Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi có gì đặc biệt? Điều ba mẹ cần hiểu

Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ, đây là giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì ở nhiều trẻ. Các thay đổi trong tâm lý của trẻ được biểu hiện rõ ràng, trẻ có thể trở nên bướng bỉnh, khó bảo hoặc trở nên trầm mặc, rụt rè, khép nép, thân thiết với bạn bè và dần có khoảng cách với cha mẹ. 

Đặc điểm tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi

Giai đoạn từ 8 – 10 tuổi được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt chuyển giao từ giai đoạn thơ ấu sang giai đoạn dậy thì ở trẻ. Đây là giai đoạn lỡ cỡ, thiếu ổn định về hành vi, cảm xúc ở trẻ. Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi cần được quan tâm để giúp trẻ bình tĩnh, tự tin khi bước vào giai đoạn dậy thì quan trọng.

Trẻ trong độ tuổi 8-9-10 cần được thấu hiểu và hỗ trợ tâm lý
Trẻ trong độ tuổi 8-9-10 cần được thấu hiểu và hỗ trợ tâm lý

Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi không ổn định, có nhiều thay đổi. Trẻ có thể trở nên bướng bỉnh, cứng đầu, thường xuyên chống đối hoặc trở nên trầm mặc, lầm lì, rụt rè, khép nép. Trẻ có tâm lý khao khát được thuộc về nhóm, xác định vị trí của mình trong xã hội, muốn khẳng định sự độc lập.

Các đặc điểm tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi như sau:

1. Có tâm lý muốn được khẳng định bản thân

Trẻ 8-9-10 tuổi có tâm lý muốn khẳng định bản thân và muốn được người khác công nhận. Đây là giai đoạn trẻ phát triển tính tự chủ và sự tự tin, bắt đầu tập trung vào việc học tập, phát triển các kỹ năng mà mình mong muốn. Trẻ liên xây dựng nhận thức về bản thân thông qua các thành tựu và những lời đánh giá, nhận xét của người khác.

Tâm lý muốn được khẳng định bản thân của trẻ được thể hiện qua việc:

  • Tìm kiếm sự khen ngợi, công nhận từ bạn bè, thầy cô, cha mẹ
  • So sánh mình với bạn bè và những người xung quanh
  • Muốn tự làm mọi việc và không cần sự giúp đỡ của người khác
  • Thường thể hiện suy nghĩ, quan điểm, chính kiến của bản thân và cho rằng con đã lớn
  • Muốn có không gian riêng tư, không muốn cha mẹ can thiệp quá nhiều vào việc riêng của mình.

2. Nhạy cảm, tính cách thất thường

Hầu hết cha mẹ đều nhận thấy, khi bước vào độ tuổi 8 đến 10 tuổi, tính cách, tâm lý con bỗng trở nên thiếu ổn định, thay đổi thất thường. Trẻ trở nên dễ khóc, dễ tức giận hay mất bình tĩnh, giận dỗi vì những điều hết sức nhỏ nhặt.

Có trẻ trở nên khó bảo, bướng bỉnh, ngang ngược, phản ứng quá mức khi bị rầy la. Có trẻ trở nên lầm lì, ít nói, thường xuyên giữ im lặng, chiến tranh lạnh với phụ huynh. Cũng có trẻ trở nên rụt rè, nhút nhát, nhạy cảm, sợ làm sai, sợ bị mắng, sợ thất bại…

Sự thay đổi trong tính cách, tâm lý của trẻ xuất phát từ việc trẻ đang trong độ tuổi phát triển nhận thức, bắt đầu hiểu rõ về môi trường xung quanh. Trẻ phát triển tư duy phê phán, so sánh mình với người khác và đánh giá bản thân qua lời nhận xét của người khác. Do thay đổi thể chất giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì hoặc liên quan đến áp lực xã hội và cách cư xử của cha mẹ.

3. Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi: Coi trọng tình bạn và mối quan hệ bạn bè

Trẻ 8-9-10 tuổi rất coi trọng bạn bè, có tâm lý được gia nhập nhóm và khẳng định vị trí của mình trong nhóm. Trẻ không thích chơi một mình, cảm thấy không có hứng thú khi chơi cùng bố mẹ. Ngược lại trẻ biết cách hợp tác nhóm và thích thú với các trò chơi nhóm.

