Phát triển con người là gì? Chỉ số phát triển con người nước ta

Chỉ số phát triển con người là thước đo mức độ phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Với ba tiêu chí sức khỏe, giáo dục và thu nhập, HDI còn phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân. Thực tế này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Phát triển con người là gì?

Phát triển con người là quá trình mở rộng quyền tự do và cơ hội cho mọi người, nhằm cải thiện phúc lợi của mình. Người dân cần có quyền tự quyết về việc muốn trở thành ai và sống như thế nào. Khi có nhiều lựa chọn và cơ hội hơn, mọi người sẽ có khả năng cải thiện cuộc sống theo cách mình muốn. Chính vì thế, phát triển con người phải đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển.

phát triển con người là gì
Phát triển con người tạo cơ hội cho mọi người cải thiện cuộc sống một cách tự do

Khái niệm phát triển con người được đề xuất bởi nhà kinh tế học Mahbub ul Haq nhấn mạnh biện pháp như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không đủ để đánh giá phúc lợi thực sự của con người. Ông cho rằng để phát triển bền vững, xã hội cần tập trung vào năng lực của mỗi cá nhân bao gồm sức khỏe, giáo dục và khả năng tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống. Chỉ khi đó, con người mới có thể đạt được cuộc sống viên mãn.

Chỉ số phát triển con người là gì?

Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI) là một thước đo tổng hợp đưa ra nhằm đánh giá mức độ phát triển con người của các quốc gia. Thay vì chỉ dựa trên các chỉ số kinh tế như GDP, HDI đo lường sự tiến bộ của con người qua 3 yếu tố chính: sức khỏe, giáo dục và mức sống. Nó ra đời nhằm thay thế cho số liệu kinh tế đơn thuần khi đánh giá sự phát triển của một quốc gia.

Chỉ số HDI được giới thiệu vào năm 1990 bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để thay thế cho các số liệu kinh tế truyền thống. Mục tiêu của HDI là tập trung vào phát triển con người mà sức khỏe, học vấn và thu nhập được coi là nền tảng của cuộc sống hạnh phúc. Chỉ số này giúp chính phủ các quốc gia có cái nhìn thực tế hơn về chất lượng sống và thúc đẩy cải thiện chính sách phát triển nhằm nâng cao phúc lợi cho mọi người.

chỉ số phát triển con người là gì
Chỉ số phát triển con người được tính dựa trên sức khỏe, giáo dục và thu nhập người dân

3 chỉ số thành phần của HDI:

  • Sức khỏe: đo bằng tuổi thọ trung bình khi sinh.
  • Giáo dục: đo bằng số năm đi học dự kiến và số năm đi học trung bình.
  • Mức sống: đo bằng Tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người.

Công thức tính HDI: HDI = (Chỉ số sức khỏe * Chỉ số giáo dục * Chỉ số thu nhập)^(1/3)

Tiêu chuẩn phân nhóm HDI:

  • Nhóm phát triển rất cao: HDI >= 0,800.
  • Nhóm phát triển cao: 0,700 <= HDI < 0,800.
  • Nhóm phát triển trung bình: 0,550 <= HDI < 0,700.
  • Nhóm phát triển thấp: HDI < 0,550.

Ý nghĩa của chỉ số phát triển con người

Chỉ số phát triển con người (HDI) đã trở thành một thước đo quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia và làm nổi bật chất lượng cuộc sống của con người. Hơn nữa:

  • HDI khuyến khích các nhà hoạch định chính sách chú ý vào chất lượng sống thực tế con người và năng lực hơn là chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế.
  • Khác biệt HDI giữa các quốc gia khuyến khích các cuộc tranh luận và điều chỉnh chính sách, nhất là về giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.
  • HDI không chỉ được dùng để so sánh giữa các quốc gia, mà còn áp dụng để nêu lên sự chênh lệch phát triển giữa các tỉnh, thành phố hoặc giữa các nhóm dân tộc và giới tính trong một quốc gia.
  • Sử dụng HDI giúp các quốc gia theo dõi sự tiến bộ của mình qua thời gian, để chính phủ điều chỉnh chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo phúc lợi bền vững cho người dân.
  • HDI nhấn mạnh rằng con người vừa là tài nguyên vừa là mục tiêu cuối cùng của sự phát triển với việc đảm bảo sức khỏe, tri thức và mức sống ổn định cho mọi công dân.
lợi ích chỉ số phát triển con người
Chỉ số HDI khuyến khích các nhà lãnh đạo có chính sách đảm bảo phúc lợi cho người dân

