Hội chứng sợ không gian hẹp: Những điều cần biết
Hội chứng sợ hãi không gian hẹp là một rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, đặc trưng bởi nỗi sợ vô lý với không gian kín hẹp mà trong tình huống bình thường không có gì đáng nguy hiểm. Nỗi sợ xuất hiện một cách vô lý, quá mức thường liên quan đến yếu tố di truyền, yếu tố tâm lý hoặc trải nghiệm quá khứ tiêu cực.
Hội chứng sợ không gian hẹp (Claustrophobia) là gì?
Hội chứng sợ không gian hẹp (Claustrophobia) là tình trạng sợ hãi vô lý, cực đoan với những không gian nhỏ, hẹp, kín. Họ thường có xu hướng cố gắng né tránh, thoát khỏi các không gian chật hẹp để không rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn quá mức. Đây là một dạng của rối loạn lo âu, cụ thể là rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, còn gọi là hội chứng sợ không gian hẹp kín.
Claustrophobia bắt nguồn từ tiếng Latin, gồm “claustrum” nghĩa là nơi bị đóng kín và “phobia” nghĩa là ám ảnh, sợ hãi trong tiếng Hy Lạp. Theo đó, cả cụm từ có nghĩa là nỗi sợ hãi, ám ảnh không gian kín. Người mắc hội chứng này thường có cảm giác sợ hãi, hoảng loạn khi ở nơi chật hẹp hoặc đông người. Dễ bị kích thích trong các trường hợp như:
- Ở trong phòng hẹp không có cửa sổ
- Mắc kẹt trong thang máy đông người
- Lái xe trên đường bị ùn tắc…
Mức độ phổ biến của hội chứng Claustrophobia
Có khoảng 5 – 7% dân số thế giới mắc phải loại rối loạn ám ảnh này. Cảm giác sợ hãi có thể được hình thành bởi đường hầm, thang máy, hang động, căn phòng nhỏ, cái tủ, máy bay, khẩu trang, máy chụp cộng hưởng từ thậm chí là áo bó cổ.
Tại Hoa Kỳ, theo thống kê, số người mắc hội chứng Claustrophobia là 12.5%. Trong đó, phụ nữ có xu hướng mắc hội chứng này nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, hội chứng sợ không gian hẹp thường phát triển ở trẻ em.
Người mắc hội chứng này khi tiếp cận với một không gian kín, hẹp hoặc hạn chế, hệ thần kinh giao cảm của họ sẽ được kích hoạt để dự đoán tình huống đáng sợ. Gây ra các phản ứng kích thích như nhịp tim, huyết áp tăng, ớn lạnh, run rẩy, đồ mồ hôi, chóng mặt…
Nguyên nhân của hội chứng sợ không gian hẹp
Đến nay, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân của hội chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ không gian hẹp. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy rằng, tình trạng này có liên quan đến các yếu tố như trải nghiệm quá khứ tiêu cực, yếu tố tâm lý và yếu tố di truyền bẩm sinh.
Các yếu tố có thể gây ra hội chứng sợ không gian hẹp gồm:
- Trải nghiệm quá khứ tiêu cực: Chứng sợ không gian hẹp thường hình thành sau một trải nghiệm kinh hoàng như bị mắc kẹt trong không gian hẹp như hầm, thang máy; tuổi thơ bị nhốt ở nơi chật hẹp tối tăm; bị mắc kẹt trên phương tiện giao thông đông đúc…
- Yếu tố di truyền: Nếu gia đình có người mắc các chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi tương tự thì các thành viên khác trong gia đình thuộc nhóm nguy cơ cao.
- Yếu tố tâm lý: Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi dễ xảy ra ở người có tính cách lo âu, dễ bị căng thẳng, thường suy nghĩ quá mức.
- Rối loạn amygdala: Amygdala là phần não điều khiển cách chúng ta xử lý với nỗi sợ hãi. Khi rối loạn amygdala, bạn không thể kiểm soát được nỗi sợ của mình, dễ hoảng loạn khi đối diện với không gian kín, nhỏ, hẹp…
Theo các chuyên gia, nỗi sợ nguyên thủy của hội chứng sợ không gian hẹp là nỗi sợ bị ngạt thở, theo sau đó là nỗi sợ bị bó hẹp. Đa phần nỗi sợ bắt nguồn từ thời thơ âu, niên thiếu và ngày càng lớn dần, phát triển thành rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.
→Xem thêm: 10 Dấu hiệu trầm cảm nặng cần can thiệp trị liệu sớm
Biểu hiện của chứng sợ không gian hẹp
Lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn khi đối diện với không gian chật, hẹp, đông đúc là biểu hiện đặc trưng của hội chứng này. Nỗi sợ không xuất hiện thường trực mỗi ngày, chỉ xuất hiện khi gặp phải các kích thích mạnh. Gồm các biểu hiện bất ổn về cảm xúc và hành vi.
+ Biểu hiện về cảm xúc:
- Sợ hãi, hoảng loạn khi bước vào không gian hẹp, kín
- Xuất hiện cơn hoảng loạn với các triệu chứng như khó thở, đổ mồ hôi, choáng váng, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn…
- Cảm giác ngột ngạt, cảm thấy như bị mắc kẹt, không đủ không khí để thở, thở nhanh, thở gấp gáp, người run rẩy, lạnh sống lưng
- Nóng ran, cơ thể yếu ớt, người lâng lâng, bối rối, mất phương hướng
+ Biểu hiện về hành vi:
- Có xu hướng tránh các tình huống gây kích thích như tránh đi thang máy, tàu điện ngầm, máy bay…
- Luôn đứng gần nhất với lối ra, lối thoát hiểm khi đến những nơi đông đúc
- Không vào nhà vệ sinh công cộng, cửa quay, hang động, khu vực hẹp
- Không bước vào những căn phòng hẹp, không có cửa sổ…
Ảnh hưởng của hội chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng sợ không gian hẹp tưởng chừng vô lý, ngớ ngẩn, không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người bệnh. Người sợ không gian hẹp phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Những tác động mà hội chứng này gây ra có thể kể đến như:
- Gây hạn chế di chuyển: Gặp khó khăn khi người bệnh phải sống, làm việc trong các tòa nhà cao tầng. Hạn chế đi lại, tham gia hoạt động xã hội do sợ hãi đi tàu điện ngầm, xe buýt, máy bay, sợ phòng họp, rạp chiếu phim…
- Ảnh hưởng đến công việc: Không thể thực hiện những công việc phải di chuyển trong không gian kín, lo âu liên tục với không gian hẹp, kín, làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần: Lo âu, căng thẳng liên tục khiến tinh thần mệt mỏi, dễ suy sụp, sụp đổ. Người bệnh cũng dễ trầm cảm do hạn chế tham gia hoạt động, tương tác xã hội.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất: Lo âu, hoảng loạn kéo dài gây ra nhiều vấn đề như rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thậm chí có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Một số ảnh hưởng khác: Làm căng thẳng mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, bạn bè, làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ lạm dụng chất.
Chẩn đoán hội chứng Clautrophobia
Nếu gặp phải các triệu chứng như nhịp tim nhanh, khó thở, buồn nôn, đau đầu, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám, đánh giá. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe và loại trừ các bệnh lý có thể gây ra các triệu chứng kể trên như bệnh tim mạch, tiểu đường, hen suyễn, rối loạn tuyến giáp… Nếu bác sĩ tin rằng triệu chứng của bạn là do tâm lý, bạn cần tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Hội chứng Clautrophobia được các nhà tâm lý học nhìn nhận và đánh giá giống như một chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi cụ thể. Tiêu chuẩn chẩn đoán như sau:
- Nỗi ám ảnh sợ hãi rõ rệt, nghiêm trọng khi đối diện với không gian hẹp kín
- Các triệu chứng kéo dài ít nhất từ 6 tháng trở lên
- Nỗi sợ không tương xứng với tình huống thực tế
- Nỗi sợ không gian hẹp kín gây căng thẳng, lo sợ ngay cả khi chỉ nghĩ đến
- Cá nhân có xu hướng né tránh, không muốn tiếp xúc với không gian hẹp kín
- Nỗi sợ ảnh hưởng đến chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp.
Phương pháp điều trị hội chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng sợ không gian hẹp được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn DSM-5. Cần phân biệt được đây là chứng ám ảnh cụ thể hay là rối loạn lo âu đơn thuần. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc hội chứng này, bạn nên tìm bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.
Có nhiều biện pháp được sử dụng để điều trị hội chứng này, có thể kể đến như:
1. Tâm lý trị liệu
Áp dụng các liệu pháp tâm lý để điều trị hội chứng sợ không gian hẹp là phương pháp được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Phương pháp này được đánh giá cao về hiệu quả và mức độ an toàn.
Có nhiều phương pháp trị liệu được áp dụng:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận và những suy nghĩ tiêu cực khi đối diện với tác nhân gây sợ hãi.
- Liệu pháp tiếp xúc: Cho bệnh nhân tiếp xúc với không gian hẹp một cách từ từ và nâng dần mức độ để khắc phục với nỗi sợ hãi.
- Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT): Định hướng hành vi, tìm kiếm các hành vi, thái độ, cảm xúc không phù hợp và loại bỏ chúng, tạo cho bệnh nhân niềm tin hợp lý, tích cực.
2. Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc để làm giảm triệu chứng lo âu, hoảng sợ quá mức. Các thuốc này có nguy cơ gây tác dụng phụ cao, cần hết sức thận trọng khi dùng. Chỉ dùng theo đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng thuốc.
Các thuốc thường dùng là:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống lo âu
- Thuốc chẹn beta…
3. Biện pháp hỗ trợ
Các biện pháp hỗ trợ có thể giúp bạn giảm lo âu, căng thẳng, ổn định cảm xúc khi đối diện với các tình huống khẩn cấp. Đồng thời, các biện pháp này cũng giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao hiệu quả khi điều trị bằng thuốc hoặc trị liệu tâm lý.
Để hỗ trợ cải thiện chứng sợ không gian hẹp, bạn nên:
- Thực hiện kỹ thuật quản lý căng thẳng bằng cách hít thở sâu, thiền, yoga…
- Học cách đối diện và xử lý khi đối diện sợ hãi, nhắc nhở bản thân rằng nỗi sợ nhất định sẽ đi qua, tập trung vào một khoảnh khắc có thể mang đến cho bạn sự bình tĩnh.
Cách đối phó với cơn hoảng hoạn
Người mắc hội chứng Clautrophobia nghiêm trọng có thể gặp các triệu chứng như mất kiểm soát, ngất xỉu, hoảng loạn, cảm giác tách rời khỏi cơ thể. Khi đối mặt với cơn hoảng loạn do hội chứng sợ không gian hẹp gây ra, bạn cần ở nguyên tại chỗ và cố gắng thư giãn bằng kỹ thuật hít thở sâu. Hãy hít vào bằng mũi giữ vài giây rồi từ từ thở ra bằng miệng.
Cơn hoảng loạn có thể kéo dài vài phút đến một giờ. Nếu bạn đang lái xe, tốt nhất nên tìm chỗ dừng lại và đỗ xe ở nơi an toàn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng những suy nghĩ và cảm giác sợ hãi này sẽ đi qua. Để tự đánh lạc hướng bản thân, hãy tập trung vào thứ nào đó dễ thấy, không gây đe dọa.
Bạn có thể nhìn thời gian trôi trên đồng hồ, xem một thứ gì đó thu hút hoặc ngắm nhìn không gian rộng rãi. Các triệu chứng nghiêm trọng thường đạt đỉnh điểm trong vòng 10 phút. Đa số các cơn hoảng loạn kéo dài từ 5 đến 30 phút.
Có thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng sợ không gian hẹp không?
Không thể chữa khỏi hoàn toàn hội chứng Claustrophobia. Các phương pháp điều trị chỉ có thể giúp làm giảm cường độ các trải nghiệm, làm giảm triệu chứng mà hội chứng này gây ra. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể đáp ứng tốt từ việc dùng thuốc chống trầm cảm, chống lo âu.
Trong các phương pháp điều trị hội chứng sợ không gian hẹp, liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức hành vi được cho là có hiệu quả tốt trong việc kiểm soát triệu chứng. Liệu pháp tiếp xúc có thể giúp bạn đối diện với nỗi sợ hãi và từ từ kiểm soát được cảm giác căng thẳng. Trong khi đó, liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào việc thay đổi cách suy nghĩ, nhận thức và hành vi, giúp bạn phát triển kỹ năng đối phó với vấn đề.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) trong liệu pháp tiếp xúc được cho là có triển vọng tốt trong việc điều trị claustrophobia. VR mô phỏng việc ở trong không gian kín, giúp cá nhân học cách làm quen với tác nhân gây sợ hãi và có thể mang đến hiệu quả tốt, lợi ích lâu dài đối với khoảng 40% các trường hợp.
Biện pháp phòng ngừa hội chứng sợ không gian hẹp
Người mắc hội chứng clautrophobia gần như sẽ phải trải qua chứng rối loạn này suốt cuộc đời. Nếu không được can thiệp, có thể phát triển thêm các chứng sợ hãi cụ thể gây, thậm chí gây rối loạn lo âu, trầm cảm. Để phòng ngừa hội chứng này, tốt nhất nên:
- Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt
- Tập trung vào chế độ ăn giàu dinh dưỡng
- Chú trọng việc cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Tăng cường vận động, luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe
- Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga
Hội chứng sợ không gian hẹp có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Do đó, nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy tìm đến các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ và có biện pháp can thiệp phù hợp.
Có thể bạn quan tâm:
- Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD): Triệu chứng và phác đồ điều trị
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): Biểu hiện và cách khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!