Rối loạn lo âu bệnh tật: Dấu hiệu và cách thoát khỏi

Rối loạn lo âu bệnh tật là tình trạng một người luôn lo sợ rằng bản thân mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tình mạng, mặc dù có ít hoặc không có triệu chứng bất thường nào. Nỗi lo lắng xuất hiện thường xuyên, dai dẳng, vô lý, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc của người bệnh. Bệnh có thể kiểm soát và điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi CBT, thuốc men và các phương pháp hỗ trợ khác. 

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì?

Rối loạn lo âu bệnh tật (illness Anxiety Disorder – IAD) là một rối loạn sức khỏe tinh thần mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng cá nhân lo lắng quá mức hoặc tin rằng, bản thân mắc phải hoặc đang phát triển một bệnh lý nghiêm trọng, chưa được chẩn đoán. Người mắc loại rối loạn này thường có tâm lý lo lắng hoặc sợ hãi dai dẳng về việc mắc phải một căn bệnh nghiêm trọng, dù kết quả khám sức khỏe và xét nghiệm hoàn toàn bình thường.

Rối loạn lo âu bệnh tật là tình trạng lo lắng quá mức về sức khỏe
Rối loạn lo âu bệnh tật là tình trạng lo lắng quá mức về sức khỏe

Nỗi sợ ở người mắc rối loạn lo âu bệnh tật là không hợp lý và phi thực tế. Họ không thể kiểm soát suy nghĩ, sự lo lắng, sợ hãi của bản thân. Họ thường chú ý quá mức đến các triệu chứng bình thường của cơ thể và hiểu sai chúng là dấu hiệu của bệnh nặng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của họ.

Trước đây, rối loạn lo âu bệnh tật còn được gọi là chứng sợ bệnh tật. Thuật ngữ chứng sợ bệnh tật đã được sửa đổi thành rối loạn lo âu bệnh tật do hàm ý miệt thị nghiêm trọng của từ này.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu bệnh tật

Dấu hiệu giúp dễ dàng nhận biết rối loạn lo âu bệnh tật là nỗi sợ liên tục, không thực tế về việc bị bệnh nặng. Mặc dù kết quả xét nghiệm, khám sức khỏe hoàn toàn bình thường, nhưng bạn luôn lo lắng hoặc tin rằng mình đang mắc phải hoặc phát triển một bệnh lý nghiêm trọng nào đó.

Các triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật bao gồm:

  • Lo lắng quá mức về sức khỏe: Bận tâm, lo lắng quá mức về việc có nguy cơ mắc bệnh hoặc mắc phải một căn bệnh hay tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào đó.
  • Tập trung vào triệu chứng cơ sở: Lo lắng rằng các triệu chứng nhỏ như bụng kêu, phát ban nhẹ, đầy hơi, đổ mồ hôi hoặc cảm giác cơ thể như mệt mỏi là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng.
  • Không có cảm giác an tâm: Luôn cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của bản thân. Không cảm thấy an tâm với kết quả của những lần khám bệnh trước hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.
  • Ám ảnh: Ám ảnh với các chức năng thông thường của cơ thể như nhịp tim nhanh.
  • Phóng đại triệu chứng: Phóng đại các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của một bệnh lý nhẹ nào đó (ví dụ, chỉ ho nhẹ nhưng nghĩ mình bị ung thư phổi).
  • Cần sự đảm bảo: Liên tục tìm kiếm sự đảm bảo, thường xuyên đi khám bác sĩ, làm xét nghiệm. Luôn hỏi ý kiến người khác hoặc nói với người khác về triệu chứng của mình quá nhiều.
  • Tránh né yếu tố gây lo sợ: Tránh tiếp xúc với người hoặc địa điểm nào đó vì lo lắng quá mức về việc bị nhiễm bệnh.
  • Tâm trạng bất ổn: Dễ cảm thấy căng thẳng, buồn bã hoặc thậm chí tâm rối loạn giấc ngủ vì lo lắng quá mức.

Các loại rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu bệnh tật là tình trạng cá nhân lo lắng quá mức về khả năng mắc phải một bệnh lý nào đó dù không có cơ sở hoặc chỉ có một ít triệu chứng. Không có phân loại chính thức về các loại rối loạn lo âu bệnh tật. Tuy nhiên, dựa trên hành vi của người bệnh, có thể chia làm 2 loại chính là:

  • Rối loạn tìm kiếm sự chăm sóc: Dành nhiều thời gian cho việc thăm khám, chăm sóc sức khỏe. Luôn tìm kiếm lời khuyên từ nhiều chuyên gia, bác sĩ và thường xuyên yêu cầu thực hiện xét nghiệm y tế dù không thực sự cần thiết.
  • Rối loạn tránh chăm sóc: Né tránh các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế. Né tránh việc đọc hoặc tìm hiểu thông tin về bệnh. Không tin tưởng bác sĩ, cho rằng bác sĩ không coi trọng triệu chứng của bạn.

Tỷ lệ mắc rối loạn lo âu bệnh tật hiện nay

Rối loạn lo âu bệnh tật là bệnh lý sức khỏe tâm thần hiếm gặp. Theo Viện Sức Khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc IAD hiện nay chiếm khoảng 0.1%. Bệnh phổ biến ở độ tuổi thanh thiếu niên, những người thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, việc làm không ổn định.

Thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn lo âu bệnh tật cao
Thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn lo âu bệnh tật cao

Tỷ lệ mắc rối loạn lo âu bệnh tật  ở cả nam và nữ giới là như nhau. Đặc biệt, bệnh thường có xu hướng nặng hơn theo tuổi. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc IAD vẫn chưa được thống kê, tuy nhiên, đây cũng là bệnh lý hiếm gặp, không phổ biến ở nước ta.

Nguyên nhân nhân gây rối loạn lo âu bệnh tật

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu bệnh tật vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, một số yếu tố như di truyền, rối loạn sinh hoạt, yếu tố tâm lý, yếu tố xã hội và các yếu tố môi trường có thể gây ra tình trạng này.

Các yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu bệnh tật bao gồm:

  • Di truyền: Gia đình có tiền sử mắc các rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm lý có thể làm tăng nguy cơ.
  • Chức năng não bộ: Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine.
  • Hệ thần kinh nhạy cảm: Một số người có hệ thần kinh phản ứng quá mức với các kích thích liên quan đến sức khỏe.
  • Trải nghiệm tiêu cực: Những trải nghiệm chấn thương liên quan đến sức khỏe, như từng mắc bệnh nghiêm trọng hoặc chứng kiến người thân bị bệnh, có thể dẫn đến nỗi sợ hãi.
  • Tính cách: Người có xu hướng cầu toàn, nhạy cảm hoặc dễ lo lắng thường dễ mắc rối loạn lo âu bệnh tật.
  • Ám ảnh về cơ thể: Người bệnh có thể tập trung quá mức vào những thay đổi nhỏ trên cơ thể và tự liên kết chúng với bệnh lý nghiêm trọng.
  • Ảnh hưởng từ gia đình: Trẻ em lớn lên trong gia đình có cha mẹ lo lắng quá mức về sức khỏe có thể học theo cách suy nghĩ này.
  • Tiếp cận thông tin sai lệch: Thường xuyên đọc thông tin sức khỏe không chính xác hoặc tiêu cực trên mạng.
  • Áp lực xã hội: Căng thẳng từ công việc, tài chính hoặc các mối quan hệ cũng có thể gây ra sự nhạy cảm về sức khỏe.
  • Đại dịch hoặc sự kiện y tế công cộng: Những biến cố lớn liên quan đến sức khỏe toàn cầu, như đại dịch COVID-19.
  • Tiếp xúc với bệnh lý thực sự: Một đợt bệnh nhẹ có thể bị người bệnh hiểu nhầm là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.
  • Trầm cảm: Rối loạn lo âu bệnh tật thường đi kèm với trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý khác.
  • Thiếu kiến thức y khoa: Hiểu biết không đầy đủ về các triệu chứng cơ thể có thể khiến người bệnh dễ hiểu sai hoặc phóng đại vấn đề.

Yếu tố nguy cơ của rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu về bệnh tật (IAD) thường bắt đầu ở giai đoạn đầu hoặc giữa của độ tuổi trưởng thành. Các triệu chứng của bệnh có xu hướng nghiêm trọng và tồi tệ hơn khi tuổi tác của người bệnh ngày càng gia tăng.

Xem quá nhiều thông tin về bệnh tật trên internet có thể gây lo âu
Xem quá nhiều thông tin về bệnh tật trên internet có thể gây lo âu

Các yếu tố có nguy cơ gây rối loạn lo âu bệnh tật bao gồm:

  • Cha mẹ mắc một căn bệnh nghiêm trọng
  • Tiền sử bị lạm dụng khi còn nhỏ
  • Một thời điểm căng thẳng quá mức trong cuộc sống
  • Sử dụng internet liên quan đến sức khỏe quá nhiều
  • Đặc đặc tính cách dễ lo lắng, suy nghĩ nhiều
  • Từng mắc một căn bệnh nghiêm trọng thời thơ ấu.

Biến chứng của rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu bệnh tật (Illness Anxiety Disorder) không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý mà còn kéo theo nhiều biến chứng về thể chất, cảm xúc và xã hội nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là các biến chứng phổ biến của tình trạng này:

  • Tâm lý: Lo âu kéo dài, không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc rối loạn ám ảnh sợ xã hội.
  • Thể chất: Căng thẳng và lo âu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thực thể như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, hoặc bệnh tim mạch. Đặc biệt, có thể tăng nguy cơ lạm dụng thuốc hoặc thực hiện các xét nghiệm y khoa không cần thiết.
  • Quan hệ xã hội: Làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội do người xung quanh cảm thấy mệt mỏi với sự lo lắng quá mức của người bệnh. Người bệnh có thể cô lập bản thân, né tránh giao tiếp hoặc các hoạt động xã hội vì lo sợ bệnh tật hoặc sợ nhận phản hồi tiêu cực.
  • Tài chính: Các cuộc thăm khám bác sĩ, xét nghiệm không cần thiết và mua thuốc theo hướng tự ý có thể gây tổn thất tài chính đáng kể. Lo âu kéo dài làm giảm khả năng tập trung, hiệu suất làm việc kém hoặc thậm chí phải nghỉ việc.
  • Nguy cơ lạm dụng chất: Làm tăng nguy cơ sử dụng rượu, thuốc an thần hoặc các chất gây nghiện khác để tạm thời giảm lo âu, dẫn đến lạm dụng và các hậu quả nghiêm trọng khác.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Khó có thể tận hưởng cuộc sống, luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo bệnh tật, làm mất đi niềm vui và sự cân bằng. Ảnh hưởng đến cơ hội phát triển cá nhân, chẳng hạn như du lịch, thăng tiến trong công việc, hoặc các mối quan hệ mới.

Chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật

Chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật (Illness Anxiety Disorder) thường được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học lâm sàng, hoặc các chuyên gia y tế có chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Quá trình này cần đảm bảo đánh giá toàn diện để loại trừ các nguyên nhân thực thể cũng như xác định chính xác tình trạng bệnh.

Việc chẩn đoán cần được thực hiện bởi bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý
Việc chẩn đoán cần được thực hiện bởi bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý

Các phương pháp chẩn đoán rối loạn lo âu về bệnh tật như sau:

Đánh giá lâm sàng

Trước tiên, để chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử chi tiết và khám sức khỏe tổng quát để xem xét tiền sử bệnh, đánh giá mức độ ám ảnh về sức khỏe và loại trừ các vấn đề y khoa thực thể. Các vấn đề này bao gồm:

  • Tìm hiểu về các triệu chứng mà bệnh nhân lo lắng, thời gian xuất hiện, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
  • Xem xét tiền sử gia đình và cá nhân liên quan đến bệnh lý tâm thần hoặc các rối loạn sức khỏe khác.
  • Đánh giá mức độ ám ảnh về sức khỏe: Bệnh nhân có xu hướng kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc né tránh các thông tin y khoa.
  • Khám lâm sàng để loại trừ các vấn đề y khoa thực thể có thể giải thích các triệu chứng.

Tiêu chuẩn chẩn đoán theo DSM-5

Tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 cho rối loạn bệnh tật như sau:

A. Lo lắng quá mức về việc bản thân mắc hoặc phát triển một bệnh lý nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.

B. Không có triệu chứng cơ thể, nếu có chỉ là các triệu chứng nhẹ không nghiêm trọng. Nếu có bệnh lý hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, thì sự lo lắng về tình trạng bệnh lý xảy ra thường xuyên, quá mức không thể kiểm soát.

C. Quá lo lắng hoặc quan tâm quá mức về các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

D. Có hành vi không phù hợp hoặc dư thừa như liên tục kiểm tra cơ thể (đo nhiệt độ, đo huyết áp, yêu cầu được xét nghiệm, đi khám thường xuyên) để tìm ra dấu hiệu bệnh tật.

E. Các triệu chứng đã xuất hiện ít nhất 6 tháng.

F. Bận tâm quá mức về bệnh tật, không thể có giải thích nào tốt hơn. Các triệu chứng này làm suy giảm chất lượng cuộc sống, cản trở công việc, học tập hoặc các mối quan hệ.

Công cụ đánh giá tâm lý

Các công cụ đánh giá tâm lý có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán IAD. Các công cụ này thường là:

  • Bảng câu hỏi tâm lý: Một số công cụ chuẩn hóa như Health Anxiety Inventory (HAI) hoặc Illness Attitude Scales (IAS) có thể được sử dụng để đánh giá mức độ lo âu bệnh tật.
  • Phỏng vấn tâm lý: Các chuyên gia sẽ tiến hành phỏng vấn sâu để hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bệnh nhân liên quan đến sức khỏe.

Ngoài ra, cũng chẩn chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khách như trầm cảm, rối loạn hoang tưởng, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn cơ thể hóa…

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu bệnh tật có thể được điều trị bởi một nhà tâm lý học hoặc một bác sĩ tâm lý. Đây là bệnh lý rối loạn mãn tính, cần được chăm sóc và điều trị lâu dài. Mục tiêu của việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc giảm thiểu triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo các nhà nghiên cứu, các biện pháp có hiệu quả trong điều trị rối loạn lo âu bệnh tật gồm:

1. Liệu pháp tâm lý

Vì IAD gây ra cảm giác đau khổ và lo lắng nghiêm trọng cho người bệnh, nên các liệu pháp tâm lý, đặc biệt là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được xem là phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả nhất. Với phương pháp CBT, cá nhân sẽ được học kỹ năng kiểm soát cảm xúc lo âu và tìm ra phương pháp kiểm soát hiệu quả nỗi lo lắng của mình.

CBT là liệu pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn lo âu bệnh tật
CBT là liệu pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn lo âu bệnh tật

Liệu pháp CBT có thể hỗ trợ bạn cải thiện các vấn đề như:

  • Xác định nỗi sợ hãi và niềm tin bản thân mắc bệnh của bạn
  • Nhận thức về cách nỗi lo lắng ảnh hưởng đến hành vi của bạn
  • Tìm kiếm giải pháp hữu ích cho việc thay đổi suy nghĩ và cảm giác của cơ thể
  • Thay đổi cách phản ứng với cảm giác và triệu chứng của cơ thể
  • Học kỹ năng đối phó và chịu đựng sự lo lắng, căng thẳng
  • Giảm việc né tránh các tình huống và hoạt động
  • Giảm hành vi liên tục tìm kiếm ấu hiệu và sự trấn an.

Ngoài liệu pháp nhận thức hành vi thì một số liệu pháp hỗ trợ tâm lý và liệu pháp chánh nhiệm khác cũng giúp người bệnh giảm lo âu, giảm tập trung quá mức vào cơ thể và nâng cao khả năng thích nghi với tình huống căng thẳng.

2. Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc điều trị có thể được bác sĩ tâm lý cân nhắc chỉ định để giảm triệu chứng lo âu. Việc sử dụng thuốc cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc, không tự ý tăng giảm liều lượng của thuốc.

Các thuốc điều trị rối loạn lo âu bệnh tật được sử dụng phổ biến gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: SSRIs (Sertraline, Fluoxetine), SNRIs (Venlafaxine), có tác dụng giảm lo âu và các triệu chứng liên quan đến trầm cảm.
  • Thuốc giảm lo âu: Được sử dụng ngắn hạn để kiểm soát lo âu nghiêm trọng, nhưng cần thận trọng để tránh nguy cơ lạm dụng.
  • Thuốc hỗ trợ giấc ngủ: Trong trường hợp mất ngủ liên quan đến lo âu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần nhẹ.

3. Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Song song với việc sử dụng thuốc điều trị hoặc điều trị bằng liệu pháp tâm lý, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống và áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà. Cách để kiểm soát và giảm thiểu triệu chứng rối loạn lo âu bệnh tật tại nhà như sau:

  • Lối sống lành mạnh: Tránh caffeine, đường và các chất kích thích có thể làm tăng lo âu. Tránh caffeine, đường và các chất kích thích có thể làm tăng lo âu. Duy trì thói quen ngủ đều đặn, tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
  • Thực hành kỹ thuật quản lý căng thẳng: Học các phương pháp quản lý căng thẳng, thư giãn tinh thần, giảm lo âu như thư giãn cơ tiến triển, thiền, yoga, tập aerobic…
  • Hỗ trợ xã hội: Tham gia các nhóm hỗ trợ để có thể chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ những người cùng hoàn cảnh. Tăng cường các mối quan hệ để nhận được sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình và bạn bè để giảm căng thẳng.
  • Làm việc với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý: Bác sĩ có thể lên lịch thăm khám định kỳ để người bệnh yên tâm về sức khỏe của mình và giảm nhu cầu tự kiểm tra hoặc lo âu.
  • Tránh rượu bia, ma túy: Tuyệt đối không sử dụng chất gây nghiện vì chúng sẽ khiến tình trạng rối loạn lo âu của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

Biện pháp phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật

Nguyên nhân gây rối loạn lo âu bệnh tật vẫn chưa được xác định rõ. Vì thế, không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho tình trạng này. Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, thực hiện thư giãn khi căng thẳng. Đồng thời, nên tích cực phối hợp với chuyên gia y tế và sức khỏe tâm thần.

Tiên lượng của rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu là một rối loạn sức khỏe tâm thần mãn tính. Người mắc bệnh sẽ trải qua những giai đoạn ít hoặc không lo âu về sức khỏe, sau đó là những giai đoạn cực kỳ lo lắng, sợ hãi. Rối loạn lo âu bệnh tật có thể được kiểm soát và cải thiện, tuy nhiên, việc điều trị dứt điểm hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Rối loạn lo âu bệnh tật có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời đúng cách và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị do bác sĩ và chuyên gia tâm lý đề ra. Thế nhưng, nếu bệnh kéo dài, không được kiểm soát sớm, rối loạn lo âu bệnh tật sẽ trở thành bệnh mãn tính, chỉ có thể kiểm soát triệu chứng, không thể trị dứt điểm.

Đặc biệt, IAD dễ xuất hiện đồng thời hoặc gây ra các rối loạn sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu lan tỏa… Khi các rối loạn sức khỏe tâm thần diễn ra đồng thời, việc điều trị thường trở nên phức tạp và có độ khó cao hơn.

Rối loạn lo âu bệnh tật là một rối loạn sức khỏe tâm thần có thể kiểm soát và điều trị nếu được can thiệp kịp thời đúng cách. Việc điều trị là cả một quá trình, đòi hỏi người bệnh cần phải kiên nhẫn và hiểu rằng việc cải thiện sức khỏe tâm lý cần có thời gian. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cách tốt nhất là bạn nên đến tìm bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và chẩn đoán.

Có thể bạn quan tâm: 

Nguồn tham khảo: 

  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9886-illness-anxiety-disorder-hypochondria-hypochondriasis
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/illness-anxiety-disorder/symptoms-causes/syc-20373782
  • https://emedicine.medscape.com/article/290955-overview#a5
  • https://medlineplus.gov/ency/article/001236.htm
  • https://adaa.org/learn-from-us/from-the-experts/blog-posts/consumer/health-anxiety-what-it-and-how-beat-it

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Học quá nhiều có thể khiến trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý
7 Tác hại của việc học quá nhiều đối với trẻ cha mẹ nên biết

Học tập giúp trẻ tăng cường kiến thức, tầm nhìn, khả năng tư duy. Tuy nhiên, học quá nhiều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng...

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng thời gian, chất lượng giấc ngủ của trẻ không đảm bảo
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em: Dấu hiệu và cách xử lý

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em xảy ra rất phổ biến, có đến 50% trẻ em trên thế giới gặp phải tình trạng này....

Rất nhiều người gặp khó khăn trong việc đối phó với người ái kỷ
15 cách đối phó với người ái kỷ đơn giản mà hiệu quả

Đối phó với người ái kỷ là một thách thức, việc duy trì mối quan hệ với người ái kỷ có thể ảnh hưởng đến...

Rối loạn ăn uống đặc trưng bởi hành vi ăn uống bất thường kèm theo cảm giác buồn rầu, đau khổ
Rối loạn ăn uống là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Rối loạn ăn uống là loại rối loạn tâm thần thường gặp, xảy ra ở 5% dân số, có thể xuất hiện ở bất kỳ...