Chỉ số phát triển con người Việt Nam và các chỉ số thành phần

Đối với Việt Nam, HDI không chỉ là con số phản ánh sự tiến bộ về kinh tế mà còn thể hiện những bước chuyển mình lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ khi chỉ số đó ra đời, Việt Nam đã có nhiều bước phát triển đáng kể trong các lĩnh vực giáo dục và y tế cùng nỗ lực không ngừng để giảm nghèo. Qua từng năm, quốc gia đã không ngừng cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng toàn cầu.

1. Những tiến bộ về chỉ số HDI

Năm 2017, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt 0,694, đứng thứ 116/189 quốc gia, thuộc nhóm có mức phát triển con người trung bình cao. Chỉ cần thêm 0,006 điểm nữa, Việt Nam có thể gia nhập nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người cao. Đây là kết quả của những cải tiến rõ rệt trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Tuổi thọ trung bình của người dân lúc này đạt 76,5 năm, xếp thứ 2 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Hàn Quốc. Số năm đi học trung bình cũng vượt khu vực để đạt 8,2 năm, cao hơn mức trung bình của Đông Á và Thái Bình Dương.

Đến năm 2018, Việt Nam đạt tiến bộ đáng kể khi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 1 về giảm nghèo. Chỉ số nghèo đa chiều lúc bấy giờ là 0,0197, đứng thứ 31/105 quốc gia. Đặc biệt, với hướng phát triển vì con người, Việt Nam có vị trí HDI cao hơn thứ hạng về thu nhập, phản ánh việc chú trọng đến sức khỏe và giáo dục bên cạnh phát triển kinh tế.

thực trạng chỉ số phát triển con người
Chỉ số HDI đạt được tiến bộ tăng trưởng các chỉ số thành phần một cách đáng kể

Bước sang năm 2019, Việt Nam chính thức gia nhập nhóm quốc gia có chỉ số phát triển con người cao với HDI đạt 0,706. Dù chỉ tăng 0,024 điểm so với năm 2016, nhưng sự tiến bộ này cho thấy chất lượng sống người dân Việt Nam đang ngày càng cải thiện dù vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Brunei và Malaysia.

Chỉ số HDI của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với mức đạt 0,706 (2020), đánh dấu tốc độ tăng bình quân hàng năm 0,9% trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy ở nhóm cao, chỉ số HDI của Việt Nam vẫn chỉ ở mức thấp trong nhóm này. Trong giai đoạn này, HDI tại các tỉnh thành trực thuộc Trung ương đều có sự cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều vùng sâu xa như Tây Nguyên và miền núi phía Bắc có chỉ số thấp hơn hẳn so với cả nước.

Chỉ số Bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam năm 2021 tiếp tục được cải thiện, đạt 0,296 và xếp hạng 71/170 quốc gia. Tỷ lệ trẻ em gái tham gia giáo dục và phụ nữ gia nhập lực lượng lao động tăng là minh chứng cho sự tiến bộ trong phát triển con người của Việt Nam.

Từ năm 1990 – năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể về chỉ số HDI, tăng gần 50%, từ 0,492 lên 0,726. Đến năm 2022, Việt Nam đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy sự tiến bộ liên tục trong hơn 30 năm qua.

chỉ số phát triển con người Việt Nam
HDI ở các tỉnh thành khó khăn của Việt Nam vẫn còn thấp so với cả nước

Mặc dù tốc độ tăng trưởng HDI đã chậm lại trong thập kỷ qua, do mức thu nhập và tuổi thọ trung bình đã đạt mức khá cao, sự cải thiện về HDI vẫn là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Việt Nam.

