Có nên dùng thuốc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ?
Có nên dùng thuốc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ là vấn đề gây đau đầu cho nhiều bậc phụ huynh. Cha mẹ nào cũng muốn đem đến cho con những điều tốt nhất, đặc biệt là với những trẻ chậm phát triển. Khi y học phát triển, rất nhiều những loại thuốc bổ não, thuốc chuyên dùng cho trẻ chậm phát triển xuất hiện trên thị trường, khiến phụ huynh hoang mang không biết loại nào tốt và thích hợp cho trẻ, cũng như có nên cho con dùng thuốc hay không.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi “Có nên dùng thuốc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ hay không?”, chúng ta nên biết chậm phát triển trí tuệ là gì, và trẻ chậm phát triển thường có những biểu hiện, cũng như gặp khó khăn gì trong đời sống.
Chậm phát triển trí tuệ luôn biểu hiện rất rõ trong những năm đầu đời. Trẻ thường có những dấu hiệu phát triển chậm hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa về khả năng nhận thức và giao tiếp với mọi thứ xung quanh. Các rối loạn phát triển thần kinh gây nên tình trạng chậm phát triển trí tuệ có thể xuất hiện từ sớm khi trẻ còn là bào thai, hoặc do ảnh hưởng của các yếu tố chu sinh và sau sinh.
Tùy vào độ nặng nhẹ của tình hình chậm phát triển, trẻ sẽ bộc lộ những đặc điểm rõ ràng hoặc không rõ ràng của việc khiếm khuyết trong quá trình phát triển trí não. Việc này gây nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống và sự phát triển về sau của trẻ. Tình trạng chậm phát triển trí tuệ kéo theo sự sụt giảm IQ, hạn chế phát triển các kỹ năng cá nhân và xã hội, gây khó khăn cho trẻ trong quá trình học tập và sinh hoạt.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ có trí nhớ kém, khó tập trung, không thể tự chăm sóc bản thân, gặp trở ngại trong phát triển ngôn ngữ, khó khăn trong việc phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như không thể tương tác xã hội một cách bình thường. Vấn để chậm phát triển trí tuệ có thể kèm theo những chứng rối loạn khác bao gồm: chứng khó đọc, rối loạn phổ tự kỷ và tăng động giảm chú ý.
Ngoài ra những trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng thường cáu gắt, có hành vi bạo lực với cha mẹ và những người xung quanh, không kiểm soát được cảm xúc và dễ dàng kích động với những yếu tố bên ngoài. Chậm phát triển trí tuệ được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng dựa trên một số yếu tố về khả năng sinh hoạt, cũng như mức độ cần sự hỗ trợ từ cha mẹ của trẻ.
- Mức độ nhẹ: Đây là mức độ chiếm đa số các trường hợp trẻ chậm phát triển. Trẻ hoàn toàn có khả năng giao tiếp, học hỏi, sinh hoạt nhưng cần nhiều thời gian rèn luyện, cần phương pháp giáo dục đúng cách, và quá trình tiến bộ cũng chậm hơn nhiều trẻ khác. IQ trung bình của trẻ chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ dao động từ 50 đến 75. Ở mức này trẻ có thể học tiểu học, nhưng cần nhiều thời gian và công sức hơn để học viết, học đọc và rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Trẻ lớn lên có thể sinh hoạt bình thường và độc lập với sự giúp đỡ của gia đình và xã hội.
- Mức độ trung bình: Trẻ chậm phát triển mức độ trung bình thường chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp. Trẻ khả năng tự chăm sóc bản thân, thực hiện những hành động đơn giản như mặc quần áo, ăn ngủ và đi vệ sinh nếu được cha mẹ hướng dẫn đúng cách. Trẻ có khả năng học hỏi khá chậm, thường hay quên và chỉ có thể học những từ đơn giản, những bài toán cơ bản do IQ chỉ nằm ở mức 35 đến 55. Một số trẻ có thể cáu gắt bất thường hoặc lầm lì ít nói. Trẻ thường phải sinh hoạt tại các trung tâm cộng đồng dưới sự giúp đỡ và chăm sóc của cha mẹ và các nhân viên khi trưởng thành.
- Mức độ nặng: Trẻ ở mức độ này có những biểu hiện gần giống với mức độ trung bình, nhưng thời gian học hỏi sẽ dài hơn, khả năng tiếp thu cũng kém hơn. Đó là do IQ của trẻ chỉ dao động từ 20-40. Trẻ cần rất nhiều thời gian để hiểu và học được những kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp cơ bản đáp ứng sinh hoạt hằng ngày. Trẻ chậm phát triển trí tuệ mức độ nặng cần được sự giám sát và chăm sóc của cha mẹ hoặc nhân viên trong các nhà tập thể.