Trẻ có tâm lý coi trọng tình bạn, thích thú với các mối quan hệ bạn bè
Trẻ có tâm lý coi trọng tình bạn, thích thú với các mối quan hệ bạn bè

Trẻ dành nhiều thời gian để tâm sự với bạn bè, bắt đầu phát triển tình bạn gắn bó dài lâu. Trẻ học được các giải quyết mâu thuẫn với bạn bè bằng đàm phán và thỏa hiệp. Tuy nhiên, trẻ cũng thường xuyên có mâu thuẫn với bạn, gặp khó khăn trong việc kiểm soát mâu thuẫn và có thể giải quyết xung đột bằng bạo lực.

4. Có tâm lý thích cạnh tranh

Trẻ 8-9-10 tuổi có nhu cầu khẳng định bản thân và luôn mong muốn được mọi người công nhận. Vì thế, ở độ tuổi này, trẻ có tâm lý rất thích sự cạnh tranh. Rất nhiều trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động cạnh tranh, có khát khao chiến thắng trò chơi, giành điểm cao hoặc vượt qua bạn bè trong các hoạt động thể chất.

Mỗi trẻ sẽ cố gắng tìm kiếm sự vượt trội của mình trong một khía cạnh nào đó để củng cố sự tự tin của bản thân. Trẻ thường rất vui khi nhận được giải thưởng, được bạn bè, thầy cô, cha mẹ khen ngợi.

Đặc biệt, ở độ tuổi này, trẻ có nhận thức về công bằng và đề cao các quy tắc. Trẻ rất coi trọng sự công bằng trong quá trình cạnh tranh. Dễ phản ứng gay gắt, kích động quá mức khi cảm thấy bất công hay có sự gian lận.

5. Trẻ 8-9-10 tuổi có tâm lý tò mò về giới tính

Khi trẻ 8-9-10 tuổi, có trẻ bước vào giai đoạn tiền dậy thì, có trẻ đã bắt đầu dậy thì. Độ tuổi bắt đầu dậy thì của con gái là 8 – 13 tuổi, của con trai là 9 – 14 tuổi. Giai đoạn này hormone giới tính trong cơ thể trẻ có sự tăng lên rõ rệt, trẻ có thể cảm nhận những thay đổi chưa quá rõ ràng của cơ thể.

Trẻ em hiện nay tò mò về giới tính sớm hơn các thế hệ trước. Trẻ có rất nhiều thắc mắc về sự khác biệt của cơ thể mình với bạn khác giới. Ngoài sự tò mò, trẻ còn có cả sự ham muốn, đây là sinh lý rất bình thường. Trẻ cần được giáo dục giới tính, giáo dục tình dục, được học cách chăm sóc bản thân và bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lạm dụng, xâm hại.

6. Phát triển tư duy logic và tư duy trừu tượng

Theo Jean Piaget, giai đoạn 7 đến 11 tuổi được xem là bước ngoặt trong phát triển nhận thức của trẻ. Do đó, trẻ 8-9-10 là nhóm trẻ có sự phát triển tốt về khả năng tư duy logic. Trẻ có thể hiểu khái niệm, hiểu bản chất của các vấn đề đơn giản.

Trẻ 8-9-10 tuổi có khả năng tư duy logic và tư duy trừu tượng tốt
Trẻ 8-9-10 tuổi có khả năng tư duy logic và tư duy trừu tượng tốt

Trẻ có thể đọc hiểu lưu loát, biết bản chất của các phép toán cộng trừ nhân chia, biết suy luận logic, biết suy nghĩ, liên tưởng. Trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt, biết diễn đạt suy nghĩ, ý kiến của chính mình.

Vì đã có cách nghĩ riêng, trẻ dễ trở nên cứng đầu, khó bảo, khó chấp nhận ý kiến của người khác hơn. Trẻ cũng trở nên bối rối, rụt rè trước các vấn đề mới khi liên tục bị chê bai, đánh giá và không được công nhận, khen ngợi.

7. Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi: Ngưỡng mộ và bắt chước trẻ lớn hơn

Một trong những đặc điểm tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi không thể bỏ qua chính là tâm lý ngưỡng mộ và bắt chước trẻ lớn hơn. Trẻ ở độ tuổi này thường coi các thanh thiếu niên lớn hơn là hình mẫu mà mình có thể phát triển trong tương lai. Trẻ cũng có thể có thần tượng riêng của chính mình.

