đề mà họ đang gặp phải. Từ đó khiến người trầm cảm không nhận được sự hỗ trợ tinh thần phù hợp, khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

3. Lạm dụng rượu bia, chất kích thích

Người mắc trầm cảm có xu hướng lạm dụng rượu bia, chất kích thích. Chúng có thể giúp giải tỏa căng thẳng tạm thời, khiến tâm trạng người mắc trầm cảm thoải mái nhất thời. Tuy nhiên, về lâu dài, việc lạm dụng rượu bia, chất kích thích khiến triệu chứng trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần trở nên nghiêm trọng hơn.

Lạm dụng rượu bia, chất kích thích khiến tinh thần căng thẳng, mệt mỏi. Thường xuyên sử dụng rượu bia làm giảm serotonin, chất dẫn truyền thần kinh hóa học trong não. Ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh tâm trạng, làm gia tăng tình trạng stress, căng thẳng ở người mắc trầm cảm.

4. Áp lực, căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý

Liên tục chịu áp lực hoặc luôn trải qua các tình huống căng thẳng kéo dài, không được giải quyết là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng trầm cảm ở nhiều người. Để điều trị, người mắc trầm cảm mức độ nhẹ và vừa phải phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng, sắp xếp lại cuộc sống của bản thân. Tuy nhiên, việc chủ quan, xem nhẹ tình trạng bệnh, liên tiếp trải qua áp lực, căng thẳng khiến tình trạng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, trầm cảm có thể tiến triển nhanh chóng từ giai đoạn 1, 2 sang giai đoạn 3 khi cá nhân trải qua các mất mát hoặc sang chấn tâm lý như mất người thân, chia tay người yêu, thất nghiệp, bị lạm dụng, tai nạn hoặc trải qua thiên tai khủng khiếp… Trầm cảm không tiến triển từ từ mà có thể trở nên nghiêm trọng một cách nhanh chóng.

5. Nguyên nhân khác

Trầm cảm có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn 3 do các nguyên nhân như:

  • Cá nhân mắc thêm các vấn đề khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu
  • Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh nghiêm trọng do thay đổi nội tiết tố, tuổi tác
  • Mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch, rối loạn tuyến giáp…

Trầm cảm giai đoạn 3 có nguy hiểm không?

Trầm cảm cảm giai đoạn 3 hay trầm cảm nặng là giai đoạn nghiêm trọng của trầm cảm. Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, cần được can thiệp và điều trị càng sớm càng tốt. Theo thống kê, có đến 60 – 80% người mắc trầm cảm nặng thường xuyên nghĩ đến cái chết, có kế hoạch thậm chí có hành vi tự tử.

Trầm cảm nặng là nguyên nhân hàng đầu gây tự tử
Trầm cảm nặng là nguyên nhân hàng đầu gây tự tử

Theo báo cáo của Viện sức khỏe Tâm thần, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tự tử do trầm cảm. Tỷ lệ chết vì trầm cảm cao gấp 2.5 – 4 lần tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông. Đây là con số đáng báo động cho thấy mức độ nguy hiểm của trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm nặng. Đáng chú ý là mặc dù tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới nhưng tỷ lệ tử tự ở nam giới lại cao hơn nữ giới.

Ước tính, trung bình mỗi ngày, thế giới có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tự tử lại chính là trầm cảm. Trong khi đó, trầm cảm lại bị xem là giả vờ, bị xem nhẹ và không được quan tâm đúng mức. Ngoài nguy cơ tự tử cao, trầm cảm giai đoạn 3 còn có thể gây ra các vấn đề như:

  • Khiến cá nhân mất khả năng thực hiện các hoạt động cơ bản như ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, chăm sóc bản thân
  • Làm suy giảm khả năng tập trung, khả năng tư duy, nhận thức, gây khó khăn cho công việc, cuộc sống và các mối quan hệ cá nhân
  • Suy giảm sức khỏe nghiêm trọng do rối loạn ăn uống, mất ngủ kéo dài, làm trầm trọng các bệnh lý như huyết áp, tiểu đường, tim mạch
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, gia tăng xung đột, gây cô lập xã hội
  • Việc điều trị khó khăn, phức tạp đòi hỏi cá nhân phải kiên trì và tích cực phối hợp.

Phương pháp điều trị trầm cảm giai đoạn 3

Trầm cảm giai đoạn 3 là trầm cảm nặng, ở giai đoạn này, các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng, phức tạp. Do đó, việc điều trị trầm cảm giai đoạn 3 đòi hỏi phải có sự kết hợp chuyên sâu giữa nhiều phương pháp. Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc trầm cảm cần sớm tìm đến bác sĩ, chuyên tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ và điều trị đúng cách.

Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc trầm cảm nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ
Người có dấu hiệu nghi ngờ mắc trầm cảm nên tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ

Một số phương pháp điều trị trầm cảm cấp độ 3 có thể kể đến như:

1. Tâm lý trị liệu (Psychotherapy)

Tâm lý trị liệu hay liệu pháp tâm lý là liệu pháp trò chuyện, tương tác giữa chuyên gia tâm lý với người mắc trầm cảm. Thông qua các kỹ thuật chuyên sâu chuyên gia sẽ giúp cá nhân xác định vấn đề, lên lịch trình trị liệu với các liệu pháp phù hợp.

Các liệu pháp tâm lý có hiệu quả với trầm cảm giai đoạn 3 có thể kể đến như:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi CBT: Liệu pháp giúp cá nhân nhận diện các mẫu hành vi tiêu cực, không lành mạnh và thay thế chúng bằng những nhận thức, hành vi tích cực hơn. Phát triển kỹ năng đối phó với căng thẳng, stress, nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa trầm cảm tái phát.
  • Liệu pháp tương tác cá nhân IPT: Một hình thức trị liệu tâm lý ngắn hạn, tập trung chủ yếu vào việc cải thiện các mối quan hệ và khả năng tương tác cá nhân, giúp cá nhân phát triển kỹ năng lắng nghe, phản hồi, có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột, thích nghi với các thay đổi trong cuộc sống.
  • Liệu pháp phân tâm học (Psychoanalytic Therapy): Là liệu pháp đi sâu vào việc giải quyết những trải nghiệm đau khổ nằm sâu trong tiềm thức, có liên quan đến quá khứ của cá nhân.

2. Sử dụng thuốc điều trị

Để tăng hiệu quả điều trị, trầm cảm giai đoạn 3 có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý kết hợp với việc sử dụng thuốc. Các thuốc điều trị trầm cảm chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng hoặc tăng giảm liều lượng vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng có thể kể đến như:

  • SSRIs: Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin, có tác dụng tăng mức serotonin trong não. Thường dùng là fluoxetine, sertraline…
  • SNRI: Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin và norepinephrine, có tác dụng tăng mức serotonin và norepinephrine trong não. Thường dùng là duloxetine, venlafaxine…
  • Thuốc chống loạn thần: Được sử dụng đối với trường hợp trầm cảm giai đoạn 3 có triệu chứng loạn thần hoặc với trường hợp thuốc chống trầm cảm thông thường không có hiệu quả.
  • Thuốc an thần hoặc điều chỉnh tâm trạng: Có tác dụng kiểm soát, cải thiện các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn lo âu…

3. Liệu pháp ánh sáng (Light Therapy)

Liệu pháp ánh sáng hay quang trị liệu là phương pháp thường được sử dụng để điều trị trầm cảm theo mùa (SAD). Người mắc trầm cảm sẽ ngồi gần một thiết bị phát ra ánh sáng mô tả ánh sáng tự nhiên để cân bằng, ổn định cảm xúc. Liệu pháp có tác dụng tích cực đến các chất hóa học nội sinh trong não, giúp cải thiện rối loạn giấc ngủ và các triệu chứng của trầm cảm.

Liệu pháp phù hợp với người mong muốn có một điều trị an toàn, ít tác dụng phụ, không thể dùng thuốc chống trầm cảm do đang mang thai hoặc cho con bú. Phương pháp chỉ phù hợp trong việc cải thiện chu kỳ giấc ngủ và giảm các triệu chứng trầm cảm theo mùa.

4. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Liệu pháp sốc điện ECT là phương pháp sử dụng xung động từ 0.5 – 2.0 ms thông qua các điện cực trên đầu cá nhân để gây ra cơn co giật có kiểm soát. Một liệu trình ECT có thể kéo dài khoảng 1 giờ và được thực hiện 2 – 3 lần/tuần nhằm thay đổi lưu lượng máu, kích thích giải phóng chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là serotonin và dopamine; sửa đổi cấu hình điện não, kích thích giải phóng hormone…

Liệu pháp sốc điện có tác dụng tích cực với trầm cảm giai đoạn 3
Liệu pháp sốc điện có tác dụng tích cực với trầm cảm giai đoạn 3

Phương pháp này được đề nghị thực hiện với người mắc trầm cảm nặng, không đáp ứng điều trị hoặc các vấn đề khác như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, hưng cảm, rối loạn tâm thần nặng… Liệu pháp không áp dụng với người có hệ thống thần kinh không bình thường hoặc mắc bệnh về tim phổi. Có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, rối loạn ý thức, loạn nhịp tim…

5. Liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ

Kích thích từ trường xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation, TMS) là phương pháp sử dụng từ trường để kích thích các nơ-ron trong não thông qua thiết bị ngoại vi. Các sóng điện từ sẽ giúp kích thích tế bào thần kinh, tác động đến chức năng điện thần kinh ở vùng não được tác động.