- Mức độ đặc biệt: Đây là mức độ nghiêm trọng nhất ở trẻ chậm phát triển trí tuệ, và chỉ chiếm 1-2% các trường hợp được ghi nhận. Ở mức độ trẻ thường có những hành vi theo bản năng. Cha mẹ và những người xung quanh cần cố gắng rất nhiều để giúp trẻ có được nhưng kỹ năng cơ bản. Những tổn thương thần kinh khiến trẻ tiếp thu và phản xạ chậm hơn rất nhiều, do đó tuyệt đối không để trẻ ở một mình vì xung quanh tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tính mạng của trẻ. Đặc biệt, trẻ chậm phát triển mức độ này còn có thể kèm theo những dị tật bẩm sinh trên cơ thể như tay dính liền, thừa chi, thiếu chi,…
Trẻ chậm phát triển trí tuệ dù ở mức độ nào thì vẫn cần sự quan tâm và giúp đỡ của gia đình và toàn xã hội. Cha mẹ có con chậm phát triển trí tuệ nên có thái độ tích cực khi dối diện với trẻ, tránh những hành vi tiêu cực như quát mắng khi thấy con làm sai, làm chưa tốt. Trẻ cần rất nhiều thời gian và sự cố gắng để hoàn thành công việc được giao, do đó sự động viên và yêu thương từ cha mẹ là điều cần nhất cho trẻ trong những tình huống như thế này.
Có nên dùng thuốc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ?
Việc có nên dùng thuốc cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, dùng thuốc gì và liều lượng ra sao vẫn luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trên thực tế thì bên cạnh những phương pháp hỗ trợ và can thiệp giúp trẻ có thể sinh hoạt bình thường, việc bổ sung những loại thuốc bổ não hay thuốc đặc trị cần phải được sự đồng ý của bác sĩ. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc để tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các bác sĩ và chuyên viên tâm lý sẽ dựa trên tình hình chậm phát triển của trẻ để có phương án phù hợp. Thuốc bổ có tác dụng bổ não, bổ sung những vitamin và khoáng chất cần thiết cho não bộ phát triển, giúp trẻ cải thiện khả năng học tập và giao tiếp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc thường chỉ phù hợp và có hiệu quả với những trẻ chậm phát triển dạng nhẹ. Tác dụng chính của thuốc là hỗ trợ chứ không phải chữa trị dứt điểm.
Ngoài những loại thuốc bổ não, trẻ cũng có thể được dùng những thuốc đặc trị giúp kiểm soát hành vi và giảm các triệu chứng kích động. Tương tự như thuốc bổ não, việc sử dụng những loại thuốc nào, vào thời điểm nào, và liều lượng bao nhiêu đều phải được sự tư vấn của bác sĩ. Tránh sử dụng thuốc lung tung để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ.
Cha mẹ cũng chú ý không nghe theo những lời quảng cáo thuốc có khả năng chữa dứt tình trạng chậm phát triển của trẻ. Đây hoàn toàn là những lời quảng cáo lừa đảo của những loại thuốc lậu, thuốc kém chất lượng nhằm đánh vào tâm lý muốn con khỏe mạnh của cha mẹ. Việc cho trẻ sử dụng những loại thuốc kể trên không những không giúp trẻ khả hơn, mà còn đem đến nhiều tác hại không thể lường trước được.
Do đó, nếu muốn cải thiện tình trạng chậm phát triển ở trẻ, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm và chăm sóc cha mẹ dành cho trẻ, chứ không nên phụ thuộc vào thuốc. Thuốc chỉ góp một phần nhỏ trong quá trình cải thiện tình trạng, còn lại là sự kiên trì và tình yêu thương cha mẹ và xã hội mới có thể giúp trẻ nhanh chóng thích ứng với cuộc sống bình thường.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ chậm phát triển trí tuệ?
Những dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ thường biểu hiện rất sớm trong những năm đầu đời, vì thế cha mẹ hoàn toàn có thể nhận thấy những biểu hiện bất thường của con để có phương án hỗ trợ trẻ thích hợp. Quan trọng là đưa trẻ đi can thiệp sớm để hạ thấp những ảnh hưởng xấu của tình trạng chậm phát triển đến trẻ.
- Đưa trẻ đến gặp bác sĩ: Đây là điều đầu tiên cha mẹ cần làm để có thể đánh giá đúng tình trạng của trẻ. Các bác sĩ và chuyên gia sẽ thông qua những bài kiểm tra để xác định mức độ chậm phát triển trí tuệ, sau đó đưa ra phương án cải thiện thích hợp. Đa phần trường hợp trẻ chậm phát triển đều rơi vào dạng nhẹ, trẻ có thể sinh hoạt bình thường và hòa nhập cộng đồng dễ dàng nếu được giáo dục và chăm sóc đúng cách. Với trường hợp trẻ chậm phát triển dạng nặng, trẻ cần nhiều sự giúp đỡ hơn từ cha mẹ và xã hội.