Tâm lý này rất bình thường, thể hiện khát vọng trưởng thành của trẻ. Hoặc do trẻ bị ảnh hưởng bởi truyền thông và mạng xã hội, khiến trẻ muốn bắt chước để được như họ. Trẻ bắt chước vì cho rằng họ “ngầu”, họ tài giỏi hoặc muốn thông qua việc bắt chước để khẳng định bản thân.

Các biểu hiện bắt chước ở trẻ có thể kể đến như:

  • Thay đổi kiểu tóc, cách ăn mặc giống với một đối tượng nào đó
  • Thường xuyên nhắc đến đối tượng mà mình ngưỡng mộ và mong muốn bản thân cũng giống như vậy
  • Nói những từ ngữ hoặc có cách cư xử, hành động giống với nhân vật mà chúng thấy

Điểm khác biệt trong tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi

Ở một độ tuổi trẻ sẽ có những đặc điểm tâm lý riêng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, không trẻ nào giống trẻ nào. Có những trẻ tâm lý thành thục, ổn định, chín chắn và trưởng thành từ sớm. Trẻ “già dặn”, hiểu được rất nhiều điều mà chúng ta không thể ngờ được. Trong khi đó, cũng có những trẻ rất ngây thơ, non nớt.

Đặc điểm riêng trong tâm lý trẻ 8 tuổi

Trẻ 8 tuổi vẫn còn rất thân thiết và gắn bó nhiều với cha mẹ. Trẻ ham chơi, cần nhiều thời gian để chơi đùa, tham gia các hoạt động trải nghiệm để não bộ phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh. Đặc điểm tâm lý trẻ 8 tuổi như sau:

  • Về khả năng tư duy: Phát triển tư duy logic và bắt đầu phát triển suy nghĩ trừu tượng. Hiểu khái niệm, học về phép nhân, chia; biết đo lượng, ước tính trọng lượng, khối lượng.Trẻ thường rất tò mò với cách mọi thứ hoạt động, có thể tự tiến hành các dự án nghiên cứu nhỏ.
  • Về khả năng ngôn ngữ: Đọc to truyện, thơ một cách trôi chảy, nhưng thường ít dừng lại để hiểu ý nghĩa của từ
  • Về kỹ năng xã hội: Trẻ bắt đầu thích thú với nhóm nhưng còn gặp khó khăn trong việc chia sẻ và hợp tác. Trẻ quan tâm đến mối bạn bè nhưng còn cần giáo viên, cha mẹ định hướng và hỗ trợ giải quyết xung đột.

Đặc điểm tâm lý trẻ 9 tuổi

Ở độ tuổi lên 9, trẻ rất hay thắc mắc, nghi ngờ, dễ ưu tư, dễ giận hờn, tính cách ẩm ương, rất khó chìu. Trẻ sợ bóng tối, sợ chết, khóc không có lý do rõ ràng, có rất nhiều nỗi sợ không tên và liên tục khám phá thế giới xung quanh. Vì thế, rất nhiều cha mẹ cho rằng trẻ bị “khủng hoảng tuổi lên 9” và tìm kiếm cách dạy trẻ 9 tuổi bướng bỉnh.

Trẻ 9 tuổi thường bị đánh giá là bướng bỉnh, khó dạy
Trẻ 9 tuổi thường bị đánh giá là bướng bỉnh, khó dạy

Thực tế ở giai đoạn này chính cha mẹ mới là người khủng hoảng. Những thay đổi trong tính cách, tâm lý của con một phần do tâm lý, một phần do cha mẹ không quan tâm dạy dỗ trẻ đúng cách. Chúng ta thường cho rằng “con nít thì biết gì” và luôn luôn bác bỏ quan điểm của con.

Đặc điểm tâm lý trẻ 9 tuổi như sau:

  • Về khả năng tư duy: Trẻ có tư duy trừu tượng, biết giải các bài toán có lời văn, biết đọc các câu chuyện phức tạp, biết tưởng tượng, liên tưởng. Trẻ phát triển tư duy phê phán, có khả năng phản biện, biết đặt câu hỏi và phân tích, đánh giá vấn đề. Trẻ phát triển tư duy độc lập, nhận thức bản thân là cá thể riêng biệt.
  • Về khả năng ngôn ngữ: Từ vựng phong phú, có thể sử dụng từ ngữ phức tạp để mô tả. Có khả năng đọc hiểu các thuật ngữ chuyên môn dựa trên những gì học được. Biết sử dụng câu từ phức tạp, diễn đạt mạch lạc, logic. Biết kể chuyện chi tiết, hiểu cấu trúc truyện.
  • Về khả năng giao tiếp: Trẻ muốn thuộc về nhóm và khẳng định vị trí trong nhóm. Có khả năng tự xử lý xung đột, biết giữ bí mật, biết lập kế hoạch nhóm. Trẻ dễ bị áp lực từ bạn bè,

Trẻ 9 tuổi đã nhận thức được về nguy hiểm và thảm họa, biết liên tưởng, tưởng tượng, vì thế trẻ có rất nhiều nỗi sợ. Trẻ cũng dần đảm nhận nhiều công việc và trách nhiệm trong nhà. Mong muốn được đóng góp ý kiến, tham gia vào các quyết định trong gia đình. Muốn được cha mẹ tôn trọng, thường phản ứng gay gắt khi có cảm giác cha mẹ không tôn trọng mình.

Cần hết sức lưu ý rằng, 9 tuổi là giai đoạn quan trọng, được gọi là “bức tường 9 tuổi”. Rất nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi “mẹo”, các bài toán hóc búa. Trẻ thường bị gắn mác là “dốt”, kém thông minh khiến trẻ ngày càng tự ti, không có động lực học tập.

Đặc điểm tâm lý trẻ 10 tuổi

Trẻ 10 tuổi có thể nhân số lớn và thực hiện các phép tính về phân số. Trẻ có thể đọc hiểu tốt, hiểu sâu sắc nhiều loại sách từ tiểu thuyết hư cấu, khoa học viễn tưởng đến sách phi hư cấu (sách kỹ năng sống, sách khoa học), sách trinh thám, điều tra…

Hầu hết trẻ bước vào giai đoạn dậy thì khi được 10 tuổi, vì thế, có sự khác biệt giữa tâm lý bé gái 10 tuổi và tâm lý bé trai 10 tuổi. Đặc điểm tâm lý trẻ 10 tuổi như sau:

Tâm lý bé gái 10 tuổi

  • Nhạy cảm, tính khí thay đổi thất thường, bộc lộ rõ cảm xúc bản thân, dễ bị ảnh hưởng tâm lý và phản ứng mạnh với các tình huống xã hội.
  • Quan tâm nhiều đến ngoại hình của bản thân, có thể tự ti hoặc tự hào vì sự khác biệt của vòng 1, vòng 3 và buồn bã vì sự xuất hiện của mụn
  • Trưởng thành hơn về mặt nhận thức, có cách suy nghĩ chín chắn hơn
  • Thích không gian riêng tư 1 mình, thích các hoạt động liên quan đến cảm xúc
  • Có mối quan hệ chặt chẽ, sâu sắc với bạn bè, có xu hướng đồng cảm, thấu hiểu trong mối quan hệ bạn bè
  • Thường dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của bạn bè, người lớn, dễ tổn thương và chịu nhiều áp lực về hình ảnh cá nhân.

Tâm lý bé trai 10 tuổi

  • Ít thể hiện cảm xúc cá nhân, có phần bướng bỉnh, cố chấp, và thường thể hiện thái độ qua hành động
  • Rất tò mò về thế giới xung quanh, thích sự đông vui, náo nhiệt
  • Thích giao tiếp thông qua hoạt động, trò chơi hoặc sử dụng hoạt động để truyền tải thông điệp
  • Có nhiều hoặc ít mối quan hệ tùy thuộc vào tính cách, thích các hoạt động có xu hướng cạnh tranh. Mối quan hệ bạn bè thường không sâu sắc như bé gái.
  • Thích khám phá, thử nghiệm thông qua hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể chất, trò chơi
  • Có xu hướng giải quyết mâu thuẫn qua hành động, thường chọn cách cạnh tranh hoặc im lặng thay vì nói ra cảm xúc
  • Ít quan tâm đến hình ảnh cá nhân, hầu như ít bị ảnh hưởng bởi sự đánh giá của người khác.

Cách giúp trẻ 8-9-10 tuổi phát triển tốt tâm lý

Không ít cha mẹ đau đầu khi con bước vào độ tuổi 8 đến 10 tuổi. Rõ ràng trước đó con rất ngoan ngoãn, nghe lời, ít khi nghịch phá, chống đối ba mẹ. Chúng ta thường tìm kiếm cách dạy trẻ 8 tuổi bướng bỉnh, cách dạy trẻ không nghe lời, mà không hề biết rằng, nguyên nhân phần lớn nằm ở chúng ta.

Trẻ 8-9-10 tuổi cần được định hướng, hỗ trợ tâm lý đúng cách, thay vì chăm chăm vào việc làm sao uốn nắn, đưa trẻ đi vào khuôn khổ. Cách hỗ trợ tâm lý cho trẻ 8-9-10 tuổi như sau:

1. Giám sát chứ không kiểm soát

Tâm lý trẻ 8 đến 10 tuổi thích sự độc lập, tự do, muốn được khẳng định bản thân và đề cao sự riêng tư. Vì thế, với trẻ ở độ tuổi này, phụ huynh nên cho con quyền được có không gian riêng, cho con bày tỏ quan điểm, ý kiến của bản thân mình.

Dĩ nhiên, trẻ độ tuổi này chưa thể phân biệt chính xác đúng sai, rất dễ đi lệch hướng. Do đó, sự tự do, riêng tư của con cần nằm trong tầm quan sát của ba mẹ. Đừng bắt con phải làm thế này thế kia, phải nhất nhất nghe lời ba mẹ. Không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, kiểm soát con trong mọi hành động, lời nói.

2. Tôn trọng và lắng nghe trẻ

Trẻ ở độ tuổi này biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Trẻ có thể kìm nén cảm giác bất công, đến khi gặp ba mẹ, bạn bè hoặc ở một mình mới thể hiện. Vì thế, cha mẹ đừng chủ quan cho rằng trẻ trông rất ổn, rất bình thường mà la mắng, chỉ trích con.

Cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian lắng nghe, chia sẻ để hỗ trợ tâm lý cho con
Cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian lắng nghe, chia sẻ để hỗ trợ tâm lý cho con

Để hỗ trợ trẻ phát triển tâm lý, hãy học cách làm bạn với con. Luôn tôn trọng, lắng nghe, cho trẻ nói ra những suy nghĩ, khuyến khích con bày tỏ quan điểm của chính mình. Dù bận rộn đến đâu, cũng nên dành thời gian để quan tâm, lắng nghe con tâm sự và đưa ra sự hỗ trợ kịp thời khi con cần.

3. Định hướng và trao quyền cho trẻ

Cha mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con. Vì thế, hãy là người định hướng để con nhận thức được giá trị của bản thân. Bắt đầu từ việc giúp phát triển kỹ năng, xây dựng sự tự tin. Đồng thời, ba mẹ nên:

  • Khuyến khích con tham gia các hoạt động trường lớp, cộng đồng
  • Cùng con đặt ra mục tiêu, danh sách nhiệm vụ cần thực hiện
  • Giao cho con thực hiện các công việc nhà phù hợp độ tuổi
  • Trao đổi với con việc học tập các kỹ năng mới…

Ngoài định hướng, phụ huynh cũng cần trao quyền cho trẻ. Trẻ trong độ tuổi này mong muốn được độc lập, được tôn trọng. Cách để bạn thể hiện sự tôn trọng với trẻ:

  • Cho quyền quyền được lựa chọn hoạt động trong phạm vi giới hạn của cha mẹ
  • Cho con quyền được từ chối khi trẻ không muốn tham gia hoạt động
  • Cho phép con được tự do lựa chọn thực đơn cho gia đình
  • Cho con một ngân sách nhỏ để con có thể mua quần áo hoặc đồ con thích
  • Cho con được tham gia trao đổi, đóng góp các hoạt động chung của gia đình.

4. Không so sánh và gây áp lực quá mức cho trẻ

Trẻ em hiện nay phải đối mặt với nhiều áp lực vô hình trong cuộc sống. Trẻ ít được tiếp xúc với thiên nhiên, tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường xã hội. Rất nhiều trẻ bị trầm cảm, rối loạn lo âu…

Do đó, phụ huynh không nên so sánh con với bất cứ đứa trẻ nào khác, đừng để trẻ ám ảnh bởi điệp khúc “con nhà người ta”. Kỳ vọng trẻ nổi bật, tài giỏi là cần thiết, nhưng cần phù hợp với năng lực của trẻ, không nên đặt nặng áp lực về thành tích lên vai trẻ.