2. Các chỉ số thành phần

Từ năm 2016 – 2020, cả 3 chỉ số thành phần của HDI tại Việt Nam đều có xu hướng tăng, với tốc độ cải thiện rõ rệt ở chỉ số giáo dục. Dù Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng nhưng vẫn cần tiếp tục nỗ lực để khắc phục hạn chế còn tồn đọng.

Cụ thể, HDI của Việt Nam vẫn còn đứng ở mức thấp thứ 7 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 28 ở châu Á và thứ 116/158 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dữ liệu so sánh.

  • Sức khỏe:

Trong 3 chỉ số thành phần, sức khỏe được thể hiện qua tuổi thọ trung bình đạt mức cao nhất. Việt Nam ghi nhận tuổi thọ trung bình là 73,7 năm, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và vượt mức trung bình của khu vực (72 năm) cũng như mức trung bình của châu Á và thế giới (73 năm).

Kết quả này đã phản ánh hệ thống y tế toàn diện từ cơ sở đến trung ương. Đồng thời có nhiều cải thiện trong công tác y tế và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn còn thách thức như tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, số giường bệnh bình quân còn thấp và nhiều lao động khu vực không chính thức thiếu bảo hiểm y tế (BHYT).

chỉ số thành phần phát triển con người
Hệ thống y tế Việt Nam phát triển mang lại chỉ số sức khỏe cùng tuổi thọ trung bình cao
  • Thu nhập:

Chỉ số thu nhập (GNI tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương) của Việt Nam đạt mức 0,664 (2020), là chỉ số cao thứ 2/3 thành phần. Tuy nhiên do điểm xuất phát thấp, GNI bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 7 ở Đông Nam Á và thứ 81 trên thế giới. Dù nền kinh tế đã tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tỷ lệ tăng trưởng năng suất lao động khá, Việt Nam vẫn đối diện với nguy cơ tụt hậu do sự gia tăng nhanh chóng của cơ cấu dân số già.

  • Giáo dục:

Chỉ số giáo dục của Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể qua các năm từ 0,618 (2016) lên 0,664 (2020). Các địa phương có chỉ số giáo dục cao nhất bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục vẫn còn đối diện với nhiều thách thức bao gồm mật độ học sinh trong lớp quá cao ở các đô thị lớn, cần cải thiện cơ cấu đào tạo giữa lý thuyết và thực hành,….

Chỉ số HDI có ảnh hưởng đến người lao động Việt Nam hay không?

Chỉ số phát triển con người (HDI) không chỉ là một thước đo quan trọng về sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia mà còn có tác động trực tiếp đến đời sống và thu nhập của người lao động.

HDI là gì
Chỉ số phát triển con người cao chứng tỏ thu nhập của người lao động tăng theo
  • Chỉ số HDI tăng cao đồng nghĩa với việc nền kinh tế phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người tăng. Điều này giúp cải thiện mức lương của người lao động để có cuộc sống ổn định và thoải mái hơn.
  • HDI cao thể hiện chất lượng nhân lực được nâng cao, đồng nghĩa với việc năng suất lao động cải thiện. Khi trình độ và kỹ năng của người lao động ngày càng tốt, thu nhập cũng sẽ tăng theo.
  • HDI phản ánh chất lượng cuộc sống tốt hơn, giúp người lao động có môi trường sống và làm việc ổn định. Đồng thời có nhiều động lực để cống hiến, nâng cao kỹ năng nhằm tăng thu nhập.
  • HDI cao thường đi cùng với các chính sách hỗ trợ người lao động và môi trường pháp lý vững chắc. Nó giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và thúc đẩy sự phát triển sức khỏe toàn diện.

Chỉ số phát triển con người không chỉ giúp mỗi quốc gia đánh giá hiện tại mà còn định hướng cho tương lai. Sự phát triển bền vững và toàn diện cần được đặt lên hàng đầu để đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ những thành quả của sự phát triển xã hội.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • gso.gov.vn, vneconomy.vn, dangcongsan.vn,…
  • https://www.who.int/data/nutrition/nlis/info/human-development-index
  • https://ourworldindata.org/human-development-index
  • https://measureofamerica.org/human-development/
  • https://hdr.undp.org/data-center

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *