Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non: Cách chăm sóc & can thiệp cần biết
Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non là một trong những hội chứng bất thường về sự phát triển cảm xúc, tư duy và hành vi của trẻ. Khi gặp phải tình trạng này con thường có những dấu hiệu như lo âu, tăng động giảm chú ý, rối loạn ăn uống, trầm cảm. Theo các chuyên gia, bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường cho con trẻ.
Định nghĩa rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm lý mang ý nghĩa to lớn và đóng vai trò vô cùng quan trọng vào chất lượng cuộc sống của mỗi con người. Ở đó chúng ta có thể thể hiện, bày tỏ và truyền đạt dễ dàng được những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính bản thân mình đối với mọi người, mọi hoàn cảnh xung quanh.
Qua đó chúng ta có thể dễ dàng hiểu được khái niệm “Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non” chính là sự gián đoạn liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ, ở đó xuất hiện những bất thường về hành vi, cảm xúc, tình cảm, tư duy, lối suy nghĩ. Đồng thời là sự gián đoạn phát triển các kỹ năng vận động, kỹ năng xã hội của trẻ trong độ tuổi mầm non từ 2 đến 5 tuổi.
Rối loạn tâm lý ở trẻ thường khiến con luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, tự ti, không dám tiếp xúc, giao tiếp và đối mặt với mọi người xung quanh. Lâu dần sẽ hình thành nên tính cách thụ động, nhút nhát, luôn tìm các trốn tránh các hoạt động tập thể, xã hội.
Đặc biệt, tình trạng bệnh nếu kéo dài và không được can thiệp kịp thời sẽ gây tác động tiêu cực đến chất lượng của sống hàng ngày của trẻ. Thậm chí ảnh hưởng nặng nề đến khả năng phát triển thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ sau này.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non
Rất khó để nhận ra những dấu hiệu của trẻ khi gặp các vấn đề về rối loạn tâm lý. Bởi vì các triệu chứng này thường rất dễ nhầm lẫn với những hội chứng liên quan đến trí não khác. Khi cha mẹ hoặc các giáo viên, người trực tiếp dạy bảo trẻ nhận thấy con có những dấu hiệu cơ bản dưới đây thì có thể trẻ đang gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý, cụ thể:
- Trẻ thường chán nản, mệt mỏi, buồn phiền mà không biết lý do, tình trạng này kéo dài từ hai tuần trở lên.
- Ít nói, ít giao tiếp, ngại tiếp xúc, lười trò chuyện với mọi người xung quanh ngay cả khi vui chơi hoặc học tập.
- Con rất dễ nổi cáu, bực bội, khó chịu từ đó sinh ra những hành động tiêu cực tự làm tổn thương bản thân như cào cấu da, vò đầu bứt tóc, đập đầu vào tường, cắn tay chân.
- Trẻ có nhiều hành động như vui mừng, phấn khích, kích động thái quá trước một vấn đề gì đó, nhưng mọi người nhìn vào thì lại thấy rất đỗi bình thường.
- Trẻ tăng động, thường xuyên chạy nhảy quậy phá, leo trèo, cử động tay chân liên tục và không thể nào ngồi yên một chỗ.
- Trong giờ học có thể trẻ sẽ rời khỏi chỗ khi chưa được phép của giáo viên. Tự làm theo ý mình, không thích thực hiện mọi việc theo sự chỉ dẫn của người khác.
- Trẻ thường có trí nhớ kém, không tập trung học tập mà sao nhãng, mơ hồ, thường xuyên suy nghĩ vu vơ.
- Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non thường khiến con thay đổi các thói quen ăn uống hàng ngày, chẳng hạn như biếng ăn, chán ăn, ăn cảm thấy không ngon miệng, trong các bữa ăn cần phải dùng sự ép buộc, không biết nhai.
- Rối loạn giấc ngủ, ngay cả khi ở nhà cũng như ở trường trẻ thường ngủ ít, khó đi sâu vào giấc ngủ, mất ngủ, trằn trọc khó chịu, quấy khóc mặc dù đã đến tuổi đi học mầm non, ngủ không ngon, không sâu giấc, sau khi ngủ dậy tinh thần mệt mỏi, lờ đờ.
