Các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được áp dụng hiện nay
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ 0 – 6 tuổi. Các phương pháp này sở hữu rất nhiều ưu điểm nổi bật, được nghiên cứu đánh giá và được áp dụng rộng rãi trên tại nhiều quốc gia.
Giáo dục sớm là gì?
Theo định nghĩa của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc), giáo dục sớm là quá trình cung cấp các trải nghiệm học tập cho trẻ trong giai đoạn từ 0 – 8 tuổi. Đây là thời điểm não bộ trẻ có sự phát triển mạnh mẽ, có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới.
Giáo dục sớm là các chương trình giáo dục được thiết kế cho trẻ theo độ tuổi. Nhằm kích thích phát triển não bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. Theo nghiên cứu của nhóm Giáo sư Richard Weissbourd (Đại học Harvard), có 3 giai đoạn vàng trong quá trình phát triển trí não của trẻ. Lần lượt là giai đoạn 0 – 3 tuổi, giai đoạn 5 – 7 tuổi và giai đoạn 8 – 10 tuổi.
Việc nắm bắt các giai đoạn cao điểm và rèn luyện trí não con đúng cách sẽ giúp trẻ tăng cường kỹ năng tư duy, trở nên thông minh, nhanh nhạy hơn. Quá trình giáo dục trẻ cần được tiến hành một cách khoa học, hợp lý, không nên chỉ tập trung quá mức vào kích thích trí tuệ mà cần đa dạng, toàn diện về cả thể chất, tình cảm và xã hội.
Có nên giáo dục sớm cho trẻ không? – Lợi ích của giáo dục sớm
Rất nhiều phụ huynh băn khoăn không biết có nên giáo dục sớm cho trẻ không. Bởi lẽ chúng ta cho rằng, trẻ còn quá nhỏ để học và thường nghe câu “nó có tí tuổi biết gì đâu mà học”, cho trẻ học sớm mất tuổi thơ con. Tuy nhiên, giáo dục sớm không phải là bắt con học thật nhiều mà là phương pháp kích thích trẻ phát triển tư duy, trí tuệ, cảm xúc.
Những lợi ích của việc giáo dục sớm cho trẻ có thể kể đến như:
1. Kích thích não bộ phát triển vượt bậc
Từ 0 – 8 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ phát triển não bộ toàn diện. Trong đó, trước 3 tuổi, trẻ phát triển khoảng 60 – 70% não bộ, đến 6 tuổi, sự phát triển của não bộ trẻ đã sấp sỉ 100%, từ sau 10 tuổi, não bộ của trẻ cơ bản đã hoàn thiện. Sau 15 tuổi, não bộ hầu như không có sự thay đổi.
Việc hỗ trợ phát triển tư duy, trí tuệ trong giai đoạn sớm từ 0 – 6 tuổi rất cần thiết trong quá trình phát triển não bộ ở trẻ. Theo thống kê, trong độ tuổi từ 0 – 2 tuổi, não bộ trẻ có thể thiết lập tới 700 kết nối nơ ron thần kinh. Sự kết nối sẽ ngày càng giảm nếu não bộ trẻ không được kích thích và rèn luyện đúng cách.
2. Tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai
Giáo dục sớm giúp trẻ phát triển tốt về mặt tư duy trí tuệ, là nền tảng vững chắc để trẻ phát triển trong tương lai. Giáo dục sớm giúp trẻ có khả năng ghi nhớ tốt, biết cách tư duy, tưởng tưởng, linh hoạt, tự tin hơn trong việc xử lý tình huống.
3. Phát triển kỹ năng xã hội và tình cảm
Các phương pháp giáo dục sớm không chỉ chú trọng việc kích thích phát triển trí não mà còn hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng xã hội. Trẻ được tham gia các hoạt động nhóm, có kỹ năng hợp tác, giao tiếp với người khác. Điều này giúp trẻ có khả năng quản lý cảm xúc, biết cách kết bạn và duy trì mối quan hệ bạn bè.
4. Nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi, tạo thói quen học tập từ sớm
Điểm hạn chế của phương pháp giáo dục truyền thống chính là nhiều người không biết tiềm năng, đam mê của bản thân là gì. Hậu quả là chúng ta học tập không có mục tiêu, học một cách thụ động và lựa chọn ngành học theo xu hướng xã hội.
Với giáo dục sớm, trẻ được kích thích sự tìm tòi, khám phá, được thử thách bản thân trong nhiều lĩnh vực. Giáo dục sớm giúp ba mẹ sớm phát hiện điểm mạnh, điểm yếu của trẻ, từ đó định hướng trẻ phát triển tối đa tiềm năng của bản thân. Đồng thời, giáo dục sớm cũng giúp trẻ tạo thói quen học tập và không kháng cự với việc học khi lớn lên.
5. Hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện
Các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ chủ yếu lồng ghép giáo dục vào trò chơi, giúp trẻ vừa học tập, vừa vui chơi, vận động. Trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh, vận động thô, xây dựng thói quen, nề nếp, lối sống lành mạnh từ nhỏ.
Các phương pháp giáo dục sớm không quan trọng trẻ phải nhớ bài học, nhồi nhét kiến thức, bắt trẻ học thuộc, ghi nhớ mọi thứ. Giáo dục sớm đơn thuần cho trẻ làm quen với kiến thức mới, có phương pháp cụ thể rõ ràng, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
7 Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được đánh giá cao
Thông thường, trẻ từ 6 tuổi sẽ được tiếp nhận chương trình giáo dục tiểu học. Giáo dục sớm là cách gọi của các phương pháp dạy trẻ, được áp dụng cho trẻ từ 0 – 6 tuổi. Trẻ được giáo dục ở giai đoạn này bằng phương pháp đúng đắn sẽ giúp con phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ. Có thể giúp con hình thành những thói quen tốt, có nền tảng phát triển vững chắc.
Có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được giới khoa học ghi nhận và đánh giá cao. Có thể đến như:
1. Phương pháp Glenn Doman
Phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman do giáo sư người Mỹ Glenn Doman cùng các cộng sự phát triển. Phương pháp này áp dụng được cho trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi, trong đó, độ tuổi từ 0 – 2 tuổi là phù hợp nhất.
Glenn Doman là phương pháp giáo dục trẻ thông qua các giáo cụ trực quan. Chủ yếu sử dụng bộ công cụ hỗ trợ là FlashCard hoặc DotCard. Ba mẹ sẽ tiến hành giới thiệu chủ đề, giơ thẻ nhanh và tráo thẻ gọn gàng để con phát triển khả năng ghi nhớ.
Glenn Doman phát triển dựa trên khả năng chụp ảnh nguyên mảng của não phải. Thông qua học liệu trực quan, não phải của trẻ sẽ phát triển tốt khả năng ghi nhớ, xử lý cũng như phân tích logic.
Đặc trưng của phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman:
- Độ tuổi: Từ 0 – 6 tuổi, trong đó tốt nhất là giai đoạn 3 tháng đến 2 tuổi
- Triết lý giáo dục: Sự dẫn dắt, đồng hành của ba mẹ trong quá trình học tập của con. Ba mẹ là những người thầy đầu tiên giúp trẻ phát triển.
- Mục đích: Kích thích phát triển não phải của trẻ, tạo tiền đề cho sự phát triển tư duy logic, khả năng phân tích, ghi nhớ, xử lý trong tương lai.
- Phương pháp: Sử dụng thẻ Flashcard và các bài tập vận động để kích thích trí tuệ, thể chất.
- Ưu điểm: Hỗ trợ trẻ phát triển khả năng cảm nhận, kích thích khả năng học hỏi, giúp con hình thành thói quen và sự thích thú trong học tập. Giúp gắn kết tình cảm gia đình, tạo điều kiện để ba mẹ hiểu hơn về năng khiếu và sở thích của con.
Flashcard, Dotcard chỉ là công cụ hỗ trợ, không có thì vẫn có thể áp dụng phương pháp này được. Glenn Doman là phương pháp giáo dục sớm có chi phí thấp, giáo cụ dễ tìm. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc và sự hiểu biết của ba mẹ và sự phối hợp của trẻ.
2. Phương pháp giáo dục Montessori
Montessori là phương pháp giáo dục sớm được phát triển bởi tiến sĩ người Ý Maria Montessori. Phương pháp này lấy trẻ làm trung tâm, các hoạt động sẽ do chính trẻ dẫn dắt. Trong khi đó, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ thay vì là người trung tâm truyền giảng kiến thức như thông thường.
Montessori cũng giáo dục trẻ thông qua các giáo cụ trực quan. Tuy nhiên, ở phương pháp này trẻ được tự do khám phá và trải nghiệm. Phương pháp Montessori đề cao sự tự lập, tự phát triển của trẻ. Đồng thời, trẻ cũng được giáo dục, phát triển thông qua bộ giáo cụ phù hợp.
Đặc trưng của phương pháp giáo dục sớm cho trẻ Montessori:
- Độ tuổi: Từ 0 – 6 tuổi, trong đó hiệu quả nhất là trẻ từ 3 – 6 tuổi
- Triết lý giáo dục: Trẻ được quyền lựa chọn các hoạt động mà mình muốn tham gia, là trung tâm của mọi hoạt động. Lớp học của trẻ sẽ gồm nhiều độ tuổi khác nhau. Có sự kết hợp hài hòa giữa toán học, khoa học, tri thức xã hội và kỹ năng mềm. Trẻ được khuyến khích tự học, tự phát triển khả năng bản thân.
- Phương pháp: Khuyến khích sự tự lập và tự tin ở trẻ, tập trung vào việc học thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế. Sử dụng giáo cụ để biệt để trẻ phát triển tư duy, vận động, ngôn ngữ.
- Mục tiêu: Giúp con trở thành những người tự lập, có tinh thần trách nhiệm cao. Giúp con được phát triển toàn diện về tư duy trí tuệ.
3. Phương pháp giáo dục STEAM
Phương pháp STEAM là phương pháp tích hợp 5 lĩnh vực gồm Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Nghệ thuật (Art) và toán học (Mathematics). Đây là phương pháp giáo dục hiện đại, được đánh giáo cao về hiệu quả, phù hợp với thời đại mới.
Đặc trưng của phương pháp STEAM như sau:
- Độ tuổi: Từ 0 – 6 tuổi, tuy nhiên chủ yếu là từ 3 – 5 tuổi
- Triết lý giáo dục: Tích hợp 5 lĩnh vực trong giảng dạy trẻ. Trẻ được khuyến khích phát triển tư duy phản biện, tư duy sáng tạo. Trẻ được học liên ngành và được tạo điều kiện áp dụng kiến thức vào tình huống thực tế. Giáo viên là người hướng dẫn, cộng tác trong quá trình học tập của trẻ.
- Phương pháp: Sử dụng các dự án, hoạt động thực hành để trẻ tham gia trải nghiệm. Trẻ được khuyến khích hợp tác, làm việc nhóm, phát triển khả năng xã hội. Tổ chức các chương trình vận động, hoạt động trải nghiệm để trẻ tham gia, học tập và phát triển.
- Môi trường học tập: Môi trường học tập linh hoạt, kết hợp với công cụ, thiết bị công nghệ hỗ trợ.
- Mục tiêu: Giúp trẻ phát triển tư duy phản biện, óc sáng tạo, kỹ năng mềm, kỹ năng xử lý tình huống. Trang bị kỹ năng cần thiết về ngành nghề trong tương lai.
4. Phương pháp giáo dục Reggio Emilia
Reggio Emilia là phương pháp giáo dục được phát triển từ thành phố Reggio Emilia của Ý. Phương pháp này tập trung thúc đẩy trẻ phát triển toàn diện từ khả năng tư duy sáng tạo đến kỹ năng xã hội. Nguyên tắc của phương pháp này là lấy trẻ làm trung tâm, từ đó tạo cho trẻ không gian và môi trường phù hợp để tự do khám phá.
Đặc trưng của phương pháp giáo dục sớm cho trẻ Reggio Emilia:
- Độ tuổi: 0 – 6 tuổi, chủ yếu là trẻ từ 3 – 6 tuổi
- Triết lý giáo dục: Trẻ là trung tâm, môi trường học tập được xem như “giáo viên thứ ba”. Giáo viên là người học cùng, có vai trò khuyến khích trẻ tương tác, khám phá, sáng tạo thông qua các dự án dài hạn. Tôn trọng ý tưởng và tiềm năng của trẻ.
- Phương pháp: Sử dụng các dự án học tập dài hạn để kích thích sự tò mò, hứng thú của trẻ. Môi trường học tập đa dạng, linh hoạt, khuyến khích trẻ sáng tạo qua các hình thức nghệ thuật như điêu khắc, vẽ… Tạo điều kiện để trẻ làm việc nhóm, hợp tác cùng các bạn.
- Mục tiêu: Tạo môi trường học tập phong phú, đa dạng, thúc đẩy khả năng sáng tạo, tư duy phản biện. Kích thích khả năng tự thể hiện và sự tự tin ở trẻ.
5. Phương pháp giáo dục HighScope
Phương pháp giáo dụng HighScope được phát triển bởi hai nhà tâm lý học nổi tiếng là John Dewey và Jean Piaget. Đây là một trong những phương pháp giáo dục nổi tiếng ở Mỹ và Châu Âu. Phương pháp này được chứng minh về hiệu quả, có khoảng 70% trẻ được giáo dục theo HighScope có chỉ số IQ trên 90 khi lên 5 tuổi.
Đặc trưng của phương pháp giáo dục HighScope:
- Độ tuổi: Từ 0 – 6 tuổi
- Triết lý giáo dục: Tập trung vào sự chủ động của trẻ trong việc lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá theo mô hình “Plan-Do-Review) để thúc đẩy sự tự lập, tư duy phản biện. Phân loại lĩnh vực xã hội, kiến thức, thể chất thành 8 phần chính với 58 chỉ số phát triển để ghi nhận, quan sát, đánh giá về việc học của trẻ.