TMS là phương pháp được FDA Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị trầm cảm, mất ngủ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Ngoài ra, phương pháp còn được sử dụng để phục hồi chức năng não sau đột quỵ. Phương pháp có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, choáng váng, đau tại vùng da đầu bị kích thích, khó chịu với tiếng ồn…

6. Thay đổi lối sống

Song song với các biện pháp điều trị chuyên sâu, người mắc trầm cảm giai đoạn 3 cũng cần chú ý đến việc điều chỉnh lối sống và áp dụng các kỹ thuật đối phó với căng thẳng để hỗ trợ điều trị. Tốt nhất nên:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D, Omega-3 và đa dạng chế độ dinh dưỡng
  • Chú trọng đến chất lượng giấc ngủ, nên tái thiết lập đồng hồ sinh học bằng cách đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày
  • Tập thể dục đều đặn từ 30 – 45 phút mỗi ngày để cơ thể tăng cường sản sinh các hormone hạnh phúc
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, kiểm soát căng thẳng, tăng cường sức khỏe như thiền chánh niệm, yoga, hít thở sâu, mindfulness…
  • Giữ liên lạc, chia sẻ với người thân, bạn bè để được hỗ trợ và có thêm động lực cố gắng
  • Tham gia các nhóm xã hội cùng điều trị trầm cảm để không cảm thấy cô đơn và nhận được những lời khuyên bổ ích.

Các biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa trầm cảm giai đoạn 3

Việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa trầm cảm giai đoạn 3 tái phát rất quan trọng. Các biện pháp hữu ích giúp bạn ngăn ngừa trầm cảm có thể kể đến như:

  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B, vitamin C, Omega-3. Cân đối và đa dạng các nhóm thực phẩm để nâng cao sức khỏe.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn vì chúng gây tăng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng
  • Tập thể dục đều đặn bằng cách bơi lội, đi bộ, chạy bộ, tập yoga, tập gym để giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng
  • Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tốt nhất nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm để duy trì sức khỏe tinh thần, cải thiện sức khỏe thể chất
  • Sử dụng thuốc đúng cách, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ đối với người đang điều trị trầm cảm bằng thuốc
  • Tuyệt đối không lạm dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy, các thực phẩm chứa caffeine để tránh nguy cơ tái phát trầm cảm
  • Sử dụng kỹ thuật chia nhỏ công việc, quản lý thời gian, lập kế hoạch để giảm bớt gánh nặng tinh thần, ngăn ngừa stress, áp lực
  • Thường xuyên tham gia các buổi tư vấn tâm lý với chuyên gia để giúp nhận diện và có cách giải quyết vấn đề phù hợp.

Trầm cảm giai đoạn 3 là giai đoạn nặng và nghiêm trọng của trầm cảm. Người mắc trầm cảm độ 3 thường xuyên buồn bã, bi quan, chán nản, hoàn toàn mất hứng thú vào cuộc sống và hay suy nghĩ về cái chết. Nếu bạn đang có những triệu chứng này, hãy nhanh chóng tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • https://psychcentral.com/depression/stages-of-depression
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538266/
  • https://www.medicalnewstoday.com/articles/stages-of-depression
  • https://www.beyondblue.org.au/mental-health/depression/types-of-depression

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ở người trầm cảm cười, sự bất ổn được khéo léo che giấu bằng nụ cười
Hội chứng Trầm cảm cười: Biểu hiện và biện pháp khắc phục

Trầm cảm cười là một dạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng với nụ cười lạc quan và thái độ tích cực bên ngoài nhưng...

Có 7% trẻ em và trẻ vị thanh niên trên thế giới mắc rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên: Điều cần biết

Rối loạn lo âu ở trẻ em và vị thành niên rất phổ biến, đặc trưng bởi cảm giác lo lắng, căng thẳng, thường xuyên...

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Biểu hiện và cách khắc phục

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một trong những rối loạn sức khỏe tâm thần mãn tính, thường gặp. Đặc trưng bởi sự...

BECK là bài test kiểm tra mức độ trầm cảm được phát triển bởi giáo sư, bác sĩ Aaron T.Beck và cộng sự
Bài Test trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory – BDI)

Bài test trầm cảm Beck là bài kiểm tra được thực hiện nhằm đánh giá cảm xúc và  đo lường mức độ trầm cảm của...