- Trẻ có biểu hiện động kinh khiến người lớn sợ hãi, mặc dù đã bước vào độ tuổi mầm non nhưng trẻ vẫn hay đái dầm vào ban đêm.
Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non do đâu?
Theo số liệu thống kê thì mỗi tháng tại bệnh viện Tâm Thần TP.HCM có đến khoảng 1000 lượt trẻ em thăm khám và điều trị chứng rối loạn tâm lý. Tỷ lệ hội chứng bệnh này ngày càng có xu hướng gia tăng, cụ thể tăng hơn 60% so với năm 2001, một con số khủng khiếp.
Các chuyên gia cho biết, hiện tại vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây nên chứng rối loạn tâm lý ở trẻ, đặc biệt là trong độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, dưới đây là những nhóm yếu tố có thể gây nên bệnh, kích thích sự hình thành bệnh hoặc khiến bệnh ngày càng trầm trọng, cụ thể:
1. Rối loạn tâm lý do yếu tố bệnh lý
Thông thường, những bệnh lý liên quan đến khả năng hoạt động của não bộ thường khiến con trẻ gặp tình trạng rối loạn tâm lý, chẳng hạn như:
- Rối loạn lo âu: Khi gặp hội chứng này trẻ thường có cảm giác sợ hãi, lo lắng, buồn phiền. Bệnh kéo dài gây gián đoạn đến nhiều vấn đề như giao tiếp, hành vi, học tập, vận động, rối loạn tâm lý, khả năng bộc lộ cảm xúc, tình cảm bị chi phối.
- Tự kỷ: Trẻ tự kỷ thường có xu hướng sống đơn độc, thu mình vào một góc, ngại tiếp xúc và giao tiếp với mọi người xung quanh, vấn đề ngôn ngữ bị giới hạn. Trẻ thường xuất hiện tình trạng rối loạn tâm lý như có cảm giác bất an, lo lắng, sợ hãi.
- Trầm cảm: Đây cũng là một hội chứng rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ mầm non và đang được báo động trên toàn cầu. Khi mắc bệnh con thường chán nản, mệt mỏi, tinh thần không minh mẫn. Hậu quả để lại có thể là trẻ chậm phát triển trí tuệ, kết quả học tập kém, khó hòa nhập với cộng đồng.
- Rối loạn ăn uống: Tình trạng bệnh này rất phổ biến, dễ gặp ở trẻ trong độ tuổi mầm non. Khi mắc bệnh trẻ thường chán ăn hoặc ăn uống quá độ, có những suy nghĩ bất thường về cân nặng, thừa cân, béo phì nên dễ bị rối loạn tinh thần, tâm lý bất ổn.
- Các bệnh lý khác: Ngoài những chứng bệnh phổ biến nói trên, thì rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non còn có thể gặp khi trẻ mắc các bệnh lý khác như tăng động giảm chú ý; Rối loạn hành vi gây rối; Tâm thần phân liệt; Rối loạn học tập giao, giao tiếp; Rối loạn phát triển lan tỏa; Bại não; Trẻ sinh non; Gặp các chấn thương sản khoa ở vùng não, màng não.
2. Rối loạn tâm lý do yếu tố tinh thần
Yếu tố tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với một đứa trẻ. Thông thường trẻ mắc chứng rối loạn tâm lý thường do những tác động từ phía cha mẹ, gia đình như:
- Cha mẹ nuông chiều thái quá, thể hiện sự quan tâm quá mức khiến trẻ mất tự do, cảm thấy bị áp đặt, ngột ngạt. Thậm chí trẻ có nhiều mong muốn hay nhu cầu riêng không được đáp ứng khiến trẻ cảm thấy mình không được quan tâm. Lâu dần trẻ trở nên mệt mỏi, chán nản, tâm lý, tính cách trở nên bất ổn.
- Cha mẹ quá bận rộn, thái độ hờ hững không quan tâm đến con cái, thậm chí nghĩ rằng con trẻ chỉ cần đến ti vi, điện thoại là đủ. Nhưng những điều này vô tình khiến tinh thần con bị đả kích, con có cảm giác bị bỏ rơi, không được yêu thương. Dần dần xa lánh cha mẹ, trở nên ít nói, lầm lỳ, tâm lý không ổn định.
- Trẻ mầm non là độ tuổi con đã biết nhận thức mọi vấn đề, vì vậy việc gia đình có cuộc sống không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi vã, ly hôn sẽ khiến con buồn phiền, chán nản, lâu dần hình thành sự sợ hãi, lo lắng, tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Để làm quen với một môi trường mới đối với trẻ là cả một quá trình, vì vậy mà vấn đề thay đổi môi trường sống, chỗ ở liên tục có thể khiến tinh thần con bị đảo lộn, cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không thích thú với cuộc sống hiện tại.
- Áp lực học hành cũng là một vấn đề dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý ở trẻ. Xã hội ngày càng phát triển, việc chạy đua thành tích rất quan trọng với nhiều cha mẹ. Vì vậy đôi khi chỉ mới bước vào độ tuổi mầm non nhưng nhiều đứa trẻ bị ép buộc học thêm quá nhiều môn ngoài giờ học trên lớp. Điều này khiến con mệt mỏi, căng thẳng, dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng.
3. Yếu tố di truyền
Các chuyên gia cho biết, có khoảng 80% rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non có liên quan đến yếu tố di truyền. Những đứa trẻ có gia đình, người thân mắc các hội chứng về não bộ như tự kỷ, trầm cảm, hội chứng Rett thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các chứng bệnh này rất cao, thậm chí khi lớn lên dễ gặp các vấn đề về tâm lý.
4. Rối loạn tâm lý do yếu tố môi trường
Ngoài những yếu tố cơ bản nói trên thì yếu tố môi trường sống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non, chẳng hạn như:
- Trong quá trình mang thai người mẹ thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại hoặc uống rượu bia, sử dụng chất kích thích sẽ khiến thai nhi dễ mắc các chứng bệnh về trí não. Sau khi sinh ra chưa thể phát hiện được nhưng một thời gian trẻ lớn lên sẽ nhận thấy những dấu hiệu bất thường.
- Trẻ sinh ra trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nghèo đói khiến con tự ti, chán nản về gia cảnh. Thậm chí con không muốn hòa nhập với xã hội, sống khép mình, không muốn đi học, các vấn đề về ngôn ngữ và tâm lý bất ổn.
- Trẻ sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, không lành mạnh cũng có nguy cơ cao mắc rối loạn này.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, chứng rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, khi nhận thấy những dấu hiệu bất ổn nhưng nhiều cha mẹ chỉ nghĩ rằng con bị chậm nói, khả năng nói của con đến chậm chứ không có gì đáng lo ngại.
Cho đến khi các triệu chứng rõ ràng, trở nặng thì việc điều trị trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian. Vì vậy ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì cha mẹ nên đưa con trẻ thăm khám ngay.
Phương pháp điều trị chứng rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non
Theo Bác sĩ Lê Quốc Nam – Chuyên khoa Tâm lý – Thần kinh – Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết: Hội chứng rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non luôn khiến trẻ mang trong mình sự mệt mỏi, chán nản, tinh thần bất ổn. Ở mức nhẹ thì trẻ vẫn nói được, hòa nhập với cuộc sống xã hội, còn nếu bệnh nặng trẻ hoàn toàn mất khả năng giao tiếp, có thể dẫn đến chứng tự kỷ, trầm cảm.
Nếu bệnh được phát hiện sớm thì hiệu quả điều trị có thể lên đến trên 80%. Việc điều trị rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non cần kết hợp nhịp nhàng giữa các liệu pháp tâm lý và sự xoa dịu tinh thần từ phía gia đình, bố mẹ. Theo bác sĩ Lê Quốc Nam, hiện nay để chữa trị rối loạn này cho trẻ có thể lựa chọn những phương pháp sau:
1. Liệu pháp tâm lý
Rối loạn tâm lý ở trẻ mầm non tức là những vấn đề về cảm xúc, tình cảm, hành vi của trẻ đang bị khiếm khuyết và rối loạn. Chính vì vậy, phương pháp tâm lý trị liệu rất phù hợp để giúp trẻ cải thiện các triệu chứng bệnh.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà gia đình sẽ lựa chọn những hình thức trị liệu riêng biệt, có thể là theo hình thức cá nhân, theo nhóm. Nhưng mục đích cuối cùng là hướng đến việc khắc phục các khiếm khuyết của trẻ về tất cả các mặt như: Nhận thức, khả năng giao tiếp, việc tiếp nhận và diễn đạt lời nói, hành vi, vận động thô, vận động tinh, sự bắt chước, khả năng sống tự lập và hòa nhập với cộng đồng.