- Phương pháp: Sử dụng cấu trúc “Plan-Do-Review để trẻ lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá. Môi trường học tập sắp xếp theo các khu vực cụ thể. Trẻ được khuyến khích tự chọn, tự thực hiện các hoạt động. Giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn hỗ trợ.
- Mục tiêu: Phát triển khả năng tự lập, khả năng tự giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Nâng cao kỹ năng xã hội và kỹ năng làm việc nhóm.
6. Phương pháp giáo dục Steiner
Phương pháp giáo dục Steiner được phát triển bởi nhà triết học Rudolf Steiner Joseph Lorenz người Áo. Phương pháp này phổ biến sớm ở nhiều nước trên thế giới, hiện là một trong những phương pháp giáo dục sớm được đánh giá cao.
Đặc trưng của phương pháp giáo dục sớm cho trẻ Steiner:
- Độ tuổi: 0 – 6 tuổi
- Triết lý giáo dục: Nhấn mạnh sự phát triển theo từng độ tuổi. Tập trung vào việc phát triển các khía cạnh nghệ thuật, trí tuệ và thực hành ở trẻ. Hướng đến giáo dục theo cách tiếp cận toàn diện, kết hợp hoạt động ngoài trời cùng học tập, nghệ thuật, thủ công.
- Phương pháp: Học thông qua hoạt động thực tế, nghệ thuật, âm nhạc, thủ công. Tạo môi trường linh hoạt để trẻ khám phá, trải nghiệm. Khuyến khích trẻ tự do sáng tạo, phát triển tư duy và thể hiện bản thân.
- Mục tiêu: Khuyến khích sáng tạo, sự tự tin, phát triển trí tuệ, cảm xúc, kỹ năng xã hội của trẻ. Tạo môi trường học tập linh hoạt, không áp lực, tôn trọng nhịp độ phát triển tự nhiên của trẻ.
7. Phương pháp giáo dục Shichida
Phương pháp giáo dục Shichida được phát triển bởi giáo sư Makoto Shichida Nhật Bản. Phương pháp này được giáo sư dành hơn 40 năm để nghiên cứu và phát triển. Không chỉ được áp dụng rộng rãi tại Nhật mà còn được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đặc trưng của phương pháp Shichida:
- Độ tuổi: Trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi
- Triết lý giáo dục: Tập trung vào sự phát triển trí tuệ toàn diện của trẻ ở giai đoạn sớm, ngay từ khi trẻ chỉ vài tháng tuổi. Tập trung vào sự phát triển bán cầu não trái và bán cầu não phải. Sử dụng các bài tập, thẻ học, các hoạt động cụ thể để kích thích khả năng ghi nhớ, tư duy sáng tạo.
- Phương pháp: Sử dụng trò chơi trí tuệ, flashcards, các bài tập vận động để kích thích phát triển não bộ, phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng ghi nhớ. Khuyến khích ba mẹ tham gia vào quá trình giáo dục. Tạo môi trường học tập tích cực, thú vị để tối ưu hóa sự phát triển của trẻ.
- Mục tiêu: Thúc đẩy phát triển trí tuệ, tư duy phản biện của trẻ ở giai đoạn sớm. Kích thích phát triển của bán cầu não trái và phải.
Những lưu ý khi chọn phương pháp giáo dục sớm cho trẻ
Có 5 vấn đề đặc biệt quan trọng mà ba mẹ cần lưu ý khi chọn phương pháp giáo dục sớm cho con. Cụ thể gồm:
- Hiểu rõ triết lý giáo dục của phương pháp và độ tuổi giáo dục hiệu quả của phương pháp ấy
- Lựa chọn theo tính cách và nhu cầu của trẻ, nếu trẻ thích cấu trúc rõ ràng thì nên chọn phương pháp Montessori, trẻ thích tự do sáng tạo thì nên chọn Reggio Emilia…
- Quan tâm đến cơ sở vật chất, môi trường học tập và trình độ chuyên môn của giáo viên
- Phương pháp giảng dạy, các hoạt động thường xuyên của môi trường học tập
- Khả năng tài chính của bản thân, sự hỗ trợ tương tác giữa trung tâm giáo dục với phụ huynh.
Chọn một phương pháp giáo dục sớm cho trẻ phù hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ giáo dục sớm được xem là bước đặt nền tảng cho sự phát triển của con trong tương lai. Bằng cách tìm hiểu, xem xét, đánh giá, hy vọng ba mẹ sẽ chọn được một phương pháp phù hợp cho con em mình.
Có thể bạn quan tâm:
- Khi nào nên cho trẻ học tiếng Anh, mấy tuổi là tốt nhất?
- Top 6 Phương pháp rèn luyện tư duy logic cho trẻ hiệu quả nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!