- Có thái độ tích cực trong việc nuôi dạy trẻ: Quá trình nuôi dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và tình thương của cha mẹ. Trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, phản ứng chậm với những điều được dạy, và mất nhiều thời gian để làm quen với mọi thứ. Do đó sự nhẫn nại là điều không thể thiếu nếu muốn nuôi dạy trẻ khỏe mạnh. Hãy có thái độ tích cực và dành nhiều thời gian chơi đùa với trẻ. Các bài học cũng nên được thiết kế phù hợp với nhận thức và khả năng tiếp thu của con.
- Tham gia gặp gỡ những phụ huynh khác: Đây là cách tốt nhất để phụ huynh tìm hiểu, biết cách nuôi dạy trẻ tốt hơn thông qua kinh nghiệm của những người đi trước. Tuy mỗi trẻ sẽ phù hợp với những phương pháp khác nhau, nhưng cha mẹ có thể tham khảo cách của những phụ huynh khác để áp dụng vào việc giáo dục con. Ngoài ra, việc gặp gỡ những người chung hoàn cảnh cũng giúp cha mẹ có được chỗ dựa tinh thần và những lời khuyên hữu ích.
- Khuyến khích và động viên trẻ: Trẻ chậm phát triển thường không có cảm giác an toàn, khá nhút nhát và ngại giao tiếp. Do đó cha mẹ nên khuyến khích, động viên trẻ tìm tòi những điều mới lạ để tăng khả năng độc lập và rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Ban đầu trẻ sẽ làm sai và tốn nhiều thời gian chỉ để thực hiện những điều đơn giản, nhưng cha mẹ hãy khen ngợi và động viên để trẻ tiếp tục. Đừng tạo áp lực bằng cách la mắng hay bắt buộc trẻ phải tiến bộ nhanh chóng. Khuyến khích và động viên đúng lúc sẽ giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và có động lực hơn.
- Cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng: Trẻ rất cần cải thiện những kỹ năng xã hội, học cách kết bạn và hòa nhập với mọi người. Cha mẹ nên cho trẻ ra ngoài nhiều hơn để gặp gỡ bạn bè, giúp trẻ thích nghi với môi trường bên ngoài. Việc gặp gỡ nhiều người có thể giúp trẻ dần loại bỏ sự nhút nhát và rụt rè, rất có lợi cho sự phát triển về sau của trẻ. Ngoài ra, tâm lý của trẻ cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn vì không bị cô lập, không bị xem là người bất thường. Việc cha mẹ ngăn cản trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài rất có hại cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
- Áp dụng các liệu pháp tâm lý: Có rất nhiều liệu pháp tâm lý giúp điều chỉnh hành vi, tăng cường khả năng vận động và giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể sinh hoạt bình thường. Cha mẹ nên dựa trên mức độ nặng nhẹ và tình hình thực tế của trẻ, phối hợp cùng bác sĩ để chọn lựa phương pháp hợp lý. Hãy thường xuyên theo dõi sự tiến bộ của trẻ để điều chỉnh phương pháp giúp trẻ tiếp thu và học hỏi tốt hơn.
- Điều chỉnh hành vi cho trẻ: Một số trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể kèm theo hành vi hung hăng do không điều khiển được cảm xúc. Tình trạng này có thể được cải thiện nhờ sự hỗ trợ của thuốc đặc trị giúp làm dịu cơn kích động, cùng sự quan tâm của gia đình. Nếu trẻ thường xuyên có hành động làm hại đến bản thân và những người xung quanh, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có cách khắc phục phù hợp.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hoạt động trí não và giúp trẻ phát triển mạnh khỏe hơn. Chế độ ăn uống của trẻ chậm phát triển cần được thiết kế một cách khoa học với đầy đủ dưỡng chất như chất xơ, chất đạm, chất béo Omega 3, vitamin và khoáng chất cần thiết. Ví du, cha mẹ nên cho trẻ bổ sung cá hồi, cá ngừ, dầu oliu, các loại hạt và ngũ cốc, trứng, sữa, thịt bò, măng tây, bông cải xanh, cà rốt,… Những thực phẩm kể trên có thể giúp trẻ cải thiện hoạt động não, cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ thể, giúp trẻ ngủ ngon và sâu, tinh thần thoải mái và khỏe mạnh hơn.
Những trẻ chậm phát triển trí tuệ cần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ và cộng đồng để có thể nhanh chóng hòa nhập, có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Có rất nhiều những biện pháp hỗ trợ trẻ chậm phát triển, bao gồm cả việc dùng thuốc và những loại thực phẩm bổ trợ khác. Tuy nhiên việc dùng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ mà chưa hỏi qua ý kiến chuyên gia.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!