Ngoài tư vấn tâm lý, giúp trẻ nhận thức suy nghĩ đúng đắn, xoa dịu sự lo lắng, sợ hãi cho con bằng ngôn ngữ thì các chuyên gia còn tổ chức cho trẻ các trò chơi lành mạnh, hỗ trợ con trong việc vận động thể chất, trí não thông qua các hình ảnh, thẻ học, sách vở. Các dụng cụ hỗ trợ này sẽ khiến con có hứng thú, kích thích và tiếp nhận thông tin tốt hơn.
2. Điều trị nội khoa
Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả đối với hội chứng rối loạn tâm lý ở trẻ. Việc sử dụng thuốc Tây y có thể làm giảm các triệu chứng bệnh như lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc bị chi phối và thay đổi bất thường.
Theo các bác sĩ thì liệu pháp hóa dược không được khuyến khích áp dụng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trong những trường hợp bệnh nặng, có những triệu chứng không thể làm giảm được nếu không có thuốc thì cần phải được kê đơn.
Một số nhóm thuốc được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định sử dụng cho hội chứng trẻ mắc rối loạn tâm lý như: Thuốc dưỡng não, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm lo âu, thuốc ổn định khí sắc.
Thuốc cũng chỉ mang tính chất tạm thời giúp làm giảm các triệu chứng trong một thời gian, vì vậy nếu muốn trẻ cải thiện bệnh tích cực toàn diện thì cần kết hợp song song với nhiều phương pháp khác.
Trẻ mắc hội chứng rối loạn tâm lý thường có liên quan đến các khiếm khuyết về trí não, vì vậy cha mẹ cũng có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ để giúp con cải thiện trí nhớ, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi áp dụng cho con trẻ.
3. Hỗ trợ điều trị tại nhà cho trẻ
Việc hỗ trợ điều trị tại nhà từ phía cha mẹ rất cần thiết và quan trọng. Để giúp trẻ sớm cải thiện các triệu chứng bệnh thì các bậc phụ huynh nên thực hiện tốt các vấn đề như:
- Thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện, chia sẻ cùng con trẻ về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống để giúp con cảm thấy thoải mái, giải tỏa được những căng thẳng, lo âu, mệt mỏi hàng ngày.
- Trước khi đi ngủ nên tâm sự cùng con, đọc sách, hát cho con nghe để giúp con thư giãn tinh thần.
- Hướng dẫn cho con biết cách giải quyết vấn đề, lắng nghe ý kiến, tôn trọng cảm xúc tình cảm của con.
- Động viên, khuyến khích con nên cố gắng làm những điều đúng đắn, thực hiện các việc tốt. Cho con ra ngoài thư giãn đầu óc, giúp con hòa mình vào thiên nhiên, tiếp xúc với mọi người để tinh thần trở nên phấn chấn.
- Ngoài ra nên chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của trẻ. Bổ sung đầy đủ chất vào thực đơn hàng ngày, cho trẻ ngủ đúng giờ giấc, tránh thức khuya.
Trên đây là những chia sẻ cơ bản về triệu chứng, nguyên nhân, cách chăm sóc và điều trị trẻ mắc chứng rối loạn tâm lý, các bậc cha mẹ có thể tham khảo và nắm rõ hơn. Hội chứng này hoàn toàn có thể phòng ngừa và ngăn chặn, vì vậy sinh con ra cần nuôi dạy con tốt, cha mẹ nên cố gắng hạn chế mức thấp nhất trường hợp con phải đối mặt với những tình trạng này, vì điều này sẽ khiến con thiệt thòi nhiều so với các bạn cùng trang lứa.
Có thể hữu ích cho bạn:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!