5. Xây dựng thói quen lành mạnh từ sớm

Những thói quen lành mạnh có thể giúp trẻ phát triển tốt, ổn định về mặt sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu trẻ chưa có nhiều thói quen tốt, hãy xây dựng từ giai đoạn này để định hình lại tính cách con trẻ. Có thể giúp trẻ phát triển tâm lý bằng cách:

  • Làm gương và khuyến khích trẻ đọc sách
  • Cùng trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm khám phá
  • Cùng trẻ tích cực vận động, rèn luyện sức khỏe, chăm sóc bản thân
  • Dạy trẻ các kỹ năng như quản lý thời gian, nấu ăn, giặt quần áo
  • Thực hành lắng nghe chủ động và khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc
  • Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và uống đủ nước
  • Thực hành lòng biết ơn, chia sẻ cảm xúc mỗi ngày…

6. Giáo dục giới tính và kỹ năng tự bảo vệ

Trẻ cần được giáo dục giới tính và trang bị các kỹ năng cần thiết trước khi bước vào tuổi dậy thì. Việc để trẻ tự tìm hiểu về giới tính trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay rất nguy hiểm. Điều này dễ khiến trẻ phát triển lệch lạc, tiếp xúc với các thông tin tiêu cực, độc hại.

Phụ huynh nên giáo dục con về sự khác biệt giới tính, cho con biết những thay đổi khi con bước vào tuổi dậy thì. Đặc biệt, khi con có nhược điểm trên cơ thể, tuyệt đối không nên chê bai như “người con bẩn thế”, “con béo thế”, “người con hôi thế”… Những lời chê bai khiến trẻ mất tự tin và dần có khoảng cách hơn với cha mẹ.

Cần cho con biết cách để con cải thiện vấn đề của bản thân. Hướng dẫn con cách khắc phục, cách chăm sóc chính mình. Đồng thời, phải dạy con kỹ năng tự bảo vệ chính mình. Chẳng hạn không đến nơi vắng vẻ, cảnh giác với người lạ, biết hét lên khi có người có ý đồ xấu với mình…

Giai đoạn 8-9-10 tuổi là thời điểm trẻ phát triển tâm sinh lý mạnh mẽ, cần được quan tâm và hỗ trợ. Tâm lý trẻ 8-9-10 tuổi không ổn định, thay đổi thất thường, trẻ dễ cảm thấy choáng ngợp, hoang mang với các thay đổi của chính mình. Đừng tỏ ra bực bội, khó chịu khi trẻ bước vào tuổi “ẩm ương”, hãy nhớ rằng, chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, cũng từng nổi loạn như thế nào.

Có thể bạn quan tâm:

Nguồn tham khảo:

  • VnExpress
  • fkidcentraltn.com/development/8-10-years/social-and-emotional-development-ages-8-10.html
  • https://www.parents.com/8-year-old-developmental-milestones-620729

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trầm cảm nội sinh là loại trầm cảm không liên quan đến các sự kiện hoặc yếu tố môi trường
Trầm cảm nội sinh là gì? Nguy hiểm không? Điều cần biết

Trầm cảm nội sinh nội sinh là một rối loạn trầm cảm nghiêm trọng, đặc trưng bởi cảm giác chán nản, buồn bã kéo dài...

Trầm cảm và stress không phải là cùng một vấn đề
Trầm cảm và stress giống hay khác nhau? Mối liên hệ

Rất nhiều người nhầm lẫn giữa trầm cảm và stress, cho rằng hai vấn đề này là một. Thế nhưng, trầm cảm và stress tuy...

Học quá nhiều có thể khiến trẻ dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý
7 Tác hại của việc học quá nhiều đối với trẻ cha mẹ nên biết

Học tập giúp trẻ tăng cường kiến thức, tầm nhìn, khả năng tư duy. Tuy nhiên, học quá nhiều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng...

Rất nhiều người băn khoăn không biết tại sao người trầm cảm lại tự tử
Tại sao người trầm cảm muốn tự tử? Điều cần biết

Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần nguy hiểm, phức tạp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây...